Thông tin: Kim Anh
- Tên khoa học: Fructus Rosae laevigatae.
- Tên gọi khác: Kim Anh Tử
- Tính vị, quy kinh: Vị chua, ngọt, mặn, tính bình. Vào các kinh phế, thận, bàng quang.
- Bộ phận dùng: Quả già đã phơi hay sấy khô của cây Kim anh
- Đặc điểm sản phẩm: Quả già bổ dọc, hình bầu dục. Mặt ngoài màu da cam, nâu đỏ hoặc nâu sẫm bóng, có vết của gai đã rụng. Đầu trên mang vết tích của lá đài và nhị. Đầu dưới còn sót lại một đoạn cuống ngắn. Quả đóng có góc, màu vàng nâu nhạt, rất cứng, có nhiều lông tơ. Vị hơi ngọt, chát.
- Phân bố vùng miền: Cây mọc hoang ở vùng núi thấp ở hai tỉnh Cao bằng và Lạng sơn.
- Thời gian thu hoạch: Thu hái vào tháng 10 – 11, khi quả chín tới biến thành màu đỏ
I. THÔNG TIN CHI TIẾT
1. Mô tả thực vật:
- Cây nhỏ, mọc dựa, thành bụi. Thân cành có gai. Lá kép gồm 3 lá chét, mép khía răng nhọn, có lá kèm nhỏ.
- Hoa to, màu trắng, mọc riêng lẻ ở đầu cành.
- Quả giả (đế hoa), hình trứng, có gai và đài còn lại, khi chín màu vàng nâu. Hạt (quả thật) nhiều, dẹt.
- Mùa hoa quả: Hoa: Tháng 3 – 6; Quả: Tháng 7 – 9.
2. Phân bố:
Thế giới: Trung Quốc
Việt Nam: Cây mọc hoang ở vùng núi thấp ở hai tỉnh Cao bằng và Lạng sơn. Cũng thường được trồng làm hàng rào.
3. Bộ phận dùng
Quả già đã phơi hay sấy khô của cây Kim anh (Rosa laevigata Michx.). Họ Hoa hồng (Rosaceae).
4. Thu hái, chế biến và bảo quản
Thu hái: Thu hái vào tháng 10 – 11, khi ‘quả’ chín tới biến thành màu đỏ, phơi khô, loại bỏ gai cứng.
Chế biến:
Kim anh: Loại bỏ tạp chất, rửa sạch, sấy khô.
Kim anh nhục (thịt ‘quả’ Kim anh): Lấy quả Kim anh sạch, ngâm mềm, bổ đôi, nạo hết ‘hạt’ (quả đóng) và lông ở trong, phơi hoặc sấy khô.
Bảo quản: Để nơi khô, thoáng, tránh mốc, mọt.
5. Mô tả dược liệu:
Quả già (đế hoa lõm biến thành) bổ dọc, hình bầu dục, dài 2 – 4cm, rộng 0,3 – 1,2cm. Mép cắt thường quăn gập lại. Mặt ngoài màu da cam, nâu đỏ hoặc nâu sẫm bóng, hơi nhăn nheo, có vết của gai đã rụng. Đầu trên mang vết tích của lá đài và nhị. Đầu dưới còn sót lại một đoạn cuống ngắn. Phần lớn đã được nạo sạch hạt (quả đóng) và lông. Quả đóng có góc, màu vàng nâu nhạt, rất cứng, có nhiều lông tơ. Vị hơi ngọt, chát.
6. Thành phần hóa học:
Quả chứa nhiều Saponin (17%), Vitamin C (1.5 %), Đường như fructose, sucrose. Các acid hữu cơ như malic, citric. Tannin, Nhựa (Resin). Khoáng chất như Calcium (0.8%), Magnesium (0.3%), Potassium (1.3 %), Sắt (40 ppm), Manganese (59ppm), Kẽm (15 ppm). Các sắc tố đỏ và vàng loại carotenoid thuộc nhóm rubixanthin, lycopen.
Hạt chứa heterosid độc (khi dùng phải bỏ hạt).
7. Phân biệt thật giả
8. Công dụng – Tác dụng
Tác dụng: Cố tinh sáp niệu, sáp trường, chỉ tả.
Công dụng: Chủ trị: Di tinh, hoạt tinh, di niệu, niệu tần (tiểu nhiều lần); băng kinh, rong huyết, ỉa chảy, lỵ lâu ngày.
9. Cách dùng và liều dùng:
Ngày dùng 6 – 12g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán; thường phối hợp với các vị thuốc khác.
