Dược liệu: Chè Vằng
- Tên khoa học: Jasminum Subtriplinerve.
- Đặc điểm sản phẩm: Lá hình bầu dục – mũi mác, đầu nhọn, phía cuống tù hay hơi tròn, dài 4 – 7,5cm, rộng 2 – 4,5cm, mép nguyên, trên có 3 gân rõ rệt. Cuống lá nhẵn, dài 0,3 – 1,2cm.
- Bộ phận dùng: Cành lá.
- Tính vị, quy kinh: Vị hơi đắng, chát, tính ấm. Quy kinh tâm và tỳ.
- Tên gọi khác: Chè cước man, dây cẩm văn, cây dâm trắng, dây vằng, vằng sẻ, râm ri, râm leo, lài 3 gân…
- Thời gian thu hoạch: Mùa hoa tháng 3-4; mùa quả tháng 5-6. Thu hái quanh năm.
- Phân bố vùng miền: Thế giới tập trung ở các nước Đông Nam Á và Nam Á. Ngoài ra, gặp ở các tỉnh phía nam Trung Quốc và đảo Hải Nam. Việt Nam: Mọc hoang khắp cả nước, các tỉnh: Hòa Bình, Thái Bình, Thanh hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
I. THÔNG TIN CHI TIẾT
1. Mô tả thực vật:
Cây nhỏ, mọc thành bụi. Thân cây cứng, chia thành từng đốt, đường kính 5-6mm, chia thành nhiều cành. Cành mảnh, vươn dài. Lá mọc đối, hình bầu dục-mũi mác, phía cuống tù hay hơi tròn, đầu lá thuôn thành mũi nhọn, hai mặt nhẵn gần như cùng màu, mặt trên bóng, 3 gân tỏa từ gốc, những lá gần cụm hoa nhỏ dần trông như lá bắc; cuống ngắn.
Cụm hoa mọc ở đầu cành thành chùy, gồm 7-9 hoa màu trắng; lá bắc hình dùi; đài hoa có ống ngắn, 8-10 thùy rất hẹp và nhọn, tràng có ống dài phình lên ở đầu, 8-10 cánh hoa hẹp; nhị dính ở họng tràng; bầu tù.
Quả mọng, hình cầu, đường kính 7-8mm, khi chín màu đen.[6,7].
2. Thành phần hóa học:
- Alcaloid , nhựa , flavonoid.
3. Phân bố:
- Thế giới: tập trung ở các nước Đông Nam Á và Nam Á. Ngoài ra, gặp ở các tỉnh phía nam Trung Quốc và đảo Hải Nam.
- Việt Nam: mọc hoang khắp cả nước, các tỉnh thuộc vùng núi thấp, trung du và đồng bằng như: Hòa Bình, Thái Bình, Thanh hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Không thấy cây mọc ở vùng núi cao trên 1500m.
4. Bộ phận dùng:
Cành lá đã phơi hay sấy khô của cây.
5. Mô tả dược liệu Chè Vằng
Lá hình bầu dục – mũi mác, đầu nhọn, phía cuống tù hay hơi tròn, dài 4 – 7,5cm, rộng 2 – 4,5cm, mép nguyên, trên có 3 gân rõ rệt. Cuống lá nhẵn, dài 0,3 – 1,2cm.
6. Phân biệt thật giả, nhầm lẫn:
Tránh nhầm chè vằng với lá ngón vì chúng rất giống nhau ở dáng cây. Đã có trường hợp hái nhầm và dùng gây ngộ độc chất người. Cây lá ngón có hoa vàng, cây chè vằng có hoa trắng.
Sau đây là một vài đặc điểm phân biệt giữa chè vằng và lá ngón để giúp nhận biết, tránh nhầm lẫn:
- Chè vằng: cây nhỏ dạng bụi, màu sắc toàn cây nhạt xỉu; cụm hoa dạng chùy; hoa màu trắng, quả thường đôi một là quả mọng, khi chín màu đen.
