Diệp Hạ Châu hay còn gọi cây chó đẻ răng cưa, cây mọc hoang khắp nơi ở vùng nông thôn, thường được thu hái mùa hè
Dược liệu Diệp Hạ Châu
- Tên khoa học: Herba Phyllanthi urinariae
- Tên gọi khác: Chó đẻ răng cưa.
- Tính vị, quy kinh: Vị ngọt, đắng, tính lương. Vào các kinh can, phế.
- Bộ phận dùng: Toàn cây tươi hoặc đã phơi sấy khô của cây Chó đẻ răng cưa.
- Đặc điểm sản phẩm: thân gần như nhẵn, mang nhiều cành nhỏ màu hơi tía. Lá mọc so le xếp thành hai dãy xít nhau trông như lá kép lông chim. Hoa mọc ở kẽ lá, màu đỏ nâu. Quả nang hình cầu, đường kính có thể tới 2mm, sần sùi, nằm sát dưới lá. Quả có sáu hạt. Hạt hình tam giác màu nâu nhạt, lưng hạt có vân ngang.
- Phân bố vùng miền: Trung Quốc, Ở nước ta, cây mọc hoang khắp nơi, thường thấy ở các bãi cỏ ruộng đất hoang, tới độ cao 500m.
- Thời gian thu hoạch: Quanh năm nhưng tốt nhất là vào mùa hè-thu.
Mô tả thực vật Cây Chó Đẻ Răng Cưa
Diệp Hạ Châu – Cây thảo sống hàng năm hoặc sống dai. Thân cứng màu hồng, lá thuôn hay hình bầu dục ngược, cuống rất ngắn. Lá kèm hình tam giác nhọn. Cụm hoa đực mọc ở nách gần phía ngọn, hoa có cuống rất ngắn hoặc không có, đài 6 hình bầu dục ngược, đĩa mật có 6 tuyến, nhị 3 chỉ nhị rất ngắn, dính nhau ở gốc. Hoa cái mọc đơn độc ở phía dưới các cành, dài 6 hình bầu dục mũi mác, đĩa mật hình vòng phân thùy, các vòi nhụy rất ngắn xẻ đôi thành 2 nhánh uốn cong, bầu hình trứng. Quả nang không có cuống, hạt hình 3 cạnh.Cây mọc hoang ở khắp nơi, trong nước cũng như ở các nơi trong các vùng nhiệt đới.
1- Thu hái, chế biến và bảo quản:
- Thu hái: Thu hái quanh năm nhưng tốt nhất là vào mùa hè-thu.
- Chế biến: đem về rửa sạch dùng tươi. Có thể cắt từng đoạn phơi khô; hoặc rửa sạch cả cây, phơi gần khô rồi bó lại, phơi âm can tiếp đến khô, khi dùng loại bỏ tạp chất, rửa qua nước, cắt đoạn 5 – 6cm phơi khô. Có thể lấy là ép lại thành bánh.
- Bảo quản: Để nơi khô, tránh ẩm, mốc, mọt.
2- Thành phần hóa học:
- Flavonoid, alcaloid phyllanthin và các hợp chất hypophyllanthin, niranthin, phylteralin.
3- Công dụng – Tác dụng
- Tác dụng: Tiêu độc, hoạt huyết, lợi mật, thanh can sáng mắt, lợi thủy.
- Công dụng: Dùng khi viêm gan hoàng đản, viêm họng, mụn nhọt, viêm da thần kinh, chàm, viêm thận, phù thũng, sỏi tiết niệu, viêm ruột, tiêu chảy.
4- Cách dùng và liều dùng
- Ngày dùng 8 – 20g dược liệu khô, dạng thuốc sắc.
5- Lưu ý, kiêng kị:
- Phụ nữ có thai không dùng.
Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Diệp Hạ Châu / Chó Đẻ Răng Cưa
- Chữa suy gan do nghiện rượu, ứ mật: Diệp hạ châu 10g, Cam thảo đất 20g. Sắc uống thay nước hàng ngày.
