Cây Chè Dây

Dược liệu: Chè Dây

  1. Tên khoa học: Ampelopsis cantoniensis.
  2. Tên gọi khác: Bạch liễm, thau rả, khau rả, điền bổ trà.
  3. Tính vị, quy kinh: Vị ngọt đắng, tính mát. Quy vào kinh tì, vị.
  4. Bộ phận dùng: Toàn cây.
  5. Đặc điểm dược liệu: Lá chét khô thường nhàu nát, thể nhẹ, chất giòn,dễ gãy nát, mùi thơm, vị đắng sau hơi ngọt nhẹ.
  6. Phân bố vùng miền: Lào Cai, Cao Bằng.
  7. Thời gian thu hoạch:

I. THÔNG TIN CHI TIẾT:

1. Mô tả thực vật:

  • Dây leo, cành hình trụ mảnh; tua cuốn đối diện với lá, chia 2-3 nhánh.
  • Lá hai lần kép, mang 7-12 lá chét mỏng giòn, mép có răng thấp; gân bên 4-5 đôi; lá kèm gần tròn, dạng vẩy.
  • Ngù hoa đối diện với lá có 3-4 nhánh; nụ hoa hình trứng; hoa mẫu 5.
  • Quả mọng hình trái xoan to 6x 5mm, màu đen, chứa 3-4 hạt.
Chè Dây
Cây Chè Dây

2. Phân bố:

  • Thế giới: Trung Quốc, Ấn Độ, Lào, Indonesia,..
  • Việt Nam: Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ (Hà Giang), Hương Khê (Hà Tĩnh),.. một số điểm khác ở Nghệ An, Lâm Đồng, Đồng Nai.

3. Bộ phận dùng:

  • Phần trên mặt đất.

4. Thu hái, chế biến và bảo quản:

  •  Thu hái: Vào lúc cây chưa ra hoa, cắt nhỏ, phơi khô.
  •  Bảo quản: Nơi thoáng mát, tránh mốc, mọt.

5. Mô tả dược liệu chè dây

Lá chét khô thường nhàu nát, khi dàn phẳng có hình trái xoan hoặc hình mũi mác, dài 2,5 – 7,5cm, phía cuống tù hay hơi tròn, đầu lá nhọn, mép có ít răng cưa. Mặt trên màu lục xám, có những vết trắng loang lổ trông như mốc, mặt dưới màu nhạt hơn. Cuống lá nhẵn, dài 3 – 12mm. Thể nhẹ, chất giòn,dễ gãy nát, mùi thơm, vị đắng sau hơi ngọt nhẹ.

chè dây
Chè Dây

6. Thành phần hóa học:

  • Chè dây chứa flavonoid, tanin, đường, không có alcaloid, saponin.

Trong đó hàm lượng flavonoid toàn phần chiếm 18,15%. Flavonoid tồn tại dưới 2 dạng: aglycon và glycosid. Hỗn hợp flavonoid chứa 2 chất myricetin (5,32%) và 2,3-dihydromyricetin (53,83%).

7. Cách phân biệt thật giả (nếu có):

  • Dễ nhầm lẫn với dây chè (dạ khiên ngưu, cây rau rầu-họ Cúc): Thân rễ dây chè có tính độc.

8. Tác dụng – Công dụng:

  • Tác dụng: Chống viêm loét dạ dày, giảm đau, kháng khuẩn, chống oxy hóa.
  • Công dụng: thân và lá nấu nước uống thay chè, Chữa loét dạ dày tá tràng, viêm két mạc cấp tính, viêm gan thể hoàng đản, cảm mạo phong nhiệt, viêm họng, mụn nhọt. Dùng ngoài, xông chữa viêm kết mạc.

9. Cách dùng và liều dùng:

  • Ngày10-50g pha uống như chè, dùng riêng hoặc kết hợp với các vị thuốc khác.

Một số bài thuốc từ Cây Dược liệu Chè Dây

  • Chữa đau dạ dày: Theo kinh nghiệm của đồng bào Tày hàng ngày lấy 30-50g dược liệu, hãm hoặc sắc uống làm nhiều lần. Mỗi đợt điều trị  liên tục 15-30 ngày. Trường Đại học Dược Hà Nội đã chế ra chế phẩm Ampelop có 50% flavonoid chè dây, còn viện Dược liệu chế ra chế phẩm Cantonin có 8-% flavonoid chè dây, mỗi lần dùng 3 viên nang 0,25g, ngày 2-3 lần.
  • Phòng bệnh sốt rét: Chè dây 60g, lá hồng bì 60g, rễ cỏ xước, lá đại bì, lá tía tô, lá hoặc vỏ cây với, rễ xoan rừng mỗi thứ 12g, thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml uống trong ngày. Cứ 3 ngày dùng 1 thang.
  • Chữa tê thấp đau nhức: Lá chè dây tươi giã nát, hơ nóng, gói vào vải sạch. Đắp vào chỗ đau nhức.

 II. Kiểm nghiệm Dược Liệu:

1. Đặc điểm bột dược liệu:

Bột màu lục xám, soi kính hiển vi thấy: Mảnh phiến lá, có thể mang các mảnh mạch, mảnh biểu bì chứa lỗ khí, lông che chở đơn bào. Nhiều tinh thể calci oxalat hình kim, rải rác hoặc tập trung thành bó. Các mảnh mạch điểm, mảnh mạch xoắn, tinh thể calci oxalat hình cầu gai, đường kính 30 – 35 µm.

