Củ Mài

 Dược liệu: Củ Mài

  1. Tên khoa học: Dioscorea persimilis.
  2. Tên gọi khác: Hoài sơn, sơn dược, khoai mài, chính hoài.
  3. Tính vị, quy kinh: Vị ngọt, tính bình. Quy vào các kinh tỳ, vị, phế, thận
  4.  Bộ phận dùng: Rễ củ.
  5. Đặc điểm dược liệu: Rễ củ phình to có nhiều hình dạng, mặt ngoài màu vàng nâu, nhẵn, chất chắc, vết bẻ có nhiều bột màu trắng ngà, không có xơ.
  6. Phân bố vùng miền: Hà Bắc, Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa…
  7. Thời gian thu hoạch: Tháng 11 đến tháng 4 năm sau.

I. THÔNG TIN CHI TIẾT:

1. Mô tả thực vật Cây Củ Mài

Dây leo có 1-2 rễ củ mập hình trụ hơi dẹt, khuôn dần về phía đầu như hình quả bầu, dài 30-50cm, có thể đến 1m, ăn sâu xuống đất. Thân cây nhẵn, hơi có cạnh,đôi khi có màu đỏ, thường mang những củ ngắn, nhỏ ở kẽ lá gọi là dái mạ (thiên hoài). Lá đơn mọc so le hay mọc đối, hình tim dài, đầu nhọn, nhẵn, gân lá 5-7, tỏa ra từ gốc. Cụm hoa mọc thành chùm ở kẽ lá gồm nhiều hoa nhỏ, màu vàng. Quả nang có 3 cánh; khi quả khô, cây không còn lá; hạt có cánh mỏng màu nâu xỉn.

củ mài
Cây Củ Mài

củ mài

2. Phân bố:

  • Thế Giới: Trung Quốc, Lào và Campuchia
  • Việt Nam:  Ở Việt Nam cây Củ mài mọc hoang phổ biến ở miền Bắc và miền Trung cho tới Huế

3. Bộ phận dùng:

Rễ củ

4. Thu hái, chế biến và bảo quản:

  •  Thu hái: Đào củ vào mùa hè – thu khi cây đã lụi.
  • Chế biến: Đào lấy dược liệu, rửa sạch, gọt vỏ, ngâm nước phèn chua 2% khoảng 2 – 4 giờ. Vớt ra rửa sạch, cho vào lò sấy lưu huỳnh đến khi củ mềm. Phơi hay sấy cho se. Tiếp tục sấy lưu huỳnh 24 giờ. Phơi hay sấy ở nhiệt độ 50 – 60oC đến khô.
  • Bảo quản: Để nơi khô, mát, tránh sâu, mốc, mọt.

5. Mô tả dược liệu:

Rễ củ phình to có nhiều hình dạng, thường có hình trụ, thẳng hay cong, dài từ 5cm trở lên, có thể dài tới 1m, đường kính 1 – 3cm, có thể tới 10cm, mặt ngoài màu vàng nâu, nhẵn, chất chắc, vết bẻ có nhiều bột màu trắng ngà, không có xơ.

6. Thành phần hóa học:

Chủ yếu chứa 63,25% tinh bột, 0,45% chất béo, 6,75% tanin Ngoài ra củ còn chứa mucin là 1 protein nhớt, allantoin, các aid amin arginin, cholin, men maltase, nhiều nguyên tố vi lượng, cholin, men oxy hóa, vitamin C,…

7. Tác dụng – Công dụng:

Nhân dân vùng núi thường đào củ mài về cạo sạch vỏ, luộc, xào hoặc nấu canh ăn; có thể dùng ghế cơm để ăn như các loại khoai.

Hoài sơn được sử dụng làm thuốc bổ ngũ tạng, mạnh gân xương và dùng chữa:cơ thể suy nhược; bệnh đường ruột, ỉa chảy, lỵ lâu ngày, bệnh tiêu khát; di tinh, mộng tinh và hoạt tinh; viêm tử cung (bạch đới); thận suy, mỏi lưng, đi tiểu luôn, chóng mặt, hoa mắt; ra mồ hôi trộm.

9. Cách dùng và liều dùng:

Ngày dùng 12 – 30 g, dạng thuốc sắc hay thuốc bột.

10. Lưu ý, kiêng kị (nếu có):

Có thực tà thấp nhiệt thì không dùng.

