Thông tin: Hoàng Tinh
- Tên khoa học: Rhizoma Polygonat.
- Tên gọi khác: Củ cây cơm nếp, Đại hoàng tinh, Hoàng tinh đầu gà, Hoàng tinh dạng gừng.
- Tính vị, quy kinh: Vị ngọt, tính bình. Vào các kinh tỳ, phế, thận.
- Bộ phận dùng: Thân rễ đã phơi hay sấy khô của một số loài hoàng tinh.
- Đặc điểm sản phẩm: Đại hoàng tinh: Thân rễ nạc. Mặt ngoài màu vàng nhạt đến nâu vàng có các mấu vòng, nếp nhăn và vết sẹo rễ dạng sợi. Chất cứng, dai, khó bẻ, mặt bẻ trông như sừng, màu vàng nhạt đến vàng nâu. Mùi thơm nhẹ, vị ngọt, dai dính. Hoàng tinh đầu gà (Kê đầu hoàng tinh ): Dược liệu có hình trụ, cong queo. Mặt ngoài màu trắng ngà đến vàng xám, trong mờ với những nếp nhăn dọc. Hoàng tinh dạng gừng (Khương hình hoàng tinh ): Độ dài, ngắn không đều nhau, thường nối liền nhau thành nhóm vài củ. Mặt ngoài màu vàng xám hoặc nâu vàng, xù xì, phía trên có vết sẹo của thân hình tròn lồi.
- Phân bố vùng miền:
- Thời gian thu hoạch: Thu hoạch vào mùa xuân, mùa thu.
I. THÔNG TIN CHI TIẾT:
1. Mô tả thực vật:
Hoàng tinh hoa đỏ, Hoàng tinh lá mọc vòng, Củ cơm nếp – Polygonatum kingianum Coll et Hemsl.: Cây thảo sống lâu năm, cao 1-2m, không lông, thân to 1cm, rỗng, thân rễ mập thành củ to, màu trắng ngà, chia đốt, có khi phân nhánh. Lá chụm 5-10 lá, dài đến 12cm, chóp lá có mũi nhọn dài quấn lại; gân chính 3. Cụm hoa xim ở nách lá, mang 8-12 hoa, hồng hay đỏ, dài đến 2cm, mọc rủ xuống; bao hoa có ống dài 15mm; nhị 6, chỉ nhị hẹp, dài bằng bao phấn; bầu hình trứng tam giác. Quả mọng, hình trái xoan hay hình cầu, màu lam tím. Mùa hoa tháng 3-5, quả tháng 6-8.
Hoàng tinh hoa đốm – Polygonatum punctatum Royle ex Knuth: Cây thảo phụ sinh hay ở đất, thân rễ to bằng đầu ngón tay, đường kính 1-1,5cm; rễ to; thân khí sinh 1-2, cao 30-70cm, xanh có đốm đỏ. Lá mọc so le, như có đốt ở gốc, gân cơ 11. Xim 2-6 hoa ở nách lá; hoa trắng, đài xanh, lá đài và cánh hoa ngắn, bằng 1/3 ống; nhị 6, đính ở giữa ống. Quả mọng đỏ, đường kính 7mm, chứa 8-10 hạt. Hoa quả tháng 3.
Hoàng tinh hoa trắng, Vạn thọ trúc giả lá dài – Disporopsis longifolia Craib: Cây thảo, sống lâu năm. Thân rễ mập, mọc ngang chia thành những lóng tròn có sẹo to, lõm nom như cái chén và nhiều ngấn ngang. Thân đứng, nhẵn, cao khoảng 1m, góc thân có những đốm tía. Lá mọc so le, có phiến thon, to đến 20x4cm, mỏng; cuống ngắn 3-5mm. Hoa ở nách lá, rủ xuống, cuống hoa 1cm; bao hoa gồm 6 phiến dài 9mm, ống đài 3-4mm; nhị 6, chỉ nhị dẹp; bản tròn. Quả mọng hình cầu hơi có 3 cạnh khi chín màu tím đen. Mùa hoa tháng 3 – 5, mùa quả 6 – 8.
2. Phân bố:
- Thế giới: Trung Quốc.
- Việt Nam: Cây mọc hoang ở những nơi rừng ẩm ở các tỉnh miền Bắc như các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Cao Bằng, Nghệ An, Yên Bái…
3. Bộ phận dùng:
Thân rễ đã phơi hay sấy khô của một số loài hoàng tinh: Polygonatum kingianum Coll. Et Hemsl., Polygonatum sibiricum Red. hoặc Polygonatum cyrtonema Hua., họ Mạch môn đông (Convallariaceae).
Dựa vào hình thái khác nhau, người ta còn phân biệt Đại hoàng tinh, Kê đầu hoàng tinh (hoàng tinh đầu gà), khương hình hoàng tinh (hoàng tinh dạng gừng).
