Đại Hồi

Dược liệu: Đại Hồi

  1. Tên khoa học: Fructus Illicii veri.
  2. Tên gọi khác:
  3. Tính vị, quy kinh: Vị cay, ngọt, tính ôn. Vào các kinh can, thận, tỳ vị.
  4. Bộ phận dùng: Quả chín đã phơi khô của cây Hồi.
  5. Đặc điểm sản phẩm: Quả phức, thường gồm 8 đại, màu nâu đỏ đến nâu sẫm, xếp thành hình sao xung quanh một trụ trung tâm. Mỗi đại hình lòng thuyền. Bờ trên gần như thẳng, nhẵn, có một đường nứt thành 2 mảnh để lộ ra một hạt. Bờ dưới hơi tròn và sần sùi. Mặt trong màu nhạt hơn và nhẵn bóng. Hạt hình trái xoan, màu vàng nâu, nhẵn bóng. Quả có mùi thơm dễ chịu, vị ngọt.
  6. Phân bố vùng miền: Trung Quốc, Hồi được coi là một đặc sản của tỉnh Lạng Sơn, Ngoài ra còn được trồng ở Cao Bằng, Quảng Ninh.
  7. Thời gian thu hoạch: Mùa thu, đông.

I. THÔNG TIN CHI TIẾT: ĐẠI HỒI

1. Mô tả thực vật:

Cây đại hồi hay đại hồi hương hoặc bát giác hồi hương hoặc đơn giản chỉ là cây hồi hay tai vị, danh pháp khoa học Illicium verum, (tiếng Trung: 八角, pinyin: bājiǎo, có nghĩa là “tám cánh”) là một loài cây gia vị có mùi thơm tương tự như cây tiểu hồi, thu được từ vỏ quả hình sao của Illicium verum, một loại cây xanh quanh năm có nguồn gốc ở Trung Quốc và đông bắc Việt Nam. Các quả hình sao được thu hoạch ngay trước khi chín. Nó được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực Trung Hoa và ở mức độ ít hơn ở vùng Đông Nam Á và Indonesia. Đại hồi là một thành phần của ngũ vị hương truyền thống trong cách nấu ăn của người Trung Quốc. Nó cũng là một thành phần được sử dụng trong nấu nước dùng cho món phở của người Việt Nam.

đại hồi
Đại Hồi

2. Phân bố:

  • Thế giới: Trung Quốc.
  • Việt Nam: Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh.

3.Bộ phận dùng:

Quả chín đã phơi khô của cây Hồi.

4. Thu hái, chế biến và bảo quản:

  • Thu hái: Thu hoạch vào mùa thu, đông. Hái lấy quả từ màu lục biến thành vàng, nhúng qua trong nước sôi, sấy nhẹ cho khô hoặc phơi trong bóng râm khoảng 5 – 6 ngày cho khô.
  • Chế biến:
  • Bảo quản: Để nơi khô, mát, tránh bay tinh dầu.

5. Mô tả dược liệu: Đại Hồi

Quả phức, thường gồm 8 đại, đôi khi nhiều đại hơn, màu nâu đỏ đến nâu sẫm, xếp thành hình sao xung quanh một trụ trung tâm. Mỗi đại hình lòng thuyền, dài 1 – 2cm, rộng 0,5cm, cao 0,7 – 1cm. Bờ trên gần như thẳng, nhẵn, có một đường nứt thành 2 mảnh để lộ ra một hạt. Bờ dưới hơi tròn và sần sùi. Hai mặt bên nhăn nheo, tận cùng bởi một chỏm tù, ở một góc có khoảng nhẵn hơn (nơi đính giữa các đại). Mặt trong màu nhạt hơn và nhẵn bóng. Cuống quả nhỏ và cong, đính vào trụ quả. Hạt hình trái xoan, màu vàng nâu, nhẵn bóng. Quả có mùi thơm dễ chịu, vị ngọt.

6. Thành phần hóa học:

Quả chứa chủ yếu là tinh dầu (9 – l0%); thành phần chính của linh dầu là anethol, α-pinen, limonen,β-phellandren, a-terpineol, farnesol và safrol. Ngoài ra, còn có chất nhầy, tanin, chất dầu và đường.

