Dược liệu: Ý dĩ
- Tên khoa học: Coix lachryma jobi
- Tên gọi khác: Bobo, dĩ mễ, dĩ nhân, ý dĩ nhân
- Tính vị, quy kinh: vị ngọt, nhạt; tính hơi hàn. Quy vào 5 kinh tỳ, vị, phế, can, đại tràng.
- Bộ phận dùng: hạt
- Đặc điểm dược liệu: Hạt hình trứng ngắn hay hơi tròn, màu trắng hay trắng ngà, rắn chắc.
- Phân bố vùng miền: Việt Nam (Thanh Hóa, Nghệ An, Tây Nguyên)
- Thời gian thu hoạch: Tháng 12 – 1
I. THÔNG TIN CHI TIẾT – Ý Dĩ
1. Mô tả thực vật Ý Dĩ
Ý dĩ là loại cây tươi sống hàng năm, có thể cao tới 1-2m.Thân nhẵn bóng không có lông, có vạch dọc. Lá hình mác to dài 10-40cm, rộng 1,5-3 cm, có những gân nổi rõ, gân giữa to. Hoa đơn tính cùng gốc, mọc ở kẽ lá thành bông. Hoa đực mọc ở phía trên , hoa cái ở phía dưới. Hoa đực có ba nhị, quả dĩnh bao bọc bởi bẹ của một lá bắc.
2. Phân bố
- Thế giới: Trung Quốc
- Việt Nam: Mọc hoang ở khắp nơi ẩm mát ở miền núi nước ta, thường mọc ở bờ suối bờ khe. Hiện nay vì sự tiêu thụ trong và ngoài nước tăng nhiều, thu hoạch mọc hoang không đủ và tốn công nên nhiều nơi đã trồng. Ý dĩ ưa đất phù sa, đất cát có nhiều mùn, có ẩm nhiều nhưng không đọng nước.
3. Bộ phận dùng
Hạt của quả chín (Semen Coisis)
4.Thu hái, chế biến và bảo quản
- Thu hái: ý dĩ được thu hoạch vào mùa thu khi quả đã chín già, cắt lấy quả, phơi khô, đập lấy hạt phơi khô, loại bỏ quả non, lép. Rồi xay xát thu lấy nhân trắng, phơi hoặc sấy khô.
- Chế biến:
Ý dĩ sống: Loại bỏ tạp chất.
Ý dĩ sao cám: Cho cám vào chảo, đun đến khi có khói cho ý dĩ vào chảo và khuấy nhanh tay đến khi bề mặt thuốc chuyển màu vàng nhạt. Đổ ra ngoài, để nguội, sàng loại bỏ cám. Dùng 1kg cám cho 10 kg ý dĩ. - Bảo quản: Nơi khô mát, tránh mốc mọt
5. Ðặc điểm dược liệu Ý Dĩ
Hạt hình trứng ngắn hay hơi tròn, dài 0,5 – 0,8 cm, đường kính 0,2 – 0,5 cm. Mặt ngoài màu trắng hay trắng ngà, hơi bóng, đôi khi còn sót lại những mảnh vỏ quả màu đỏ nâu. Mặt trong có rãnh hình máng, đôi khi còn sót lại vỏ, ở đầu rãnh có một chấm màu nâu đen. Đôi khi nhìn rõ vết của cuống quả. Rắn chắc. Chỗ vỡ màu trắng ngà, có bột.[5-dược điển VN IV))
6. Thành phần hóa học:
- Trong ý dĩ nhân có khoảng 65% chất hydratcarbon, 5,4% chất béo, 13,7% chất protid và các acid amin như leuxin, lysin, acginin, tyroxin, histidin, chất coixin hay coixol là một protid đặc biệt của ý dĩ và axid glutamic, tro có chừng 2,3%.
- Trong rễ ý dĩ có chừng 17,6% chất protein 7,2 % chất béo và 52% tinh bột.
7. Phân biệt thật giả
Hiện nay trên thị trường đang lưu hành dược liệu với tên gọi “Ý dĩ bắc”, đó là hạt Cao lương (Sorghum vulgare Pers.),
8. Công dụng – tác dụng Ý Dĩ
- Tác dụng kiện tỳ, bổ phế, thanh nhiệt, lợi thấp,chỉ tả, bài nùng.
- Ý dĩ là nguồn lương thực có giá trị, đồng thời là một vị thuốc quý.
- Chữa rối loạn tiêu hóa, phù thũng, bí tiểu, trường ung, tả lỵ, đau bụng, phong thấp lâu ngày không khỏi, gân co quắp khó vận động.
- Tác dụng bồi bổ cơ thể nhất là đối với trẻ em.
9. Liều dùng, cách dùng Ý Dĩ
Ngày dùng 8 – 30 g dưới dạng thuốc sắc. Dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác.
9. Lưu ý, kiêng kỵ
…
10. Bài thuốc dân gian có ý dĩ
- Bài 1: Đơn chữa tiểu tiện ra sỏi
Ý dĩ 20g, nước 600ml, sắc còn 200ml. Uống liên tục đến khi thấy tiểu tiện bình thường là được.
- Bài 2: Đơn thuốc chữa bệnh phổi, nôn ra máu
Ý dĩ 40g, nước 400ml (2 bát) sắc còn 1 bát (200ml) thêm ít rượu vào uống làm 2 lần trong ngày. Uống luôn 10 ngày.
- Bài 3: Đơn thuốc bổ chữa lao lực
Ý dĩ 5g, mạch môn đông 3g, tang bạch bì 3g, bách bộ 3g, thiên môn đông 3g, nước 600ml. Sắc còn 200ml chia 3 lần uống trong ngày.
- Bài 4: Bài thuốc chữa tê thấp
Ý dĩ nhân 40g, phổ thục linh 20g, nước 600ml sắc còn 200ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống liền 10 ngày nếu thấy tiểu tiện nhiều là bệnh giảm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
- Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
- Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006