Tạo Giác Thích

Dược liệu : Tạo Giác Thích – Cây Bồ Kết

  1. Tên khoa học: Spina Gledischiae australis
  2. Tên gọi khác: tạo giáp, bồ kết, tạo giác, chưa nha tạo giác , man khét ( tên gọi khác của dược liệu: tạo thích, tạo giác thích, thiên đình, tạo trâm)
  3. Tính vị, quy kinh: vị cay mặn, tính ôn hơi có độc, quy kinh phế, đại tràng.
  4. Bộ phận dùng: gai bồ kết, quả bồ kết
  5. Đặc điểm sản phẩm:
  6. Phân bố vùng miền:
    – Thế giới: Nam Trung Quốc
    – Việt Nam: Bắc Việt Nam như đảo Cát Bà ( Hải Phòng )
  7. Thời gian thu hoạch: tháng 10 – 11
tao-giac-thich
Tạo Giác Thích

Mô Tả Dược Liệu Tạo Giác Thích

Tạo giác tức là quả Bồ kết còn gọi là Tạo giáp, Chư nha tạo, dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh là quả khô của cây Bồ kết. Có tên khoa học là Gleditsia sinensis Lamk Mimosafera Lour hay là Gleditschia autralis Hemsl thuộc họ Vang (Caesalpiniaceae).

Cây Bồ kết mọc hoang và được trồng nhiều nơi ở các tỉnh miền Bắc nước ta. Riêng đảo Cát bà Hải phòng hằng năm sản xuất tới 40 tấn Bồ kết. Bồ kết cũng mọc nhiều ở các tỉnh phía nam Trung quốc và các tỉnh khác như Hoa Bắc, Hoa đông, Trung nam, Tứ xuyên, Quí châu.

Thường vào mùa thu quả chín hái về rửa sạch phơi khô. Lúc dùng đập vụn, dùng sống hoặc sao cháy. Cây Bồ kết còn cung cấp 2 vị thuốc khác là:

  • Gai Bồ kết (Spina Gleditschiae) là gai hái ở thân cây thái mỏng phơi hay sấy khô.
  • Hạt Bồ kết (Tạo giác sử: Semen Gleditschiae) lấy trong quả chín đã khô.
tạo giác thích gia bồ kết
tạo giác thích gia bồ kết

 Tính vị qui kinh:

  • Tạo giác vị cay tính ôn, có độc, qui kinh phế và đại tràng.

Theo các sách thuốc cổ:

  • Sách Bản thảo thuật câu nguyên: vị cay hơi mặn, khí ôn có độc ít, nhập phần khí túc quyết âm kinh, thủ thái âm, thủ túc dương minh kinh.
  • Sách Bản thảo tùng tân: nhập phế, đại tràng kiêm nhập can kinh, vị cay mặn tính ôn có độc ít.

Thành phần chủ yếu: Tạo Giác Thích

Saponin triterpenoid bao gồm: glenidin, gledigenin, gleditschia saponin ceryl alcohol, nonacosane, stigmasterol, sitosterol.

Tác dụng dược lý: Tạo Giác Thích

Tạo Giác Thích – Theo Y học cổ truyền:

Tạo giác có tác dụng trừ đàm, khai khiếu, tán kết tiêu thũng.

Chủ trị các chứng: hung trung đàm thịnh, khái nghịch thương khí, trung phong hàm răng nghiến chặt, động kinh đàm nghịch, cấm khẩu, ung thư sang thũng (ung nhọt sưng lở).

Trích đoạn Y văn cổ:

  • Sách Bản kinh: “chủ phong tý tử cơ, tà khí, phong đầu lê xuất, hạ thủy, lợi cửu khiếu”.
  • Sách Danh y biệt lục: ” liệu phúc trướng mãn, tiêu cốc, trừ khái thấu nang kết, phụ nhân bào bất lao (phụ nữ sanh nhau thai không ra), minh mục ích tinh”.
  • Sách Dược tính bản thảo: ” phá trung kiên, phúc trung thống, năng trụy thai (có thể gây sẩy thai). Ngâm thuốc vào rượu để lấy tinh (ngâm kiệt) cô thành cao phết vào miếng lụa đắp trị nhọt sưng đau”.
  • Sách Bản thảo cương mục: ” thông phế cập đại tràng khí trị yết hầu tý tắc (trị hầu họng đau tắt), đàm khí suyễn khái, phong lịch giới tiên”.

Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Gleditschia saponin kích thích niêm mạc bao tử gây phản xạ tăng tiết đường hô hấp mà có tác dụng hóa đàm.
  • Thuốc cho uống, thành phần saponin không chỉ kích thích niêm mạc bao tử mà sau 10 phút gây nôn, tiêu chảy làm lóet niêm mạc bao tử gây nhiễm độc.
  • Tạo giác trong ống nghiệm có tác dụng ức chế trực khuẩn đại tràng, trực khuẩn lî, trực khuẩn mủ xanh, phẩy khuẩn tả cùng các loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột Gram âm và một số nấm ngoài da. Thuốc còn diệt trùng roi âm đạo.
  • Saponin Tạo giác có tác dụng tán huyết mạnh và kích thích niêm mạc tại chỗ. Nếu uống quá liều nhiễm độc gây nên các triệu chứng tức đầy mõm ức, rát bỏng, buồn nôn, nôn, bứt rứt, tiêu chảy, chân tay nhức tê mỏi. Đối với trung khu thần kinh lúc đầu gây hưng phấn sau ức chế, nặng có thể dẫn đến tê liệt trung khu hô hấp mà tử vong. Cấp cứu theo các nguyên tắc chung và điều trị triệu chứng.