4. Thu hái, chế biến và bảo quản:
- Thu hái:
Thu hoạch vào mùa xuân, mùa thu, đào lấy thân rễ, cắt bỏ thân cây và rễ con, rửa sạch, luộc hoặc đồ đến hết lõi trắng, lấy ra, phơi hoặc sấy khô.
- Chế biến:
Hoàng tinh: Lấy hoàng tinh sạch, ủ mềm, thái phiến dày, phơi hoặc sấy khô.
Tửu Hoàng tinh (chế rượu): Lấy Hoàng tinh sạch, trộn với rượu, cho vào thùng đậy nắp, đun trong cách thủy để dược liệu hút hết rượu, lấy ra cắt lát dày, phơi khô. Cứ 100kg Hoàng tinh dùng 20 lít rượu.
- Bảo quản:
Để nơi khô mát, tránh mốc, mọt.
5. Mô tả dược liệu:
Đại hoàng tinh: Thân rễ nạc, dài hơn 10cm, rộng 3 – 6cm, dày 2 – 3cm. Mặt ngoài màu vàng nhạt đến nâu vàng có các mấu vòng, nếp nhăn và vết sẹo rễ dạng sợi, trên các mấu có vết tích của thân dạng vòng tròn lõm với phần giữa lồi lên. Chất cứng, dai, khó bẻ, mặt bẻ trông như sừng, màu vàng nhạt đến vàng nâu. Mùi thơm nhẹ, vị ngọt, dai dính.
Hoàng tinh đầu gà (Kê đầu hoàng tinh ): Dược liệu có hình trụ, cong queo, dài 3 -10cm, đường kính 0,5 – 1,5cm. Đốt dài 2 – 4cm, hơi có dạng chùy, thường phân nhánh. Mặt ngoài màu trắng ngà đến vàng xám, trong mờ với những nếp nhăn dọc, vết sẹo của thân hình tròn, đường kính 5 – 8mm.
Hoàng tinh dạng gừng (Khương hình hoàng tinh ): Độ dài, ngắn không đều nhau, thường nối liền nhau thành nhóm vài củ. Mặt ngoài màu vàng xám hoặc nâu vàng, xù xì, phía trên có vết sẹo của thân hình tròn lồi, đường kính 0,8 – 1,5cm.
6. Thành phần hóa học:
Chất nhầy, tinh bột, đường.
7. Công dụng – Tác dụng:
- Tác dụng: Kiện tỳ, nhuận phế, ích thận.
- Công dụng: Chủ trị tỳ vị hư nhược, cơ thể mệt mỏi, sức yếu, miệng khô, ăn kém, phế hư ho khan, tinh huyết bất túc, nội nhiệt tiêu khát.
8. Cách dùng và liều dùng:
Ngày dùng 8 – 16g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Thường phối hợp với các loại thuốc khác.
9. Lưu ý, kiêng kị:
Người phế vị có đờm thấp nặng, không nên dùng.
10. Một số bài thuốc từ cây Dược liệu:
Chữa các chứng hư tổn suy nhược: Hoàng tinh nấu và phơi 9 lần, nhai ăn hoặc tán bột ăn với cháo (Nam dược thần hiệu).
Mạnh gân xương, làm đen tóc và chữa các bệnh: Hoàng tinh, phối hợp với Thương truật, Địa cốt bì, lá Trắc bá, Thiên môn để ngâm rượu (Vệ sinh yếu quyết).
Thuốc bổ sinh tân dịch: Hoàng tinh 25g, Ba kích 20g, Đẳng sâm 10g, Thục địa 10g. Tất cả thái mỏng, ngâm với một lít rượu 30 độ, thỉnh thoảng lắc đều khi dùng, pha thêm 100ml xi rô đơn. Ngày dùng 3 lần, trước 2 bữa ăn và khi đi ngủ, mỗi lần 1 chén nhỏ.
II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU:
- Độ ẩm: Không quá 18% (Phụ lục 12.13).
- Tro toàn phần: Nghiền nhỏ dược liệu, sấy khô vài giờ ở 800C trước khi tiến hành, tro toàn phần không quá 4,0% (Phụ lục 9.8).
- Tro không tan trong acid: Không quá 1,0% (Phụ lục 9.7 ).
- Tạp chất (Phụ lục 12.11):
Phần gốc rễ còn sót và củ già đã xơ cứng : Không quá 2%
Tạp chất khác: Không quá 1%
- Chất chiết được trong dược liệu:
Không được dưới 45,0% tính theo dược liệu khô kiệt.
Tiến hành theo phương pháp chiết nóng(Phụ lục 12.10). Dùng ethanol 50% (TT) làm dung môi.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
- Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
- Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006