Dược liệu: Cây Bạch Hoa Xà
- Tên khoa học: Plumbago zeylanica L.
- Tên gọi khác: cây đuôi công
- Tính vị, quy kinh: Rễ có vị đắng, chát và gây nôn. Lá cay, có độc
- Bộ phận dùng: Rễ, lá.
- Đặc điểm sản phẩm: Lá mọc so le, hình trái xoan, hơi có tai và ôm thân, nguyên, nhẵn, nhưng trăng trắng ở mặt dưới.
- Phân bố vùng miền:
– Thế giới: Ấn Độ và Malaixia, indonesia
– Việt Nam: cây cũng được trồng nhiều trong các vườn gia đình - Thời gian thu hoạch: thu hái rễ, lá quanh năm
I. THÔNG TIN CHI TIẾT
1. Mô tả thực vật Bạch Hoa Xà
Cỏ sống dai cao 0,60m lá mọc so le, hình trứng, đầu nhọn, mép nguyên, nhẵn. Hoa màu trắng mọc thành bông ở đầu cành hay kẽ lá. Đài hoa có lông dài, nhớt. Tràng dài gấp 2 lần đài. Mùa hoa gần như quanh năm.
2. Phân bố
- Thế giới: Cây mọc tự nhiên ở Ấn Độ và Malaixia, nhưng thuần hoá và thường trồng trong tất cả các xứ nhiệt đới, nhất là ở Java (Inđônêxia).
- Việt Nam: cây được trồng nhiều trong các vườn gia đình; trồng bằng cành ở nơi ẩm mát.
3. Bộ phận dùng
- Rễ, lá.
4. Thu hái, chế biến và bảo quản
- Thu hái: rễ, lá quanh năm.
- Chế biến: Rễ đào về, rửa sạch, cắt đoạn ngắn rồi phơi khô dùng dần. Lá thường được dùng tươi.
- Bảo quản: Nơi khô ráo, thoáng mát
5. Mô tả dược liệu Bạch Hoa Xà
Lá mọc so le, hình trái xoan, hơi có tai và ôm thân, nguyên, nhẵn, nhưng trăng trắng ở mặt dưới.
6. Thành phần hóa học
- Toàn cây bạch hoa xà có flavonoid, hợp chất phenol, triterpen, acid hữu cơ.
- Rễ chứa plumbagin 0,91%, chất này có tác dụng ức chế sự sinh trưởng của vi khuẩn gram +.
- Toàn cây chứa 3- cloroplumbagin, 3,3’- biplumbagin, zeylenon, matrinon, 2- methylen- 3,3’- diplumbagin, các acid plumbagic và vanilin.
- Ở rễ: 31 thành phần trong đó có plumbagin 37,47%, acid palmitic 18,99%, acid linoleic 23,39%.
- Ở lá chứa 13 thành phần trong đó có plumbagin 37,47%, acid palmitic 5,82%,
- Ở hoa chứa 13 thành phần trong đó có plumbagin 81,85%.
7. Phân biệt thật giả
- Cần để ý tránh nhầm lẫn với: Dược liệu Bạch Hoa Xà Thiệt Thảo
8. Công dụng – Tác dụng
- Tác dụng: Khu phong trừ thấp, tán ứ tiêu sưng; còn có thể thư cân hoạt huyết, làm sáng mắt.
- Công dụng: Ở Trung Quốc, thường dùng trị 1. Phong thấp đau nhức xương, da thịt thâm tím; 2. Đau dạ dày, gan lách sưng phù; 3. Bệnh ngoài da (hecpet mọc vòng), nhọt mủ, bong gân. Kinh nghiệm dân gian dùng lá giã đắp chữa đinh nhọt rất đặc hiệu, do đó có tên là cây lá dính. Ở Inđônêxia, cũng dùng chữa bệnh ngoài da, thấp khớp, nhức đầu, các bệnh về cơ quan tiết niệu và làm thuốc gây sẩy thai. Để chữa các bệnh ngoài da, người ta lấy lá và rễ giã ra trộn lẫn với bột gạo làm thuốc đắp. Để trị nhức đầu, chỉ cần dùng một lượng nhỏ thuốc đắp vào phía sau tai sẽ làm giảm đau. Ở Philippin, nước sắc rễ dùng trị ghẻ. Ở Ấn Độ, người ta dùng rễ trị các bệnh ngoài da, ỉa chảy, khó tiêu, bệnh trĩ, phù toàn thân, làm thành bột đắp với giấm, sữa hay muối và nước dùng đắp ngoài trị phong hủi và những bệnh ngoài da khác. Cồn thuốc của rễ cây có khả năng làm ra mồ hôi. Dịch sữa của cây dùng đắp trị ghẻ và mụn loét.
9. Cách dùng và liều dùng
Dùng rễ 10-15g đun sôi kỹ trong 4 giờ, lấy nước uống hoặc lấy rễ ngâm rượu xoa bóp. Rễ, lá giã nhỏ đắp lên nơi sưng đau. Sắc rễ lấy nước bôi ghẻ.
10. Lưu ý, kiêng kị
..
Một số bài thuốc & công dụng cây Dược liệu Bạch Hoa Xà
- Tăng huyết áp:
Bạch hoa xà (toàn cây) 16 g, lá dâu 20 g, hoa đại 12 g, quyết minh tử (hạt muồng) 16 g, cỏ xước 12 g, ích mẫu 12 g. Sắc uống ngày một thang.
- Mụn, nhọt sưng tấy:
Lá bạch hoa xà đắp cách 2-3 lớp gạc ngay trên mụn nhọt, có tác dụng làm tan nhọt. Chỉ nên đắp 30 phút. Nên cẩn thận vì có thể gây bỏng da nếu không đắp cách gạc. Nếu bị bỏng, cần dùng dung dịch acid boric loãng rửa vết bỏng.
- Táo bón:
Lá bạch hoa xà nấu canh với giấm hoặc chanh để ăn (có thể xào). Uống 1 bát canh, sau 1 giờ là đi ngoài được, người không mệt. Nếu muốn thôi đi ngoài, vò lá với nước lạnh, uống 1/2 chén.
- Phong thấp:
Rễ bạch hoa xà 12 g, dây đau xương 12 g, thổ phục linh 16 g. Sắc uống ngày một thang.
- Sưng đau do chấn thương:
Rễ hoặc lá bạch hoa xà giã với cơm thành bột nhão, đắp lên chỗ sưng đau.
- Bong gân sai khớp:
Rễ bạch hoa xà 20 g, cam thảo đất 16 g. Sắc uống ngày một thang. Có thể dùng rễ bạch hoa xà ngâm rượu làm thuốc xoa bóp.
- Chốc lở:
Lá bạch hoa xà giã nát, đắp lên tổn thương sau khi đã rửa sạch, nếu thấy nóng thì phải bỏ ra.
- Đau gan, đau dạ dày:
Rễ bạch hoa xà 12 g, nhân trần 20 g, cam thảo đất 16 g. Sắc uống ngày một thang.
- Ghẻ:
Rễ bạch hoa xà sắc lấy nước, dùng nước này để bôi ghẻ.
- Chậm kinh:
Bạch hoa xà (toàn cây) 16 g, lá móng tay 40 g, củ nghệ đen 20 g, cam thảo đất 16 g. Sắc uống ngày một thang. Khi thấy kinh phải ngừng uống ngay.
- Tê thấp:
Bột rễ bạch hoa xà trộn với dầu vừng, xoa bóp (kinh nghiệm của Ấn Độ).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
- Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
- Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006