Bạch Chỉ

Dược liêu: Cây Bạch Chỉ

  1. Tên khoa học: Angelica dahurica
  2. Tên gọi khác: Hương bạch chỉ, phong hương.
  3. Tính vị, quy kinh: Vị cay, tính ôn, quy vào 3 kinh phế, vị và đại tràng.
  4. Bộ phận dùng: Rễ
  5. Đặc điểm sản phẩm: Rễ nguyên hoặc phân nhánh, hình chuỳ thẳng hay cong, to nhỏ không đều. Mặt ngoài củ có màu vàng nâu nhạt. Mùi thơm hắc, vị cay hơi đắng.
  6. Phân bố vùng miền: Đà Lạt, Tam Đảo
  7. Thời gian thu hoạch: Thu hoạch vào mùa thu.

I. THÔNG TIN CHI TIẾT

bạch chỉ
Cây Dươc Liệu Bạch Chỉ

1. Mô tả thực vật: Bạch Chỉ

  • Cây bạch chỉ (Angelica dahurica) còn gọi là hàng châu bạch chỉ là một cây sống lâu năm, cao 1-1,5m, đường kính thân có thể tới 2-3cm.Thân rỗng, mặt ngoài màu tím hồng, phía dưới thân nhẵn, không có lông, nhưng phía trên gần cụm hoa thì có lông ngắn.
  • Lá phía dưới to, có cuống dài, phiến lá 2-3 lần xẻ lông chim, thùy hình trứng hay hình trứng dài, dài 2-6cm, rộng 1-3cm, mép có răng cưa. Lá phía trên nhỏ hơn, toàn bộ cuống lá phát triển thành bẹ bao ôm lấy thân, hai mặt đều không có lông, nhưng trên đường gân của mặt trên có lông ngắn.
  • Cụm hoa hình tán kép mọc ở kẽ lá hay đầu cành. Cuống tán dài 4-8cm, cuống tán nhỏ dài 1cm, hoa màu trắng, quả dài chừng 6mm, rộng 5-6mm.

2. Phân bố

  • Thế giới: chủ yếu ở vùng Bắc ôn đới ấm.
  • Việt Nam: Bạch chỉ đã được di thực vào nước ta có kết quả, cây mọc tốt cả ở đồng bằng và những vùng núi cao mát. Nhưng giống thì chỉ mới để được ở miền núi cao, lạnh.

3. Bộ phận dùng: Rễ

4. Thu hái, chế biến và bảo quản:

  • Tại Tam Ðảo, cây được trồng vào tháng 1-2, tháng 4-5 năm sau ra hoa, nhưng có những cây trồng vào tháng 7-8 năm trước thì tháng 4-5 năm sau cũng ra hoa một lúc với cây trồng tháng 1-2.
  • Vào mùa thu, khi lá úa vàng, đào lấy rễ, cắt bỏ thân và rễ con, rửa sạch đất. Sau đó, Có nơi cho vào vại có vôi, đậy kín một tuần rồi mới lấy ra phơi khô; Có nơi đem phơi ngay, nếu trời mưa thì sấy trong lò, sau đó cạo bỏ vỏ mỏng ngoài( phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp).

5. Mô tả dược liệu:

  • Rễ hình chuỳ, thẳng hay cong, dài 10 – 20 cm, đường kính phần to có thể đến 3 cm, phần cuối thon nhỏ dần.
  • Mặt ngoài củ có màu vàng nâu nhạt, còn dấu vết của rễ con đã cắt bỏ, có nhiều vết nhăn dọc và nhiều lỗ vỏ lồi lên thành những vết sần ngang. Mặt cắt ngang có màu trắng hay trắng ngà, tầng sinh libe-gỗ rõ rệt. Thể chất cứng, vết bẻ lởm chởm, nhiều bột. Mùi thơm hắc, vị cay hơi đắng.

6. Thành phần hóa học:

Rễ chứa:

  • Ttinh dầu, coumarin. Các coumarin gồm: oxypeucedanin, imperatorin, isoimperatorin, angelicol,…

7. Phân biệt thật giả:

  • Phân biệt với cây xuyên bạch chỉ.
  • Cây bạch chỉ hàng châu thường thấp hơn 1-1,5m, thân to hơn (2-3cm). Phiến của thùy hẹp lại thành cuống, còn xuyên bạch chỉ có thùy mang cuống rõ rệt.
  • Ðể giả mạo Bạch chỉ ở Trung Quốc người ta dùng rễ của một số cây trong họ Cần như: Heracleum scabridum.

8. Công dụng – tác dụng:

  • Chỉ mới thấy dùng trong phạm vi Ðông y. Ðông y coi bạch chỉ là những vị thuốc có vị cay, tính ôn, vào 3 kinh phế, vị và đại tràng. Có tác dụng phát biểu khứ phong, thẩm thấp, hoạt huyết bài nùng sinh cơ, giảm đau, giúp thần kinh hưng phấn, làm cho huyết trong toàn thân vận chuyển mau chóng, làm thuốc thư gân, ra mồ hôi
  • Chữa nhức đầu, răng đau, các bệnh về đầu, mặt, xích bạch đới, thông kinh nguyệt. Dùng ngoài, có thể chữa sưng vú, tràng nhạc, ghẻ lở, đỡ đau hút mủ.
  • Thường bạch chỉ được dùng làm thuốc giảm đau, chữa nhức đầu, cảm mạo, hoa mắt, đau răng. Còn dùng làm thuốc cầm máu, đại tiện ra máu, chảy máu cam.

