Cây rau sam mọc tự nhiên trong vườn nhà hoặc trên đồi núi khắp nơi. Dân ta dùng làm rau ăn hoặc làm một số bài thuốc
Dược liệu Cây Rau Sam
- Tên khoa học: Herba Portulacae oleraceae
- Tên gọi khác: mã xỉ hiện
I. THÔNG TIN CHI TIẾT
1. Mô tả thực vật
Cây thảo sống 1 năm, mọc bò, thân tròn mọng nước dài 15-25 cm, nhẵn, không lông, màu đỏ tím đậm hay màu đỏ tím nhạt.
- Thân phình to ở mấu, thân chính phân nhiều nhánh. Lá đơn, nguyên, mọc cách hoặc đối, ở đầu cành tập trung nhiều lá xung quanh hoa và quả. Phiến lá mọng nước, hình trứng ngược, gốc dạng chót buồm, ngọn tà hay hơi lõm, dài 1,5-2 cm, rộng 0,8- 1,2 cm; mặt trên nhẵn, màu xanh pha đỏ tím, đậm hơn ở mép; mặt dưới màu xanh nhạt hơi bạc. Gân lá lông chim, gân chính nổi rõ. Cuống lá hình lòng máng, rất ngắn 1-2 mm; lá kèm dạng hàng lông ngắn dài khoảng 1 mm ở nách lá, không rõ. Cụm hoa riêng lẻ hoặc tập trung 3-4 hoa ở ngọn cành.
- Hoa đều, lưỡng tính, mẫu 5, không có cuống hoa và cánh hoa; lá bắc hình tam giác dạng vẩy dài 0,1-0,2 cm, rộng 0,1- 0,15 cm, màu đỏ tím tồn tại lâu dài; 2 lá bắc con dạng lá đài màu xanh, dính nhau ở 1/6 phía dưới, không đều, hình tam giác dài 0,2-0,3 cm, rộng 0,1-0,2 cm, úp vào nhau tạo 2 cạnh sắc ở góc lưng, mở ra khi hoa nở và úp lại tồn tại trên quả.
- Đài hoa: 5 lá đài dạng cánh màu vàng, đều, rời, hình trứng ngược xẻ sâu ở ngọn, kích thước 0,3-0,4 cm, rộng 0,2-0,3 cm, tiền khai 5 điểm. Bộ nhị: 8-10 nhị rời, không đều, xếp 2 vòng trên đỉnh bầu, vòng ngoài trước lá đài; chỉ nhị dạng sợi, màu vàng, dài 0,2-0,3 cm; bao phấn 2 ô xếp song song, dài 0,5-0,7 mm, nứt dọc, hướng trong, đính gốc; hạt phấn rời, hình tròn, màu vàng nhạt, đường kính 77,5 µm.
- Bộ nhụy: 4 lá noãn, bầu dưới 1 ô hình bầu dục, dài 0,3-0,4 cm, rộng 0,1-0,2 cm, màu xanh nhạt, nhiều noãn (40-42 noãn), đính noãn trung tâm; 1 vòi nhụy hình trụ dài 0,2-0,3 cm màu vàng; 4 đầu nhụy dài 0,1-0,15 cm, có gai nạc màu vàng.
- Quả nang, hình bầu dục hơi nhọn 2 đầu, cao 0,3-0,4cm, rộng 0,1-0,2 cm màu xanh pha hồng tím, 2 lá bắc con tồn tại trên đỉnh quả; mở bằng đường nứt ngang (quả hộp) ở khoảng 1/2 đến 1/3 tính từ gốc quả.
- Hạt rất nhiều, màu đen, hình con ốc có 1 đầu hơi nhô ra, đường kính khoảng 1 mm, vỏ sần sùi, rễ màu vàng xám.
2. Phân bố
- Thế giới: phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới như Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Trung Quốc
- Việt Nam: cả nước
3. Bộ phận dùng
Phần trên mặt đất được phơi hoặc sấy khô của cây Rau sam (Portulaca oleracea L.) họ Rau sam (Portulacaceae).
4. Thu hái, chế biến và bảo quản
- Thu hái: Thuốc được thu hái vào mùa hè và mùa thu, loại vỏ tạp chất và rễ còn sót lại, rửa sạch, hấp qua hay trần qua nước sôi và phơi khô.
- Chế biến: Loại bỏ tạp chất, rửa sạch, ủ mềm, thái đoạn, phơi khô.
- Bảo quản: Nơi thoáng gió, tránh ẩm.
