Câu Đằng

Dược liệu Câu Đằng

  1. Tên khoa học: Uncaria sp.
  2. Tên gọi khác:Tính vị, quy kinh: Vị ngọt, tính hơi hàn. Quy vào 3 kinh can, tâm và tâm bào lạc.
  3. Bộ phận dùng: Thân, cành.
  4. Đặc điểm dược liệu: Là đoạn thân hoặc cành có gai hình móc câu. Thân vuông, màu nâu thẫm. Không mùi, vị nhạt.
  5. Phân bố vùng miền: Cao Bằng, Lào Cai.
  6. Thời gian thu hoạch:

I. THÔNG TIN CHI TIẾT:

1. Mô tả thực vật câu đằng

  • Cây nhỡ leo. Cành non có thiết diện vuông góc, có rãnh dọc, khi già có màu xám đen.
  • Lá có cuống ngắn, mọc đối, có lá kèm, ở kẽ lá có gai nhịn mọc cong xuống, cứ một mấu 2 gai lại xen một mấu có gai. Hoa tụ họp thành hình câu mọc đơn độc hoặc  thành chùm ở kẽ lá và đầu cành, lá đài 5, ống gắn, cánh hoa 5, ống tràng dài, nhị 5 dính ở họng tràng.
  • Quả nang dài và dẹt chứa nhiều hạt có cánh.
câu đằng
Dược liệu Câu Đằng

câu đằng

2. Phân bố:

  • Thế giới: Phân bố tập trung ở vùng nhiệt đới và á nhiệt đới châu Á: Malaysia, Ấn Độ,..
  • Việt Nam: Phân bố rải rác khắp các tỉnh miền núi (từ Thanh Hóa trở vào).

3. Bộ phận dùng:

  • Đoạn thân (mấu cành) có gai ở kẽ lá, cong  như lưỡi câu cứng của cây câu đằng.

4. Thu hái, chế biến và bảo quản:

  • Thu hái: Thu hái quanh năm, nhưng nhiều nhất là tháng 7 và 8 vì lúc này các bộ phận gai đã già.
  • Chế biến: Lấy các dây Câu đằng bánh tẻ, chặt lấy các đoạn có móc câu theo kích thước quy định, đem phơi nắng hoặc sấy ở 50 – 60oC đến khô.
  • Bảo quản: Khô ráo, thoáng mát, độ ẩm không quá 12%.

5. Mô tả dược liệu câu đằng

  • Thân vuông, màu nâu thẫm, được cắt đoạn 2 – 3cm, đường kính 2 – 5mm; một đầu thường cắt sát gần móc câu (ở phía trên). Phần lớn mấu thân có hai móc câu cong xuống hướng vào trong, đối diện nhau; một số mấu chỉ có một móc ở một bên và phía đối diện là một sẹo ở cao hơn.
  • Chất cứng, dai, ruột màu trắng vàng hoặc có lỗ.
  • Không mùi, vị nhạt.
  • Lưu ý: loại 2 móc có tác dụng tốt hơn loại 1 móc.

6. Thành phần hóa học:

Thành phần chính là alcaloid. Thân và rễ câu đằng chứa 0,041% alcaloid toàn phần, trong đó rhynchophyllin chứa 28,9% và isorhynchophuylin. Alca;oid được phân bố trong caccs bộ phận như sau:

  •  Móc, thân và lá: rhynchophyllin, isorhynchophyllin, corynoxcin, isocorynoxcin.
  • Thân, lá: valestachotchamin, akumigin, rhynchophin.
  • Vỏ thân, cành: hirsutin, hirsutein.
  • Gỗ: corynanthcin, dihydrocorynanthein.

7. Tác dụng – Công dụng:

  • Tác dụng: Hạ huyết áp, chống loạn nhịp tim, ức chế hưng phấn thần kinh giao cảm, an thần…
  • Công dụng: Chữa kinh giật cho trẻ em, người lớn huyết áp cao, đau đầu, chóng mặt, trúng phong.

8. Cách dùng và liều dùng: 4,0 – 9,0g, sắc uống. Có thể dùng dạng bột.

9. Lưu ý, kiêng kị (nếu có):

  • Không nên sắc câu đằng quá lâu, đôi khi sắc các vị khác gần được mới cho câu đằng vào và để cho sôi 1-2 trào là được.

10. Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Câu Đằng

  • Chữa đau đầu, chóng mặt do huyết áp cao: Câu đằng, cúc hoa, phòng phong, đảng sâm, phục linh, phục thần, trần bì, mạch môn, mỗi vị 15g, thạch cao 30g, cam thảo 7,5g. Tất cả nghiền thành bột mịn, mỗi lần dùng 12g sắc nước uống, bỏ bã.
  • Chữa cao huyết áp: Câu đằng 12g, tang diệp, cúc hoa, hạ khô thảo, mỗi thứ 9g. sắc nước uống. Hoặc câu đằng, thạch quyết minh mỗi thứ 15g, đỗ trọng 9g, hoàng cầm 6g, ích mẫu, hạ khô thảo mỗi thứ 12g. sắc nước uống.
  • Chữa sốt kinh phong, chân tay co giật ở trẻ em: Câu đằng 10-15g, kim ngân hoa 9g, bạc hà 3g, cúc hoa 6g, địa long 6g. Sắc nước uống.
  • Chữa trúng phong: Câu đằng 30g, hàng bạch thược, địa long mỗi thứ 15g, trân châu mẫu 90g, sinh địa hoàng 9g, nước trúc lịch 45ml. Ngày uống 2 thang ở giai đoạn cấp tính và 1 thang ở giai đoạn phục hồi.
  • Chữa liệt thần kinh mặt: Câu đằng 60g, dây hà thủ ô tươi. Sắc nước uống.

