Cây trâm bầu còn được gọi là Chưng bầu, Tim bầu, có nguồn gốc từ Campuchia nên còn có tên Song ke, tên khoa học là Combretum quadrangulare, Kurz, họ bàng (Combreataceae).
Dược liệu Trâm Bầu
- Tên khoa học: Folium et Cortex Combreti quadrangulae
- Tên gọi khác: chưng bầu, tim bầu, song re
- Tính vị, quy kinh: phế, tỳ, đại tràng, tiểu tràng
- Bộ phận dùng: hạt, rễ, lá ,quả trâm bầu
- Đặc điểm sản phẩm:
- Phân bố vùng miền:
– Thế giới: Thái Lan, Mianma, Campuchia, Việt Nam
– Việt Nam: Phú Quốc, Côn Đảo, đồng bằng sông Cửu Long - Thời gian thu hoạch: mùa thu, đông
Chi Tiết Dược Liệu Trâm Bầu
Cây trâm bầu là một cây nhỏ, dạng tiểu mộc, cao 2-10m, khi còn non cành có 4 cạnh. Lá mọc đối xứng, hình trứng dài, trên phiến lá thường bị những lỗ do sâu rầy ăn, hai mặt lá có lông nhất là mặt dưới. Hoa màu vàng nhạt mọc thành bông ở kẽ lá và ngọn, quả có 4 cánh mỏng, trong chứa 1 hạt nhỏ hình thoi.
Cây mọc hoang và được trồng chủ yếu ở các tỉnh ĐB SCL và phân bố nhiều ở Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan. Quả trâm bầu được thu hái vào mùa thu đông, tách lấy hạt, phơi hoặc sấy khô. Ngoài ra các bộ phận khác của cây như lá, thân, vỏ cây cũng có tác dụng làm thuốc. Gỗ dùng làm củi.
Bài Thuốc Với Cây Trâm Bầu
Hạt Trâm Bầu tác dụng tẩy giun
Dân gian hay dùng hạt trâm bầu nghiền nát với lá mơ tam thể (lượng bằng nhau) rồi trộn với bột làm bánh hấp, ăn vào buổi sáng sớm lúc đói. Cách khác là lấy hạt trâm bầu nướng qua, giã nhỏ rồi kẹp vào chuối chín mà nuốt lúc bụng đói vì thuốc có vị rất đắng, chát và mùi hăng cay. Mỗi ngày, với liều 1g hạt/1kg thể trọng, người lớn dùng 10-15 hạt, trẻ em tùy tuổi dùng 5-10 hạt tác dụng tẩy giun của hạt trâm bầu đạt 70% so với dùng thuốc Piperazin.
Trong hạt có tanin, dầu béo, acid béo, oxalat calcium, acid oxalic tự do… Hàm lượng dầu trong hạt là 12%, chất không savon hóa là 4,3%. Dầu có màu nâu đỏ. Trong thành phần acid béo có acid palmitic (5,91%), acid linoleic (2,31%), do đó dầu trâm bầu ngoài việc dùng trong công nghiệp xà phòng và tổng hợp các chất tẩy rửa, có thể dùng để ăn, nếu được tinh luyện kỹ ngay sau khi lấy dầu ra và loại bỏ độc tố. Các hợp chất này khi kết hợp sẽ có tác dụng trừ diệt giun mạnh hơn so với các thành phần được chiết riêng rẽ.
Hiện nay nhiều cơ sở đã điều chế thành viên cho dễ uống, đôi khi kèm theo phản ứng phụ là bị nấc cục, do trong thành phần của lá hạt trâm bầu có chứa nhiều oxalate calcium là yếu tố gây nấc khi dùng. Tuy nhiên một lát sau thì hết. Ở Campuchia và Thái Lan, hạt trâm bầu cũng được dùng làm thuốc tẩy giun.
Các phần khác của cây như lá, vỏ cây, gỗ cũng được nghiên cứu và cho những kết quả khả quan trong việc phòng chống bệnh tật.
