Cỏ Ngọt

Thông tin: Cỏ Ngọt

  1. Tên khoa học: Herba Steviae.
  2. Tên gọi khác: Cúc ngọt.
  3. Tính vị, quy kinh: Vị ngọt, tính mát. Quy vào kinh phế tỳ thận.
  4. Bộ phận dùng: Phần trên mặt đất của cây cỏ ngọt.
  5. Đặc điểm sản phẩm: Lá hình trái xoan hẹp hay hình trứng ngược, màu xanh lục vàng. Hai mặt đều có lông mịn, mép lá khía răng cưa. Mặt trên lá có 3 gân nổi rõ cùng xuất phát từ cuống lá; gân phụ phân nhánh. Vị rất ngọt.
  6. Phân bố vùng miền: Trồng ở Việt Nam (Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phú, Thái bình..)
  7. Thời gian thu hoạch: Thu hoạch được tiến hành khi nụ bắt đầu hình thành.

I. THÔNG TIN CHI TIẾT:

1. Mô tả thực vật:

  • Cây thuộc thảo cao 40-80cm um tùm nhiều lá nhiều cành. Thân có tiết diện tròn, có rãnh dọc với nhiều lông mịn, phần gốc nâu, phía trên xanh. Lá hình 4-8cm chiều dài, 0,8-1,5cm chiều rộng, mặt lá nhiều lông tơ mịn. Lá mọc đối, ở nách lá mọc lên chồi khác.
  • Lá có 3 gân nổi rõ, các gân phụ hình lông chim, mép lá có răng cưa, có vị rất ngọt. Hoa đầu mọc ở kẽ lá, tụ thành chùm ở ngọn. Mỗi hoa đầu có 5 hoa hình ống màu vàng nhạt, 5 chỉ nhị dài bằng nhau dính trên ống tràng. Cây thích nghi với khí hậu nóng ẩm, cần nhiều ánh sáng, đất có pH 4-5.
  • Không mọc nơi đất bùn sình lầy. Ta đã nhập giống của nước ngoài trồng để lấy lá hoặc chế biến thành cao để xuất khẩu.
cỏ ngọt
Cây Cỏ Ngọt

2. Phân bố:

  • Thế giới: Có nguồn gốc xuất xứ ở Paragoay, Brazin, Achentina. Vùng tây Ấn Độ có trồng cỏ ngọt, thuộc Nam Mỹ (19 – 270 vĩ Nam).
  • Việt Nam: Phổ biến trồng tại các tỉnh Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phú, Thái bình, Yên Bái, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Sông Bé.

3. Bộ phận dùng:

  • Dược liệu là bộ phận trên mặt đất phơi khô của cây cỏ ngọt.

4. Thu hái, chế biến và bảo quản:

  • Thu hái: Trong một năm có thể thu hoạch từ 8 – 10 lứa, lứa thu hoạch đầu tiên sau trồng 30-45 ngày. Sau 7 – 10 ngày các mầm trên đoạn gốc thân, cành nhú cao 2cm thì tiến hành xới xáo và bón thúc. khoảng 20 – 30 ngày thu hoạch một lứa (mùa xuân, hè) hoặc 15 – 20 ngày (mùa thu, đông). Số lần thu trong năm nhiều hay ít còn phụ thuộc vào chế độ chăm sóc, bón phân cho cây. Nếu vườn cây tốt mỗi lần thu hoạch sẽ đạt được 200 – 250kg lá khô/ha.
  • Chế biến: Sau khi thu hoạch tiến hành rửa sạch, phơi nắng hay sấy khô.
  • Bảo quản: bảo quản lá trong túi nilon 2 lớp. Để nơi khô mát, tránh sâu mọt.

5. Mô tả dược liệu:

  • Lá hình trái xoan hẹp hay hình trứng ngược, màu xanh lục vàng, dài từ 2,5 – 6,0cm; rộng 1,0 – 1,8cm. Hai mặt đều có lông mịn, mép lá khía răng cưa. Mặt trên lá có 3 gân nổi rõ cùng xuất phát từ cuống lá; gân phụ phân nhánh. Vị rất ngọt.

6. Thành phần hóa học:

  • Trong chi Stevia có tới 100 loài nhưng chỉ có cây cỏ ngọt là có hàm lượng glucosid cao nhất và có thể sử dụng trong y học và công nghệ thực phẩm.

Chất chứa trong cỏ ngọt được đặc biệt quan tâm là Stevioside (C38H60O18) đã tạo nên vị ngọt mà ít có cây trồng nào có được, độ ngọt của Stevioside gấp 300 lần đường Saccaro và không có tính độc nên có thể dùng Stevioside thay thế đường hóa học trong công nghệ thực phẩm.

  • Năm 1908 Resenack, 1909 Dietrik, 1931 Budel, Lavtille tìm ra hợp chất trong cây cỏ ngọt là Stevioside, khi bị thủy phân nó cho ra 3 phân tử Steviol, Izosteviol. Bằng phương pháp sắc ký bản mỏng người ta đã tìm ra 11 chất khác nhau trong lá cây cỏ ngọt như: Stevioside (C38H60O18), Steviol biozit, Rebaudiozit (A, B, C, D…). Stevioside có cấu tạo tinh thể hình kim, điểm nóng chảy 202 – 2040C, 1g tan trong 800ml nước, chứa trong cây với tỷ lệ cao từ 6 – 7 % khối lượng chất khô. Các chất khác trong cây biến động 0,03-0,2 %. Các chất trong cỏ ngọt không gây hại trên gan, thận của người nên chúng được sử dụng trong công nghệ thực phẩm, trong y học.

