Xạ hương dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh, là chất tiết khô đựng trong túi thơm của con Chồn hương ( Hươu xạ) đực đã trưởng thành.
Xạ hương (chữ Hán: 麝香; tiếng Anh: Musk) là một lớp các chất thơm được sử dụng để làm thành phần cơ sở cho nước hoa. Xạ hương bao gồm chất dịch tuyến từ động vật như hươu xạ, nhiều thực vật tỏa ra mùi hương tương tự, và các chất nhân tạo có mùi tương tự.
Mô tả dược liệu Xạ Hương
Tên gọi Xạ hương là bắt nguồn từ chất có mùi hương lan tỏa thu được từ tuyến của hươu xạ đực. Chất này được sử dụng như một chất định hương nước hoa từ thời cổ đại và là một trong những sản phẩm động vật tốn kém nhất thế giới.
Tên gọi (musk) khởi nguồn từ nhiều ngôn ngữ, trong tiếng Hy lạp cổ đại μόσχος ‘moskhos’, từ tiếng Ba Tư ‘mushk’, từ tiếng Phạn ‘muska-s’ “tinh hoàn”, từ tiếng Latin ‘mus’ “con chuột” (có lẽ vì thế mà tên gọi tương tự nhau; xem bài cơ bắp). Tuyến hươu được cho giống như bìu đái.
- Tiếng Đức có từ ngữ Moschus, từ một dạng M.L. trong từ ngữ Hy Lạp cổ.
- Tiếng Tây Ban Nha có từ ngữ almizcle, biến thể của “al misk” (nghĩa là xạ hương), từ ngữ Ả Rập, từ tiếng Ba Tư. Áp dụng cho nhiều loại thực vật và động vật có mùi tương tự (e.g. musk-ox, bò xạ hương, 1744) và được dùng cho những chất thơm có mùi tương tự, mặc dù cấu trúc hóa học thường khác nhau. >>Theo Wikipedia
Nguồn gốc & Đặc tính Dược Liệu Xạ Hương
Chồn hương có tên khoa học là Moschus moschiferus L. hoặc Moschus berezouskii Flerov hay con Mã xạ M.sifamicus Przewalski thuộc họ Hươu (Cervidae). Túi thơm của Hươu xạ đực nằm ở bụng giữa rốn và cơ quan sinh dục là một túi tròn hơi phồng, kích thước 5 – 7cm x 3 x3 – 4cm, quanh túi có lông mọc, phần giữa trụi có 2 lỗ thông. Túi chứa xạ hương do các tuyến của thành túi tạo ra. Ở hươu xạ trưởng thành, túi chứa đầy chất xạ nặng có thể 60g hoặc hơn. Xạ hương ở hươu sóng quánh như mật ong, màu nâu đỏ, để khô chất xạ biến thành một khối lổn nhổn màu nâu hung rồi xám lại dần dần.
Ta còn nhập Xạ hương của Trung quốc vì ta ít khai thác. Ở Trung quốc có nhiều loại Xạ hương như : Lâm xạ (M.berezouskii) có ở nhiều nơi như Tân cương, Tây tạng, Thanh hải, Cam túc, Ninh hạ, Thiểm tây, Sơn tây, Hồ bắc, Tứ xuyên, Quí châu. Mã xạ có ở các vùng cao nguyên Cam túc, Tứ xuyên, Vân nam. Nguyên xạ ở vùng Hắc long giang, Cát lâm, Hà bắc. Ngoài ra các nơi đều có sản xuất Xạ hương nhân tạo.
Xạ hương có hình hạt có chất lượng co queen gọi là Đương môn tử, vị trí gần lổ của bao xạ có hạt to, sắc tím đen. Nếu Xạ hương nhân màu nâu trạng thái bột quen gọi là Nguyên thốn hương gọi tắt là Nguyên thốn. Thốn hương dược lực kém hơn và rẻ hơn. Hai loại Xạ hương đó dạng dầu nhuận hương nồng là thứ tốt.
Tính vị qui kinh:
Xạ hương vị cay, tính ôn, qui kinh Tâm can tỳ. Thuốc có đặc tính thơm xuyên cho nên thuốc có thể thông suốt 12 kinh.
Theo các sách thuốc cổ:
- Sách Bản kinh: vị cay, ôn.
- Sách Danh y biệt lục: không độc.
- Sách Dược tính bản thảo: vị đắng cay.
- Sách Bản thảo hội ngôn: nhập túc thái âm, thủ thiếu âm kinh.
