Cây lức hay cây từ bi, ở nông thôn miền bắc gọi là cây cúc tần. Cây cúc tần thường được trồng làm bờ rào, hoặc mọc tự nhiên
Dược liệu Cây Cúc Tần
- Tên khoa học: Radix et Folium Plucheae indicae.
- Tên gọi khác: cây lức, từ bi, phật phà (Tày).
- Tính vị, quy kinh: vị hơi đắng, cay, mùi thơm, tính ấm.
- Bộ phận dùng: Rễ, lá.
- Đặc điểm sản phẩm: Lá mọc so le, màu lục xám, mép khía răng, gần như không cuống.
- Phân bố vùng miền: Cây mọc hoang và được trồng làm hàng rào ở khắp nơi.
- Thời gian thu hoạch: Thu hái quanh năm, tốt nhất vào mùa hè.
CHI TIẾT: CÂY CÚC TẦN
1. Mô tả thực vật cây cúc tần
Cây bụi cao 1-2m, cành mảnh. Lá mọc so le, hình gần bầu dục, hơi nhọn đầu, gốc thuôn dài, mép khía răng. Cụm hoa hình ngù, mọc ở ngọn các nhánh. Đầu có cuống ngắn màu tim tím, thường xếp 2-3 cái một; lá bắc 4-5 dây; hoa cái xếp trên nhiều dây; hoa lưỡng tính ở phía giữa. Quả bế hình trụ thoi, có 10 cạnh. Toàn cây có lông tơ và mùi thơm. Cây ra hoa quả vào tháng 2-6.
2. Phân bố:
- Thế giới: Loài cây của vùng Ấn Độ, Malaysia, mọc hoang và cũng được trồng ở đồng bằng làm hàng rào cây xanh.
- Việt Nam: Ở Việt Nam, cây có ở khắp nơi, trừ vùng núi cao trên 1300 m. Cúc tần được trồng chủ yếu làm bờ rào ruộng vườn và nương rẫy.
3. Bộ phận dùng:
- Cành lá và rễ
4. Thu hái, chế biến và bảo quản:
- Thu hái: Thu hái các bộ phận của cây quanh năm, tốt nhất vào mùa hè – thu
- Chế biến: Rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô dùng dần.
- Bảo quản: nơi khô ráo, thoáng mát
5. Mô tả dược liệu cúc tần
- Cành lá và dễ phơi khô
6. Thành phần hóa học:
Trong lá có tinh dầu và acid chlorogenic; trong lá tươi có 5,7% protid, 1% lipid, 5,1% cellulos, 2,3% tro; 197mg% Ca, 2,3mg% P, 5mg% Fe, 4,6mg% caroten, 15mg% vitamin C.
7. Phân biệt thật giả
….
8. Công dụng – Tác dụng Cúc Tần
- Tác dụng: Tán phong hàn, lợi tiểu, tiêu độc, tiêu ứ, tiêu đờm, sát trùng, làm ăn ngon miệng, giúp tiêu hóa. Ở Ấn Độ, người ta cho rằng rễ và lá làm se, giải nhiệt, giảm sốt.
- Công dụng: Người ta thường thu lá non dùng ăn như rau sống. Cành, lá, rễ thường dùng trị: Cảm mạo, nóng không ra mồ hôi, bí tiểu tiện; Phong thấp tê bại, đau nhức xương, đau thắt lưng; Trẻ em ăn uống chậm tiêu. Dùng ngoài trị chấn thương, gãy xương, bong gân và trị ghẻ. Ở Trung Quốc, còn dùng chữa viêm hạch bạch huyết dạng lao cổ. Ở Thái Lan, toàn cây được dùng ngoài trị bệnh về da; lá tươi được dùng trị bệnh trĩ.
9. Cách dùng và liều dùng cúc tần
- Ngày dùng 10-15g cành lá hoặc 6-8g rễ khô sắc nước uống.
Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Cúc Tần
- Thấp khớp, đau nhức xương: Dùng rễ Cúc tần 15-20g, sắc nước uống. Có thể phối hợp với rễ Trinh nữ 20g, rễ Bưởi bung 20g, Đinh lăng 10g, Cam thảo dây 10g, sắc nước uống.
- Cảm sốt, nhức đầu, ho, không có mồ hôi: Dùng Cúc tần 2 nắm, lá Sả 1 nắm, lá Chanh 1 nắm, sắc xông và uống nóng, đắp chăn cho ra mồ hôi.
- Chữa chấn thương, bầm giập: Lấy lá cúc tần giã nát nhuyễn đắp vào chỗ chấn thương sẽ mau lành.
Ngoài ra, Cúc Tần còn là vị thuốc trong nhiều thang với các thành phần dược dược khác. Có thể tìm hiểu thêm bằng cách GÕ TRONG Ô TÌM KIẾM : CÚC TẦN
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006.
- Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010.
- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006.
- Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006.