Dược liệu: Cốt Toái Bổ
- Tên khoa học: Rhizoma Drynariae.
- Tên gọi khác: hộc huyết, cây thu mùn, co tặng tồ,..
- Tính vị, quy kinh: Vị đắng, tính ôn. Vào kinh can, thận.
- Bộ phận dùng: Thân rễ đã phơi hay sấy khô của cây Cốt toái bổ
- Đặc điểm sản phẩm: đoạn thân rễ dẹt, cong queo, nhiều phân nhánh, phủ dày đặc lông dạng vảy mầu nâu đến nâu tối. Chất cứng, mặt cắt ngang có màu nâu, có những đốm vàng xếp thành một vòng. Vị nhạt và hơi se.
- Phân bố vùng miền: Trung Quốc, ở Việt Nam cây phân bố chủ yếu ở các tỉnh giáp Trung Quốc.
- Thời gian thu hoạch:
I. THÔNG TIN CHI TIẾT:
1. Mô tả thực vật:
Dương xỉ mọc bò, có thân rễ dẹp, mọng nước, phủ lông dạng vẩy màu nâu sét. Lá có 2 loại: lá hứng mùn, xoan, gốc hình tim, mép có răng nhọn, dài 3-5cm, không cuống, phủ kín thân rễ; lá thường sinh sản, có cuống ngắn 4-7cm, phiến dài 10-30cm, xẻ thùy sâu, thành 7-13 cặp lông chim, dày, dai, không lông. Các túi bào tử xếp hai hàng giữa gân phụ mặt dưới lá; bào tử vàng nhạt, hình trái xoan.
2. Phân bố:
- Thế giới: Trung Quốc.
- Việt Nam: Cây phân bố chủ yếu ở các tỉnh giáp Trung Quốc.
3. Bộ phận dùng:
Thân rễ đã phơi hay sấy khô của cây.
4. Thu hái, chế biến và bảo quản:
- Thu hái: Thu hoạch quanh năm, lấy thân rễ, bỏ tạp chất, cắt bỏ rễ con và phần lá còn sót lại, rửa sạch, chọn lấy các thân rễ to đạt yêu cầu, cắt thành từng mảnh, từng đoạn theo kích thước quy định rồi phơi hoặc sấy khô, có thể đốt nhẹ cho cháy lông.
- Chế biến: Rửa sạch dược liệu khô, cạo sạch lông, thái mỏng phơi khô. Có khi tẩm mật hoặc tẩm rượu sao qua. Có thể lấy cát sao khô rồi cho Cốt toái bổ đã làm sạch vào, sao đến khi có màu vàng xám, phồng lên, lấy ra, loại bỏ cát, để nguội, đập cho sạch lông.
- Bảo quản: Để nơi khô, mát, tránh mốc mọt.
5. Mô tả dược liệu Cốt Toái Bổ
Với loài Drynaria fortunei, dược liệu là đoạn thân rễ dẹt, cong queo, phần nhiều phân nhánh, dài 5 – 15cm, rộng 1- 2cm, dày khoảng 3mm, phủ dày đặc lông dạng vảy mầu nâu đến nâu tối. Đốt hết lông, dược liệu màu nâu tối. Mặt trên và hai bên thân có các vết sẹo tròn của gốc lá lồi hoặc lõm, ít khi còn rễ hình sợi. Chất cứng, mặt cắt ngang có màu nâu, có những đốm vàng xếp thành một vòng. Vị nhạt và hơi se.
Với loài Drynaria bonii đoạn thân rễ tương đối thẳng, ít phân nhánh, dài 5 – 17cm, rộng 0,6 – 1cm. Lông dạng vẩy màu vàng nâu dễ rụng, để lộ thân rễ màu vàng nâu hoặc nâu nhạt. Chất dai. Mặt cắt màu vàng.
6. Thành phần hóa học:
Thân rễ chứa glucose, tinh bột 25-34,98%, hesperidin và naringenin.
7. Công dụng – Tác dụng:
- Tác dụng: Bổ thận, làm liền xương, chỉ thống.
