Chỉ Thực

Chỉ nghĩa là cây, thực là quả, là quả trấp hái lúc còn non nhỏ, quả hình bán cầu, một số có hình cầu, đường kính 0,5-2,5 cm

Dược liệu Chỉ Thực

  1. Tên khoa học: Fructus Aurantii immaturus.
  2. Tên gọi khác: Quả trấp. quả chanh chua,
  3. Tính vị, quy kinh: Vị đắng, tính hàn. Quy vào hai kinh tỳ và vị.
  4.  Bộ phận dùng: Quả non.
  5.  Phân bố vùng miền:
  6. Thời gian thu hoạch: Vào tháng 5 – 6.

I. THÔNG TIN CHI TIẾT:

1. Mô tả thực vật:

Cây nhỡ, rậm lá, có gai dài. Lá đơn mọc so le, hình bầu dục, dài 7-10cm. Hoa năm cánh trắng, thơm. Quả hình cầu, kích thước trung bình có đường kính 6-8cm, khi chín màu da cam, mặt ngoài sù sì, vỏ dày, vị đắng nhiều hạt. Cây mọc nhiều ở trong nước.

chỉ thực
Chỉ Thực Dược Liệu

2. Phân bố:

  • Thế giới:
  • Việt Nam: Trồng khắp nơi.

3. Bộ phận dùng:

  • Quả non được bổ đôi hay để nguyên đã phơi hay sấy khô của cây Cam chua.

4. Thu hái, chế biến và bảo quản:

  •  Thu hái: Thu hoạch vào tháng 5 – 6. Nhặt những quả tự rụng, loại bỏ tạp chất, bổ đôi theo chiều ngang những quả có đường kính trên 1cm, quả nhỏ để nguyên phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp.
  • Chế biến: Loại bỏ tạp chất, rửa sạch, ủ mềm, thái lát dày và phơi khô. Lát thái không đều hay tròn dài 2,5, rộng 1,2cm, đường kính 0,3 – 1,5cm. Vỏ ngoài lát thái có màu lục đen hay nâu thẫm, vỏ giữa có màu trắng hơi vàng hay nâu hơi vàng, có 1- 2 hàng túi tinh dầu ở phần ngoài, vỏ trong và tép màu nâu. Chỉ thực sao cám: Cho cám vào chảo, đun đến khi bốc khói, cho chỉ thực dã thái lát vào, sao đến khi bề mặt thuốc chuyển sang màu vàng hay thẫm đều lấy ra loại bỏ cám và để nguội. Dùng 1kg cám cho 10kg dược liệu.
  •  Bảo quản: Nơi khô ráo, thoáng mát.

5. Mô tả dược liệu Chỉ Thực

Dược liệu hình bán cầu, một số hình cầu, đường kính 0,5- 2,5cm. Vỏ ngoài màu lục đen hoặc màu lục đen hoặc màu lục nâu thẫm với những nếp nhăn và những điểm lỗ hình hạt, có vết cuống quả hoặc vết sẹo vòi nhụy. Trên mặt cắt, vỏ quả giữa hơi phồng lên, màu trắng hoặc vàng nâu, dày 0,3- 1,2cm, có 1- 2 hàng túi tinh dầu ở phần ngoài. Vỏ quả trong và múi quả màu nâu. Chất cứng. Mùi thơm mát, vị đắng, hơi chua.

Chỉ thực
Chỉ nghĩa là cây, thực là quả, là quả trấp hái lúc còn non nhỏ, quả hình bán cầu, một số có hình cầu, đường kính 0,5-2,5 cm

6. Thành phần hóa học:

  • Có alcaloid, glucosid, saponin.

7. Công dụng – Tác dụng:

  • Tác dụng: Phá khí, trừ tích, tiêu đờm, hạ khí, tiêu hóa.
  •  Công dụng: Thực tích, thực nhiệt tích ở đại tràng gây táo bón, đờm trọc ứ  trệ ở ngực gây đau trong ngực, ăn không tiêu bụng đầy trướng.

8. Cách dùng và liều dùng:

  • Ngày dùng 3 – 9g, phối hợp trong các bài thuốc.

9. Lưu ý, kiêng kị:

  • Phụ nữ có thai, tỳ vị hư hàn mà không đầy tích thì không nên dùng.

