Dược liệu: Nghệ Đen
- Tên khoa học: Curcuma zedoaria
- Tên gọi khác: Nga truật, ngải tím, tam nại, bồng truật
- Tính vị, quy kinh: vị đắng, cay, tính ấm. Quy vào kinh can, tỳ.
- Bộ phận dùng: thân rễ
- Đặc điểm dược liệu: thân rễ hình trứng, mặt ngoài màu nâu. Thể chất rắn như sừng, khó cắt. Mùi thơm nhẹ, đặc biệt, vị mát lạnh, hăng cay, đắng.
- Phân bố vùng miền: Việt Nam, Trung Quốc.
- Thời gian thu hoạch: mùa đông.
I. THÔNG TIN CHI TIẾT
Cây dược liệu Nghệ Đen hay chính là Nga Truật
1. Mô tả thực vật nghệ đen
Đặc điểm thực vật: Nghệ Đen
Cây thảo, cao 1-1,5m. Thân rễ hình nón, có vân ngang và khía dọc, mang những củ hình trụ tỏa ra theo hình chân vịt, dày, nạc, có màu vàng nhạt ở trong và những vòng màu xám ở củ già. Ngoài những củ hình trụ, thân rễ còn mang những củ hình trái xoan hoặc hình trứng, màu trắng, có cuống dài và mảnh. Lá hình mũi mác, dài 30-60cm, rộng 7-8cm, không cuống, có bẹ dài ở gốc, đầu nhọn có đốm tía dọc theo gân giữa ở mặt trên, mép nguyên hơi uốn lượn.
Cụm hoa hình trụ, dài 20cm, rộng 5cm, mọc từ thân rễ trên một cán ở bên cạnh thân có lá, thường xuất hiện trước khi cây ra lá, lá bắc phía dưới màu lục nhạt viền đỏ ở mép, lá bắc phía ngọn không mang hoa sinh sản, màu vàng nhạt, pha hồng ở đầu lá, hoa nhiều, màu vàng, đài hình ống có long, 3 răng không đều, tràng có ống dài gấp 3 đài, thùy hình mũi mác, bao phân kéo dài thành cựa chẽ ngang, trung đới dạng bản tròn, ngắn, chỉ nhị đính với các nhị lép, cánh môi thắt lại ở gốc, lõm ở đầu, màu vàng, nhị lép đính nhau ở nửa dưới, bầu có lông, nhụy lép hình giùi.
2. Phân bố
- Thế giới: phân bố khắp vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Á, Bắc Australia và một số ở Thái Bình Dương.
- Việt Nam: phân bố rộng khắp các tỉnh miền núi và trung du, nhất là Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Sơn La, Cao Bằng, Bình Định, Quảng Nam…
3. Bộ phận dùng
- Thân rễ
4. Thu hái, chế biến và bảo quản Nghệ Đen
Trồng bằng thân rễ. Thu hoạch vào mùa đông. Khi thu hái, cắt bỏ rễ con, đồ chín rồi phơi khô. Có khi thái mỏng rồi mới phơi khô, lại có khi trước lúc thái mỏng, đem củ ngâm dấm (600g nga truật ngâm trong 160g dấm, 160g nước), đun cho đến cạn, đem ra thái mỏng rồi phơi khô.
- Nga truật: Lấy Nga truật khô, ngâm qua, rửa sạch, đồ mềm, thái lát mỏng, phơi hay sấy khô.
- Thố Nga truật (chế giấm): Lấy lát Nga truật sạch, tẩm giấm một đêm, 600 g Nga truật, ngâm trong 160 ml giấm, 160 ml nước, đun đến thấu lõi (cạn chất lỏng), sao đến khô.
