Gừng

Dược Liệu: Gừng

  1. Tên khoa học: Zingiber officinale Rose
  2. Tên gọi khác: khương, sinh khương, can khương, co khinh, sung.
  3. Tính vị, quy kinh: Vị cay, nóng. Vào các kinh tâm, phế, tỳ, vị, thận, đại tràng.
  4. Bộ phận dùng: Thân rễ
  5. Đặc điểm sản phẩm: Thân rễ, thường phân nhánh, mặt ngoài màu trắng tro hay vàng nhạt, có vết nhăn dọc. Mùi thơm, vị cay nóng.
  6. Phân bố vùng miền: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam.
  7. Thời gian thu hoạch: Đào củ vào mùa hạ, thu.

I. THÔNG TIN CHI TIẾT – GỪNG

1. Mô tả thực vật Gừng

  • Cây thảo, sống lâu năm, cao 40- 80cm. Thân rễ nạc, mọc bò ngang, phân nhiều nhánh. Lá mọc so le thành hai dãy, hình mác thuôn, thắt lại ở gốc, đầu nhọn, dài 15- 20cm, rộng 2cm, không cuống, có bẹ nhẵn, lưỡi bẹ nhỏ dạng màng, hai mặt nhẵn, mặt trên màu lục sẫm bóng, mặt dưới nhạt.
  • Cụm hoa dài 5cm, mọc từ gốc trên một cán dài khoảng 20cm do nhiều vảy lợp hình thành, những vảy phía dưới ngắn, càng lên trên càng dài và rộng hơn, lá bắc hình trái xoan, màu lục nhạt, mép viền vàng, đài có 3 răng ngắn, tràng có ống dài gấp đôi đài, 3 thùy bằng nhau, hẹp và nhọn. 1 nhị, nhị lép không có hoặc tạo thành thùy bên của cánh môi, cánh môi màu vàng, chia làm 3 thùy tròn.
gừng
Củ Gừng
  1. Quả nang
  2. Toàn cây, nhất là thân rễ, có mùi thơm, vị cay nóng.
  3. Mùa hoa quả: tháng 5- 8.

2. Phân bố

  • Thế giới: Các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ và Úc
  • Việt Nam: Trồng khắp nước ta để lấy củ ăn và làm thuốc, dùng trong nước và xuất khẩu. (6,tr 367)

3.Bộ phận dùng

  • Thân Rễ

4. Thu hái, chế biến và bảo quản

  • Thu hái: vào mùa thu đông, dùng tươi là sinh khương, phơi hoặc sấp khô là can khương, dùng tiêu khương ( gừng khô thái lát dày, sao sém vàng), bào khương( gừng khô đã bào chế), than khương( gừng khô thái lát dày, sao cháy đen).
  • Chế biến: Có thể cất tinh dầu từ gừng, hoặc điều chế nhựa dầu gừng.

5. Mô tả dược liệu Gừng

Thân rễ (quen gọi là củ) không có hình dạng nhất định, thường phân nhánh, dài 3 – 7 cm, dày 0,5 -1,5 cm. Mặt ngoài màu trắng tro hay vàng nhạt, có vết nhăn dọc. Đỉnh các nhánh có đỉnh sinh trưởng của thân rễ. Vết bẻ màu trắng tro hoặc ngà vàng, có bột, vân tròn rõ. Mặt cắt ngang có sợi thưa. Mùi thơm, vị cay nóng.

6. Thành phần hóa học Gừng

Gừng chứa tinh dầu( 2- 3%), nhựa dầu( 4,2- 6,5%), chất béo (3%) và chất cay : zingeron, shagaol,…

  • Tinh dầu gừng thành phần chủ yếu là hợp chất hydrocarbon sesquiterpenic : zingiberen( 35,6%), ar-curcumen (17,7%), farnesen (9,8%), ngoài ra còn một lượng nhỏ các hợp chất alcol monoterpenic
  • Nhựa dầu gừng có chứa 20- 25% tinh dầu và 20- 30% các chất cay.

7. Công dụng – Tác dụng của Gừng

  • Gừng tươi, gừng khô sử dụng như một gia vị trong bữa ăn hàng ngày
  • Tinh dầu gừng, nhựa dầu: làm chất thơm và cay trong kỹ nghệ thực phẩm.
  • Sinh khương (gừng tươi): là vị thuốc tân ôn giải biểu, tác dụng phát tán phong hàn, chữa cảm mạo phong hàn, làm ấm dạ dày trong trường hợp bụng đầy trướng, không tiêu, khí huyết ngưng trệ, chân tay lạnh. Ngoài ra còn có tác dụng hóa đờm chỉ ho, lợi niệu, giải độc, khử khuẩn.
  • Can khương( gừng khô): có tác dụng ôn trung hồi dương, ôn trung chỉ tả, chỉ nôn, trong trường hợp chân tay lạnh, đau bụng đi ngoài. Can khương tồn tính có tác dụng ấm vị, chỉ huyết trong các trường hợp xuất huyết do hư hàn.