- Sách Bản thảo tái tân: nhập kinh Tâm can.
Thành phần chủ yếu:
Xạ hương có chất cholesterine, chất béo, một chất nhựa trắng, muối calci và amoniac với tỷ lệ thay đổi, một tinh dầu có thành phần chủ yếu là một chất ceton gọi là muscone, đây là hoạt chất thơm độc nhất của Xạ hương, tỷ lệ muscone trong Xạ hương là khoảng1% và 1,58 – 1,84%. Ngoài ra Xạ hương còn có normuscone và các thành phần khác như protid, các hợp chất nitrogen (acid amine, urê), muối vô cơ (Ca, K,Na, Mg, Phosphor.). Hiện nay người ta có thể chế Xạ hương nhân tạo.
Tác dụng dược lý:
A.Theo Y học cổ truyền:
Xạ hương có tác dụng: khai khiếu tỉnh thần, hoạt huyết tán kết, chỉ thống thôi sản. Chủ trị các chứng: nhiệt nhập tâm bào lúc mắc bệnh ôn nhiệt, sang thương thũng độc, trung tích kinh bế, kinh phong, kinh giản trúng phong (chứng bế), tâm phúc bạo thống, diệt dã tổn thương, bào y bất hạ (rau thai không ra).
Trích đọan Y văn cổ:
- Sách Bản kinh: ” chủ trị ác khí (trừ khí độc), ôn ngược, cồ độc (con sâu độc), khử độc, trị động kinh, uống lâu trừ tà.”.
- Sách Danh y biệt lục: ” chủ trị các chứng hung tà quỉ khí, trúng ác, tâm phúc bạo thống trướng cấp, bĩ mãn phong độc, đàn bà đẻ khó trụy thai, khử nốt ruồi ở mặt, mộng thịt ở mắt, uống lâu tinh thần minh mẫn (cửu phục thông thần tiên).”.
- Sách Bản thảo kinh tập chú: ” xạ thơm nên trừ được độc .”.
- Sách Nhật hoa tử bản thảo: ” tịch tà khí, sát quỉ độc, ngược tật, thôi sinh trụy thai, sát trùng ở tạng phủ, ngăn ngừa rắn và trùng thú cắn, thổ phong đàm, nạp tử cung, làm ấm tạng thủy, chỉ lãnh đới, trị tất cả các bệnh nguy hiểm hư tổn”.
- Sách Thang dịch bản thảo: ” trị lỗ mũi không phân biệt được thơm thối”.
- Sách Y học nhập môn: ” Xạ hương thông quan lợi khiếu, thương đạt cơ phu, nội nhập cốt tủy. Các chứng thương hàn âm độc, nội thương tích tụ và phụ nhân tử cung, bạch đới đều dùng tốt, khớp thông lạnh tan thì dương khí tự hồi vậy”.
- Sách Bản thảo cương mục: ” thông các khiếu, khai kinh lạc, thấu cơ cốt, giải độc rượu, tiêu thực tích. Trị trúng phong, trúng khí, trúng ác (độc), đàm quyết tích tụ trưng hà . Xạ hương đi xuyên có thể thông các khiếu bị tắt, khai ủng tắc kinh lạc. Nếu các chứng phong, chứng khí, chứng huyết, chứng đau, kinh quyết trưng hà, kinh lạc ủng bế, thông khiếu bất thông mà không dùng Xạ hương để khai thì không làm sao được chứ?”.
- Sách Cảnh nhạc toàn thư: ” trừ các chứng ác sang, trĩ lậu, sưng đau, nước mủ thịt thối, mặt sạm ban chẩn”.
B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Đối với hệ thần kinh trung ương: Liều nhỏ Xạ hương và chất muscone ceton Xạ hương có tác dụng hưng phấn hệ thần kinh trung ương, nhưng liều cao thì ức chế. Thuốc làm giảm rõ phù não, tăng sự thích nghi của hệ thần kinh trung ương đối với trạng thái thiếu oxy, cải thiện tuần hoàn não. Nhờ các tác dụng trên mà thuốc có tác dụng khai khiếu (tỉnh não).
- Đối với hệ tuần hoàn – hô hấp: thuốc có tác dụng hưng phấn tim cô lập. Thuốc Xạ hương 1mg/1ml tưới vào tim cô lập của chuột lang làm cho lưu lượng máu của động mạch vành tăng gấp đôi Cetone của Xạ hương nhân tạo hoặc thiên nhiên chích tĩnh mạch cho mèo được gây mê tác dụng nâng huyết áp và tăng tần số hô hấp.
