Hậu Phác

Dược liệu Hậu Phác

  1. Tên khoa học: Cortex Magnoliae officinali.
  2. Tên gọi khác: hậu phác nam
  3. Tính vị, quy kinh: Vị đắng, cay, tính ôn. Quy vào kinh tỳ, vị, phế, đại tràng.
  4. Bộ phận dùng: Vỏ thân, vỏ rễ, vỏ cành phơi hay sấy khô của cây Hậu phác
  5. Đặc điểm sản phẩm:
    Vỏ thân: Vỏ khô cuộn thành ống đơn hoặc ống kép. Mặt ngoài màu nâu xám, thô, đôi khi dạng vảy dễ bóc ra, có lỗ vỏ hình bầu dục và có vân nhăn dọc rõ. Chất cứng khó bẽ gãy. Mùi thơm, vị cay hơi đắng.
    Vỏ rễ (căn phác): Dạng ống đơn hoặc phiến lát không đều, có khi cong queo giống như ruột gà gọi là kê trường phác. Chất cứng, dễ bẻ gãy, mặt gãy có xơ.
    Vỏ cành (chi phác); dạng ống đơn. Chất giòn, dễ bẻ gãy, mặt gãy có xơ.
  6. Phân bố vùng miền: Trung Quốc.
  7. Thời gian thu hoạch: Thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 6

I. THÔNG TIN CHI TIẾT:

1. Mô tả thực vật

Hậu Phác – Cây gỗ lớn, cao 6 – 15m, vỏ cây màu nâu tím, cành non có lông, bế khổng hình tròn hoặc hình viên chùy. Lá mọc so le, nguyên, thuôn hình trứng ngược, đầu lá hơi nhọn, dài 20 – 45cm, rộng 10 – 20cm, có mép nguyên hoặc hơi lượn sóng, khi còn non có lông màu tro sau biến dần thành màu trắng, trên gân lá có nhiều lông nhung, gân phụ có chừng 20 – 40 đôi. Hoa mọc ở đầu cành, to, trắng thơm, đường kính có thể tới 15cm. Quả mọc tập trung, thuôn hình trứng, dài độ 12cm, đường kính 6cm, trong có chứa 1 – 2 hạt.

hậu-phác
Hậu Phác

2. Phân bố:

  • Trung Quốc

3. Bộ phận dùng:

  • Vỏ thân, vỏ rễ, vỏ cành phơi hay sấy khô của cây Hậu phác.

4. Thu hái, chế biến và bảo quản

  • Thu hái: Thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 6, bóc lấy vỏ rễ, vỏ thân, vỏ cành.
  • Chế biến: Vỏ rễ và vỏ cành phơi âm can. Vỏ thân trần qua nước sôi vớt ra, chất đống để nơi ẩm cho đến khi bề mặt lõi có màu nâu tía hay nâu thẫm, đổ mềm, cuộn thành ống phơi khô.
  • Bảo quản: Trong bao bì kín để nơi khô ráo, tránh mất mùi thơm.

5. Mô tả dược liệu Hâu Phác

Vỏ thân: Vỏ khô cuộn thành ống đơn hoặc ống kép, dài từ 30 – 35cm, dày 0,2 – 0,7cm, thường gọi là “đồng phát” (ống hậu phác). Đầu vỏ khô gần phần rễ loe ra như loa kèn, dài từ 13 – 25cm, dày 0,3 – 0,8cm, thường gọi là “hoa đồng phác”. Mặt ngoài màu nâu xám, thô, đôi khi dạng vảy dễ bóc ra, có lỗ vỏ hình bầu dục và có vân nhăn dọc rõ. Cạo bỏ vỏ thô hiện ra màu nâu vàng; mặt trong màu nâu tía hoặc nâu tía thẫm, tương đối trơn, có sọc dọc nhỏ, cạo ra có vết dầu rõ. Chất cứng khó bẽ gãy. Mặt gãy sần sùi, lấm tấm hạt, tầng ngoài màu nâu xám, tầng trong màu nâu tía hoặc nâu, có chất dầu, đôi khi có đốm sáng nhỏ. Mùi thơm, vị cay hơi đắng.

Vỏ rễ (căn phác): Dạng ống đơn hoặc phiến lát không đều, có khi cong queo giống như ruột gà gọi là kê trường phác. Chất cứng, dễ bẻ gãy, mặt gãy có xơ.

Vỏ cành (chi phác); dạng ống đơn, dài 10 – 20cm, dày 0,1 – 0,2cm. Chất giòn, dễ bẻ gãy, mặt gãy có xơ.

6. Thành phần hóa học:

Trong Hậu phác có chừng 5% phenol gọi là magnolola, tetrahydromagnolola, Isomagnolola, có 1% tinh dầu thành phần chủ yếu là machilola, ngoài ra còn có onokiol, eudesmol, magnocurarine.