Bài thuốc từ dược liệu Tạo Giác Thích

Hóa đàm:

Dùng cả quả Bồ kết (vỏ và nhân) sấy khô tán bột, mật ong luyện viên nặng 0,2g, ngày uống 3 lần, mỗi lần 2 – 3 viên; không dùng cho người yếu ho ra máu. Đã trị 103 ca các loại bệnh lao phổi, áp xe phổi, tâm phế mạn, giãn phế quản, viêm phế quản phổi, viêm phế quản có đờm đặc khó khạc, sau bình quân 16,5 ngày, kết quả long đờm tốt (Mao bản linh, Tạp chí Nội khoa Trung hoa 1982,12:783).

Trị tắc ruột cấp:

Dùng Cát căn, Tạo giác mỗi thứ 500mg, cho nước 4000ml bỏ vào nồi sắc 40 phút, bỏ xác, nồi vẫn đặt trên lửa bảo đảm độ nóng của nước. Dùng 10 lớp gạc làm thành 4 miếng rộng mỗi bề 30cm, tẩm nước thuốc đắp lên bụng chườm nóng 3 – 4 lần trong ngày mỗi lần 1 giờ, ngoài ra tùy tình hình bệnh cho trụ sinh, bổ sung dịch, giảm áp lực bao tử, theo dõi 40 ca, khỏi 37 ca ( Vương Cẩm Vân, Học báo viện Y học Hà nam 1965, 22:203).

Trị viêm tuyến vú sau sanh:

Tạo giác tán bột trộn với cồn 75% hoặc rượu trắng, dùng 1 lớp gạc bọc thuốc thành gói nhỏ nhét vào lỗ mũi cùng bên đau, 12 giờ sau lấy ra. Theo dõi 36 ca điều trị khỏi trong số 43 ca được điều trị ( Hứa hoài Cần, Tạp chí Y học Trung hoa 1973,11:685).

Trị trẻ em lười ăn:

Cho Tạo giác vào chảo, trước to lửa sao nhỏ lửa để sao tồn tính, tán bột mịn cho vào lọ để dùng, mỗi lần uống 1g, ngày 2 lần, trộn với đường uống. Thường từ 3 – 10 ngày, trung bình 5 ngày có hiệu nghiệm. Đã trị 110 ca, tỷ lệ kết quả 94,5%% ( Uông di Khôi, Tạp chí Trung y Hồ bắc 1987,1:25).

Trị ho suyễn đờm nhiều:

  • Tạo giác hoàn: Tạo giác lượng vừa đủ tán bột luyện mật lầm hoàn, mỗi lần uống 3g với nước Táo, hoặc Tạo giác nung thành than tán bột, mỗi lần uống 1,5g ngày 1 lần, với nước ấm.

Trị trúng phong cấm khẩu, hàm răng nghiến chặt:

  • Thông quan tán (Đan khê tâm pháp phụ dư): Tạo giác, Tế tân lượng bằng nhau. Các vị tán bột mịn trộn đều lúc dùng thổi vào mũi. Trị Hysteri, động kinh thuộc chứng bế, đàm quyết.

Trị táo bón:

  • Tạo giác tán: Đại tạo giác, sao tồn tính tán bột mịn, mỗi lần 3g, ngày 1 lần, uống với nước cơm.

Trị nhức răng sâu răng:

  • Bồ kết tán mịn rắc bột vào chân răng, chảy nước dãi nhổ đi.

Trị Quai bị:

  • Quả Bồ kết (bỏ hạt) tán nhỏ hòa giấm thanh, tẩm bông đắp vào chỗ đau, 30 phút lại tẩm đắp 1 lần cho đến khỏi.
quả bồ kết
Quả bồ kết

Trị trẻ em chốc đầu rụng tóc:

  • Bồ kết đốt thành than tán nhỏ, rửa sạch vết chốc đắp Bồ kết lên.

Trị lî lâu ngày:

  • Hạt Bồ kết sao vàng tán nhỏ, hồ nếp viên bằng hạt ngô ngày dùng 10 – 20 viên, uống với nước chè đặc (nên uống vào buổi sáng sớm để khỏi mất ngủ).

Liều lượng thường dùng và chú ý:

  • Liều 1,5 – 5g, sao cháy tồn tính tán bột mịn uống, mỗi lần 0,6 – 1,5g thường dùng uống Tạo giác sao cháy.
  • Chú ý: không nên dùng cho phụ nữ có thai hoặc cơ thể khí âm hư. Uống không nên dùng liều cao vì dễ gây nôn và tiêu chảy.

TẠO GIÁC THÍCH – Gai Bồ Kết

Gai Bồ kết dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản thảo đồ kinh cũng gọi là Tạo giác trâm (Spina Gleditschae) là gai hái ở thân cây Bồ kết, thái lúc còn tươi phơi khô dùng sống.

Gai Bồ kết vị cay tính ôn.

  • Tác dụng dược lý: thác độc bài nùng, hoạt huyết tiêu thũng.

Chủ trị các chứng: ung thư sang độc sơ khởi hoặc chưa vỡ mủ; uống trong hoặc đắp ngoài.

  • Liều uống: 3 – 10g, dùng ngoài lượng vừa đủ. Không dùng đối với phụ nữ có thai.

 

Tham khảo thêm

Quả Trám

Quả Trám kho cá, thịt rát ngon & là món quê của miền núi phía Bắc. Ngoài ra Trám còn là vị thuốc quý... Trám...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
5
minutes
cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
spot_img