Câu Đằng chữa tăng huyết áp, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt:

  1. Câu đằng 10g, xuyên khung 5g, quế chi 3g, cam thảo 2g. Tất cả thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100 ml uống làm 2 lần trong ngày.
  2. Câu đằng 10g, lá dâu 8g, cúc hoa vàng 8g, hạ khô thảo 8g, thảo quyết minh 8g, sao vàng. Sắc uống.
  3. Câu đằng, phòng phong, phục thần, cúc hoa vàng, đảng sâm, phục linh, trần bì, mạch môn, mỗi thứ 15g; thạch cao 30g; cam thảo 7,5g. Tất cả tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày dùng 2 lần, mỗi lần 12g dưới dạng nước sắc.
  4. Câu đằng, thạch quyết minh, ích mẫu, mỗi thứ 12g; hạ khô thảo 10g; đỗ trọng 9g; hoàng cầm 6g. Sắc uống trong ngày.
  5. Câu đằng 12g, kỷ tử, thạch hộc, sa sâm, hạ khô thảo, mạch môn, mẫu lệ, mỗi thứ 8g; trạch tả, địa cốt bì, cúc hoa, táo nhân, mỗi thứ 6g. Sắc uống.

Chữa sốt cao, chân tay co giật, nghiến răng:

  1. Câu đằng 10g, kim ngân hoa 9g, cúc hoa vàng 6g, địa long 6g, bạc hà 3. Tất cả sắc với 200ml nước còn 50 ml, uống làm 1 lần trong ngày.
  2. Câu đằng 10g, thiên ma 10g, bọ cạp 4g, cam thảo 3g, mộc hương 2g, sừng tê giác 2g. Sắc uống.
  3. Câu đằng 12g, răng lợn 12g, đốt cháy; bọ cạp 12g, bỏ đầu, rút ruột, tẩm rượu, sao giòn; kinh giới 40g; thuyền thoái 8g; phèn phi 8g. Tất cả phơi khô, sấy giòn, tán nhỏ, rây bột mịn, luyện với hồ làm viên bằng hạt đỗ xanh. Trẻ em 5-6 tháng tuổi, mỗi lần uống 2 viên; một năm tuổi, mỗi lần 3 viên; 2 năm tuổi mỗi lần 5 viên. Nghiền thuốc với trúc lịch (cây tre non ép lấy nước). Ngày uống 2-3 lần.
  4. Câu đằng 12g, kim ngân hoa 12g, địa long 10g, liên kiều 10g, bọ cạp 3g. Sắc uống hoặc tán bột uống.
  5. Câu đằng 10g, cúc hoa vàng 9g, lá dâu tằm 9g, hoàng cầm 9g, tằm vôi 5g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa trúng phong, liệt thần kinh mặt:

  1. Câu đằng 15g, bạch thược 12g, địa long 12g, trân châu 9g, đại hoàng 9g, trúc lịch 25ml. Sắc uống.
  2. Câu đằng 12g, dây hà thủ ô tươi 24g. Sắc uống trong ngày.

Chú ý: Khi sắc thuốc gần được, mới cho câu đằng vào để cho sôi 1-2 phút, trào là được.

 

 II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU

1. Đặc điểm bột dược liệu:

  • Bột màu nâu.
  • Soi kính hiển vi thấy: Lông che chở đa bào có 5 – 7 tế bào, đầu tế bào thuôn nhọn, thành dày, trên bề mặt chứa chất màu nâu. Sợi tụ lại từng đám, thành dày. Nhiều đám mô cứng có khoang rộng, ống trao đổi rõ. Tinh thể calci oxalat hình cầu gai, mảnh mạch vạch, mạch xoắn.

2. Định tính:

Lấy khoảng 5g bột dược liệu, thấm ẩm bằng dung dịch amoniac (TT), để yên 30 phút, cho thêm 30ml ethylacetat (TT), lắc 5 – 10 phút, để yên 1 giờ. Lọc, lấy dịch lọc cô trên cách thủy đến cắn, thêm vào cắn 5ml dung dịch acid sulfuric 5% (TT), khuấy kỹ, lọc và lấy dịch lọc cho vào các ống nghiệm để làm các phản ứng sau:

  • Ống 1: Thêm 2 giọt thuốc thử Mayer (TT), xuất hiện tủa vàng nhạt.
  • Ống 2: Thêm 2 giọt thuốc thử Dragendorff (TT), xuất hiện tủa đỏ cam.
  • Ống 3: Thêm 2 giọt thuốc thử Bouchardat (TT), xuất hiện tủa nâu.
  • Ống 4: Thêm 2 giọt dung dịch acid picric(TT), xuất hiện tủa vàng.

3. Tiêu chuẩn đánh giá khác:

  •  Độ ẩm: Không quá 12%.
  • Tạp chất: Đoạn thân có gai dài quá 3cm: Không quá 10%.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
  • Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
  • Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006.
  • Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập 1), Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật.

Tham khảo thêm

cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
sam vu diep

Sâm Vũ Điệp

Sâm vũ điệp hay còn gọi tam thất xẻ lá là giống sâm hoang tự nhiên, có tác dụng tốt cho sức khỏe; nâng...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
4
minutes
spot_img