Dược liệu: Kim Ngân Đằng
- Tên khoa học: Caulis cum folium Lonicerae.
- Tên gọi khác: Kim ngân cuộng, dây nhẫn đông, boóc kim ngần (tày), chừa giang khằm (Thái).
- Tính vị, quy kinh: Vị ngọt, tính hàn, vào kinh phế, vị.
- Bộ phận dùng: Cành và lá phơi hay sấy khô của cây Kim ngân.
- Đặc điểm sản phẩm: Đoạn thân hình trụ dài 2 – 5cm, đường kính 0,2 – 0,5cm, vỏ ngoài màu nâu nhạt đến nâu sẫm, bên trong màu vàng nhạt, lõi xốp hoặc rỗng. Lá khô nguyên dạng hình trứng, mọc đối, dài 3 – 5cm, cuống ngắn, cả hai mặt có lông mịn. Mùi thơm nhẹ, vị hơi đắng.
- Phân bố vùng miền: Kim ngân mọc hoang hay được trồng nhiều Ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Ninh Bình, Hà Tây,…
- Thời gian thu hoạch:
I. THÔNG TIN CHI TIẾT – KIM NGÂN ĐẰNG
1. Mô tả thực vật
Kim Ngân Đằng – là loại dây leo, thân to bằng chiếc đũa dài tới 9-10m, có nhiều cành, lúc non màu xanh, khi già màu đỏ nâu. Lá hình trứng, mọc đối, phiến lá rộng 1,5-5cm dài 3-8cm. Lá cây quanh năm xanh tươi, mùa rét không rụng do đó còn có tên là nhẫn đông (chịu đựng mùa đông).
Hoa mẫu 5 mọc thành xim 2 hoa ở kẽ lá. Hoa thơm khi mới nở có màu trắng, về sau chuyển thành vàng. Vì trên cây cùng có hoa trắng và hoa vàng nên mới gọi là kim ngân. Tràng hoa cánh hợp dài 2-3cm chia làm 2 môi dài không đều nhau, một môi rộng lại chia thành 4 thùy nhỏ. Năm nhị đính ở họng tràng, mọc thò ra ngoài.
Quả mọng hình cầu màu đen.
2. Phân bố
- Thế giới: Trung Quốc
- Việt Nam: Cây mọc hoang ở các miền rừng núi như Cao bằng, Hoà bình, Thanh hoá, Lào cai…
3. Bộ phận dùng
Cành và lá phơi hay sấy khô của cây Kim ngân (Lonicera japonica Thunb.) và một số loài khác cùng chi như L. dasystyla Rehd.; L. confusa DC. và L. cambodiana Pierre ex Danguy, họ Kim ngân (Caprifoliaceae).
4. Thu hái, chế biến và bảo quản
- Thu hái: Thân mang lá thu hái quanh năm.
- Chế biến: Phơi hay sấy khô
- Bảo quản: Để nơi khô mát, tránh sâu mọt.
5. Mô tả dược liệu Kim Ngân Đằng
Đoạn thân hình trụ dài 2 – 5cm, đường kính 0,2 – 0,5cm, vỏ ngoài màu nâu nhạt đến nâu sẫm, bên trong màu vàng nhạt, lõi xốp hoặc rỗng. Lá khô nguyên dạng hình trứng, mọc đối, dài 3 – 5cm, cuống ngắn, cả hai mặt có lông mịn. Mùi thơm nhẹ, vị hơi đắng.
6. Thành phần hóa học
- flavonoid, saponin.
7. Phân biệt thật giả
- tham khảo: KIM NGÂN HOA
8. Công dụng – Tác dụng
- Tác dụng: Thanh nhiệt, giải độc.
- Công dụng: Chủ trị: Ho do phế nhiệt, ban sởi, mụn nhọt, mày đay, lở ngứa, nhiệt độc, lỵ.
9. Cách dùng và liều dùng Kim Ngân Đằng
- ngày 15 – 30g, dạng thuốc sắc.
