Đăng Tâm Thảo

Dược liệu: Đăng Tâm Thảo

  1. Tên khoa học: Medulla Junci effusi.
  2. Tên gọi khác: Cỏ bấc đèn.
  3. Tính vị, quy kinh: Vị ngọt, nhạt, tính vi hàn. Quy kinh tâm, phế, tiểu trường.
  4. Bộ phận dùng: Ruột thân đã phơi hoặc sấy khô của Cỏ bấc đèn.
  5. Đặc điểm sản phẩm: Ruột thân hình trụ tròn nhỏ, đường kính 0,1 – 0,3cm, dài tới 90cm. Mặt ngoài màu trắng hoặc vàng nhạt, có vân dọc nhỏ. Thể nhẹ, sốp, hơi có tính đàn hồi, dễ đứt, mặt đứt màu trắng. Không mùi vị.
  6. Phân bố vùng miền: Trung Quốc, cây mọc hoang và được trồng rải rác ở những nơi ẩm ướt khắp nơi.
  7. Thời gian thu hoạch: Thu hoạch vào mùa hạ đến mùa thu.

I. THÔNG TIN CHI TIẾT:

1. Mô tả thực vật Đăng Tâm Thảo

Cây thảo sống lâu năm; thân tròn, cứng, mọc thành cụm dày, cao độ 0,35-1,20m, đường kính thân 1,5-4mm; mặt ngoài màu xanh nhạt, có vạch dọc. Ruột thân (lõi) cấu tạo bởi các tế bào hình ngôi sao, để hở nhiều lỗ khuyết lớn. Lá bị giảm rất nhiều, chỉ còn bẹ ở gốc thân, màu hoe hoe hay nâu. Cụm hoa như ở cành thân; nhánh nhiều, mảnh. Hoa đều, lưỡng tính, màu xanh; bao hoa khô xác, gồm 6 phiến hẹp, nhọn; nhị 3; bầu 3 núm. Quả nang tròn, hơi dài hơn bao hoa; hạt nhỏ. Hoa tháng 5-6; quả tháng 6-7.

Đăng Tâm Thảo
Đăng Tâm Thảo

2. Phân bố:

  • Thế giới: Trung Quốc, cây mọc hoang và được trồng rải rác ở những nơi ẩm ướt khắp nơi.
  • Việt Nam: Cây mọc hoang dại ở những nơi ẩm lầy, gặp nhiều ở Nam Hà, Ninh Bình, Lâm Đồng.

3. Bộ phận dùng:

Ruột thân đã phơi hoặc sấy khô của Cỏ bấc đèn.

4. Thu hái, chế biến và bảo quản:

  • Thu hái: Thu hoạch vào mùa hạ đến mùa thu, cắt lấy thân, phơi khô, lấy riêng lõi, vuốt thẳng, buộc thành bó nhỏ.
  • Chế biến:

Đăng Tâm Thảo: Trừ bỏ tạp chất, cắt đoạn.

Đăng tâm thán: Lấy Đăng tâm thảo sạch, cho vào nồi đất, bịt kín, đốt âm ỉ thật kỹ, để nguội, lấy ra.

  • Bảo quản: Để nơi khô.

5. Mô tả dược liệu Đăng Tâm Thảo

Ruột thân hình trụ tròn nhỏ, đường kính 0,1 – 0,3cm, dài tới 90cm. Mặt ngoài màu trắng hoặc vàng nhạt, có vân dọc nhỏ. Thể nhẹ, sốp, hơi có tính đàn hồi, dễ đứt, mặt đứt màu trắng. Không mùi vị.

6. Thành phần hóa học:

Trong cây có araban, xylan, methyl pentosan, phlobaphen.

7. Công dụng – Tác dụng Đăng Tâm Thảo

  • Tác dụng: Thanh tâm hỏa, lợi tiểu tiện.
  • Công dụng: Chủ trị Tâm phiền mất ngủ, lở miệng, lưỡi, tiểu tiện ít, đau.

8. Cách dùng và liều dùng:

Ngày dùng 1 – 3g, dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột.

9. Lưu ý, kiêng kị 

Người thể hư, trúng hàn, tiểu tiện không kìm được không nên dùng.

10. Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Đăng Tâm Thảo

  • Chữa tiểu tiện ít, phù thũng, kém ngủ: Đăng tâm 8g, nước 250ml. Đun sôi trong 15 phút, chia làm 3 lần uống trong ngày.
  • Chữa tâm phiền, miệng khát: Bấc đèn 4g. Lá tre, Mạch môn mỗi vị 12g, sắc uống.
  • Chữa các chứng lậu, đái buốt, đái đục, đái ra máu: Cỏ bấc đèn, Rễ cỏ tranh, mỗi vị 8g, sắc uống.

II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU:

1. Bột:

Màu gần trắng. Soi kính hiển vi thấy: Tế bào mô mềm hình sao, liên kết với nhau dạng nhành tạo thành các khoang chứa không khí hình tam giác hoặc tứ giác. Các nhánh có 4 – 8 tế bào, dài 5 – 15µm, rộng 5 – 12µm, thành hơi dày, lỗ nhỏ, thành tiếp nối giữa các tế bào mỏng, đôi khi có dạng hạt.

2. Định tính:

Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4):

Bản mỏng: Silicagel G

Dung môi khai triển: Dùng hỗn hợp dung môi gồm cyclohexan :ethyl acetat (10 : 7 ).

Dung dịch thử: Lấy 1g bột dược liệu, thêm 10ml  methanol (TT), đun hồi lưu, để nguội, lọc,bốc hơi dịch lọc tới khô, rửa cắn bằng 2ml ether (TT), bỏ dịch ether, hoà tan cắn trong 1ml methanol (TT) dùng làm dung dịch thử.

Dung dịch đối chiếu: Lấy 1 g  Đăng tâm thảo (mẫu chuẩn), tiến hành chiết tương tự như đối với dung dịch thử.

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 5 µl mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra, để khô trong không khí. Phun  acid phosphomolybdic (TT), sấy bản mỏng ở 105oC đến khi các vết hiện rõ. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng giá trị Rf và màu sắc với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

3. Các chỉ tiêu đánh giá khác:

  • Độ ẩm: Không quá 11 % (Phụ lục 9.6, 0,5g, 85oC, 4 giờ).
  • Chất chiết được trong dược liệu: Không ít hơn 5,0% (Phụ lục 12.10). Dùng 0,5g dược liệu. Tiến hành theo phương pháp chiết nóng, dùng ethanol loãng (50%)  làm dung môi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  • Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
  • Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
  • Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
  • Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006

Tham khảo thêm

cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
sam vu diep

Sâm Vũ Điệp

Sâm vũ điệp hay còn gọi tam thất xẻ lá là giống sâm hoang tự nhiên, có tác dụng tốt cho sức khỏe; nâng...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
4
minutes
spot_img