Trâm Bầu có tác dụng kháng ung thư
Theo kết quả nghiên cứu của Giáo sư Pettit, giám đốc Viện nghiên cứu ung thư thuộc bang Arizone (USA) cùng các cộng sự đã chiết xuất được một chất có tên là Combretastatin trong vỏ cây. Khi chuyển sang dạng muối phosphat chất này hòa tan trong nước và được bào chế ở dạng thuốc viên, nhóm nghiên cứu của GS. Pettit đã chứng minh tác dụng của Combretastatin khi được dùng chung với một số chất kháng ung thư khác như carboplatin, cisplatin, vinblastin, phối hợp xạ trị hoặc hóa trị, thuốc có thể tiêu diệt 95% tế bào ung thư.
Combretastatin có tác dụng ngăn cản lưu lượng máu không cho chuyển oxygen đến các tế bào ung thư làm cho chúng ở trong tình trạng đói oxygen vì thế các tế bào này không thể phát triển được.
Cùng kết quả kháng ung thư như trên, năm 2000, nhóm nghiên cứu của Đại học Toyama (Japan) cùng với GS. Trần kim Quy, Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM đã tìm ra 7 chất có cấu trúc saponin triterpene dạng cycloartan từ lá trâm bầu có tác dụng ức chế độc tính chủng tế bào ung thư 26L5.
Tác dụng bảo vệ tế bào gan (Hepatoprotective effect)
Bên cạnh kết quả kháng ung thư, nhóm nghiên cứu cũng đã thành công trong việc phân lập và xác định được cấu trúc của hơn 30 chất trong dịch chiết Metanol của lá và hạt trâm bầu có cấu trúc flavovoid như quadrangularol B, kamatakein, trihydroxy-dimetoxyflavon, methyl quadrangulate A, nor quadrangularic acid, vitexin, acid betulinic…có tác dụng chống lại các tác nhân gây tổn thương cho các tế bào gan (Tumor Necrosis Factor Alpha = TNF Alpha), nhờ đó lá trâm bầu có tác dụng bảo vệ tế bào gan.
Trâm Bầu Tác dụng lợi mật
Nước sắc lá trâm bầu có tác dụng tăng tiết mật, nhờ đó giúp cho sự tiêu hóa thức ăn dễ dàng, dân gian gọi là thuốc bổ đắng, vì nó giúp ăn ngon miệng và kích thích sự ăn ngon, gia tăng cảm giác thèm ăn.
Trâm Bầu tác dụng lợi tiểu
Các kết quả nghiên cứu trên thực nghiệm cho thấy uống nước sắc lá trâm bầu lượng nước tiểu bài tiết tăng lên rõ rệt nhưng chậm hơn so với Furosemid, nhưng tác dụng này được kéo dài trong những giờ sau, điều này có thể giúp cho cơ thể giải độc tốt mà không gây tai biến khi sử dụng.
Ngoài ra cây lá trâm bầu còn được dùng để rửa vết thương, chữa sốt rét rừng, trừ phong thấp, chữa đau nhức cơ và đau bụng. Phối hợp Nhân trần để làm thuốc nhuận gan mật.
Về độc tính cấp và trường diễn, không tìm thấy LD50 của cao lá trâm bầu, tuy đã cho chuột uống với liều rất cao, tương ứng với 174g lá khô, nghĩa là 8,7kg lá trâm bầu khô cho một người lớn 50 kg uống một lần, cho thấy độ an toàn của trâm bầu rất cao, hoàn toàn phù hợp với các tài liệu dân gian, không có độc tính.
Việc sử dụng lâu dài chế phẩm trâm bầu cũng không thấy có những thay đổi về sinh lý tế bào, các chỉ số về trọng lượng, huyết học, sinh hóa bình thường, giải phẫu tế bào gan, thận cũng không thấy hiện tượng thoái hóa, hoại tử.