10. Lưu ý, kiêng kị
- Tỳ vị hư hàn không thực nhiệt, hoặc mồ hôi ra nhiều không nên dùng.
11. Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Kim Ngân Đằng
- đang cập nhật..
II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU
1. Vi phẫu:
Thân:
Mặt cắt ngang có thiết diện tròn. Biểu bì gồm một lớp tế bào nhỏ, đều đặn, mang nhiều lông che chở. Mô dày gồm 2 – 3 hàng tế bào thành dày xếp sát dưới lớp biểu bì. Mô mềm vỏ gồm những tế bào hình tròn, thành mỏng. Tế bào không đều có thành dày hóa gỗ tạo thành một vòng phía trong mô mềm vỏ. Libe tạo thành vòng liên tục. Các mạch gỗ xếp thành hàng, các hàng tập hợp lại thành bó. Mô mềm ruột gồm các tế bào hình đa giác tròn, có thành hóa gỗ nhiều, tế bào càng ở trong kích thước càng lớn dần. Cành già thường có khuyết ở trung tâm.
Lá :
Gân giữa : Biểu bì trên và biểu bì dưới gồm một lớp tế bào xếp đều đặn thành ngoài hoá cutin mang nhiều lông che chở. Mô dày xếp sát biểu bì trên và biểu bì dưới gồm 3 – 4 lớp tế bào hình đa giác tròn có thành dày ở góc. Mô mềm cấu tạo bởi các tế bào hình đa giác, có kích thước lớn, thành mỏng, rải rác mang tinh thể calci oxalat hình cầu gai. Bó libe gỗ ở giữa gân lá. Libe tạo thành vòng bao quanh gỗ.
Phiến lá:
Biểu bì trên và biểu bì dưới gồm một hàng tế bào phía ngoài hóa cutin, rải rác mang lông che chở. Mô giậu gồm các tế bào hình chữ nhật xếp vuông góc với biểu bì trên.
2. Bột
Bột màu nâu nhạt, mùi thơm nhẹ, vị hơi đắng. Lông che chở đơn bào, thành dày, nhẵn, chân lông hơi phình. Lông che chở đa bào có đầu lông loe rộng hình dùi trống. Mảnh biểu bì mang lông che chở. Mạch dẫn có các loại mạch vạch, mạch điểm, mạch mạng, mạch xoắn. Hạt tinh bột đơn, kép đôi hay kép ba. Tinh thể calci oxalat hình cầu gai. Mảnh mô mềm phiến lá. Mảnh biểu bì mang lỗ khí.
3. Định tính
A. Lấy 5g bột dược liệu cho vào bình nón có dung tích 100ml, thêm 20ml ethanol 90% (TT). Lắc kỹ, đun cách thủy trong 15 phút, lọc. Cô dịch lọc trên cách thủy đến khi còn khoảng 5ml. Lấy 1 ml dịch chiết vào ống nghiệm, thêm 2 – 3 giọt acid hydrocloric (TT) và một ít bột magnesi (TT) hoặc bột kẽm (TT), dung dịch chuyển từ mầu vàng sang da cam đến đỏ.
B. Lấy 1g bột dược liệu cho vào ống nghiệm, thêm 10ml nước cất, lắc nhẹ trong 5 phút, lọc. Cho vào 2 ống nghiệm, mỗi ống 2ml dịch lọc. Thêm 2 – 3 giọt dung dịch natri hydroxyd 10% (TT) vào ống nghiệm thứ nhất, dung dịch có mầu vàng đậm hơn so với ống nghiệm thứ hai không thêm dung dịch natri hydroxyd 10%.
4. Các chỉ tiêu đánh giá khác
Độ ẩm: Không quá 12% (Phụ lục 9.6, 1g, 85oC, 4 giờ).
Tro toàn phần: Không quá 9% (Phụ lục 9.8).
Tạp chất: Không quá 0,5% (Phụ lục 12.11).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
- Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
- Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006