Cây rau tía tô, một cây rau gia vị quen thuộc của người Việt. Tía Tô còn có tác dụng tốt trong phòng và chữa một số bệnh thông thường hàng ngày.
Dược liệu Tô Diệp
- Tên khoa học: Folium Perillae
- Tên gọi khác: tử tô, tử tô tử, tía tô, tô nghạch
- Tính vị, quy kinh: vị cay, tính ôn, quy kinh phế và tỳ
- Bộ phận dùng: lá
- Đặc điểm sản phẩm: Phiến lá thường nhàu nát, cuộn lại và gẫy, chóp lá nhọn, mép lá có răng tròn. Hai mặt lá đều có màu tía hoặc mặt trên màu lục, mặt dưới màu tía có lông màu trắng xám mọc rải rác và nhiều vảy tuyến dạng điểm. Chất giòn. Mùi thơm, vị hơi cay.
- Phân bố vùng miền:
– Thế giới: Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc
– Việt Nam: khắp nơi ở Việt Nam - Thời gian thu hoạch: mùa hè
Mô tả Cây Tía Tô
Tía tô là một loại cỏ mọc hằng năm, cao chừng 0,5-1,5cm. Thân thẳng đứng có lông. Lá mọc đối, hình trứng, đầu nhọn, mép có răng cưa to; phiến lá dài 4-12cm rộng 2,5-10cm, màu tím hoặc xanh tím, trên có lông màu tím. Người ta phân biệt thứ tía tô có lá màu tím hung là Perilla ocymoides var. purpuracens và thứu tía tô có lá màu lục, chỉ có gân màu hung (Perilla ocymoides var.bicolor). Cuống lá ngắn 2-3cm. Hoa nhỏ, màu trắng hoặc tím nhạt, mọc thành từng chùm ở kẽ lá hay đầu cành, chùm dài 6-20cm. Quả là hạch nhỏ, hình cầu, đường kính 1mm, màu nâu nhạt, có mạng.
Dùng lá (Tô diệp), cành (Tô ngạnh), hạt (Tô tử) của cây Tía tô (Perillafrutescens L. Britton) họ Hoa môi (Lamiacae) Vị cay tính ấm qui kinh Phế, Tỳ.
Tô tử dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Danh Y biệt lục là hạt của cây Tía tô, tên thực vật học là Perilla Frutescens (L) Britt var acuta (Thunb) Kudo thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae hoặc Labiatae).
Cây Tía tô được trồng khắp nơi ở nước ta để lấy lá ăn, làm rau sống và làm thuốc. Đến mùa thu quả chín hái về rửa sạch bỏ tạp chất phơi khô. Làm thuốc dùng Tô tử sống hoặc sao Tô tử, chích Tô tử.
Ngoài công dụng làm gia vị, cây tía tô cho các vị thuốc sau:
- Tử tô tử (tô tử, hắc tô tử – Fructus Perillac) là quả chín phơi hay sấy khô (ta gọi nhầm là hạt) của cây tía tô.
- Tử tô (Herba Perilae) là cành non có mang lá của cây tía tô phơi hay sấy khô.
- Tử tô diệp (Folium Perillaa) là cành non hoặc cành già phơi hay sấy khô.
Phân bố, thu hái và chế biến Tía Tô
Tía tô được trồng ở khắp nơi ở Việt Nam để lấy lá ăn làm gia vị và làm thuốc. Trồng bằng hạt, chọn những cây to khỏe, không có sâu bệnh. Thời kỳ gieo hạt tốt nhất là vào tháng 1-2 dương lịch. Mỗi hecta cần chừng 20-30kg hạt giống.
Tùy theo mục đích trông cây lấy lá hay lấy hạt, cách thu hoạch có thay đổi. Thông thường một cây chỉ hái 2-3 lần lá. Nếu cây tía tô sau khi hái lá cứ để nguyền thì đến đầu mùa thu, quả sẽ già và hái được, nhưng thường những cây tía tô đã hái lá rất ít hạt hay hạt nhỏ và kém cho nên sau khi hái hết lá, người ta chặt cây, lấy đất trồng cây khác. Cành chặt ra dùng làm thuốc với tên tô ngạnh.
Những cây để lấy hạt làm giống hay làm thuốc thì không hái lá. Cây tía tô để lấy hạt, sau khi hạt đã già, cắt cả cành có hạt mang về phơi hay sấy khô trong mát (tránh phơi nắng to, hay sấy ở nhiệt độ cao hoạt chất sẽ giảm), rũ lấy hạt, bỏ cành và tạp chất.
Tiêu thụ nhiều nhất là lá. Lá hái về cũng phải phơi khô trong mát hay sấy nhẹ độ để giữ lấy hương vị.
Công dụng Cây Tía Tô
Theo tài liệu cổ, tía tô có vị cay, tính ôn, vào hai kinh phế và tỳ. Có tác dụng phát tán phong hàn, lý khí khoan hung, giải uất, hóa đờm, an thai, giải độc của cua cá. Cành không có tác dụng phát biểu, chỉ có tác dụng lý khí. Dùng chữa ngoại cảm phong hàn, nôn mửa, động thai, ngộ độc cua cá.
Thông thường lá tía tô (tô diệp) có tác dụng là cho ra mồ hôi, chữa ho, giúp sự tiêu hóa, giảm đau, giải độc, chữa cảm mạo, còn có tác dụng chữa bị ngộ độc nôn mửa, đau bụng do ăn cua cá.
- Cành tía tô (tử tô tử) có tác dụng chữa ho trừu đờm, hen suyễn, tê thấp.
- Liều dùng hằng ngày: Lá và hạt ngày uống 3-10g, cành ngày uống 6-20g dưới dạng thuốc sắc
- Dầu hạt tía tô: ở Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản dùng trong kỹ nghệ vẽ trên đồ sứ, thực phẩm.
Nguồn tham khảo: Nguyễn Minh Phương, 24-3-2015 theo Đỗ Tất Lợi (2004) Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, trang 648-9.
Trị ho kéo dài khó khỏi do viêm họng, viêm phế quản mạn, hen phế quản:
- Tô tử giáng khí thang (Hòa tễ cục phương): Tô tử, Trần bì, Tiền hồ, Chế Bán hạ, Hậu phác đều 6 – 9g, Đương qui 12g, Nhục quế 3g, Chích thảo 3g, Gừng tươi 3 lát, sắc uống.
- Tam tử dưỡng thân thang: (Tô tử, La bạc tử đều 10g, Bạch giới tử 6g). Thẩm thuận Cầm đã dùng bài thuốc sắc cho uống trị 40 ca ho lâu không khỏi, thuốc cho vào ống 10ml/ống, ngày 2 lần, mỗi lần 1 ống, 7 ngày là một liệu trình, kết quả 37,5% (Thẩm thuận Cầm, tờ Thông báo Trung dược 1968,8:56).
Trị lãi đũa: dùng hạt Tô tử giã nhỏ nhai uống, liều mỗi lần:
- Trẻ từ 4 đến 10 tuổi: 20 – 50g/lần.
- Người lớn: 50 – 70g, ngày 2 – 3 lần uống lúc đói, liên tục 3 ngày hoặc hơn.
Trị 100 ca kết quả ra giun 92 ca (Lưu thiên Vũ, Báo Trung y Tứ xuyên 1986,8:47).
Liều thường dùng và chú ý:
- Liều: 5 – 10g.
- Tô tử sao dược tính hòa hoãn hơn. Chích Tô tử tác dụng nhuận phế tốt.