7. Công dụng – Tác dụng:

  • Tác dụng: Trừ lạnh, trừ gió độc, tiêu đàm, khai vị, chỉ ẩu (chống nôn mửa)
  • Công dụng:

Quả hồi có tác dụng giúp tiêu hóa, lợi sữa, giảm đau, giảm co bóp nhu động ruột, dùng để chữa ỉa chảy, nôn mửa, ăn không tiêu, bụng đầy.

Dùng ngoài hồi có tác dụng chữa đau nhức, thấp khớp, bong gân.

Tinh dầu hồi có tác dụng tương tự như dược liệu, thường được phối hợp trong nhiều thuốc khác. Ngoài ra tinh dầu còn dùng để tổng hợp các hormon oestrogen  (diethylstilbestrol, diethylstilbestrol propionat).

8. Cách dùng và liều dùng:

  • Ngày dùng 3 – 6g dạng thuốc sắc, ngâm rượu dùng xoa bóp.

9. Lưu ý, kiêng kị :

Âm hư hỏa vượng không dùng.

10. Bài thuốc có Đại Hồi

Theo tài liệu cổ và Giáo sư Đỗ Tất Lợi thì đại hồi vị cay, tính ôn, có tác dụng đuổi hàn kiện tỳ, khai vị, dùng chữa nôn mửa, đau bụng, bụng đầy chướng, giải độc thịt cá. Những người âm hư, hỏa vượng không dùng được. Hiện nay, đại hồi thường được dùng làm thuốc trợ giúp tiêu hóa, ăn uống không tiêu, nôn mửa, đau nhức tê thấp. Mỗi ngày dùng 4-8 g dưới dạng thuốc sắc. Dùng ngoài ngâm rượu xoa bóp chữa đau nhức, tê thấp

Đại hồi có tác dụng dược lý gần như Tiểu hồi nên trên lâm sàng thường dùng thay thế Tiểu hồi.

  • Trị chứng sán khí (sa ruột) đau hoặc bao tinh hoàn có nước (hydrocele testis):

Có thể dùng cùng với Tiểu hồi làm ấm can thận hoặc phối hợp với Lệ chi hạch cùng sao tán bột mịn uống với rượu hoặc phối hợp với Xuyên luyện tử, Ô dược để hành khí; với Ngô thù du, Nhục quế để làm ấm tỳ thận.

  • Trị chứng đau vùng thắt lưng do thận dương hư:

Thuốc có tác dụng làm ấm lưng gối. Sách Bản thảo cương mục có ghi: Trường hợp đau lưng như đâm chích dùng thuốc sao tán bột uống với nước muối.

Trị đau vùng thượng vị do lạnh: nôn, kém ăn, phối hợp với Mộc hương, Sa nhân, Can khương.

  • Trị chứng bạch cầu giảm do xạ trị hóa trị:

Tác giả Giải Vịnh Thanh dùng viên Thang bạch Ninh (chế từ chất chiết xuất của Đại hồi quả và lá) uống lúc bụng đói mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 3 viên nhỏ (hàm lượng mỗi viên là 150mg thuốc sống) . Theo dõi điều trị 452 ca, kết quả đối với bệnh nhân giảm bạch cầu do hóa trị là 88,5% và do xạ trị là 87,3%. Đối với chứng giảm bạch cầu không rõ nguyên nhân cũng có kết quả nhất định (Thông báo dược học 1981,5:311).

Liều lượng thường dùng và chú ý:

  • Liều thường dùng: 3 – 8g.
  • Cần thận trọng đối với bệnh nhân âm hư hỏa vượng.

