Binh Lang – Hạt Cau

Dược liệu: Binh Lang

  1. Tên khoa học: Semen Arecae.
  2. Tên gọi khác: Hạt cau, tân lang, pơ lạng.
  3. Tính vị, quy kinh: Vị đắng, cay, chát, tính ôn. Vào hai kinh vị và đại tràng.
  4. Bộ phận dùng: Hạt đã phơi hay sấy khô lấy từ quả cau già.
  5. Đặc điểm sản phẩm: Hạt khô chắc, không mọt, ngoài không nhăn nheo, không vụn nát là tốt.
  6. Phân bố vùng miền: Trồng khắp nơi ở Việt Nam (trung du, đồng bằng).
  7. Thời gian thu hoạch: Tháng 9 – 12.

I. THÔNG TIN CHI TIẾT:

1. Mô tả thực vật:

Binh lang tức hạt Cau. Dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Danh y biệt lục, là hạt quả chín của cây Cau, tên thực vật là Areca catechu L thuộc họ Cau dừa (Palmae) nay gọi là Arecaceae.

bình lang
Bình Lang

Cây Cau được trồng khắp nơi ở nước ta. Quả cau chín hái về bỏ vỏ phơi khô, khi dùng thái phiến dùng sống. Nếu lấy miếng hạt cau bỏ vào chảo dùng lửa nhỏ sao cháy vàng lấy ra để nguội dùng. Hạt cau còn gọi là Đại phúc tử.

2. Phân bố:

  • Thế giới:
  • Việt Nam: Cây được trồng khắp các miền nước ta.

binh lang 358

3. Bộ phận dùng:

  • Hạt đã phơi hay sấy khô lấy từ quả chín của cây Cau (Areca catechu L.), họ Cau  (Arecaceae).

4. Thu hái, chế biến và bảo quản:

  • Thu hái: Mùa thu hoạch khoảng tháng 9 – 12 (không kể loại cau tứ thời) lấy quả thật già
  • Chế biến: Róc bỏ vỏ ngoài và vỏ già, lấy nguyên hạt ở trong đem phơi sấy thật khô.
  • Bảo quản: Để nơi khô mát, tránh mốc mọt.

5. Mô tả dược liệu Binh Lang

  • Khối cứng, hình trứng hoặc hình cầu dẹt, cao khoảng 1,5 – 3,5 cm; đường kính khoảng 1,5 – 3,5 cm. Đáy phẳng, ở giữa lõm, đôi khi có một cụm xơ (cuống noãn). Mặt ngoài màu nâu vàng nhạt hoặc màu nâu đỏ nhạt với những nếp nhăn hình mạng lưới. Cắt ngang thấy vỏ hạt ăn sâu vào nội nhũ tạo thành những nếp màu nâu xen kẽ với màu trắng nhạt. Phôi nhỏ nằm ở đáy hạt.
hạt cau
Mô tả dược liệu Bình Lang – hạt Cau khô
  • Vị chát và hơi đắng.

6. Thành phần hóa học:

  • Trong hạt cau có tanin, tỷ lệ trong hạt non độ 70% nhưng khi chín chỉ còn 15 – 20%.
  • Hoạt chất chính là 4 alcaloid (tỉ lệ độ 0,4%) chủ yếu là arecolin C­­8H13NO2, arecaidin C17H11NO2, guvacin C­­6H9NO2 guvacolin C17H11NO2 Ngoài ra còn có mỡ béo (14%) các đường (2%), muối vô cơ và một sắc tố đỏ.

7. Công dụng – Tác dụng:

  • Tác dụng: Hạ khí, hành thuỷ, tiêu hoá, sát trùng (phá tích).
  • Công dụng: Chữa sán, giúp tiêu hoá, chữa viêm ruột, lỵ, ngực bụng chướng đau, thuỷ thũng, sốt rét, cước khí sưng đau.

8. Cách dùng và liều dùng:

  • Ngày 4 – 6g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán, để trị sán thường phối hợp với hạt Bí ngô, để trị sốt rét phối hợp với Thường sơn.

9. Lưu ý, kiêng kị :

  • Người khí hư hạ hãm không tích trệ, trẻ em và phụ nữ có thai không được dùng Binh lang.
  • Kỵ lửa.

10. Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Binh Lang

  • Trị sán (taeniasis): Binh lang (cắt lát), Nam qua tử mỗi thứ 30g. Nam qua tử tán nhỏ. Binh lang sắc nước trộn uống. Có thể ăn hết hạt bí ngô rồi uống nước sắc Binh lang.
    Hoặc Binh lang 60g, Sơn tra tươi 1000g (trẻ em giảm nửa, nếu dùng loại khô: người lớn 250g, trẻ em 120g). Rửa Sơn tra bỏ nhân, 3 giờ chiều bắt đầu ăn đến 10giờ tối hết, tối nhịn ăn. Sáng hôm sau sắc Binh lang còn 1 chén trà nhỏ, uống hết 1 lần nằm nghỉ. Lúc buồn đi tiêu nín 15 phút rồi đi ngâm đít vào chậu nước nóng cho ra hết sán.
  • Trị giun kim (oxyuriasis): Binh lang 15g, Thạch lựu bì, Nam qua tử đều 10g sắc uống lúc đói trước khi đi ngủ.
  • Trị sán lá (fasciolopsiasis): Binh lang 15g, Ô mai 10g, Cam thảo 5g, sắc uống vào lúc sáng sớm bụng đói.
  • Trị táo bón bụng đầy, do thực tích khí trệ: Mộc hương, Binh lang hoàn (Đan khê tâm pháp): Mộc hương, Binh lang, Thanh bì, Trần bì, Nga truật, Hoàng liên đều 30g, Hoàng bá, Đại hoàng đều 100g, Hương phụ sao, Khiên ngưu đều 120g, tán bột mịn làm hoàn, mỗi lần 6 – 10g, ngày 2 – 3 lần với nước sôi ấm.
  • Trị sốt rét: Triệt ngược thất bảo ẩm ” Dương thị gia tăng phương”: Thường sơn 3g, Thanh bì, Trần bì, Chích thảo, Binh lang, Thảo quả nhân đều 2g, sắc nước uống, có thể gia thêm tí rượu, uống trước khi lên cơn 2 giờ.

Liều lượng và chú ý:

  • Dùng uống trong và thuốc thang: 6 – 15g.
  • Nếu dùng độc vị trị Bạch thốn trùng và sán lá, có thể dùng đến 60-100g.
  • Thuốc tán bột cho vào hoàn tán.
  • Dùng ngoài rửa tùy yêu cầu (dùng nước sắc hạt cau trị chốc đầu ở trẻ em (gội).

II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU:

1. Vi phẫu:

  • Lớp ngoài của vỏ hạt gồm nhiều hàng tế bào đá dẹt, hình thon dài, xếp tiếp tuyến, chứa chất màu nâu đỏ; tế bào đá có hình dạng và kích thước khác nhau, thường có những khoảng gian bào. Lớp trong  gồm nhiều lớp tế bào mô mềm, chứa chất màu nâu đỏ, rải rác có ít bó libe gỗ. Ngoại nhũ hẹp và thường ăn sâu vào nội nhũ tạo thành mô xâm nhập. Tế bào nội nhũ, hình nhiều cạnh, lỗ to đặc biệt trên thành tế bào.

2. Bột:

  • Bột màu nâu đỏ, vị chát, soi kính hiển vi thấy: Tế bào đá của vỏ hạt hình bầu dục, dài, thành hơi dày. Mảnh nội nhũ với những tế bào thành dày, có lỗ đặc sắc. Hạt alơron 5 – 40 µm. Mảnh mạch.

3. Định tính:

  • Phương pháp sắc ký lớp mỏng :

– Bản mỏng:

Silica  gel G.

– Dung môi khai triển:

Cloroform – methanol – amoniac đặc ( 9 : 1 : 0,2 ).

