Liên Kiều

Thông tin: Liên Kiều

  1. Tên khoa học: Fructus Forsythiae.
  2. Tên gọi khác: Hoàng thọ đan, trúc căn.
  3. Tính vị, quy kinh: đắng, hơi mát. Quy vào kinh tâm, gan , tam tiêu, đại tràng.
  4. Bộ phận dùng: quả chín.
  5. Đặc điểm sản phẩm: Quả trứng đến hình trứng dẹt, hơi dẹt.Mặt ngoài có vết nhăn dọc không đều và nhiều chấm nhỏ nhô lên.Mỗi mặt có 1 rãnh dọc.Chất giòn dễ vỡ. Hạt màu nâu, dài 5- 7cm, một bên có cánh, phần lớn đã rụng. Mùi thơm nhẹ, vị đắng.
  6. Phân bố vùng miền:
    Thế giới: Trung Quốc ở các tỉnh Hồ Nam, Cam Túc, Hồ Bắc , Hà Bắc, Sơn Tây, Nhật Bản
    Việt Nam: hiện chưa có.
  7. Thời gian thu hoạch: Mùa thu

I. THÔNG TIN CHI TIẾT

cây liên kiều
cây liên kiều

1. Mô tả thực vật

Cây cao 2-4m. Cành non hình gần như 4 cạnh, có nhiều đốt, giữa các đốt ruột rỗng, bì không rõ. Lá đơn, phiến lá hình trứng, dài 3-4cm, rộng 2-4cm, mép có răng cưa không đều. Cuống lá dài 1-2cm. Lá thường mọc đối.

Hoa màu vàng tươi, tràng hình ống, trên xẻ thành 4 thùy, đài cũng hình ống, trên cũng xẻ thành 4 thùy, 2 nhị, nhị thấp hơn tràng. Một nhụy 2 đầu nhụy.

hoa liên kiều
hoa liên kiều

Quả khô hình trứng, dẹt, dài 1,5-2cm, rộng 0,5-1cm, 2 bên có cạnh lồi, đầu nhọn. Khi chín mở ra như mỏ chim, phía dưới có cuống hoặc  chỉ còn sẹo. Vỏ ngoài màu vàng nâu nhạt, trong quả có nhiều hạt nhưng phần lớn rơi vãi đi, chỉ còn sót lại 1 ít.

liên kiều
Quả liên kiều

2. Phân bố

Thế giới: Trung Quốc – Việt Nam:

3. Bộ phận dùng

Quả chín đã phơi hay sấy khô của cây Liên Kiều

4. Thu hái, chế biến và bảo quản

Thu hái: Thu hoạch vào mùa thu, nếu hái những quả gần chín và hơi xanh lục, loại bỏ tạp chất, đồ chín và phơi khô gọi là thanh kiều, nếu hái những quả đã chín nục, phơi khô và loại bỏ tạp chất gọi là lão kiều.

Chế biến: Loại bỏ tạp chất, loại bỏ cuống, sát cho nứt quả, sàng bỏ hạt, lõi, phơi hoặc sấy khô.

Bảo quản: Nơi khô ráo.

5. Mô tả dược liệu

Quả trứng đến hình trứng dẹt, hơi dẹt.Mặt ngoài có vết nhăn dọc không đều và nhiều chấm nhỏ nhô lên.Mỗi mặt có 1 rãnh dọc.Chất giòn dễ vỡ. Hạt màu nâu, dài 5- 7cm, một bên có cánh, phần lớn đã rụng. Mùi thơm nhẹ, vị đắng.

6. Thành phần hóa học

  • Trong Liên kiều có: Forsythin (Phillyrin), Matairesinoside, Oleanolic acid (Trung Dược Học).
  • Trong Liên kiều có Phenol Liên kiều [C15H18O7] (Trung Dược Ứng Dụng Lâm Sàng).
  • Trong Liên kiều có chừng 4,89 Saponin và 0,2% Alcaloid ( Viện Nghiên Cứu Y Học Bắc Kinh).
  • Forsythin, Phillyrin  (Tây Bộ Tam Tiêu, Dược Học Tạp Chí [Nhật Bản], 1977, 31 (2): 131).
  • Pinoresinol,  Betulinic acid, Oleanolic acid (Tây Bộ Tam Tiêu, Dược Học Tạp Chí [Nhật Bản], 1977, 97 (10): 1134). pinoresinol-b-D-glucoside (Thiên Diệp Chân Lý Tử, Sinh Dược Học Tạp Chí [Nhật Bản] 1978, 32 (3): 194).
  • Rutin (Khuông Mai Học, Trung Dược Thông Báo 1988, 13 (7): 416).
  • Forsythoside A, C, D, E, Salidroside, Cornoside, Rengyol, Isorengyol, Rengyoxide, Rengyolone, Rengyoisde A, B, C (Endo K và cộng sự, Tetrahedron, 1989, 45 (12): 3673).
  • Suspensaside (Kitagawa S và cộng sự, Phytochemistry 1984, 23 (8): 194).