Công Dụng & Bài Thuốc Có Chỉ Thực

Chỉ thực là quả chưa chín phơi hay sấy khô của nhiều loại cây khác nhau thuộc chi Citrus và Poncirus như cây Hương duyên Citrus wilsonii Tanaka; cây Câu quất Poncirus trifoliata (L.) Raf; cây Toan đằng Citrus aurantium L.; cây Đại đại hoa Aurantium L. var amara Engl. và nhiều cây khác thuộc họ Cam qúit ( Rutaceae). Những cây này mọc khắp nơi ở nước ta và tại nhiều tỉnh của Trung quốc như Tứ Xuyên, Giang Tây, Phúc Kiến, Triết Giang, Giang Tô, Hồ Nam.

Theo y học cổ truyền:

Thuốc có tác dụng phá khí tiêu tích, hóa đàm trừ bỉ. Chủ trị các chứng thực tích, bụng đau táo bón, tả lî, mót rặn ( lý cấp hậu trọng), đàm trọc trở trệ, bụng ngực đầy tức.

  • Chỉ thực và Chỉ xác đều có tác dụng cường tim, tăng huyết áp do thành phần chủ yếu Neohesperidin, nhưng không làm tăng nhịp tim. Thuốc có tác dụng co mạch, tăng lực cản của tuần hoàn ngoại vi, tăng co bóp của cơ tim, tăng lượng cGMP của cơ tim và huyết tương chuột nhắt. Chỉ thực còn có tác dụng tăng lưu lượng máu của động mạch vành, não và thận, nhưng máu của động mạch đùi lại giảm.
  • Chỉ thực và Chỉ xác sắc nước đều có tác dụng ức chế cơ trơn ruột cô lập của chuột nhắt, chuột lang và thỏ, nhưng cho chó có gây dò bao tử và ruột thì thuốc lại có tác dụng hưng phấn làm cho nhịp co bóp của ruột và bao tử tăng, đó cũng là căn cứ dược lý của thuốc dùng để trị các chứng sa bao tử, giãn bao tử, lòi dom, sa ruột…

Kết quả thực nghiệm

Chỉ thựcChỉ xác vừa có tác dụng làm giảm trương lực cơ trơn của ruột và chống co thắt vừa có thể hưng phấn tăng nhu động ruột, do trạng thái chức năng cơ thể, nồng độ thuốc và súc vật thực nghiệm khác nhau mà có tác dụng cả hai mặt ngược nhau, như vậy dùng thuốc để điều chỉnh sự rối loạn chức năng đường tiêu hóa ở trạng thái bệnh lý là tốt.

chỉ xác

  • Chỉ thực và Chỉ xác sắc nước có tác dụng hưng phấn rõ rệt đối với tử cung thỏ có thai hay chưa có thai, cô lập hay tại thể, nhưng đối với tử cung chuột nhắt cô lập lại có tác dụng ức chế. Tác dụng hưng phấn tử cung của thuốc là phù hợp với kết quả điều trị sa tử cung có kết quả trên lâm sàng.
  • Chỉ thực có tác dụng lợi tiểu, chống dị ứng, Glucozit của Chỉ thực có tác dụng như Vitamin P làm giảm tính thẩm thấu của mao mạch.

Một số bài thuốc với Chỉ Thực

Trị táo bón:

  • Chỉ thực đạo trệ hoàn ( Nội ngoại thương biện luận): Chỉ thực, Bạch truật, Phục linh, Thần khúc, Trạch tả, Đại hoàng đều 10g, Hoàng liên 4g, Sinh khương 8g, Hoàng cầm 8g, tán bột làm hoàn hoặc sắc uống. Trị: trường vị tích nhiệt, bụng đầy táo bón.
  • Tiểu thừa khí thang ( Thương hàn luận) Chỉ thực, Hậu phác, Đại hoàng lượng bằng nhau sắc uống hoặc tán bột làm hoàn. Trị: táo bón do nhiệt kết.
  • Chỉ kết hoàn ( kinh nghiệm): Chỉ thực, Bồ kết đều 20g tán mịn viên bằng hạt ngô, mỗi ngày uống 10 viên, tối trước lúc ngủ.