5. Mô tả dược liệu Nghệ Đen
Thân rễ hình trứng, dài 4 – 6 cm, đường kính 2,5 – 4 cm, mặt ngoài màu nâu, vàng xám đến màu nâu xám, có những mấu nhô lên, hình vòng, các đốt dài khoảng 5 – 8 mm có những vân nhăn dọc nhỏ, những vết sẹo của rễ đã loại đi và vết nhô ra của nhánh ngang. Nhìn qua kính lúp, thấy mặt ngoài thân rễ phủ những lông thô. Chất rắn như sừng, khó cắt. Mặt cắt ngang màu nâu xám, có một vòng nâu xám nhạt ở giữa, phân cách trụ dày với phần vỏ dày 2 – 5mm. Mùi thơm nhẹ, đặc biệt, vị mát lạnh, hăng cay, đắng.
6. Thành phần hóa học
Nga truật chứa sesquiterpin và tinh dầu. các sesquiterpen thuộc nhiều nhóm:
- Germacran: curdion, dehydrocurdion, furanogermenon, furanodien, isofuranodienon…
- Eleman: zedoaron, curzerenon, epicurzerenon, curzeren,…
- Cadinan: curzenon.
- Eudesman: curcolon
- Guainan: procurrcumenol, curcumadiol, isocur-cumenol, zedoarondiol, zedoarol và một số chất thuộc các nhóm khác: curcumenon, curcumanolid A, curcumanolid B.
- Ngoài ra còn có 1 số chất khác như curcumin, tinh bột, tinh dầu và các nguyên tố vi lượng ( Sr, Zn, Cu, Ni, Fe, Mn, Ti, Cr, Pb, Ca, K)
7. Tác dụng – Công dụng Nghệ Đen
Hành khí, phá huyết, chỉ thống, tiêu tích. Chủ trị: Kinh nguyệt huyết khối, bế kinh, đau bụng kinh, bụng đầy trướng đau do thực tích khí trệ.
8. Cách dùng và liều dùng Nghệ Đen
Ngày dùng 6 – 9 g, dạng thuốc sắc hay hoàn tán. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.
9. Lưu ý, kiêng kị (nếu có)
Phụ nữ cú thai không nên dùng.
Cơ thể hư yếu sau khi sinh có tích trệ không nên dùng, muốn dùng phải phối hợp với Nhân sâm, Bạch truật.
10. Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Nghệ Đen
- Chữa tích huyết, hành kinh máu đông thành cục, đau bụng khi có kinh hoặc rong kinh ra huyết đặc ri rỉ:
Nghệ Đen và ích mẫu mỗi vị 15g, sắc nước uống.
- Chữa nôn ở trẻ bú sữa:
Nghệ Đen 4g, muối ăn 3 hạt, sắc với sữa cho sôi chừng 5 phút, hòa tan ít ngưu hoàng (lượng bằng hạt gạo) cho trẻ uống.
- Chữa cam tích, phân thối khẳn, biếng ăn ở trẻ em:
Nghệ Đen 6g, hạt muồng trầu 4g, sắc nước uống.
Xem thêm các bài thuốc từ: Nga Truật
II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU
1. Ðặc điểm bột dược liệu
Màu vàng nâu, mùi thơm nhẹ, vị hăng cay, đắng. Soi kính hiển vi thấy: Mảnh mô mềm gồm những tế bào thành mỏng chứa các hạt tinh bột đã bị hồ hoá. Nhiều hạt tinh bột đơn bị hồ hoá không còn nhìn rõ vân và rốn. Mảnh mạch xoắn, mạch vạch. Bó sợi nhỏ.
2. Ðịnh lượng
Tiến hành theo phương pháp định lượng tinh dầu trong dược liệu. Hàm lượng tinh dầu không được ít hơn 1%.
3. Tiêu chuẩn đánh giá khác:
– Độ ẩm
Không quá 13%. Dùng 10 g bột dược liệu.
– Tạp chất
Gốc thân, vảy lá còn sót lại: Không quá 1%.
Tạp chất khác: Không quá 1%.
– Tro toàn phần
Không quá 7,0% .
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010.
- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006.
- Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập 2), Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật.