Hoàng Đằng

Dược liệu: Hoàng Đằng

  1. Tên khoa học: Caulis et Radix Fibraureae.
  2. Tên gọi khác: Dây vàng giang, hoàng liên nam, nam hoàng nhuôm.
  3. Tính vị, quy kinh: Vị đắng, tính hàn. Vào các kinh tâm, can, đởm, vị.
  4. Bộ phận dùng: Thân và rễ đã phơi hay sấy khô của cây Hoàng đằng.
  5. Đặc điểm sản phẩm: Những đoạn thân và rễ hình trụ thẳng hoặc hơi cong. Mặt ngoài màu nâu có nhiều vân dọc và sẹo của cuống lá (đoạn thân) hay sẹo của rễ con (đoạn rễ). thể chất cứng, khó bẻ gãy, vị đắng.
  6. Phân bố vùng miền: Trung Quốc, Việt Nam: Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Nghệ An,..
  7. Thời gian thu hoạch: Rễ và thân cây vào tháng 8-9.

I. THÔNG TIN CHI TIẾT:

1. Mô tả thực vật Hoàng Đằng

Dây leo to có rễ và thân già màu vàng. Lá mọc so le, dài 9-20cm, rộng 4-10cm, cứng, nhẵn; phiến lá bầu dục, đầu nhọn, gốc lá tròn hay cắt ngang, có ba gân chính rõ, cuống dài, hơi gần trong phiến, phình lên ở hai đầu. Hoa nhỏ, màu vàng lục, đơn tính, khác gốc, mọc thành chùy dài ở kẽ lá đã rụng, phân nhánh hai lần, dài 30-40cm. Hoa có lá đài hình tam giác; hoa đực có 6 nhị, chỉ nhị hơi hẹp và dài hơn bao phấn; hoa cái có 3 lá noãn. Quả hạch hình trái xoan, khi chín màu vàng. Mùa hoa tháng 5-7.

hoàng đằng

2. Phân bố:

  • Thế giới: Trung Quốc.
  • Việt Nam: mọc hoang ở ven rừng nơi ẩm mát vùng núi, gặp nhiều từ Nghệ An vào tới các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ.

3. Bộ phận dùng:

Thân và rễ đã phơi hay sấy khô của cây Hoàng đằng.

dược liệu hoàng đằng
dược liệu hoàng đằng

4. Thu hái, chế biến và bảo quản:

  • Thu hái: Rễ và thân cây vào tháng 8-9, cạo sạch lớp bần bên ngoài, chặt từng đoạn, phơi khô hay sấy khô.
  • Chế biến: Lấy rễ và thân cây Hoàng đằng, rửa sạch, cạo sạch lớp bần, cắt thành từng đoạn phơi hoặc sấy khô.
  • Bảo quản: Để nơi khô, tránh mốc, mọt.

5. Mô tả dược liệu Hoàng Đằng

Những đoạn thân và rễ hình trụ thẳng hoặc hơi cong, dài 10 – 30cm, đường kính 1 – 3cm, có khi tới 10cm. Mặt ngoài màu nâu có nhiều vân dọc và sẹo của cuống lá (đoạn thân) hay sẹo của rễ con (đoạn rễ). Mặt cắt ngang có màu vàng gồm 3 phần rõ rệt: phần vỏ hẹp, phần gỗ có những tia ruột xếp thành hình nan hoa bánh xe, phần ruột ở giữa tròn và hẹp; thể chất cứng, khó bẻ gãy, vị đắng.

hoàng đằng
cây hoàng đằng

6. Thành phần hóa học:

Hoàng đằng có chứa nhiều alcaloid, trong đó chủ yếu là palmatin.

7. Công dụng – Tác dụng:

  • Tác dụng: Thanh nhiệt tiêu viêm, lợi thấp, giải độc.
  • Công dụng: Dùng chữa đau mắt đỏ, viêm họng, mụn nhọt mẩn ngứa, kiết lỵ, viêm bàng quang

8. Cách dùng và liều dùng

Ngày 6 – 12g dưới dạng thuốc sắc

9. Lưu ý, kiêng kị :

Bệnh thuộc hàn không nên dùng.

10. Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Hoàng Đằng

  • Chữa viêm đường tiết niệu, viêm gam virus, viêm âm đạo, bạch đới, viêm tai trong và hội chứng lỵ: Hoàng đằng, Mộc thông, Huyết dụ, mỗi vị 10-12g, sắc uống.
  • Viêm tai có mủ: Bột Hoàng đằng 20g trộn với phèn chua 10g, thổi dần vào tai ngày 2-3 lần.
  • Mắt sưng đỏ hoặc có màng: Hoàng đằng 4g, phèn chua chút ít, tán nhỏ, chưng cách thủy gạn lấy nước trong mà nhỏ mắt. Hoặc dùng bột palmatin chlorhydrat pha chế thành thuốc nước để nhỏ mắt. Có khi người ta phối hợp Hoàng đằng với Hoàng liên nấu thành thuốc chữa đau mắt.
  • Người ta còn dùng bột Hoàng đằng và cao Mức hoa trắng, hoặc phối hợp cao Hoàng đằng và cao Cỏ sữa lá lớn làm thuốc viên chữa kiết lỵ.