9. Cách dùng, liều dùng:

  • Ngày dùng 5-10g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột chia làm nhiều lần uống, mỗi lần uống 1-2g.

10. Bài thuốc có Bạch Chỉ

Trẻ em nóng sốt:

  • Nấu nước bạch chỉ, tắm thật nhanh ở nơi kín gió.

Chữa chứng hôi miệng:

  • Bạch chỉ 30g, xuyên khung 30g. Hai vị tán nhỏ, dùng mật viên bằng hạt ngô. Hàng ngày ngậm thuốc này, mỗi ngày ngậm chừng 2-3 viên.

Chữa bệnh đau nửa đầu:

  • Bạch chỉ, tế tân, thạch cao, nhũ hương. Tán thành bột mịn, thổi vào mũi, nếu đau đầu bên trái thì thổi vào mũi bên phải và ngược lại.

Dân ta còn dùng một vị thuốc với tên nam bạch chỉ, thực ra đó là rễ của cây mát rừng – Millettia pulchra Kurz, thuộc họ Cánh bướm (Papilionaceae). Dùng sắc cùng một số vị thuốc khác chữa đau bụng, tiêu chảy.

II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU:

1. Vi phẫu:

  • Cắt ngang qua rễ thấy: Lớp bần gồm nhiều hàng tế bào hình chữ nhật có vách dày. Mô mềm vỏ gồm những tế bào thành mỏng, hình nhiều cạnh, có những khuyết to, nhiều ống tiết to nằm rải rác trong mô mềm và cả trong vùng libe. Libe-gỗ cấp II bị tia ruột chia cắt thành từng mảng hình quạt. Tầng sinh libe-gỗ không liên tục. Mô mềm gỗ hoá gỗ rất ít.

2. Bột:

  • Bột có màu trắng mịn, mùi thơm hắc, vị đắng. Soi kính hiển vi thấy: Mảnh bần màu vàng nâu, vách dày.Mảnh mô mềm chứa nhiều hạt tinh bột, hạt tinh bột có hình trứng hay hình nhiều cạnh đứng riêng rẽ hay dính vào nhau. Mảnh mạch mạng, mạch vạch, mạch điểm. Khối màu.

3. Định tính:

  • A. Lấy 5 g bột dược liệu, thêm 50 ml ethanol (TT), lắc đều, đun cách thuỷ 5 phút. Lọc, cô dịch lọc còn khoảng 10 ml (dung dịch A). Lấy một ống nghiệm cho vào 1 ml dung dịch A, thêm 1 ml dung dịch natricarbonat 10% (TT) hay dung dịch natrrihydroxyd 10% (TT) và 3 ml nước cất, đun cách thuỷ 3 phút, để thật nguội, cho từ từ từng giọt thuốc thử Diazo (TT) sẽ xuất hiện màu đỏ cam.
  • B. Lấy 0,5 g bột dược liệu, thêm 3 ml nước, lắc đều trong 3 phút, lọc. Nhỏ 2 giọt dịch lọc vào 1 tờ giấy lọc, để khô, quan sát dưới ánh sáng tử ngoại (365 nm) thấy có huỳnh quang màu xanh da trời.
  • C. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
  • Bản mỏng: Silica gel G sấy ở 120 °C trong 2 giờ.
  • Dung môi khai triển: Cyclohexan – ethylacetat (8: 2)
  • Dung dịch thử: Lấy 4 ml dung dịch A cô còn 2 ml.
  • Dung dịch đối chiếu: Lấy 5 g bột Bạch chỉ (Mẫu chuẩn), tiến hành chiết như dung dịch thử.
  • Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bảng mỏng 4 μl mỗi dung dịch trên. Quan sát dưới ánh sáng tử ngoại (365 nm), trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải cùng có vết phát huỳnh quang màu xanh da trời và giá trị Rf với vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
  • D. Cho 0,5 g dược liệu vào ống nghiệm, thêm 3 ml ether (TT), thêm 2 – 3 giọt dung dịch hydroxylamin hydroclorid 7% trong methanol (TT) và thêm 3 giọt dung dịch kalihydroxyd 20% trong methanol (TT). Lắc kỹ, đun nhẹ trên cách thuỷ, để nguội, điều chỉnh pH 3 – 4 bằng acid hydrocloric (TT), sau đó thêm 1 – 2 giọt dung dịch sắt (III) clorid 1% trong ethanol (TT), thấy xuất hiện màu đỏ tím.

4. Định lượng:

  • Không có

5. Tiêu chuẩn đánh giá khác:

  •  Tro toàn phần không quá 6,0%
  • Tro không tan trong acid hydrochloric Không quá 2,0%
  • Tạp chất Không quá 1,0%
  • Tỷ lệ vụn nát:Không quá 5,0%.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  • Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006.
  • Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010.
  • Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006.
  • Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006.

Tham khảo thêm

Quả Trám

Quả Trám kho cá, thịt rát ngon & là món quê của miền núi phía Bắc. Ngoài ra Trám còn là vị thuốc quý... Trám...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
5
minutes
cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
spot_img