Bán Hạ Nam

Dược liệu: Bán Hạ Nam / Bán Hạ Chế

  1. Tên khoa học: Rhizoma Typhonii trilobati.
  2. Tên gọi khác: Củ chóc, chóc chuột.
  3. Tính vị, quy kinh: Vị cay, tính ôn. Quy vào kinh tỳ, vị, phế.
  4. Bộ phận dùng: Thân rễ già được chế biến thành phiến khô của cây chóc chuột.
  5. Đặc điểm sản phẩm: Phiến có hình tròn, màu trắng đục, trắng ngà hay vàng nhạt. Xung quanh phiến còn ít vỏ mỏng và vết tích sẹo của rễ con. Thể chất chắc, khô cứng. Vị nhạt, gây tê lưỡi, ngứa.
  6. Phân bố vùng miền: Cây mọc hoang ở nhiều nơi trong nước ta và một số nước khác.
  7. Thời gian thu hoạch: Rễ củ vào tháng 8 hoặc tháng 9.

I. THÔNG TIN CHI TIẾT:

Chú ý: phân biệt Dược liệu Bán Hạ Bắc

1. Mô tả thực vật: Bán Hạ Nam

bán-hạ-nam
Bán Hạ Nam

2. Phân bố:

  • Thế giới:
  • Việt Nam: Cây mọc hoang ở nhiều nơi trong nước ta và một số nước khác.

3. Bộ phận dùng: Bán Hạ Nam

  • Thân rễ già được chế biến thành phiến khô của cây chóc chuột.

4. Thu hái, chế biến và bảo quản:

  • Thu hái: Thu hoạch rễ củ vào tháng 8 hoặc tháng 9, khi cây lụi. Đào lấy rễ củ, rửa sạch, cắt bỏ rễ con.
  • Chế biến: Đổ rễ thành đống, ủ khoảng 7 – 10 ngày đến khi vỏ ngoài mềm nát, chà sát cho tróc hết lớp vỏ ngoài. Đồ bằng hơi nước đến khi củ chín đều (không còn nhân trắng đục). Thái phiến dày 0,2 – 0,3 cm. Phơi (hoặc sấy) đến khi khô kiệt.
  •  Bảo quản: Để nơi khô ráo.

5. Mô tả dược liệu: Bán Hạ Nam

  • Phiến có hình tròn, đường kính thường là 0,5 – 3 cm, ít khi đến 4 cm; dầy 0,1- 0,3cm; màu trắng đục, trắng ngà hay vàng nhạt. Xung quanh phiến còn ít vỏ mỏng và vết tích sẹo của rễ con.
  • Thể chất chắc, khô cứng.
  • Vị nhạt, gây tê lưỡi, ngứa.

6. Thành phần hóa học:

  • Bán hạ nam chứa: 69,9% nước, 1,4% protein, 0,1% chất béo, 1% chất sợi, 26% các carbonhydrat khác, 1,6% các chất vô cơ, 35mg % calci, 20mg % phosphor, 1,3mg % sắt, 9mg % sodium, 273mg % kalium.
  • Ngoài ra còn có thiamin, niacin, caroten, acid folic, cholin, fluorin, alcaloid,…

7. Công dụng – Tác dụng: Bán Hạ Nam

  • Tác dụng: Hóa đàm táo thấp, giáng nghịch chỉ nôn, giáng khí chỉ ho.
  • Công dụng: Chữa: Nôn, buồn nôn, đầy trướng bụng; ho đờm nhiều; trừ thấp trệ ở người béo bệu.

8. Cách dùng và liều dùng: Bán Hạ Nam

  • Dạng thuốc sắc phối hợp với vị thuốc khác.
  • Ngày dùng 4 – 12 g.
  • Dùng cho phụ nữ có thai phải phối hợp với hoàng cầm, bạch truật.

9. Lưu ý, kiêng kị:

  • Phản Ô đầu.
  • Không phối hợp với Phụ tử.
  • Không nên dùng cho người âm hư, ho khan, khạc máu.
  • Thận trọng khi dùng cho người mang thai.

10. Bài thuốc có Dược liệu Bán Hạ Nam

Theo nghiên cứu, bán hạ có tác dụng chữa ho và chống nôn. Được dùng theo kinh nghiệm dân gian chữa phụ nữ có thai bị nôn mửa hoặc chữa nôn trong trường hợp viêm dạ dày mãn tính. Nó còn là vị thuốc chữa ho (làm cho long đờm), chữa nhức đầu, đau dạ dày mãn tính. Ngày dùng 1,5 – 4g; có thể dùng tới liều từ 4 – 12g bán hạ đã chế biến hoặc hơn nữa. Dùng ngoài, tùy theo liều lượng và dùng tươi, giã nát đắp lên nơi đâu.