5. Mô tả dược liệu
Đoạn thân lá có thể mang hoa và quả, dài ngắn không đều, có thể tới 30 cm, mềm dẻo, thường cuộn lại thành đám rối màu nâu hay nâu đen. Thân hình trụ đường kính 1 – 2 mm có những rãnh dọc. Lá hình trứng ngược, đầu lá có thể hơi lõm vào dạng như hình tim, mọc đối, ở ngọn lá mang có thể mọc gần như tỏa tròn phía dưới hoa. Hoa không cuống, mọc thành cụm ở đầu cành. Qủa nang mở bằng nắp với nhiều hạt nhỏ. Mùi đặc trưng; vị nhạt hơi chua.
6. Thành phần hóa học
Phần trên mặt đất chứa nước, protein, chất béo, carbonhydrat, Ca, Fe, P, vitamin A, B, C; calci oxalat, tích lũy nitrat, sắc tố (betacyanidin acetyl hóa), glucosid, saponin, chất nhựa.
7. Phân biệt thật giả
..
8. Công dụng – Tác dụng
- Tác dụng: Thanh nhiệt giải độc, chỉ lỵ.
- Công dụng: Chủ trị: xích bạch lỵ, đinh nhọt, đau, eczema, thâm quầng, rắn hay trùng thú cắn, tiểu tiện ra huyết, tụ huyết.
9. Cách dùng và liều dùng
Ngày 9 – 10 g hoặc 30 – 60 g cây tươi. Dùng ngoài giã nát đắp tại chỗ lượng thích hợp.
10. Lưu ý, kiêng kị
..
Một số bài thuốc từ cây rau sam
- Trẻ em đi lỵ: Rau sam tươi giã nát, vắt nước cốt đun sôi. Có thể cho ít mật dễ uống.
- Phụ nữ bị bạch đới: 30ml nước cốt rau sam + 2 lòng đỏ trứng gà đánh đều đun sôi để uống.
- Sốt phát ban, nổi mẩn: Nước cốt rau sam uống sống, bã xoa lên người.
- Lậu nhiệt đái rắt, đái buốt đỏ sẻn: Nước rau sam sống giã uống.
- Ngộ độc thuốc: Rau sam tươi giã lấy nước uống, bã đắp vào rốn.
- Kiết lỵ ra máu: Rau sam 200g, thái nhỏ, nấu với 100g gạo nếp thành cháo (không cho muối) ăn lúc đói.
- Lỵ cấp và mạn: 1kg rau sam nấu với 3 lít nước lọc còn 1 lít. Người lớn uống 3 lần/ngày, mỗi lần 700ml (dùng trong bệnh viện).
- Hậu sản tiểu tiện không thông: Rau sam tươi 100g, giã vắt lấy nước 30ml đun sôi hoặc cách thủy. Thêm 10g mật ong để uống.
- Hậu sản ra huyết: Rau sam tươi 200g hoặc khô 60g. Sắc uống chia 2 lần/ngày.
- Tẩy giun móc: Rau sam tươi 300g giã vắt lấy nước nấu lên thêm ít muối hoặc đường. Ngày uống 2 lần khi đói, liền 3 ngày là 1 liệu trình. Uống 1-3 liệu trình.
- Bỏng: Rau sam khô tán bột trộn mật ong bôi lên.
- Mụn nhọt lâu ngày không khỏi: Rau sam tươi giã đắp lên.
- Nấm tóc, nấm chân, chốc đầu: Rau sam nấu thành cao bôi lên chỗ tổn thương hoặc rau sam khô đốt thành than để rắc lên.
- Ho gà (ho bách nhật): Rau sam 100g, đun sôi với 200ml nước thêm 30g đường phèn đun tiếp còn 100ml chia uống 3 ngày, mỗi ngày 3 lần. Uống 3 ngày bệnh giảm 50%. Uống tiếp 3 ngày thì có thể đỡ nhiều và khỏe.
- Ho ra máu: Uống nước cốt (vắt tươi) hoặc nấu đặc uống, hằng ngày ăn rau sam nấu nhiều kiểu (sống, luộc, xào, canh) cho đến khi khỏi. Nếu do lao phải kết hợp thuốc chống lao theo phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa lao.
- Ngứa âm đạo: Rau sam tươi hoặc khô sắc nước ngâm rửa.
- Trĩ: Rau sam tươi nấu ăn, nước để xông và ngâm. Làm hằng ngày trong 1 tháng. Chữa càng sớm càng chóng khỏi.