- Tác dụng kháng khuẩn và kháng viêm: 2% ceton Xạ hương dịch pha 1% loãng 1:400, in vitro có tác dụng ức chế tụ cầu vàng, trực khuẩn đại tràng ( E. Coli), khuẩn thổ tả heo, thuốc còn có tác dụng kháng viêm trên mô hình gây viêm khớp cho chuột đồng.
- Tác dụng đối với tử cung: thuốc có tác dụng hưng phấn rõ rệt đối với tử cung cô lập của thỏ nhà, chuột đồng và chuột Hà lan, tác dụng hưng phấn đối với tử cung có thai càng mạnh hơn.
- Tác dụng chống ung thư: thuốc có tác dụng ức chế tế bào ung thư, đối với các loại ung thư thực quản, ung thư tuyến bao tử, ung thư đại tràng, ung thư bàng quang, nồng độ cao tác dụng mạnh. Nhưng đối với ung thư tâm vị lại không có tác dụng rõ rệt.
Bài Thuốc Có Xạ Hương
1- Xạ Hương – Trị bệnh mạch vành:
- Xạ hương nhân tạo làm thành viên lactose ngậm dưới lưỡi trị cơn đau thắt ngực 160 ca. Trong 119 ca (74,4%) thuốc bắt đầu có tác dụng cũng mạnh như nitroglycerin, trong 27 ca (16,9%) tác dụng chậm hơn, số còn lại không có tác dụng như nitroglycerin, dùng hơn 1 viên thì có ca có tác dụng, có ca không. Về tác dụng phụ, chỉ có 3 ca có nôn nhẹ, không có đau đầu, chóng mặt, không làm thay đổi mạch và huyết áp.
- Xạ hương Ceton ( Muscone) chế thành thuốc phun sương và ngậm dùng trị cho 367 ca đau thắt ngực, bệnh mạch vành, kết quả tốt ( Báo cáo của Trần Gia Trinh, tập kỷ yếu nghiên cứu thành phần Trung dược 1981,9:31).
- Dùng Xạ hương, Nha tạo, Bạch chỉ chế thành cao dán, mỗi lần dán 2 miếng ở vùng đau trước tim và huyệt Tâm du, cứ 24 giờ thay một lần. Trị 287 ca tỷ lệ kết quả 81,9%, kết quả tốt 28,6% ( Báo cáo của Ninh Tuyển, Tạp chí Trung tây y kết hợp 1988,7:409).
2 – Xạ hương – Trị bệnh viêm gan mạn và xơ gan thời kỳ đầu
Dùng dịch chích Xạ hương 5% luân lưu chích vào 2 huyệt Chương môn, Kỳ môn 2 bên, mỗi lần 2 ml, 1 tuần 1 lần, 4 tuần là một liệu trình. Trị 32 ca kết quả tốt ( Báo cáo của Từ Thừa Quý, Tạp chí Trung y Thiên tân 1987,5:20).
3 – Xạ hương – Trị bong gân vùng eo lưng
Dùng dịch chích Xạ hương 0,2% chích vào A thị huyệt ( điểm đau nhất), mỗi lần 2 – 4 ml, mỗi tuần 1 lần, 2 tuần là một liệu trình. Theo dõi 21 ca kết quả tốt ( Báo cáo của Triệu Xương Cương, Báo Tân trung y 1985,4:26).
4 – Xạ hương – Trị bệnh Bạch điến phong
Dùng dịch chích Xạ hương 0,4% chích dưới da vùng bị bệnh nhiều, lượng tùy theo vùng bệnh to nhỏ, mỗi tuần 2 lần, 3 tháng là một liệu trình, thường là 2 – 3 liệu trình. Theo dõi 78 ca, tỷ lệ kết quả 83,33% (Liêu Túy Lâm và cộng sự, Học báo Viện Y học Hồ nam 1980,2:157).
5 – Xạ hương – Trị nhau thai không ra, thai chết lưu
- Hương quế tán: Xạ hương 0,15g, Nhục quế 1,5g, tán bột mịn chia 2 lần uống với nước nóng.
Liều lượng thường dùng và chú ý:
- Liều uống: 0,06 – 0,1g nhiều đến 1g. Dùng ngoài lượng vừa đủ.
- Chỉ cho vào thuốc hoàn tán, không cho vào thuốc thang.
- Không nên dùng đối với bệnh nhân âm hư cơ thể suy nhược, phụ nữ có thai.