Ké Đầu Ngựa

Dược liệu: Ké Đầu Ngựa

  1. Tên khoa học: Xanthium strumarium.
  2. Tên gọi khác: Thương nhĩ (Trung Quốc), phắt ma (Thổ)
  3. Tính vị, quy kinh: Vị cay, đắng, tính ấm. Quy vào kinh phế
  4. Bộ phận dùng: Quả
  5. Đặc điểm dược liệu: Quả hình trứng, mặt ngoài màu xám vàng nâu, nhiều gai. Vỏ rất cứng và dai.
  6. Phân bố vùng miền: Mọc hoang nhiều nơi
  7. Thời gian thu hoạch: Tháng 4 – 7

I. THÔNG TIN CHI TIẾT:

1. Mô tả thực vật:

Cây nhỏ, cao khoảng 2m, thân có khía rãnh. Lá mọc so le, phiến lá hơi 3 cạnh, mép có răng cưa, có chỗ khía hơi sâu thành 3-5 thùy, có lông cứng ngắn. Cụm hoa hình đầu có thứ lưỡng tính ở phía trên, có thứ chỉ gồm có 2 hoa cái nằm trong 2 lá bắc dày và có gai. Quả giả hình thoi, có móc, có thể móc vào lông động vật.

Ké đầu ngựa
Ké đầu ngựa

2. Phân bố:

  • Thế giới: Phân bố khắp các vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới Châu Á, châu Phi, châu Âu. Ở Châu Á, ké đầu ngựa phân bố từ Ấn Độ, Trung Quốc đến các vùng Đông Dương, Đông Nam Á và Nam Á khác.
  • Việt Nam: Ké đầu ngựa có hầu hết các tỉnh miền núi, trung du và đồng bằng, nhất là các tỉnh phía Bắc, từ Nghệ An trở ra. Độ cao dưới 1500m.

3. Bộ phận dùng:

  • Quả già và toàn bộ phần trên mặt đất đã phơi hoặc sấy khô

4. Thu hái, chế biến và bảo quản:

  • Thu hái: Vào mùa thu, lúc trời khô ráo, hái quả.
  • Chế biến: Quả thu hái về, loại bỏ tạp chất và cuống lá, phơi hoặc sấy nhẹ ở 40 – 45oC cho đến khô.
  • Bảo quản:Để nơi khô, mát.

5. Mô tả dược liệu ké đầu ngựa

Đặc điểm: Quả hình trứng hay hình thoi, dài 1,2 – 1,7cm, đường kính 0,5 – 0,8cm. Mặt ngoài màu xám vàng hay xám nâu, có nhiều gai hình móc câu dài 0,2 – 0,3cm, đầu dưới có sẹo của cuống quả. Vỏ quả rất cứng và dai. Cắt ngang thấy có hai ngăn, mỗi ngăn chứa một quả thật (quen gọi là hạt). Quả thật hình thoi có lớp vỏ rất mỏng, màu xám xanh rất dễ bong khi bóc phần vỏ quả giả. Hạt hình thoi, nhọn hai đầu, vỏ hạt màu xám nhạt có nhiều nếp nhăn dọc, gồm hai lá mầm dày, bao bọc cây.

Ké đầu ngựa
Ké đầu ngựa

6. Thành phần hóa học:

Toàn cây ké đầu ngựa mọc ở miền núi, đồng bằng gần biển hay xa biển đều chứa iod chứa hàm lượng khá cao: 1gram lá hoặc thân chứa trung bình 200µg, 1g quả chứa 220-230µg iod.

Phần trên mặt đất chứa 2-hydroxytomentosin-1β, 5β-epoxyd.

Quả chứa nhiều sesquiterpenlacton: xanthin, xanthumin, xanthatin, xanthlol, isoxanthol. Quả ké đầu ngựa non chứa nhiều vitamin C và các glucose, fructose, sucrose, acid hữu cơ, strumarosid…Quả còn chứa tetrahydroxyflavon và stigmasterol.

Hạt ké đầu ngựa là nguyên liệu có chứa dầu béo với tỷ lệ khá cao và một số chất gây độc cho gia súc, trong đó có hydroquinon, cholin,…

Lá ké đầu ngựa chứa nhiều sesquiterpenlacton ngoài ra còn có các sequiterpenlacton khác cùng một loại khung là xanthin, xanthinosin, xanthalin, xanthanol, isoxanthanol, xanthumanol, desacetoxylxanthumin. Tất cả các chất trên đều đã được xác định cấu trúc, nhưng các thành phần này có thể thay đổi túy theo nơi mọc của cây. Trong cây cũng có iod dưới dạng kết hợp, các dẫn chất phenol: 3,4-dihydroxycinnamic, 1,4-dicafeylquinic acid và một số thành phần khác.

7. Tác dụng – Công dụng:

  • Tác dụng:

Làm giảm cường độ co bóp cơ tim, giảm thân nhiệt, lợi tiểu. Rễ ké đầu ngựa làm giảm đường huyết. Hoạt chất xanthium có tác dụng ức chế thần kinh trung ương.