 

II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU:

1. Vi phẫu:

Vỏ quả ngoài gồm các tế bào biểu bì dẹt, phủ bởi một lớp cutin lồi lên, có lỗ khí. Vỏ quả giữa gồm những tổ chức rời ra ở vùng ngoài và xít nhau ở vùng trong, có các tế bào rất nhỏ, thành hơi dày, có những chỗ màu nâu, có nhiều bó libe – gỗ và nhiều tế bào tiết tinh dầu rải rác. Vỏ quả trong gồm một dãy tế bào có hình dạng khác nhau tùy theo nơi quan sát. Trong phần bao bọc khoang quả có các tế bào hình chữ nhật, thành tương đối mỏng và xếp thành hình giậu. Trong phần tương ứng với đường nứt: Các tế bào nhỏ hơn, thành rất dày và có các ống trao đổi. Về phía trong được tăng cường bởi một khối tế bào mô cứng hình nhiều cạnh, thành rất dày. Tế bào biểu bì ở vách ngoài và vách bên của hạt đều dày, ở vách trong tương đối mỏng. Hạt có nội nhũ.

2. Soi bột:

Tế bào vỏ quả ngoài có thành hơi dày, có vân ngoằn ngoèo và lỗ khí. Tế bào mô cứng của vỏ quả giữa hình thoi (nhìn bên) hay nhiều cạnh (nhìn trước mặt), thành rất dày, có ống trao đổi rõ. Tế bào mô cứng của vỏ quả trong hình chữ nhật thành hơi dày. Tế bào mô cứng của vỏ hạt (lớp ngoài) hình chữ nhật, thành rất dày. Tế bào mô cứng của vỏ hạt (lớp trong) có tinh thể calci oxalat hình lăng trụ. Thể cứng của cuống quả to và phân nhánh, thành dày và có ống trao đổi nhỏ có vân rõ. Tế bào nội nhũ thành mỏng, trong có hạt aleuron. Ngoài ra, còn có sợi dài, mảnh mạch xoắn.

3. Định tính:

  • A. Lấy 0,5g bột dược liệu, cho vào một ống nghiệm. Đun sôi trong 2 phút với 5ml ethanol 90% (TT). Để nguội, lọc, lấy 1ml dịch lọc, thêm 10ml nước, dung dịch sẽ có tủa trắng.
  • B. Lấy 0,10g bột dược liệu, thêm 4ml dung dịch kali hydroxyd 5% (TT). Đun sôi trong 2 phút, thêm 10 ml nước, dung dịch sẽ có màu đỏ nâu.
  • C. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4):

Bản mỏng: Silicagel G.

Dung môi khai triển: Ether dầu hỏa – ether (95 : 5).

Dung dịch thử: Lấy khoảng 1g bột dược liệu, cho vào bình nón có nút mài dung tích 60ml. Thêm 10ml cloroform (TT), ngâm lạnh trong 4 giờ, lọc.

Dung dịch đối chiếu: Dung dịch tinh dầu Hồi 0,1% (tt/tt) trong cloroform.

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 20mcl mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra, để khô bản mỏng ở nhiệt độ phòng, phun dung dịch mới pha vanilin 1% trong acid sulfuric (TT). Sấy bản mỏng ở 105oC trong 5 phút. Trên sắc ký đồ, dung dịch thử xuất hiện 4 vết, trong đó vết số 3 lớn nhất có cùng giá trị Rf (khoảng 0,5) và cùng màu sắc (đỏ sau chuyển sang tím) với vết của dung dịch đối chiếu.

4. Các chỉ tiêu đánh giá khác:

  • Độ ẩm: Không quá 13% (Phụ lục 12.13). Dùng 10g dược liệu đó cắt nhỏ.
  • Tro toàn phần: Không quá 5% (Phụ lục 9.8).
  • Định lượng: Tiến hành theo phương pháp định lượng tinh dầu trong dược liệu (Phụ lục 12.7). Dùng 20g bột dược liệu thô, thêm 150ml nước, cất trong 3 giờ. Hàm lượng tinh dầu không ít hơn 7%.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
  • Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006.
  • Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010.
  • Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006.
  • Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006.

Tham khảo thêm

cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
sam vu diep

Sâm Vũ Điệp

Sâm vũ điệp hay còn gọi tam thất xẻ lá là giống sâm hoang tự nhiên, có tác dụng tốt cho sức khỏe; nâng...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
4
minutes
spot_img