Dược liệu Thị Đế
- Tên khoa học: Calyx Kaki
- Tên gọi khác: thị đinh, tai hồng, hồng
- Tính vị, quy kinh: Đắng, chát, bình. Vào kinh vị.
- Bộ phận dùng: tai hồng
- Đặc điểm sản phẩm: Dược liệu hình tròn dẹt, ở giữa hơi dày, hơi nhô lên, có sẹo tròn của cuống quả đã rụng, mép tương đối mỏng, xẻ tư. Phần đáy còn cuống quả hoặc chỉ còn vết cuống quả, dạng lỗ tròn. Mặt ngoài màu vàng nâu hoặc nâu đỏ, mặt trong màu nâu vàng, phủ đầy lông nhung nhỏ. Chất cứng và giòn, không mùi, vị chát.
- Phân bố vùng miền:
– Thế giới: Trung Quốc, Nhật Bản
– Việt Nam: trồng tại các tỉnh miền Bắc Việt Nam - Thời gian thu hoạch: mùa thu, đông
I. THÔNG TIN CHI TIẾT
1. Mô tả thực vật
Thị Đế – Cây hồng là một cây nhỡ cao chừng 5-6m, có thể tới 10m nhiều cành. Lá mọc so le, có cuống ngắn dài không quá 1cm. Phiến lá thuôn hình trứng, dài 7 – 14cm, rộng 4 – 8cm, mép nguyên hay hơi lượn sống. Tháng 6 ra hoa màu vàng trắng nhạt. Cây đực, cây cái riêng biệt hoặc có khi hoa đực, hoa cái có trên cùng một cây. Hoa đực mọc thành từng 2-3 cái một thành hình tán, hoa cái mọc đơn độc. Tháng 9-10 ra quả khi chin có màu vàng hay đỏ thẫm.
2. Phân bố
- Thế giới: Trung Quốc, Nhật Bản
- Việt Nam: trồng tại các tỉnh miền Bắc Việt Nam
3. Bộ phận dùng
Đài đồng trưởng đã phơi hay sấy khô thu được từ quả chín của cây Hồng (Diospyros kaki L.f.), họ Thị (Ebenaceae).
4. Thu hái, chế biến và bảo quản
- Thu hái: Thu hái quả Hồng chín vào mùa thu, mùa đông, bóc lấy tai hồng hoặc thu thập tai quả Hồng sau khi ăn quả, rửa sạch, phơi khô.
- Chế biến: Rửa sạch, loại bỏ tạp chất và cuống quả, phơi khô hoặc đập nát vụn, phơi khô.
- Bảo quản: Để nơi khô, thoáng mát, tránh mốc, mọt.
5. Mô tả dược liệu Thị Đế
Dược liệu hình tròn dẹt, đường kính 1,5 – 2,5 cm, ở giữa hơi dày, hơi nhô lên, có sẹo tròn của cuống quả đã rụng, mép tương đối mỏng, xẻ tư, phiến xẻ thường uốn cong lên, dễ gẫy nát. Phần đáy còn cuống quả hoặc chỉ còn vết cuống quả, dạng lỗ tròn. Mặt ngoài màu vàng nâu hoặc nâu đỏ, mặt trong màu nâu vàng, phủ đầy lông nhung nhỏ. Chất cứng và giòn, không mùi, vị chát.
6. Thành phần hóa học dược liệu Thị Đế
- Có các chất tanin đặc biệt bao gồm axit tritecpenic, axit ursolic, oleanolic và axit betunilic.
7. Phân biệt thật giả
..chưa có…
8. Công dụng – Tác dụng dược liệu Thị Đế
- Tác dụng: Giáng nghịch, hạ khí.
- Công dụng: Chủ trị: Nấc (ách nghịch).
9. Cách dùng và liều dùng
Ngày uống 4,5 – 9 g. Dạng thuốc sắc.
10. Bài thuốc có thị đế
- Chữa đầy bụng, nấc: Thị đế 8g, đinh hương 8g, sinh khương 5 lát, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia nhiều lần uống trong ngày.
- Có bài thuốc khác có những vị trên nhưng lại thêm các vị trần bì 4g, thanh bì 4g, bán hạ 2g, cũng dùng chữa nẫc và đầy bụng không tiêu.
- Trong khi dùng, cần tuỳ trường hợp thêm bớt vị đinh hương và thị đế, ví dụ nóng nhiều thì giảm đinh hương, tăng thị đế, ngược lại lạnh nhiều thì tăng đinh hương, giảm thị đế. Liều đinh hương tuy nhiên không nên dùng quá l0g.
II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU
1. Định tính
Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G .
Dung môi khai triển: Toluen (đã bão hoà với nước) – methyl format – acid formic (5 : 4 : 1).
Dung dịch thử: Lấy 2 g bột dược liệu, thêm 10 ml ethanol 70% (TT), ngâm ấm trong 2 giờ, lọc, bay hơi dịch lọc đến khô, hoà tan cắn trong 1 ml methanol (TT) dùng làm dung dịch thử.
Dung dịch đối chiếu: Hoà tan acid galic chuẩn trong methanol (TT) để được dung dịch có nồng độ 0,5 mg/ml. Hoặc lấy 2 g Thị đế (mẫu chuẩn), chiết như mẫu thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 5 µl dung dịch thử và 2 µl dung dịch đối chiếu. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra để khô trong không khí, phun dung dịch sắt (III) clorid 1% trong ethanol (TT). Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có vết cùng màu sắc và giá trị Rf với vết của acid galic đối chiếu. Nếu dùng dược liệu chuẩn để chuẩn bị dung dịch đối chiếu thì trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng giá trị Rf và màu sắc với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
2. Độ ẩm
Không quá 12,0% (Phụ lục 9.6, 1 g, 105 oC, 4 giờ).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
- Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
- Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006