β–sitosterol- β – D -glucosid có tác dụng chống viêm, điều hòa nội tiết và điều trị những bệnh niệu sinh dục ở người. Nước hãm ké đầu ngựa có tác dụng tăng nhu động ruột trên động vật thực nghiệm.

  • Công dụng:

Chữa phong hàn đau đầu, tay chân đau co rút, phong tê thấp, đau khớp, mũi chảy nước hôi, mày đay, lở ngứa, tràng nhạc, mụn nhọt, làm ra mồ hôi. Ngoài ra còn chữa đau răng, đau họng, nấm tóc, hắc lào, lỵ

8. Cách dùng và liều dùng:

  • Ngày dùng 10-16 gam cành và lá hoặc quả dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc cao.
  • Chú ý: uống cao thương nhĩ (ké đầu ngựa) phải kiêng thịt lợn, thịt ngựa.

9. Lưu ý, kiêng kị (nếu có):

  • Đau đầu do huyết hư không nên dùng.

Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Ké Đầu Ngựa

  • Chữa thấp khớp, viêm khớp:

Ké đầu ngựa 20g, vòi voi 40g, lá lốt 20g, ngưu tất 10g. Bào chế thành chè thuốc. Hãm nước sôi, chia nhiều lần uống trong ngày.

Ké đầu ngựa 12g, rễ cỏ xước 40g, hy thiêm 28g, thổ phục linh 20g, cỏ nhọ nồi 16g, ngải cứu 12g. Sao vàng, sắc đặc uống. Dùng 7-10 ngày.

  • Chữa phong khớp, tê thấp, tay chân co rút:

Quả ké đầu ngựa 12g, giã nát, sắc uống.

  • Chữa đợt cấp của viêm đa khớp tiến triển:

Ké đầu ngựa 12g, ngưu tất 16g, hy thiêm 16g, thổ phục linh 12g, cành dâu 12g. tỳ giải 12g, cà gai leo 12g, lá lốt 10g. Sắc uống ngày một thang.

  • Chữa phong thấp đau khớp, tê bại đau buốt nửa người, hoặc chân tay lở ngứa ra mồ hôi, viêm xoang chay nước mũi, đau trước trán hay đau ê ẩm trên đỉnh đầu:

Ké đầu ngựa 12g, kinh giới 8g, bạch chỉ 8g, xuyên khung 6g, thiên niên kiện 6g. sắc uống.

  • Chữa chứng phong khi mẩn ngứa:

Lá ké đầu ngựa tán bột 8g, uống với rượu ngâm đậu đen. Phối hợp với dùng ngoài: lá ké đầu ngựa. lá bồ hòn, lá nghể răm, lá thuốc bỏng, nấu nước để xông và tắm.

  • Chữa phong hủi:

Ké đầu ngựa giã vắt lấy nước cốt, có thành cao, làm thành thỏi, 320g. Lấy một con cá quả mổ bung,  không bỏ ruột, cho vào một thỏi thuốc, nấu chín với rượu mà ăn. Ăn 3-5 con, thì có hiệu quả. Kiêng muối 100 ngày (Hải Thượng Lãn Ông).

Lá ké đầu ngựa, lá đắng cảy, lá thầu dầu tía, củ khúc khắc, mỗi vị 12g, lá khổ sâm, lá hồng hoa, lá thanh cao, kinh giới, xà sàng, bạch chỉ, mỗi vị 8g, nam sâm 4g. Sắc uống.

  • Chữa chảy máu cam:

Ké đầu ngựa, thanh cao, mã đề, giã nát vắt lấy nước cốt mà uống.

  • Chữa đau răng:

Quả ké đầu ngựa (liều vừa phải), sắc nước, ngậm 10 phút rồi nhổ đi, làm nhiều lần trong ngày.

  • Chữa mũi chảy nước đặc trong, đặc:

Quả ké sao vàng, tán bột. Ngày uống 4-8g.

  • Chữa thủy thũng, bí tiểu tiện:

Quả ké đầu ngựa (thiêu tồn tính), đình linh, 2 vị lượng bằng nhau. Tán nhỏ, uống với nước mỗi lần 8g. Ngày hai 2 lần.

  • Chữa bướu cổ:

Quả hay cây ké đầu ngựa, phơi khô, tán bột. Ngày 4-5g, dạng thuốc sắc (đun sôi, giữ sôi 15 phút).

  • Chữa bệnh tổ đỉa:

Quả ké đầu ngựa 50g, thổ phục linh 50g, hạ khô thảo 50g, vỏ núc nác 30g, khổ sâm 30g, sinh địa 20g, hạt dành dành 15g. tán bột làm viên. Ngày uống 20-25g.

  • Chữa mụn nhọt, chốc lở:

Ké đầu ngựa 10g, kim ngân 20g. Bào chế thành chè thuốc, đóng gói 30g. ngày uống một gói, hãm với 500ml nước sôi, uống làm nhiều lần. Trẻ dưới 1 tuổi ngày uống nửa gói.