II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU:

1. Vi phẫu:

Cả 2 loài có cấu tạo thân và rễ giống nhau:

Thân: Lớp bần còn sót lại gồm nhiều hàng tế bào hình chữ nhật xếp đều đặn. Mô mềm vỏ gồm những tế bào thành mỏng có hình gần tròn, hình trứng hay hình chữ nhật, rải rác có những tế bào mô cứng, thành dày, khoang rộng có nhiều vân rõ. Tinh thể calci oxalat hình lập phương, hình chữ nhật hay hình thoi nằm trong các tế bào mô cứng hoặc gần các tế bào mô cứng. Vòng mô cứng liên tục, uốn lượn, lồi lõm theo các bó libe-gỗ, gồm những tế bào thành dày, khoang rộng, rải rác cũng có tinh thể calci oxalat. Bó libe nằm sát vòng mô cứng, phân cách nhau bởi các tia ruột hẹp, gồm 2 – 3 hàng tế bào hình chữ nhật. Bó gỗ gồm nhiều mạch gỗ to, phân cách nhau bởi những tia ruột, rải rác cũng có vài tế bào mô cứng. Mô mềm ruột gồm những tế bào tròn hay nhiều cạnh.

Rễ: Lớp bần còn sót lại gồm những tế bào hình chữ nhật thành dày. Tầng phát sinh ngoài gồm 1 lớp tế bào thành mỏng xếp đều đặn. Mô mềm vỏ cấu tạo bởi những tế bào thành mỏng, vòng mô cứng liên tục gồm những tế bào thành dày hóa gỗ, có vân rõ, rải rác nhiều tinh thể calci oxalat hình lập phương hoặc hình thoi. Libe và gỗ cấp II chia thành 2 hoặc 3 nan quạt. Mỗi nan quạt bị các tia ruột rộng cắt thành nhiều nhánh.

2. Bột:

Bột màu vàng. Soi dưới kính hiển vi thấy: Tế bào mô cứng hình chữ nhật, hình thoi hoặc gần như tròn màu vàng. Mảnh mạch điểm, mạch vạch. Mảnh mô mềm có tế bào chứa tinh bột. Tinh thể calci oxalat hình lập phương hay hình khối chữ nhật. Các hạt tinh bột có dạng tròn, hình chuông hay hình trái xoan, có nhiều hạt kép đôi, rốn rõ, đường kính 10 – 23mcm.

3. Định tính:

  • A. Quan sát lát cắt dược liệu dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 365nm sẽ thấy phát quang màu vàng tươi.
  • B. Chiết 0,10g bột dược liệu với 3 – 4ml dung dịch acid sulfuric 1% (TT). Lọc lấy dịch lọc.  Thêm từ từ  2ml dịch lọc theo thành ống nghiệm có 0,5ml nước clor (TT), giữa 2 lớp dung dịch sẽ có một vòng màu đỏ.
  • C. Ngâm 0,20g bột dược liệu trong 2ml ethanol 90% (TT) trong 1 giờ. Nhỏ lên phiến kính 1 giọt dịch chiết, rồi nhỏ vào đó 1 giọt acid nitric 32% (TT). Sau 5 – 10 phút đem soi kính hiển vi sẽ quan sát thấy những tinh thể hình kim màu vàng.
  • D. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4):

Bản mỏng: Silicagel GF 254.

Dung môi khai triển: n – butanol – acid acetic – nước (7 : 1: 2).

Dung dịch thử: Lấy 0,1g bột dược liệu, thêm 5ml ethanol 90% (TT), đun cách thủy 2 – 3 phút, lọc, lấy dịch lọc làm dung dịch thử.

Dung dịch đối chiếu: Dung dịch palmatin clorid 0,1% trong ethanol 90% (TT).

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 20mcl mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai xong, để khô bản mỏng ở nhiệt độ phòng. Quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 365nm, trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có ít nhất 2 vết màu vàng, trong đó có 1 vết có cùng màu và giá trị Rf với vết palmatin clorid trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu. Khi phun lên bản mỏng thuốc thử Dragendorff (TT), trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có vết có cùng màu đỏ cam và giá trị Rf với vết palmatin clorid trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

4. Định lượng

Cân chính xác khoảng 10g bột dược liệu, cho vào bình Soxhlet có dung tích 125ml, chiết bằng ethanol 96% (TT) đến khi dịch chiết ethanol hết màu vàng. Cất thu hồi dung môi. Hòa tan cắn trong 20ml nước cất nóng. Để trong tủ lạnh 6 giờ cho tủa hết nhựa. Lọc lấy dịch trong, rửa bình và phễu 2 lần, mỗi lần dùng 5ml nước. Thêm vào dịch lọc dung dịch acid hydrocloric 10% (TT) cho đến pH 1 – 2. Để trong tủ lạnh 10 – 12 giờ, lọc lấy tủa màu vàng qua phễu lọc xốp số 4 (đường kính lỗ xốp 10 – 16mcm), dùng 5ml nước để kéo hết tủa trong bình vào phễu. Hòa tan tủa trong 20ml ethanol 90% nóng (TT), lọc vào 1 bình đã cân bì, rửa phễu bằng 5ml ethanol 90% (TT) nóng, làm bốc hơi ethanol. Sấy cắn ở 100oC đến khối lượng không đổi rồi cân. Hàm lượng alcaloid toàn phần (X%) được tính theo công thức:

a: Cắn thu được tính bằng g.

b: Khối lượng bột dược liệu đem định lượng đã trừ độ ẩm tính bằng g.

Dược liệu phải chứa ít nhất 1% alcaloid toàn phần tính theo dược liệu khô kiệt.

5.Các chỉ tiêu đánh giá khác:

  • Độ ẩm: Không quá 14% (Phụ lục 9.6).
  • Tro toàn phần: Không quá 5% (Phụ lục 9.8).
  • Tạp chất: Không quá 1% (Phụ lục 12.11).
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
  • Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
  • Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
  • Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
  • Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006

Tham khảo thêm

Quả Trám

Quả Trám kho cá, thịt rát ngon & là món quê của miền núi phía Bắc. Ngoài ra Trám còn là vị thuốc quý... Trám...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
5
minutes
cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
spot_img