– Dung dịch thử:

Lấy 8 g bột thô dược liệu, thêm 50 ml cloroform (TT), lắc đều, thêm tiếp 4 ml amoniac đặc (TT), lắc siêu âm 10 phút. Lọc lấy dịch chiết cloroform. Rửa cắn với 10 ml cloroform (TT). Gộp dịch rửa với dịch chiết cloroform, chuyển vào bình gạn, thêm 5 ml dung dịch acid hydrocloric 10% (TT) và 20 ml nước, lắc kỹ. Gạn bỏ lớp cloroform. Rửa lớp nước bằng 10 ml cloroform (TT), gạn bỏ lớp cloroform. Kiềm hoá lớp nước bằng amoniac đặc (TT) đến pH 9 – 11 ( thử bằng giấy quỳ) rồi lắc với cloroform (TT) hai lần, mỗi lần 10 ml. Gộp các dịch chiết cloroform, bốc hơi trên cách thuỷ đến khô. Hoà tan cắn trong 1 ml ethanol 96% (TT) làm dung dịch thử.

– Dung dịch đối chiếu:

Lấy 8 g bột thô Hạt cau (mẫu chuẩn), tiến hành chiết như đối với dung dịch thử.

– Cách tiến hành:

Chấm riêng biệt lên  bản mỏng 15 µl mỗi dung dịch trên, triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được khoảng 12 – 13 cm, lấy bản mỏng ra, để khô ở nhiệt độ phòng, phun dung dịch thuốc thử Dragendorff (TT).

Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng màu và giá trị Rf  với các vết của dung dịch đối chiếu.

4. Định lượng:

  • Cân chính xác khoảng 8 g bột thô dược liệu vào bình nón nút mài 250 ml, thêm 80 ml ether ethylic (TT) và 4 ml amoniac đặc (TT), lắc trong 10 phút. Thêm 10 g natri sulfat khan (TT,) lắc trong 5 phút, để yên. Gạn lấy lớp ether, rửa cắn bằng ether ethylic (TT) 3 lần, mỗi lần 10 ml. Gộp các dịch chiết ether vào bình gạn, lắc với 0,5 g bột talc (TT) trong 3 phút, thêm 2,5 ml nước, lắc trong 3 phút. Để lắng, gạn lấy lớp ether trong ở phía trên, rửa lớp nước bằng 5 ml ether ethylic (TT). Gộp các dịch chiết ether vào một cốc có mỏ, để bay hơi tự nhiên đến khi còn khoảng 15 ml, chuyển vào bình gạn. Tráng cốc bằng ether ethylic (TT) 2 lần, mỗi lần 5ml. Gộp dịch rửa ether vào bình gạn trên. Thêm chính xác 20 ml dung dịch acid sulfuric 0,02 N (CĐ) vào bình gạn, lắc kỹ. Để lắng, gạn lấy lớp acid. Rửa lớp ether 3 lần bằng nước, mỗi lần 5 ml. Gộp nước rửa với lớp acid, lọc. Rửa giấy lọc và phễu lọc bằng nước 4 lần, mỗi lần 10 ml, tập trung nước rửa vào dịch lọc. Thêm 3 – 4 giọt dung dịch đỏ methyl (CT), định lượng bằng dung dịch natri hydroxyd 0,02 N (CĐ) đến khi chuyển sang màu vàng.

1 ml dung dịch acid sulfuric 0,02 N (CĐ)  tương ứng với 0,003104 g arecolin C8H13NO2.

Hàm lượng phần trăm alcaloid toàn phần của dược liệu được tính theo công thức sau:

X=(20-n)31,04/m(100-a)

Trong đó:

n là thể tích dung dịch natri hydroxyd 0,02 N (CĐ) đã dùng để chuẩn độ (ml)

m là khối lượng  mẫu thử (g)

a là độ ẩm của dược liệu (%)

Dược liệu phải chứa ít nhất 0,3% alcaloid tan trong ether tính theo arecolin tính theo dược liệu khô kiệt.

5. Các tiêu chí đánh giá khác:

  • Độ ẩm: Không quá 10% (1 g, 100 – 105 0C, áp suất thường đến khối lượng không đổi).
  • Tro toàn phần:Không quá 2,5% .
  • Tro không tan trong acid: Không quá 1% .
  • Tạp chất: Mảnh vỏ quả: Không quá 2%.
  • Tạp chất khác: Không quá 1%.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
  • Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006.
  • Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010.
  • Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006.
  • Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006

Tham khảo thêm

cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
sam vu diep

Sâm Vũ Điệp

Sâm vũ điệp hay còn gọi tam thất xẻ lá là giống sâm hoang tự nhiên, có tác dụng tốt cho sức khỏe; nâng...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
4
minutes
spot_imgspot_img