Dược liệu: Thiên Nam Tinh
- Tên khoa học: Rhizoma Arisaemae
- Tên gọi khác: củ nưa
- Tính vị, quy kinh: đắng cay quy kinh phế
- Bộ phận dùng: thân rễ
- Đặc điểm sản phẩm: Thân rễ dạng củ hình cầu dẹt. Mặt ngoài màu trắng hoặc nâu nhạt, tương đối nhẵn, bóng. Đỉnh còn vết lõm của gốc thân. Xung quanh có những chấm nhỏ là vết của rễ con. Có khi quanh vết lõm gốc thân có các chồi thân rễ nhỏ hình cầu dẹt. Chất cứng rắn, khó bẻ. Hơi có mùi cay nhẹ, vị cay tê.
- Phân bố vùng miền:
– Thế giới: vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới ở châu Á và châu Mỹ như Trung Quốc, Lào , Thái Lan, Ấn Độ, và các nước Đông Nam Á
– Việt Nam: các tỉnh miền núi phía Bắc và trung du - Thời gian thu hoạch: tháng 9 – 10
Mô tả dược liệu Thiên Nam Tinh
Thân rễ dạng củ hình cầu dẹt, dày 1 – 2 cm, đường kính 1,5 – 6,5cm. Mặt ngoài màu trắng hoặc nâu nhạt, tương đối nhẵn, bóng, một số củ lại nhăn nheo. Đỉnh còn vết lõm của gốc thân. Xung quanh có những chấm nhỏ là vết của rễ con. Có khi quanh vết lõm gốc thân có các chồi thân rễ nhỏ hình cầu dẹt. Chất cứng rắn, khó bẻ, mặt bẻ phẳng, màu trắng, có tinh bột, hơi có mùi cay nhẹ, vị cay tê.
Công năng, chủ trị
Táo thấp, hoá đờm, khu phong, ngừng co cứng, tán kết, tiêu thũng. Chủ trị: Ngoan đàm ho, phong tật chóng mặt, trúng phong đờm nghẽn, liệt mặt, bại liệt nửa người, động kinh, co giật, phá thương vong (uốn ván).
Dược liệu sống chỉ dùng ngoài trị ung thũng, rắn cắn, côn trùng cắn gây thương tổn.
Cách dùng, liều lượng
Thiên nam tinh chế: Ngày dùng 3 – 9 g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Dùng ngoài: Tán bột, hoà với giấm hoặc rượu đắp nơi đau, lượng thích hợp.
Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai dùng phải cẩn thận.