Gạo nếp và gạo tẻ đều có vị thơm ngon, mềm dẻo, vừa cung cấp dinh dưỡng, vừa chữa nhiều bệnh như nôn mửa, rối loạn tiêu hóa, sốt cao.
- Gạo tẻ lâu năm vị chua, hơi mặn, tính ấm, tác dụng thông huyết mạch, giúp tiêu hóa.
- Gạo tẻ thường chủ trị sốt cao, ra mồ hôi.
- Gạo tẻ sao (rang) vị ngọt tính ấm, tác dụng tốt cho tiêu hóa, cầm tiêu chảy, nôn mửa, kiết lỵ.
- Gạo nếp vị ngọt, thơm ngon, mềm dẻo, tính ấm, chủ trị đau bụng, nôn mửa, tiểu tiện ra dưỡng chất như lipid, protein.
Đông y có nhiều bài thuốc từ gạo tẻ và gạo nếp.
- Gạo tẻ một nắm, tri mẫu 12 g, hoàng cầm 12 g, sinh thạch cao 40 g, cam thảo 4 g sắc uống, tác dụng trị sốt cao, ra mồ hôi.
- Gạo tẻ sao cháy lượng 40 g sắc uống cùng 5 lát gừng, muối, nước, chữa nôn mửa, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa.
- Gạo nếp 20 g cùng 3 lát gừng tươi sắc uống hoặc nấu cháo ăn trị đau bụng, nôn mửa, tì vị hư yếu.
Thóc nếp ngâm ủ cho nảy mầm, dùng mầm này nấu thành kẹo mạch nha. Kẹo mạch nha có vị ngọt, tính ấm, tác dụng ích khí lực, nhuận phế, tiêu đờm, chủ trị đau bụng, ho máu, uống thuốc quá liều, tích ứ sữa (vú sữa căng tức).
Ngoài ra có thể dùng làm thuốc hoặc tá dược cho thuốc – những chất không có hoạt tính (dược lý hoặc sinh học) được sử dụng trong bào chế thuốc.
Ngoài kẹo mạch nha, cám gạo cũng là thực phẩm chữa bệnh tốt. Cám gạo vị ngọt tính bình, tác dụng khai vị, chống đói. Cám gạo cùng đường mật làm kẹo chè lam ăn, tác dụng chữa nghẹn. Cám gạo cùng đậu đỏ, gạo nếp, đường mật lượng bằng nhau, nấu chè, nấu cháo ăn hoặc sắc uống, tác dụng chữa tê phù.
Đặc biệt, trong thành phần cây lúa không chỉ có gạo mà còn rạ, rơm cũng được dùng làm thuốc và chế biến thành món ăn bổ dưỡng.
Rạ lúa nếp đốt ra than, bôi và sắc lấy nước đặc ngâm rửa chữa mụn trĩ, lở ngứa. Rơm lúa nếp 150 g sắc uống chữa đái đục. Rơm, rạ khô, dùng gây trồng nấm rơm (nấm mỡ) là một thứ nấm có nhiều chất dinh dưỡng, bổ cơ thể. Nấm rơm còn tác dụng chữa sinh lý yếu.
Theo VNexpress
Gạo trắng và gạo lứt, loại nào bổ dưỡng hơn?
Gạo lứt là thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng do không qua quá trình xay xát như gạo trắng, nhưng gây khó khăn cho tiêu hóa nếu ăn nhiều.
Chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Mộc Lan cho biết gạo trắng là loại gạo đã xát hết vỏ trấu, cám và mầm nên một số dinh dưỡng bị mất đi. Còn gạo lứt chỉ vừa bóc đi lớp vỏ trấu, vẫn còn lớp cám bao bọc bên ngoài nên nhiều chất dinh dưỡng vẫn còn.
Về mức năng lượng, hai loại gạo này gần như giống nhau:
Trong một 100g gạo lứt có 358 Kcal, còn trong gạo trắng có 344 Kcal. Khác biệt ở chỗ chất xơ trong gạo lứt gấp nhiều lần so với gạo trắng Do đó người ăn gạo lứt có cảm giác no lâu hơn, lượng đường trong máu không tăng, thích hợp cho người thừa cân béo phì. Ngoài ra, các thành phần khác như phốt pho, sắt, magie, kali trong gạo lứt cũng nhiều hơn gạo trắng. Vì vậy, gạo lứt giàu thành phần dinh dưỡng hơn gạo trắng.
“Tuy nhiên không có nghĩa là gạo trắng không tốt”, chuyên gia Mộc Lan cho biết. Gạo trắng có tính mềm và dễ ăn nên thích hợp để mọi người sử dụng hàng ngày. Trẻ em, người cao tuổi, người thể trạng yếu, gầy gò, phụ nữ đang mang thai, những người đang bồi bổ sức khỏe nên ăn gạo trắng, ăn nhiều gạo lứt sẽ gây khó khăn cho quá trình tiêu hóa.
Chuyên gia cũng cho biết, nhiều ý kiến cho rằng gạo lứt chứa asen, một kim loại nặng gây độc, nhiều hơn gạo trắng. Thực tế hàm lượng asen trong gạo phụ thuộc vào từng loại gạo và nơi trồng. Người tiêu dùng khi mua cần tham khảo xem nguồn gốc gạo đó như thế nào.
Nên chọn mua gạo mới vì còn chứa nhiều chất dinh dưỡng. Nếu mua gạo để lâu ăn dễ bị nhạt, gạo không còn thơm. Gạo đóng trong túi nilon, mở túi lấy gạo xong phải buộc chặt, tránh không khí vào túi gạo sẽ bị mất dinh dưỡng. Nấu chín cơm bằng nồi cơm điện nên sử dụng luôn, tránh để cơm thừa từ bữa này sang bữa kia, sẽ mất nhiều dinh dưỡng. Không tốt cho sức khỏe !