Trị rối loạn tiêu hóa, thực tích đầy bụng: dùng các bài:

  • Chỉ truật hoàn ( Kim quỉ yếu lược): Chỉ thực ( mạch sao) 40g, Bạch truật 80g tán bột làm hoàn, mỗi lần uống 4 – 8g tùy tuổi với nước cơm.
  • Khúc mạch chỉ truật hoàn ( y học chính truyện): tức Chỉ truật hoàn gia Mạch nha, Thần khúc lượng bằng Chỉ thực tăng tác dụng tiêu thực.

Trị suy tim:

Tổ nghiên cứu bệnh tim mạch nội khoa Bệnh viện trực thuộc số 1 Trường Đại học Y Hà nam dùng dịch chích ( tương đương 40g thuốc, nặng trên 60kg dùng 60g) cho vào 250ml glucoza 10% nhỏ giọt tĩnh mạch 1 lần. Trị 20 ca có tác dụng cường tim lợi tiểu. Có 4 ca dùng dịch chích Chỉ thực 80g cho vào 10% dung dịch glucoza 500ml, truyền tĩnh mạch ngày 1 lần, một liệu trình là 10 ngày có kết quả tốt. (Tạp chí Trung thảo dược 1980, 4:171)

Trị sa tử cung:

Diệp khắc Nghĩa dùng Thăng đề thang: Chỉ thực, Sung úy tử đều 15g sắc đặc uống 100ml trong một ngày, liệu trình một tháng. Kết quả trị sa tử cung độ 1 được 924 ca, tỷ lệ khỏi 83,87% ( Tạp chí kết hợp Trung tây y 1984, 4:238).

Liều dùng và chú ý:

  • Uống, cho vào thang: 3 – 10g, liều cao có thể 15g.
  • Thận trọng lúc dùng đối với người bệnh tỳ vị hư yếu, phụ nữ có thai.

II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU:

1. Bột:

Bột màu vàng hoặc màu vàng nâu, tế bào vỏ quả giữa hơi tròn hoặc không đều, phần lớn thành dày lên không đều, có dạng chuỗi ngọc. Nhìn trên bề mặt, tế bào biểu bì của vỏ ngoài hình đa giác, gần vuông hoặc hình chữ nhật, lỗ khí hơi tròn, đường kính 18- 26μm, có 5- 9 tế bào kèm. Tinh thể calci oxalat hình lăng trụ có ở tế bào vỏ quả và tế bào múi quả, phần nhiều thấy rõ trong tế bào múi quả, phần nhiều thấy rõ ở trong tế bào sát với biểu bì, hình thoi, hình đa diện hay hình hai nón, đường kính 2- 24μm. Tế bào mô mềm chứa tinh thể hesperidin màu vàng hoặc không màu, có dạng hình cầu hoặc hình khối vô định hình, một số có gợn xuyên tâm, nhiều mảnh vụn túi dầu, cong và hẹp, dài. Ống mạch vân lưới, vân xoắn ốc, quản bào.

2. Định tính:

  • A. Lấy 1g bột dược liệu, thêm 25ml methanol( TT), đun hồi lưu cách thủy trong 30 phút, lọc lấy dịch A để làm các phản ứng sau:

Lấy 5ml dịch lọc (A) (5ml), thêm một ít bột magnesi (TT) và 0,5ml acid hydrocloric (TT), sẽ thấy xuất hiện màu đỏ cam đến đỏ tía.

Lấy 3ml dịch lọc (A), thêm vài giọt dung dịch sắt (III) clorid 5% (TT), sẽ thấy xuất hiện màu nâu.

Lấy 3ml dịch lọc(A), thêm vài giọt dung dịch natri hydroxyd 1% (TT), sẽ thấy màu vàng tăng lên, đôi khi kèm theo một ít tủa

  • B. Sắc kí lớp mỏng (định tính synephrine) (Phụ lục 5.4)

Bản mỏng: Silicagel GF254

Dung môi khai triển: Ethyl acetat – methanol – amoniac (9 : 1 : 0,1).

Dung dịch thử: Bột dược liệu( 5g),làm ẩm bằng amoniac( TT), thêm 30ml ethyl acetat( TT), đun hồi lưu cáh thủy trong 15 phút. Lọc, lắc dịch lọc ethyl acetat với acid clohydrid 1%, (TT) ( 20ml* 2 lần). Gộp các dịch chiết ethyl acetat, cô đến cắn và hòa tan cắn trong 1ml methanol(TT) để làm dịch chấm sắc kí.