- Công dụng: Chữa: Thận hư, thắt lưng đau, tai ù, tai điếc, răng lung lay, đau do sang chấn, bong gân, gẫy xương. Còn dùng ngoài điều trị hói, lang ben.
8. Cách dùng và liều dùng:
Ngày dùng 6 – 12g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Thường phối hợp với các loại thuốc khác. Dùng ngoài lượng thích hợp.
9. Lưu ý, kiêng kị:
Âm hư, huyết hư không có huyết ứ không nên dùng.
10 Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Cốt Toái Bổ
- Chữa bị thương, gân cốt bị tổn thương, chảy máu, đau nhức và chân răng sưng viêm, lung lay chảy máu: dùng Cốt toái bổ 15g, lá Sen tươi, lá Trắc bá tươi, Sinh địa đều 10g, sắc uống.
- Chữa ù tai, đau lưng, thận hư răng đau: dùng Cốt toái bổ tán nhỏ 4-6g, cho vào bầu dục lợn, nướng chín ăn.
- Chữa đau lưng, mỏi gối do thận hư yếu: dùng Cốt toái bổ 16g, Cẩu tích 20g, rễ Gối hạc 12g, Củ mài 20g, rễ Cỏ xước 12g, Dây đau xương 12g, Thỏ ty tử 12g, Tỳ giải 16g, Đỗ trọng 16g, sắc uống.
II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU:
1. Vi phẫu:
Biểu bì có 1-2 hàng tế bào, có phủ một lớp cutin, màu vàng nâu. Mô mềm gồm những tế bào hình tròn hay bầu dục tương đối đều đặn, có màng nhăn nheo lượn sóng. Nhiều trụ giữa, nằm rải rác trong mô mềm. Mỗi trụ giữa gồm có trụ bì bao bọc, bên trong là libe và gỗ.
2. Bột:
Màu nâu, dưới ánh sáng tử ngoại có ánh hơi vàng nâu. Soi kính hiển vi thấy: Những mảnh biểu bì vàng sẫm, mảnh mô mềm mỏng hơn, gồm những tế bào hình đa giác không đều. Mạch gỗ hình thang, tương đối ít. Rải rác có các hạt tinh bột nhỏ hình đĩa hoặc hình trứng
3. Định tính:
- Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silicagel G, đã hoạt hoá ở 110oC trong 1 giờ.
Dung môi khai triển: Cyclohexan – ethylacetat – acid formic (8,5 : 1,5 : 0,5).
Dung dịch thử: Lấy 0,5g bột dược liệu, thêm 20ml methanol (TT), siêu âm 15 phút 3 lần ở 40oC. Lọc, bốc hơi dịch lọc trên cách thủy tới khô, hòa tan cắn trong 1ml methanol (TT), được dung dịch thử.
Dung dịch đối chiếu: Dùng 0,5g bột Cốt toái bổ (mẫu chuẩn),chiết như dung dịch thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 4mcl mỗi dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Triển khai sắc ký xong, lấy bản mỏng ra, để khô ở nhiệt độ phòng. Phun dung dịch nhôm clorid 1% trong ethanol (TT). Quan sát bản mỏng dưới áng sáng tử ngoại ở bước sóng 365nm. Sắc ký đồ của dung dịch thử phải có vết phát quang cùng màu và cùng giá trị Rf với vết phát quang trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
4. Chỉ tiêu đánh giá khác:
- Độ ẩm: Không quá 13 % (Phụ lục 9.6, 1g, 105oC, 5 giờ).
- Tạp chất (Phụ lục 12.11): Tạp chất khác: Không quá 1%. Tỷ lệ thân rễ non: Không quá 10%.
- Tro toàn phần: Không quá 8 % (Phụ lục 9.8).
- Chất chiết được trong dược liệu: Không ít hơn 20% tính theo dược liệu khô kiệt (Phụ lục 12.10)
Tiến hành theo phương pháp chiết nóng, dùng nước làm dung môi.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
- Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
- Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006