10. Lưu ý, kiêng kị:
Có thấp nhiệt, tiểu tiện bí dắt không nên dùng.
11. Một số bài thuốc từ cây Dược liệu
Chữa di mộng hoạt tinh, vãi đái và lưng gối mỏi đau: Dùng quả Kim anh 20g, Củ súng và Cẩu tích mỗi vị 16g, sắc uống (Lê Trần Đức).
Chữa suy nhược thần kinh, di mộng tinh, hoạt tinh, viêm ruột: Kim anh 500g, Ba kích 250g, Tua sen 50g. Hai vị kim anh và ba kích thái mỏng, sao vàng, tán nhỏ, cho vào một túi nhỏ cùng với tua sen, rồi nấu với 3 lít nước còn chừng 1 lít. Lọc kỹ, để riêng, tiếp tục nấu với 2 lít nước nữa cho đến khi còn 0,5lít, lọc lấy nước bỏ bã. Trộn hai nước lại, cho thêm đường (1.000g), khuấy tan, cô đặc còn 1lít là được. Để nguội, thêm vài giọt tinh dầu cam cho thơm. Mỗi ngày uống 2 thìa canh, chia làm hai lần.
Chữa tiểu són, tiểu rắt: Kim anh 10g, tang phiêu tiêu 10g, tua sen 10g, sơn dược 12g. Tất cả phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.
Bài thuốc bổ sinh khí: Quả Kim anh, Khiếm thực, hai vị đồng lượng, sấy khô tán nhỏ, làm thành viên bằng hạt ngô. Ngày uống 10-20 viên (Thủy lục nhị tiên đơn).
Viên bổ huyết và ích tinh khí: Quả Kim anh (bỏ gai, hạt) 160g. Sa nhân 80g, tán nhỏ, làm thành viên với mật. Viên bằng hạt ngô, uống lúc đói, mỗi lần 50 viên, uống với rượu nóng (Dược liệu Việt Nam).
Chữa tỳ hư, tiêu chảy lâu dài: Kim anh 10g, phục linh 10g, đảng sâm 10g, bạch truật 10g, hạt sen 15g. Sắc uống trong ngày.
Chữa ra mồ hôi trộm, ù tai, chân tay tê mỏi: Cao quả kim anh 184g, hoàng bá, khiếm thực mỗi vị 180g; Sa sâm nam, sơn dược mỗi vị 120g. Hạt sen, tỏa dương, táo nhân, mạch môn, hên tu, tri mẫu, long cốt, mẫu lệ mỗi vị 75g. Tất cả tán bột, trộn đều, làm thành viên 0,1g. Ngày uống 6g.
Trị sa tử cung, sa trực tràng: Kim anh tử 30g, Ngũ vị tử 6g, sắc nước uống. Trường hợp sa tử cung lâu ngày có thể kết hợp với bài thuốc bổ trung ích khí uống.
Trị trẻ em đái dầm, đái nhiều lần do thận hư: Kim anh tử lượng vừa đủ nấu thành cao cho uống.
II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU
1. Định tính
Lấy 2g bột dược liệu, thêm 15ml nước cất, đun cách thủy 5 phút, lắc đều, lọc. Dùng dịch lọc để tiến hành các phản ứng sau:
Lấy 1ml dịch lọc, thêm 0,5ml dung dịch natri hydrocarbonat 20% (TT), thêm một giọt dung dịch sắt (III) clorid 5% (TT). Lắc, dung dịch có màu tím đậm. Thêm 5ml dung dịch acid hydrocloric 10% (TT), dung dịch mất màu.
Lấy 0,5ml dịch lọc, thêm 1ml thuốc thử Fehling (TT), đun sôi, xuất hiện tủa đỏ gạch.
Nhỏ 1 giọt dịch lọc trên phiến kính, thêm 2 giọt dung dịch phenylhydrazin hydroclorid 10% (TT), đậy lá kính lên. Vài phút sau soi kính hiển vi thấy có tinh thể hình kim màu vàng.
Lắc mạnh 2ml dịch lọc trong 1 phút, xuất hiện nhiều bọt.
2. Độ ẩm
Không quá 15% (Phụ lục 9.6).
3. Các chỉ tiêu đánh giá khác
Tro toàn phần
Không quá 3% (Phụ lục 9.8).
Tạp chất (Phụ lục 12.11).
Tỷ lệ quả không nạo sạch “Hạt” và “Lông”: Không quá 3%.
Tạp chất khác: Không quá 1%.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006