Dung dịch đối chiếu: Dung dịch synephrine 0,3% trong methanol (TT).

Cách tiến hành: Chấm lên cùng 1 bản mỏng 10μl dung dịch thử và 10μl dung dịch đối chiếu. Sau khi khai triển, lấy bản mỏng ra cho bay hết hơi dung môi rồi phun thuốc thử ninhydrin, đem sấy bản mỏng ơở 105oC trong 10 -15 phút. Sắc ký đồ dung dịch thử phải có vết có cùng màu sắc( đỏ tía) và cùng giá trị Rf với vết synephrine của dung dịch đối chiếu.

  • C. Sắc kí lớp mỏng (định tính hesperidin) (Phụ lục 5.4)

Bản mỏng: Silicagel F254  tráng sẵn.

Dung môi khai triển

Hệ 1: Ethyl acetat – acid acetic – nước (10 : 1 : 3).

Hệ 2: Benzen – methanol (10 :1)

Dung dịch thử: Dung dịch (A) lấy ở phần định tính bằng phản ứng hóa học

Dung dịch đối chiếu: Dung dịch hesperidin trong methanol (TT) (1mgml), hòa tan bằng phương pháp đun hồi lưu.

Cách tiến hành: Chấm lên cùng bản mỏng 20μl dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Triển khai sắc ký theo kỹ thuật lặp lại 2 lần trên hai hệ dung môi. Sau khi triển khai xong, lấy bản mỏng ra cho bay hết hơi dung môi ở nhiệt độ phòng, phun lên bản mỏng dung dịch sắt (III) clorid 1% trong ethanol 96% và quan sát bản mỏng dưới ánh sáng của đèn tử ngoại ở bước sóng 254nm. Sắc ký ddood của dung dịch thử phải có vết cùng màu sắc và cùng giá trị Rf với vết hesperidin của dung dịch đối chiếu.

3. Các chỉ tiêu đánh giá khác:

  • Độ ẩm: Không quá 12% (Phụ lục 12.13). Dùng dung môi là toluen (TT), cất trong 3 giờ.
  • Tạp chất: Không quá 1% .
  • Tro toàn phần: Không quá 7% .

4. Định lượng:

Cân chính xác khoảng 0,5g bột dược liệu (qua rây 1,25mm), cho vào Soxhlet, thêm 100ml ether dầu hỏa (điểm sôi 30 – 60oC) (TT), đun hồi lưu cách thủy trong 1 giờ và loại bỏ dịch ether. Sau đó chuyển dược liệu sang 1 bình nón 250ml và chiết tiếp bằng cách đun hồi lưu trên cách thủy với methanol (TT) trong 30 phút (50ml 3 lần). Gộp và bốc hơi dịch chiết trên cách thủy cho đến cắn. Thêm vào cắn 5ml nước, khuấy và để yên 10 phút, lọc qua phễu lọc xốp, tiếp tục rửa bằng nước (5ml  4 lần) và loại bỏ nước rửa. Hòa tan cắn trên phễu bằng những lượng nhỏ dung dịch natri hydroxyd 0,2% trong ethanol 70% (TT) cho đến khi dịch lọc không còn màu vàng. Gộp các dịch lọc và chỉnh đến thể tích 100 ml trong bình định mức (dung dịch A). Lắc kỹ, lấy chính xác 2ml dung dịch A, pha loãng thành 25ml bằng dung dịch natri hydroxyd 0,2% trong ethanol 70% (TT). Lắc đều. Sau 1 giờ kể từ khi bắt đầu hòa tan cắn, đo độ hấp thu ở bước sóng 361 ± 1nm. Tính hàm lượng hesperidin (C28H35O15.H2O), lấy 160 là giá trị độ hấp thu của hesperidin (1%, 1cm).

Hàm lượng hesperidin không được thấp hơn 5 % tính trên dược liệu khô kiệt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
  • Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
  • Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
  • Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
  • Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006

Tham khảo thêm

cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
sam vu diep

Sâm Vũ Điệp

Sâm vũ điệp hay còn gọi tam thất xẻ lá là giống sâm hoang tự nhiên, có tác dụng tốt cho sức khỏe; nâng...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
4
minutes
spot_img