7. Công dụng – Tác dụng:

  •  Tác dụng: Trừ tiêu khát, lợi tiểu, hạ  huyết áp.
  • Công dụng: Dùng trong các trường hợp đái đường, đái nhạt, bí tiểu tiện, huyết áp cao.

8. Cách dùng và liều dùng:

  • Ngày 8 – 12g, hãm hoặc sắc uống.

II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU:

1. Vi phẫu:

  • Phần gân lá: Gân phía dưới lồi, phía trên gần phẳng hơi lõm xuống. Biểu bì trên và dưới là một hàng tế bào nhỏ, hình trứng, xếp liên tục, đều đặn, mang lông che chở đa bào cấu tạo bởi 4 – 6 tế bào xếp thẳng hàng, đầu lông nhọn. Mô dày cấu tạo bởi 2 – 3 lớp tế bào hình tròn, có thành dày ở góc, xếp sát dưới biểu bì. Mô mềm là những tế bào hình đa giác hay tròn, thành mỏng, có kích thước không đều. ở giữa gân thường có các số lẻ bó libe-gỗ hình tròn, có thể là 1, 3, 5 bó có cấu tạo tương tự nhau. Bó libe-gỗ ở giữa thường có kích thước lớn nhất, libe bao quanh bó gỗ, gỗ cấu tạo bởi các mạch gỗ lớn, xếp thành hàng, tập trung thành bó.  Mô mềm cấu tạo bởi các tế bào hình tròn, có thành mỏng.
  • Phần phiến lá: Biểu bì trên và dưới là một hàng tế bào hình chữ nhật, to hơn so với biểu bì ở gân lá, mang lông che chở đa bào tương tự phần gân lá. Mô giậu cấu tạo bởi 2 hàng tế bào hình chữ nhật, xếp sít nhau và thẳng góc với biểu bì trên. Trong phiến lá có thể có một vài bó libe-gỗ nhỏ của gân phụ. Mô khuyết là những tế bào to nhỏ không đều nhau, có thành mỏng.

2. Bột

  • Bột có màu vàng lục, vị ngọt. Nhìn dưới kính hiển vi thấy: Mảnh bần cấu tạo bởi những tế bào hình chữ nhật hay đa giác, xếp thành 1 – 2 lớp tế bào. Lông che chở đa bào, một dãy, cấu tạo bởi 6 – 8 tế bào hoặc nhiều hơn, các tế bào ngắn, gần như hình vuông có 4 góc hình cung, đặc biệt ở gốc lông, tế bào đầu lông có thể nhọn hoặc tù. Đôi khi thấy lông tiết đa bào hình chùy cấu tạo 2 – 3 tế bào.
  • Mảnh mô mềm hình trứng hay chữ nhật, thành mỏng. Mảnh biểu bì mang lỗ khí, đôi khi có lông che chở. Thường thấy nhiều mảnh mạch mạng, mạch xoắn, mạch điểm.
  • Sợi tập trung thành bó hay đứng riêng lẻ, tế bào sợi có kích thước ngắn, nhỏ, có thành dày, khoang rộng, sợi có thể mang những gai nhỏ, rất nhọn. Mô cứng cấu tạo bởi các tế bào thành dày hóa gỗ, có khoang rộng. Hạt phấn hoa to, hình cầu gai , mảnh cánh hoa cấu tạo bởi các tế bào thành mỏng, có bề mặt sần sùi.

3. Định tính:

  • A. Dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 254nm, bột dược liệu có huỳnh quanh màu lục vàng.
  • B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng .
  • Bản mỏng: Silicagel G
  • Dung môi khai triển: n-Butanol – acid acetic – nước (30 : 10 : 10).
  • Dung dịch thử: Lấy 1 g bột thô dược liệu, thêm 20ml methanol (TT), lắc kỹ và đun sôi 2 phút trên cách thuỷ. Lọc, được dung dịch để chấm sắc ký.
  • Dung dịch đối chiếu: Dung dịch steviosid 0,25% trong methanol (TT) hoặc dùng 1g bột thô lá Cỏ ngọt (mẫu chuẩn), chiết như dung dịch thử
  • Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10ml mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra, để khô ở nhiệt độ phòng, phun dung dịch acid sulfuric 10% trong methanol (TT) vừa mới pha.Sấy bản mỏng ở 105oC đến khi xuất hiện vết. Trên sắc ký đồ, dung dịch thử phải có ít nhất 4 vết, trong đó vết chính có cùng màu sắc và giá trị Rf với vết steviosid đối chiếu. Nếu dùng mẫu đối chiếu là lá Cỏ ngọt thì các vết của mẫu thử phải giống các vết của mẫu đối chiếu về vị trí và màu sắc.

4. Các chỉ tiêu đánh giá khác:

  • Độ ẩm: Không quá 13% (2g, 100oC, 4 giờ).
  • Tạp chất (Phụ lục 12.11): Tỷ lệ cành mang lá không quá 10%.
  • Tạp chất khác: Không quá 1%
  • Tro toàn phần: Không quá 8,5% (Phụ lục 9.8).
  • Chất chiết được trong dược liệu:Không ít hơn 18,0% .
  • Tiến hành theo phương pháp chiết nóng, dùng ethanol 96% (TT) làm dung môi.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  • Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
  • Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
  • Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
  • Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006

Tham khảo thêm

Quả Trám

Quả Trám kho cá, thịt rát ngon & là món quê của miền núi phía Bắc. Ngoài ra Trám còn là vị thuốc quý... Trám...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
5
minutes
cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
spot_img