7. Phân biệt thật giả

….

8. Công dụng – Tác dụng

Tác dụng: Thanh nhiệt giải độc, tiêu sưng tán kết.

Công dụng: Chủ trị: Đinh nhọt, tràng nhạc, đờm hạch, nhũ ung, đan độc (viêm quầng đỏ); cảm mạo phong nhiệt, ôn bệnh vào tâm bào sốt cao gây háo khát, tinh thần hôn ám (mê sảng), phát ban; lâm lậu kèm bí tiểu tiện.

9. Cách dùng và liều dùng

Ngày 6 – 15g, phối ngũ trong các bài thuốc.

10. Lưu ý, kiêng kị 

Không dùng cho người tỳ vị hư hàn, âm hư nội nhiệt, nhọt đã vỡ song mủ loãng

11. Một số bài thuốc từ cây Dược liệu

Trị lao hạch, loa lịch không tiêu: Liên kiều, Quỷ tiễn vũ, Cù mạch, Chích thảo. Lượng bằng nhau. Tán bột. Mỗi lần uống 8g với nước cơm, ngày 2 lần (Liên Kiều Tán – Dương Thị Gia Tàng).

Trị thái âm ôn bệnh mới phát, tà khí ở Phế vệ, sốt mà không sợ lạnh, sáng sớm khát nước: Liên kiều 40g, Ngân hoa 40gKhổ cát cánh 24g, Bạc hà 24gTrúc diệp 16g, Cam thảo (sống) 20g, Kinh giới tuệ 16g, Đạm đậu xị 20g, Ngưu bàng tử 24g. Tán thành bột. Mỗi làn dùng 24g uống với nước sắc Vi căn tươi (Ngân Kiều Tán – Ôn Bệnh Điều Biện).

Trị trẻ nhỏ mới bị nhiệt: Liên kiều, Phòng phong, Chích thảo, Sơn chi tử. Lượng bằng nhau. Tán bột. Mỗi lần dùng 8g, sắc với 1 chén nước, còn 7 phân, bỏ bã, uống ấm (Liên Kiều Ẩm – Loại Chứng Hoạt Nhân Thư).

Trị xích du đơn độc: Liên kiều, sắc uống (Ngọc Chủy Tật Lệnh).

Trị vú đau, vú có hạch: Liên kiều, Hùng thử phân, Bồ công anh, Xuyên bối mẫu, đều 8g, sắc uống (Ngọc Chủy Tật Lệnh).

Trị lao hạch, loa lịch: Liên kiều, Hạ khô thảo, Huyền sâm mỗi thứ 12g, Mẫu lệ 20g. Sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Trị lao hạch, loa lịch:  Liên kiều, Mè đen, mỗi thứ 100-150g, tán bột mịn, trộn đều. Mỗi lần uống 4-8g, ngày 2 lần (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Trị mụn nhọt, đơn độc, ban chẩn: Liên kiều, Bồ công anh, mỗi thứ 12g, Dã Cúc hoa 12g. Sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Trị tràng nhạc và viêm hạch ở nách: Liên kiều – Mè đen, 2 vị bằng nhau, tán nhỏ. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 4g (Dược Liệu Việt Nam).

Trị vú sưng: Liên kiều 16g, Bồ công anh 12g, Kim ngân hoa 5g, Bồ kết thích 4g. Sắc với 500ml nước  còn 200ml,  chia làm 3 lần uống trong ngày (Dược Liệu Việt Nam).

Trị cầu thận viêm cấp, lao thận: Mỗi ngày dùng Liên kiều 30g, cho nước vừa đủ, sắc nhỏ lửa còn 150ml, chia 3 lần uống trong ngày, uống trước bữa ăn, trẻ em giảm liều. Liên tục 5-10 ngày. Kiêng ăn cay và mặn (Giang Tây Y Dược Tạp Chí 1961, 7:18).

Trị ban xuất huyết do giảm tiểu cầu: Liên kiều 30g, thêm nước vừa đủ, sắc còn 150ml, chia 3 lần uống trong ngày, trước bữa ăn (Quảng Đông Trung Y Tạp Chí 1960, 10: 469).