7. Công dụng – Tác dụng:

  • Tác dụng: Ôn trung hạ khí, táo thấp tiêu đờm.
  • Công dụng: Chủ trị: Thượng vị đầy trướng, nôn mửa, tiết tả, thực tích, ho, suyễn.

8. Cách dùng và liều dùng:

  • Ngày dùng 3 – 9g, phối hợp trong các bài thuốc.

9. Lưu ý, kiêng kị

  • Tỳ vị hư yếu, nguyên khí kém, phụ nữ có thai thận trọng khi dùng.

10. Một số bài thuốc từ cây Dược liệu hậu phác

Chữa sốt rét cơn lâu ngày do khí độc của rừng núi, bụng đầy, ăn không tiêu, dày da bụng, báng lách hay viêm gan mạn tính, đau lâm râm ở vùng gan, gan to, mặt bụng chân tay hơi phù:

  • Hậu phác nam, Trần bì, Bán hạ chế, Ngải máu, Nghệ đen, Chỉ xác, Củ rễ quạt, Hạt cau, Vỏ dụt mỗi vị 12g, Thảo quả 6g, sắc uống.Trường hợp bệnh hoãn thì tán bột, uống mỗi lần 10g, ngày uống 2-3 lần.

Chữa đau bụng, bí đầy, đại tiện táo kết:

Bột tiêu thực dùng chữa ăn chậm tiêu, no hơi, sình bụng, ăn ít, ăn không tiêu:

  • Củ Sả 100g, Thủy xương bổ 100g, Hậu phác 100g, Cỏ gấu (sao) 100g, vỏ Quýt 100g, Gừng khô 50g, Quế khâu 50g. Các vị hòa chung, tán bột nhuyễn, mỗi lần uống một muỗng cà phê; ngày 2-3 lần sau bữa ăn và tối khi đi ngủ.

hậu-phác-nam 

II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU:

1. Vi phẫu:

Lớp bần có trên 10 hàng tế bào, có khi thấy tầng vỏ bong ra. Phía ngoài vỏ có vòng tế bào mô cứng và phía trong rải rác nhiều tế bào chứa dầu và nhóm tế bào mô cứng. Tia libe có 1 – 3 hàng tế bào rộng, phần nhiều sợi xếp thành bó tập trung ở vùng trụ bì; rải rác có các tế bào chứa dầu.

2. Bột:

Màu nâu, có nhiều sợi, đường kính 15 – 32mcm, vách rất dày, đôi khi có hình lượn sóng hoặc hình răng cưa ở một cạnh, hóa gỗ, ống lỗ không rõ. Tế bào mô cứng hình vuông, hình bầu dục, hình trứng, hoặc dạng phân nhánh không đều, đường kính từ 11 – 65mcm, đôi khi có vân sọc rõ. Tế bào dầu hình bầu dục hoặc hơi tròn, đường kính 50 – 85mcm, chứa chất dầu màu nâu vàng. Mãnh bần gồm những tế bào hình chữ nhật có vách dày, màu vàng nâu.

3. Định tính:

  • Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
  • Bản mỏng: Silicagel G
  • Dung môi khai triển: Cyclohexan – ethylacetat – aceton (9 : 1 : 0,5)
  • Dung dịch thử: Lắc 0,5g bột dược liệu với 5ml methanol (TT) trong 30 phút, lọc, lấy dịch lọc làm dung dịch thử.

Dung dịch đối chiếu: Pha dung dịch magnolol và honokiol 0,1% trong methanol (TT). Nếu không có các chất đối chiếu, dùng 0,5 g bột vỏ Hậu phác (mẫu chuẩn), chiết như dung dịch thử.

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 5mcl dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Sau khi triển khai, để khô bản mỏng trong không khí ở nhiệt độ phòng, phun dung dịch acid sulfuric 10% trong ethanol (TT). Sấy bản mỏng ở 100oC trong 10 phút. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng màu sắc và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

4. Các chỉ tiêu đánh giá khác:

  • Độ ẩm: Không quá 15% (Phụ lục 12.13).
  • Tạp chất (Phụ lục 12.11): Tỉ lệ vỏ chiết: Không quá 2%. Tạp chất khác: Không quá 1%.
  • Tro toàn phần (Phụ lục 9.8): Không quá 6,0%.

Chất chiết được trong dược liệu: Không dưới 14,0%, tính theo dược liệu khô kiệt. Tiến hành theo phương pháp chiết lạnh (Phụ lục 12.10). Dùng ethanol 96% (TT) làm dung môi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
  • Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
  • Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
  • Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
  • Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006.

Tham khảo thêm

cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
sam vu diep

Sâm Vũ Điệp

Sâm vũ điệp hay còn gọi tam thất xẻ lá là giống sâm hoang tự nhiên, có tác dụng tốt cho sức khỏe; nâng...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
4
minutes
spot_img