Dược liệu Cây Hoa Atiso
- Tên khoa học: Cynara scolymus L.
- Tên gọi khác: Artichoke, globe artichoke (Anh), artichaut (Pháp).
- Tính vị, quy kinh: Vị đắng, tính mát. Quy vào các kinh can, đởm.
- Bộ phận dùng: Lá
- Đặc điểm sản phẩm: Dược liệu là lá, mặt trên lá màu nâu hoặc lục, mặt dưới màu xám trắng. Gân lá lồi nhiều.
- Phân bố vùng miền: Đà Lạt, Sapa, Tam Đảo.
- Thời gian thu hoạch: lá hái vào lúc cây sắp hoặc đang ra hoa.
I. THÔNG TIN CHI TIẾT
Hoa Atiso
1. Mô tả thực vật
Cây cao gần 1m hay hơn, có đôi khi đến 2m, trên thân và lá có lông trắng như bông. Lá to mọc cách, phiến lá bị khía sâu, có gai, mặt dưới có lông trắng. Cụm hoa to mọc ở ngọn thân thành đầu màu đỏ tím hoặc tím lơ nhạt [7], lá bắc ngoài của cụm hoa dầy và nhọn. Phần gốc nạc của lá bắc và đế hoa ăn được.
2. Phân bố
- Thế giới: Phân bố chủ yếu ở cùng Địa Trung Hải. Sau được trồng nhiều ở Italia, Pháp, Tây Ban Nha, Bắc Phi để lấy cụm hoa non làm rau ăn.
- Việt Nam: Cây được người Pháp di thực vào trồng Việt Nam đầu thế kỉ XX, nhiều nhất ở Đà Lạt, Sapa, Tam Đảo. Có thể trồng được ở đồng bằng.
3. Bộ phận dùng
Lá, hoa. Rễ và thân Atiso cũng được dùng làm thuốc.
4. Thu hái, chế biến và bảo quản
- Thu hái: Lá atiso thu hái vào năm thứ nhất của thời kỳ sinh trưởng, lúc cây sắp hoặc đang ra hoa.
Ở Đà Lạt, nhân dân thu hái lá vào thời kì trước tết âm lịch 1 tháng.
- Chế biến: Rọc bỏ sống lá, phơi khô hoặc sấy.
5. Mô tả dược liệu Atiso
- Dược liệu là lá thường bị bổ làm hai hoặc ba mảnh, dọc theo các gân lớn, lá thường nhăn nheo, dài khoảng 30-50 cm, rộng khoảng 30 cm.
- Phiến lá xẻ thuỳ sâu hình lông chim, mép thuỳ có răng cưa to, thường có gai nhỏ, mềm.
- Mặt trên lá màu nâu hoặc lục, mặt dưới màu xám trắng, trông như bị mốc. Gân lá lồi nhiều và những rãnh dọc rất nhỏ, song song.
6. Thành phần hóa học
Lá actiso chứa:
a. Acid hữu cơ bao gồm:
- Acid phenol: Cynarin là hoạt chất chính và các sản phẩm của sự thủy phân ( acid cafeic, acid clorogenic, acid neo clorogenic)
- Acid alcol: acid malic, acid lactic…
- Acid khác: acid succinic
b. Hợp chất flavonoid ( dẫn chất của luteolin) gồm:
cynarosid, scolymosid, cynarotriosid …
c. Thành phần khác:
- Cynaropicrin là chất có vị đắng thuộc nhóm guaianolid.
- Enzym: oxidase, peoxidase, oxigenase, catalase. Các enzym hoạt động mạnh ở pH 4-7,6 và dễ phá hủy hoạt chất trong quá trình phơi, sấy, chế biến.
- Nhiều chất vô cơ
7. Phân biệt thật giả
..
8. Công dụng – Tác dụng Atiso
- Cụm hoa được dùng trong chế độ ăn kiêng của bệnh nhân đái tháo đường vì chứa lượng nhỏ tinh bột, phần carbon hydrat gồm phần lớn là insulin.
- Lá actiso có vị đắng, tác dụng lợi tiểu và được dùng trong điều trị bệnh phù và thấp khớp.
- Ngoài dùng đế hoa và lá bắc để ăn, Actiso dùng làm thuốc thông tiểu tiện, thông mật, chữa các bệnh yếu gan thận, viêm thận cấp tính và kinh niên, sưng khớp xương.
- Nhuận và tẩy máu nhẹ đối với trẻ em.
9. Cách dùng và liều dùng
- Lá tươi và khô, dùng dưới hình thức thuốc sắc ( 5-10 %) hoặc cao lỏng 2-10g trong một ngày.
- Có khi chế thành cao mềm hay khô để chế thuốc viên, thuốc tiêm dưới da hay mạch máu.
- Có khi chế thành cao lỏng đặc biệt dùng dưới hình thức giọt, ngày uống 3 lần, mỗi lần 10-40 giọt
- Ngoài ra thân và rễ actiso thái mỏng phơi khô có tác dụng tương tự lá.