11. Một số bài thuốc từ cây Dược liệu:

  • Chữa tỳ vị hư nhược, ăn ít, đái nhiều, tiêu chảy lâu không khỏi:  Hoài sơn, đảng sâm, bạch truật (sao), mỗi vị 10g. Sắc nước uống. Hoặc dùng hoài sơn nấu cháo với gạo ăn vào mỗi buổi sáng.
  • Chữa đau đầu, chóng mặt, chân tay lạnh, đau mình mẩy, ăn uống kém: Hoài sơn 60g, ngũ vị tử 180g, nhục thung dung 120, đỗ trọng (sao) 90g, thần phục 30g, ba kích 30g, thục địa 30g, ngưu tất 30g, trạch tả 30g, xích thạch chỉ 30g. Tất cả nghiền thành bột, trộn với hồ làm viên bằng hạt đậu đen. Mỗi lần uống 20-30 viên.
  • Phi nhi hoàn (thuốc kiện tỳ tiêu thực, dùng cho trẻ em gầy yếu): Hoài sơn (sao) 60g, phục linh 45g, bạch biển đậu (sao) 45g, sơn tra 45g, mạch nha 45g, thần khúc 45g, đương quy 45g, bạch truật (sao) 30g, trần bì 30g, sử quân tử 30g, hoàng liên 20g, cam thảo 20g. Tán bột, rây mịn, trộn với mật làm thành viên bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần uống 3g, ngày 2-3 lần.
  • Chữa di mộng tinh: Hoài sơn, quả chốc xôi (sao vàng) sắc uống.
  • Chữa bệnh tiểu đường: Hoài sơn 180g, liên tử 90g, phục linh 40g, ngũ vị tử 350g, thỏ ty tử 300g Nghiền thành bột rây mịn, thêm rượu trộn với hồ làm thành viên bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần uống 50 viên với nước cơm.
  • Chữa suy dinh dưỡng trẻ em có kèm theo tiêu chảy: Hoài sơn 100g, phòng đẳng sâm 50g (hoặc bố chính sâm 50g), ý dĩ 100g, bạch truật 50g, mạch nha 100g, hạt cau 25g, vỏ quýt 25g. Tấc cả sao vàng, tán thành bột mịn, trộn đều, mỗi ngày uống 16-20g bột.
  • Chữa bệnh dương ủy, lưng đau: Hoài sơn 10 phần, ba kích 12 phần, đỗ trọng 12 phần, ngưu tất 12 phần, quế tâm 8 phần, cẩu tích 8 phần, độc hoạt 8 phần, ngũ gia bì 10 phần, sơn thù du 10 phần, phòng phong 6 phần. Nghiền thành bột mịn, trộn đều, thêm mật làm thành viên, uống lúc đói với liều 10g.
  • Món ăn-vị thuốc có hoài sơn (tài liệu nước ngoài): Thuốc bổ thận tinh, cố tràng vị, Hoài sơn 60g, ý dĩ 120g, lách sơn 1 cái. Nấu cháo ăn trong ngày.

II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU:

1. Đặc điểm bột dược liệu:

Nhiều hạt tinh bột hình trứng hay hình chuông, dài 10 – 60mm, rộng khoảng 15 – 50mm, có vân đồng tâm, rốn lệch tâm, hình chấm hay hình vạch. Tinh thể calci oxalat hình kim dài 35 – 50mm. Mảnh mô mềm gồm các tế bào màng mỏng, chứa tinh bột. Mảnh mạch mạng.

2. Định tính:

  • A. Dưới ánh sáng tử ngoại bột dược liệu phát quang màu trắng sáng.
  • B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).

Bản mỏng: Silicagel G

Dung môi khai triển: Cloroform – methanol (9: 1).

Dung dịch thử: Lấy 0,5g bột dược liệu, thêm 5ml hỗn hợp cloroform – methanol (4 : 1), đun sôi dưới ống sinh hàn hồi lưu khoảng 10 phút. Lọc, cô còn khoảng 1ml.

Dung dịch đối chiếu: Lấy 0,5g bột Củ mài (mẫu chuẩn), tiến hành chiết như dung dịch thử.

Cách tiến hành: Chấm lên bản mỏng 15 – 20ml mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, phun dung dịch vanilin 1% trong hỗn hợp acid phosphoric – methanol (1 : 1). Sấy bản mỏng ở 120oC trong 15 phút. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết có cùng màu tím và giá trị Rtương tự các vết của dung dịch đối chiếu.

3. Tiêu chuẩn đánh giá:

  • Độ ẩm: Không quá 12%.
  • Tro toàn phần: Không quá 2%.
  • Tạp chất: Tạp chất: Không quá 0,5%. Dược liệu có màu vàng và đỏ: Không được có.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
  • Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010.
  • Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006.
  • Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập 1), Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật.

Tham khảo thêm

Quả Trám

Quả Trám kho cá, thịt rát ngon & là món quê của miền núi phía Bắc. Ngoài ra Trám còn là vị thuốc quý... Trám...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
5
minutes
cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
spot_img