Ké đầu ngựa 10g, bồ công anh 15g, sài đất 10g, kim ngân 5g, cam thảo đất 2g. bào chế thành chè thuốc, đóng gói 42g. Ngày uống một gói, hãm vào nước sôi, chia uống làm 3 lần. Trẻ dưới 18 tháng, ngày uống nửa gói.

Quả ké đầu ngựa sao vàng 20g, củ khúc khắc 40g. Sắc uống

Ké đầu ngựa 16g, đỗ đen sao 40g, kim ngân hoa 20g, thổ phục linh, cỏ xước, vòi voi, mỗi vị 12g, kinh giới, cam thảo dây, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.

  • Chữa phong chẩn:

Ké đầu ngựa 10g, kinh giới 12g, kim ngân hoa, sài đất, bồ công anh, mỗi vị 10g, bạc hà 8g, cam thảo nam 6g. Sắc uống.

  • Chữa tổ đỉa:

Ké đầu ngựa, cỏ nhọ nồi, ý dĩ, ích mẫu, sinh địa, mỗi vị 16g, kinh giới, huyết dụ, hoàng bá, tỳ giải, mỗi vị 12g. Sắc uống.

  • Chữa viêm mũi mạn tính:

Ké đầu ngựa 16g, hạ khô thảo 12g, tân di 8g, bạc hà 6g, bạch chỉ, cát cánh, cam thảo, mỗi vị 4g. Sắc ngày uống một thang.

  • Chữa viêm xoang nhiễm khuẩn:

Ké đầu ngựa, sinh địa, kim ngân, mỗi vị 16g, huyền sâm, đan bì, mạch môn, mỗi vị 12g, tân di 8g. Sắc uống ngày một thang.

  • Trừ thấp, giảm đau:

Ké đầu ngựa 8g. Sắc uống. Dùng cho các chứng bệnh phong thấp, đau khớp, thiên về thấp tà, sưng đau tê bại. Đau nặng nhưng không di chuyển chỗ đau; ngoài ra còn dùng cho chứng nhức đầu do cảm lạnh.

Ké đầu ngựa 10g, vòi voi 20g, lá lốt 10g, ngưu tất 10g. Các dược liệu tán vụn thành chè thuốc. Hãm với nước sôi, chia uống nhiều lần trong ngày. Chữa thấp khớp, viêm khớp.

Ké đầu ngựa 12g, ngưu tất 16g, hy thiêm 16g, thổ phục linh 12g, cành dâu 12g, tỳ giải 12g, cà gai leo 12g, lá lốt 10g. Sắc uống, ngày 1 thang. Chữa viêm đa khớp tiến triển.

  • Tuyên phế (giúp hô hấp), thông mũi:

 Ké đầu ngựa 8g, tân di 8g, bạch chỉ 12g, bạc hà 4g. Sắc uống. Dùng với chứng bệnh phổi chứa thấp trọc, khi chất đục đi ngược lên lỗ mũi gây tắc không thông, chảy nước mũi, viêm mũi, viêm xoang mũi.

Cháo ké bạch chỉ: Ké đầu ngựa 20g, bạch chỉ 6g, hoàng kỳ 30g, kinh giới 10g, tế tân 4g, gạo tẻ 60g, đường trắng lượng thích hợp. Đem các dược liệu sắc lấy nước, cho vào nấu với gạo tẻ, khi cháo được cho thêm đường. Ngày ăn 1 lần, đợt 7 – 10 ngày. Dùng cho các bệnh nhân viêm xoang mũi họng, đau nhức đầu tắc mũi, ngạt mũi.

Lợi đàm trà: Chi tử 20g, bạc hà 6g, ké đầu ngựa 12g, tân di 12g. Các dược liệu cùng tán vụn, đem pha hãm cùng với chè uống ngày 1 ấm. Đợt dùng 7 – 20 ngày. Dùng cho các trường hợp viêm mũi xuất tiết, đờm đặc vàng, niêm mạc mũi sưng phù nề, đau đầu, đau vùng cánh mũi.

  • Tiêu phong, khỏi ngứa:

Ké đầu ngựa 8g, địa phu tử 8g. Sắc uống. Trị lên sởi, ngứa phát ban, mụn lở loét.

Ké đầu ngựa 10g, kinh giới 12g, kim ngân 10g, sài hồ 10g, bồ công anh 10g, bạc hà 8g, cam thảo nam 6g. Sắc uống. Dùng cho các chứng bệnh ngứa nổi ban, mụn, ngứa ngáy ngoài da.

Tham khảo thêm

cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
sam vu diep

Sâm Vũ Điệp

Sâm vũ điệp hay còn gọi tam thất xẻ lá là giống sâm hoang tự nhiên, có tác dụng tốt cho sức khỏe; nâng...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
4
minutes
spot_img