2. Định tính:

  • A. Lấy 0,5g bột dược liệu, thêm 10ml ethanol 90% (TT). Đun trong cách thủy 3 phút, lọc, lấy dịch lọc (dung dịch A) cho vào 3 ống nghiệm, mỗi ống 1ml để làm các phản ứng sau đây:

Ống 1: Thêm 5 giọt acid hydroclorid (TT) và một ít bột magnesi (TT), để vài phút, dung dịch dần chuyển màu vàng nhạt sang màu đỏ.

Ống 2: Thêm 2 giọt dung dịch sắt (III) clorid 5% (TT), dung dịch có màu xanh.

Ống 3: Nhỏ 2 – 3 giọt dung dịch A lên tờ giấy lọc, để khô, đặt lên miệng lọ amoniac đặc (TT) đã mở nút, thấy màu vàng tăng lên rõ rệt.

  • B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng:
  1. Bản mỏng: Silicagel G
  2. Dung môi khai triển: Toluen: ethyl acetat : acid formic (5 : 6 : 1,5).
  3. Dung dịch thử: Dung dịch A.

Dung dịch đối chiếu: Hòa tan myricetin chuẩn và dihydromyricetin chuẩn riêng biệt trong methanol (TT) để được dung dịch có chứa 2mgml. Hoặc lấy 0,5g bột Chè dây (mẫu chuẩn) chiết như mẫu thử.

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 8µl mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra, để khô trong không khí ở nhiệt độ phòng, phun hỗn hợp dung môi  gồm dung dịch acid boric 10% (TT) và acid oxalic 10% (TT) (2 : 1) và sấy bản mỏng ở 100oC đến khi các vết hiện rõ. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng giá trị Rf và màu sắc với vết đạt được trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

3. Định lượng:

  • Tiến hành bằng phương pháp sắc ký lỏng :
  • Pha động: Hỗn hợp acetonitril và dung dịch acid phosphoric 10 mM (25 : 75).
  • Dung dịch chuẩn: Hòa tan dihydromyricetin chuẩn trong methanol (TT) để thu được dung dịch có nồng độ khoảng 2mg/ml.

Dung dịch thử: Cân chính xác khoảng 0,5 g bột dược liệu vào túi giấy lọc, thêm 50ml cloroform (TT), ngâm trong 12 giờ, bỏ dịch chiết cloroform. Làm bay hơi hết cloroform trong bã dược liệu bằng cách đặt trên cách thủy. Chuyển túi giấy lọc vào bình Shoxhlet, thêm 120ml methanol (TT) vào bình chiết, đun sôi trong cách thủy đến khi 1ml dịch chiết không có màu khi thêm 1 giọt dung dịch natri hydroxyd 10% (TT). Cô dịch chiết methanol đến gần cạn, để nguội, chuyển vào bình định mức 50ml, thêm methanol (TT) đến vạch, lắc đều. Lấy chính xác 2ml dịch chiết cho chảy qua cột chiết xuất được nhồi pha tĩnh C đã hoạt hóavới tốc độ 15 giọt/phút. Hứng dịch chiết vào bình định mức 20ml, rửa giải bằng methanol 50% (TT) với tốc độ 15 giọt/phút, hứng lấy khoảng 17ml dịch chiết, thêm methanol 50% (TT) vừa đủ 20ml, lắc đều, lọc qua màng lọc cỡ lỗ lọc 0,45µm.

  • Điều kiện sắc ký:
  • Cột thép không gỉ (25cm x 4mm) được nhồi pha tĩnh C (5mm) (Lichrosorb RP 18).
  • Detector quang phổ tử ngoại đặt ở bước sóng 260nm.
  • Tốc độ dòng: 1ml/phút
  • Thể tích tiêm: 20ml.

Cách tiến hành: Tiêm riêng biệt dung dịch chuẩn, dung dịch thử. Dựa vào diện tích (hay chiều cao) pic thu được của dung dịch thử, dung dịch chuẩn và nồng độ dihydromyricetin (C15H12O8) của dung dịch chuẩn, tính hàm lượng dihydromyricetin (C15H12O8) trong dược liệu.

Dược liệu phải chứa ít nhất 18% dihydromyricetin (C15H12O8) tính theo dược liệu khô kiệt.

4. Tiêu chuẩn đánh giá khác:

  • Độ ẩm:  Không quá 13% (1g, 100oC, 4 giờ).
  • Tro toàn phần: Không quá 8,0% .
  • Tạp chất: Không quá 1,0% .
  • Kim loại nặng: Không quá 3 ppm Pb, 1,0 ppm Cd, 0,5 ppm Hg, 2,0 ppm As.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
  • Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010.
  • Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006.
  • Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập 1), Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật.

Tham khảo thêm

Quả Trám

Quả Trám kho cá, thịt rát ngon & là món quê của miền núi phía Bắc. Ngoài ra Trám còn là vị thuốc quý... Trám...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
5
minutes
cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
spot_img