- Chữa viêm gan do virus B: Diệp hạ châu 100g, Nghệ vàng 5g, Sắc nước 3 lần. Lần đầu 3 chén, sắc còn 1 chén. Lần 2 và 3 đổ vào 2 chén nước với 50g đường, sắc còn nửa chén. Chia làm 4 lần, uống trong ngày. Sau 15 ngày dùng thuốc, xét nghiệm lại, khi kết quả xét nghiệm máu đạt HbsAg (-) thì ngưng dùng thuốc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
- Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
- Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006
Phân biệt giữa cậy Diệp Hạ Châu Đắng & Diệp Hạ Châu Ngọt
Có 2 loại phổ biến nhất, dễ gặp nhất đó là diệp hạ châu đắng (Chó đẻ thân xanh) và diệp hạ châu ngọt (Chó đẻ thân đỏ)
Cây diệp hạ châu đắng và diệp hạ châu ngọt
Về hình dáng bên ngoài của 2 loại diệp hạ châu về căn bản là giống nhau, chỉ có màu sắc của thân cây diệp hạ châu ngọt là có màu tím đỏ, chiều cao trung bình cây ngắn hơn: 10-12cm. Cả 2 loại đều có đặc điểm
- Cây thảo, sống hàng năm hay sống dai, cao 20 – 30 cm, có thể đến 60 – 70 cm. Loại thân cây nhẵn,
- Lá mọc so le, hình bầu dục, xếp xít nhau thành hai dãy như một lá kép hình lông chim, dài 1 – 1,5 cm, rộng 3 – 4 mm; cuống lá rất ngắn.
- Hoa mọc ở kẽ lá, có cuống ngắn, đơn tính cùng gốc; hoa đực ở đầu cành có 6 lá dài, 3 nhị, chỉ nhị ngắn; hoa cái ở cuối cành, 6 lá dài, bầu hình trứng.
- Quả nang, hình cầu, hơi dẹt, mọc rủ xuống ở dưới lá, có khía mờ và có gai; hạt hình 3 cạnh.
- Mùa hoa: tháng 4 – 6; mùa quả: tháng 7 – 9
Công dụng của Diệp Hạ Châu
- Diệp hạ châu – cây chó đẻ có tính mát, không nên dùng cho những người thể tỳ vị hư hàn, tức là những người dễ đầy bụng, khó tiêu, đại tiện lỏng nát, sợ lạnh. Nếu dùng trong trường hợp này sẽ làm cho tình trạng bệnh trầm trọng hơn.
- Bên cạnh đó, do có tác dụng mát gan lợi mật nên những người bình thường nếu dùng thường xuyên đồng nghĩa với việc khiến gan mật sơ tiết nhiều hơn bình thường, lâu ngày sẽ làm suy giảm chức năng gan mật.
- Người không có bệnh về gan cũng không nên dùng diệp hạ châu để phòng bệnh hay để tăng cường chức năng gan.
- Khi sử dụng diệp hạ châu không được dùng liên tục, thường xuyên, không để uống hàng ngày thay cho nước lọc như một cách bổ sung nước.
- Cần kết hợp với chế độ ăn hạn chế đồ nóng, không sử dụng bia rượu, ăn ít mỡ, nhiều rau quả, tăng vận động để thuốc có tác dụng nhanh và tốt nhất.
- Dù chưa có báo cáo gì về tác dụng bất lợi của Diệp hạ châu nhưng cũng cần thận trọng, không sử dụng trong thời gian quá dài
- Dù dùng diệp hạ châu để trị bất cứ bệnh gì, cũng nên tham khám bác sĩ để nhận những lời khuyên, cũng như khám xét thường xuyên để dùng diệp hạ châu được đúng phác đồ điều trị, tránh gây thêm những bệnh không đáng có
Chú ý: Diệp Hạ Châu có nhiều đặc tính tốt từ lâu được lưu truyền trong dân gian. Tuy nhiên khi có nhu cầu sử dụng nó, Quý vị hãy tham khảo ý kiến các thầy thuốc. Bởi chưa có báo cáo hay nghiên cứu nào về tác dụng phụ của Diệp hạ châu trong quá trình sử dụng….