II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU

1. Vi phẫu

Mặt cắt ngang vỏ quả: Vỏ ngoài là một hàng tế bào biểu bì có phủ một lớp cutin, thành phía ngoài và bên dày dần lên. Vỏ quả giữa gồm tế bào mô mềm ở phía ngoài với các bó mạch rãi rác và nhiều hàng tế bào đá ở phía trong, tế bào hình dây dài, hình gần tròn hoặc hình bầu dục, thành dày mỏng không đều, thường xếp theo dạng tiếp tuyến xen kẽ,  kéo dài tới vách ngăn dọc.

2. Bột

Bột có màu vàng nâu nhạt, mùi rất thơm, vị hơi chát. Dưới kính hiển vi thấy: Mảnh tế bào mô cứng hoặc tế bào mô cứng riêng lẽ gồm các tế bào hình bầu dục, thuôn dài hoặc gần tròn, thành dầy, ống trao đổi có thể nhìn thấy rõ hoặc không rõ. Mảnh tế bào vỏ quả màu vàng nhạt (vỏ quả giữa) hoặc vàng nâu (vỏ quả ngoài) gồm các tế bào hình đa giác, thành mỏng. Mảnh mạch vạch có kích thước nhỏ và ít thấy. Khối nhựa màu nâu đỏ. Mảnh nội nhũ gồm tế bào hình đa giác thành mỏng, trong suốt không màu, chứa nhiều giọt dầu béo. Tế bào vỏ hạt màu nâu đen nằm rải rác trong các tế  bào vỏ quả ngoài hay trong tế bào nội nhũ.

3. Định tính

A. Lấy 1g bột dược liệu, thêm vào 15ml methanol (TT), đun cách thủy 2 phút, lọc, dịch lọc được làm các phản ứng sau:

  • Lấy 5 ml dịch lọc, cô đến cắn, hòa tan cắn trong 1 ml anhydrid acetic (TT) và 1 ml cloroform (TT), khuấy kỹ cho tan, lọc, cho dịch lọc vào ống nghiệm khô rồi cẩn thận thêm từ từ 0,5 ml acid sulfuric (TT). Màu tím đỏ xuất hiện giữa 2 lớp dung dịch.
  • Lấy 5ml dịch lọc cho vào ống nghiệm, cho thêm 0,1 g bột magnesi (TT) và 1 ml acid hydrocloric (TT), để yên, sẽ xuất hiện màu từ đỏ nhạt đến đỏ vàng.

B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4)

  • Bản mỏng: Silicagel G đã hoạt hoá ở 110OC trong khoảng 1 giờ.
  • Dung môi khai triển: Cyclohexan – ethylacetat – acid formic   ( 8,5 : 1,5 : 0,5)
  • Dung dịch thử: Lấy 1 g bột dược liệu, thêm 30 ml ethanol (TT), siêu âm 15 phút 3 ở 40 oC. Lọc, bốc hơi dịch chiết tới cắn. Hoà cắn trong 1 ml ethanol (TT) làm dung dịch thử.
  • Dung dịch đối chiếu: Lấy 1 g bột Liên kiều (mẫu chuẩn), tiến hành chiết như mẫu thử.

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 5 µl mỗi dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Sau khi khai triển xong, lấy bản mỏng ra để khô ở nhiệt đô phòng rồi phun dung dịch vanilin 2% trong acid sulfuric (TT). Sấy khô bản mỏng ở 100 oC tới khi các vết xuất hiện rõ. Sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết có cùng màu sắc và giá trị Rf, với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

4. Các chỉ tiêu đánh giá khác

Độ ẩm

Không quá 10% ( phụ lục 9.6, 1 g, 105 oC, 4 giờ).

Tạp chất

Không quá 3% ( đối với Thanh kiều), không quá 9% (đối với Lão kiều) (Phụ lục 12.11).

Tro toàn phần

Không được quá 4.0% ( Phụ lục 9.8)

Chất chiết được trong dược liệu

  • Dược liệu phải chứa không dưới 30% (đối với Thanh kiều) và không dưới 16% (đối với Lão kiều) tính theo dược liệu khô kiệt.
  • Tiến hành theo phương pháp chiết lạnh (Phụ lục 12.10). Dùng  ethanol 65%  làm dung môi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
  • Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
  • Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
  • Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006

Tham khảo thêm

cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
sam vu diep

Sâm Vũ Điệp

Sâm vũ điệp hay còn gọi tam thất xẻ lá là giống sâm hoang tự nhiên, có tác dụng tốt cho sức khỏe; nâng...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
4
minutes
spot_img