Bán Hạ là dược liệu có trong nhiều thang khác, quý vị có thể tìm kiếm tham khảo thêm tại đây: bán hạ

 

II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU:

1. Vi phẫu:

  • Lớp bần gồm nhiều tế bào hình chữ nhật, dài 50 – 80 mcm, rộng 10 – 15µm. lớp ngoài thường bị bong tróc ra (ở thân rễ chưa chế biến). Mô mềm gồm những tế bào hình cầu, đa giác, thành mỏng, vách méo mó, đường kính 50 – 120 mcm. Tế bào mô mềm chứa nhiều hạt tinh bột, các bó tinh thể calci oxalat hình kim. Các bó libe-gỗ nằm rải rác trong mô mềm, các bó phía trong thường lớn hơn phía ngoài, thành của các mạch gỗ ít hóa gỗ.

2. Bột:

  • Màu trắng ngà hay nâu nhạt. Vị nhạt, gây tê lưỡi. Soi kính hiển vi thấy: Nhiều hạt tinh bột tròn, hình chuông, hình bầu dục, hình nhiều cạnh, đứng riêng lẻ hay kép đôi, kép ba, ít khi kép 4 hoặc kép 5 đường kính từ 5 – 25 mcm, rốn hình vạch hơi cong. tinh thể calci oxalat hình kim riêng lẻ hay hợp thành bó, dài 35 – 40 mcm, mảnh mạch vòng, mạch xoắn.

3. Định tính:

  • A. Cân 3 g bột thô dược liệu, thấm ẩm bằng 3 ml dung dịch ammoni hydroxyd 10% (TT), để 30 phút, cho vào bình nón nút mài. Thêm 8 ml cloroform (TT), ngâm trong 4 giờ ( thỉnh thoảng lắc nhẹ). Gạn, lọc lấy dịch cloroform. Cô cách thuỷ đến khi còn cắn. Hoà tan cắn trong 5 ml dung dịch acid sulfuric 10% (TT). Dùng dung dịch này chia vào 3 ống nghiệm để làm các phản ứng sau:

Ống 1: Thêm 2 giọt thuốc thử Bouchardat (TT), xuất hiện tủa nâu đỏ.

Ống 2: Thêm 2 giọt thuốc thử Mayer (TT), xuất hiện tủa trắng.

Ống 3: Thêm 2 giọt thuốc thử Dragendorff (TT), xuất hiện tủa vàng cam.

  • B. Cân 5 g bột thô dược liệu, nghiền với 10 ml nước nóng. Thêm 30 ml ethanol 75 % (TT), ngâm 12 giờ. Lọc lấy dịch. Cô trên nồi cách thủy đến khi còn khoảng 3 ml.

Lấy 0,5 ml dịch chiết trên vào ống nghiệm, thêm 5 giọt thuốc thử  ninhydrin 0,1% trong aceton (TT), đun sôi nhẹ trong khoảng 2 phút. Dịch thử  dần chuyển màu sang tím hồng, xanh tím.

  • C. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4):

Bản mỏng:

Silica gel G.

Dung môi khai triển:.

n- buthanol – acid acetic – nước ( 4 :1: 5).

Dung dịch thử:

Lấy khoảng 10 g bột thô dược liệu, thấm ẩm bằng 3 ml dung dịch ammoni hydroxyd 10% (TT), để 30 phút, cho vào bình nón nút mài. Thêm 8 ml cloroform (TT), ngâm trong 4 giờ (thỉnh thoảng lắc nhẹ). Gạn, lọc lấy dịch cloroform. Cô cách thuỷ đến khi còn khoảng 1 ml, dùng làm dịch chấm sắc ký

Dung dịch đối chiếu:

Lấy 10 g Củ chóc (mẫu chuẩn), tiến hành tương tự như dung dịch thử.

Cách tiến hành:

Chấm riêng biệt lên bản mỏng 20 mcl mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra, để khô trong không khí ở nhiệt độ phòng, phun dung dịch vanilin 1% trong ethanol 96% (TT), sấy bản mỏng ở 105 oC đến khi các vết hiện rõ. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải cho các vết tương tự về màu sắc và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

4. Tiêu chí đánh giá khác:

  •  Độ ẩm:

Không quá 12 %.

  •  Tạp chất:

Không quá 1 %.

  • Tỷ lệ vụn nát:

Không quá 1%.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
  • Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006.
  • Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010.
  • Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006.
  • Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006

Tham khảo thêm

cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
sam vu diep

Sâm Vũ Điệp

Sâm vũ điệp hay còn gọi tam thất xẻ lá là giống sâm hoang tự nhiên, có tác dụng tốt cho sức khỏe; nâng...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
4
minutes
spot_imgspot_img