10. Lưu ý, kiêng kị
..chưa có..
11. Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Atiso
Dưới đây là một số bài thuốc thông dụng trị bệnh tiểu đường ( nguồn wikipedia)
- Bài 1: Thân cây atisô 40g, rễ 40g, hoa 20g, tất cả phơi khô, tán nhỏ, mỗi lần dùng 2g pha như pha nước chè.
- Bài 2: Hoa atisô 50g cũng phơi khô tán nhỏ, mỗi lần dùng 2g, pha như pha nước trà
- Bài 3: Hoa atisô 100g, lá atisô 100g, luộc ăn như ăn các loại rau thông thường.
Tham khảo bài viết cách dùng Atiso thanh nhiệt giải độc hiệu quả
II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU
1. Ðặc điểm bột dược liệu
Bột màu lục nhạt, mùi thơm nhẹ, vị mặn, hơi đắng, hơi chát. Nhìn dưới kính hiển vi thấy: mảnh biểu bì phiến lá. Mảnh mô mềm gồm những tế bào hình đa giác hay tròn, có thành mỏng . Nhiều lông che chở, rất dài, mảnh. Rải rác có sợi đứng riêng lẻ hoặc tập trung thành bó, thành sợi dày, khoang rộng. Nhiều mảnh mạch mạng, mạch xoắn. Mảnh phiến lá đôi khi thấy lỗ khí, hay lông che chở. Các khối nhựa màu nâu đỏ kích thước không đều .
2. Ðịnh tính
A. Cắt nhỏ dược liệu, cho vào bình cầu, thêm ethanol 96%, đun sôi cách thuỷ với ống sinh hàn ngược trong 30 phút, lọc. Lấy một ít dịch lọc, bốc hơi trên cách thủy cho hết ethanol. Hoà cắn trong 1 ml dung dịch acid hydrocloric 1 N và 4 ml nước cất, lọc. Thêm vào dịch lọc 1 ml dung dịch natri nitrit 10%, để lạnh ở 10oC trong 20 phút. Thêm 4 ml dung dịch natri hydroxyd 10%, xuất hiện màu hồng cánh sen bền vững.
B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng.
Bản mỏng : Silica gel G
Dung môi khai triển : Acid formic- butyl acetat- nước (5 : 14 : 5).
Dung dịch thử: Dung dịch A
Dung dịch đối chiếu : Dung dịch cynarin trong methanol (0,01 mg/ml)
Cách tiến hành: Chấm lên bản mỏng 15 ml dung dịch thử, 10 ml dung dịch đối chiếu. Sau khi triển khai xong, lấy bản mỏng ra để khô ở nhiệt độ phòng. Phun dung dịch natri nitrit 10% (TT) và sau 1 phút phun dung dịch natri hydroxyd 10% (TT). Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có 1 vết màu vàng (flavonoid);1 vết màu hồng (cynarin ) có cùng trị số Rf với vết của cynarin trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu
3. Ðịnh lượng
- Cân chính xác khoảng 3 g dược liệu và cắt nhỏ hoặc xay thành bột thô. Làm ẩm với ethanol 96% (TT) trong 30 phút, cho vào bình Soxhlet chiết với ethanol 70% (TT) trên cách thuỷ cho tới hết hoạt chất (thử bằng phản ứng định tính A: dịch thử không xuất hiện màu hồng cánh sen).
- Cất thu hồi dung môi. Cắn còn lại thêm 20 ml nước cất, lọc qua giấy lọc. Cho dịch lọc vào ống quay ly tâm và thêm 20 ml dung dịch chì acetat 10% (TT), khuấy đều. Ly tâm với vận tốc 3000 vòng/phút, trong 15 phút. Gạn bỏ lớp nước. Thêm vào cắn 5 ml dung dịch acid acetic 10% (TT) và 25 ml dung dịch acid sulfuric 0,05 M (TT).
- Chuyển hỗn hợp vào bình định mức 100 ml, lắc đều trong 30 phút. Thêm nước cất đến vạch . Lấy 20 ml hỗn hợp vào ống ly tâm và ly tâm như trên. Lấy chính xác 1 ml dung dịch trong ở phía trên, cho vào bình định mức 50 ml. Thêm methanol (TT)đến vạch. Đo độ hấp thu cực đại ở bước sóng 325 nm. Mẫu trắng là methanol (TT).
- Hàm lượng hoạt chất trong dược liệu được tính theo công thức sau: A x 10000/616 x P
Trong đó:
A: Độ hấp thu của mẫu đo.
616: Độ hấp thu của dung dịch cynarin 1% trong methanol (TT) ở bước sóng 325 nm.
P: Khối lượng dược liệu thô (đã trừ độ ẩm).
Dược liệu phải chứa không ít hơn 0,1% hoạt chất tính theo cynarin.
4. Tiêu chuẩn đánh giá khác:
- Độ ẩm: Không quá 13%
- Tro toàn phần: Không quá 15%
- Tạp chất: Không được quá 0,5%
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
- Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
- Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006