8. Cách dùng và liều dùng

Gừng tươi dùng với liều 3- 6g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc pha hoặc rượu gừng tươi( mỗi ngày 2-5ml). Gừng khô dùng khi bị lạnh mà đau bụng, đi ỉa lỏng, mệt lả, nôn mửa, liều như gừng tươi.

9. Lưu ý, kiêng kị (nếu có)

10. Một số bài thuốc từ cây Gừng

  • Chữa nhức đầu, lạnh bụng, nôn ọe, có đờm: 10g gừng khô, cam thảo trích 4g, nước 300ml sắc còn 100ml, chia nhiều lần uống trong 1 ngày.
  • Đi tả ra nước: Gừng khô tán nhỏ dùng nước cơm chiên thuốc, mỗi lần uống 2-4g
  • Đi lỵ ra máu: Can khương thiêu tồn tính. Ngày uống nhiều lần, mỗi lần 2-4g, chiêu bằng nước cơm hay nước cháo.
  • Cảm cúm, nhức đầu, ho, thân thể đau mỏi: Gừng sống giã nhỏ, bọc vào mớ tóc rối, tẩm rượu xào nóng đánh khắp người và xát vào chỗ đau mỏi.
  • Chữa nôn mửa: gừng sống nhấm từng ít một cho đến khi hết nôn.

II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU

1. Đặc điểm bột

Mảnh mô mềm gồm những tế bào hình nhiều cạnh, rải rác có chứa tế bào tiết tinh dầu màu vàng nhạt. Tinh bột hình trứng, có vân rõ. Mảnh bần gồm các tế bào hình chữ nhật, vách dày, màu vàng nâu. Sợi có thành mỏng. Mảnh mạch vạch, mạch vòng, mạch điểm.

2. Định tính

A.  Lấy khoảng 5 g bột dược liệu, thêm 20 ml ethanol 70% (TT), đun sôi, lắc đều, lọc.

Lấy  1 ml dịch lọc, thêm 5 giọt dung dịch natri nitroprusiat 1% (TT), thêm 3 giọt dung dịch natri hydroxyd 10% (TT), xuất hiện màu đỏ. Thêm 2 giọt acid acetic băng (TT), có tủa chuyển sang màu vàng.

Lấy 1 ml dịch lọc, thêm 3 giọt dung dịch paranitroanilin (TT), thêm 0,5 ml dung dịch natri hydrocarbonat 5% (TT), 4 ml nước, đun sôi, để nguội, dung dịch có màu nâu đỏ.

B. Phương pháp sắc kí lớp mỏng (Phụ lục 5.4)

Bản mỏng: Silica gel GF254

Dung môi khai triển: Hexan – aceton – acid acetic băng ( 7,5: 2,5: 4 giọt)

Dung dịch thử: Lấy 2 g bột dược liệu, thêm 5 ml aceton (TT), lắc trong 3 phút, lọc , lấy dịch lọc làm dung dịch thử.

Dung dịch đối chiếu: Lấy 2 g bột Gừng (mẫu chuẩn) chiết như dung dịch thử.

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 5 μl dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Sau khi khai triển xong, lấy bản mỏng ra để khô ở nhiệt độ phòng rồi phun thuốc thử vanilin – sulfuric (Trộn đồng lượng dung dịch vanilin 1% trong ethanol 96% và dung dịch H2SO4 5 % trong cồn 96%, chỉ pha khi dùng). Sấy bản mỏng ở 110 oC cho đến khi xuất hiện vết. Sắc kí đồ của dung dịch thử phải có ít nhất 10 vết cùng màu sắc và giá trị Rf với các vết trên sắc kí đồ của dung dịch đối chiếu.

3. Định lượng tinh dầu trong dược liệu

Cho 30 g dược liệu đã được cắt nhỏ vào bình cầu dung tích 500 ml của bộ dụng cụ định lượng tinh dầu trong dược liệu. Thêm 300 ml nước, tiến hành cất trong 3 giờ.

Dược liệu phải chứa ít nhất 0,5 % tinh dầu tính theo dược liệu khô kiệt.

4. Tiêu chuẩn đánh giá khác

  • Độ ẩm: Không quá 13%.
  • Tro toàn phần: Không quá 6%
  • Tro không tan trong acid hydrocloric: Không quá 3%
  • Tạp chất: Không quá 1%
  • Tỉ lệ non xốp: Không quá 1%
  • Chất chiết được trong dược liệu
    Chất chiết được trong nước: Không ít hơn 14,0%.
    Tiến hành theo phương pháp chiết lạnh, dùng  nước làm dung môi.
    Chất chiết được trong ethanol 90%: Không ít hơn 6,0%.
    Tiến hành theo phương pháp chiết lạnh, dùng  ethanol 90% (TT) làm dung môi.

Tham khảo thêm

cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
sam vu diep

Sâm Vũ Điệp

Sâm vũ điệp hay còn gọi tam thất xẻ lá là giống sâm hoang tự nhiên, có tác dụng tốt cho sức khỏe; nâng...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
4
minutes
spot_img