- Lá ngón: cây leo, thân cành mập, màu sắc cây sẫm bóng; cụm hoa dạng xim ngù, hoa màu vàng; quả riêng lẻ là quả nang, khi chín màu nâu.
Loài Jasminum anastomosans Wall., cụm hoa chỉ có 2-3 hoa cũng được dùng với công dụng tương tự.
7. Thu hái,chế biến và bảo quản Chè vằng
- Chế biến: Thu hái quanh năm, hái lá tươi về rửa sạch, phơi hay sấy khô.
- Bảo quản: Để nơi khô, mát, trong bao bì kín.
8. Tác dụng dược lý chè vằng
Chè vằng ức chế khá mạnh invitro sự phát triển của các chủng vi khuẩn: tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn tan máu, Shigella dysenteriae, S.shigae, trực khuẩn thương hàn, Achromobacter và ức chế yếu hơn đối với trực khuẩn mủ xanh.
Trong nghiên cứu lâm sàng, chè vằng có tác dụng dự phòng và điều trị nhiễm khuẩn sau khi đẻ và apxe vú do tắc tia sữa.
Chè vằng cũng có tác dụng ức chế invitro đối với sự phát triển của nhiều chủng vi khuẩn phân lập từ bệnh phẩm kháng với những thuốc kháng sinh thông dụng như: tụ cầu vàng, liên cầu tan máu, Staphylococcus albus, S.epidermidis.
Gây tác dụng lợi mật trên chuột lang, làm giảm co bóp tự nhiên của tử cung và giảm co thắt ruột gây bởi acetylcholin và Bari clorid trên ruột cô lập.
9. Công dụng – tác dụng Chè Vằng
- Tác dụng: Thanh nhiệt, lợi thấp, khu phong, hoạt huyết, điều kinh, tiêu viêm, trừ mủ.
- Công dụng: Chè vằng được dùng trị kinh nguyệt không đều, bế kinh hoặc khi thấy kinh đau bụng, sau khi đẻ bị nhiễm khuẩn sốt cao, viêm hạch bạch huyết, viêm tử cung và tuyến vú, áp xe vú, khí hư bạch đới. Các bệnh ngứa ngoài da, rắn cắn. Còn dùng trị phong thấp do kém huyết, đau nhức khớp xương, vàng da, ghẻ lở, chốc đầu,
10. Chỉ định- Liều dùng, cách dùng Chè Vằng
- Dùng lá vằng phơi khô nấu hay pha nước uống hàng ngày hoặc cho phụ nữ sau sinh uống.
- Có nơi dùng lá nấu nước tắm cho trẻ con bị ghẻ lở.
- Ngày dùng 40-100g cây tươi hoặc 20-30g dược liệu khô dạng thuốc sắc hoặc nấu nước tắm,
- Dùng ngoài: liều lượng không hạn chế.
11. Lưu ý, kiêng kị:
- Dược liệu được biết đến rất ít độc trong những thử nghiệm về độc tính cấp tính và mạn tính.
12. Các bài thuốc dân gian có chè vằng:
- Chữa phụ nữ kinh nguyệt không đều, bế kinh đau bụng: Chè vằng 20g, ích mẫu 16g, hy thiêm 16g, ngải cứu 8g, bạch đồng nữ 8g, nước 500ml. Sắc còn 300ml, uống làm 3 lần trong ngày.
- Chữa sưng vú, vết thương: Chè vằng 30g, sắc uống. Giã cây tươi đắp ngoài.
- Chữa áp xe vú: Lá chè vằng tươi giã nát dùng riêng hoặc trộn với cồn 500C đắp vào nơi áp xe. Ngày 3 lần, đêm 2 lần.
- Chữa vàng da: Chè vằng, ngấy hương mỗi vị 20g. Sắc uống, ngày 1 thang.
- Thuốc nhuận gan: Chè vằng 12g, nhân trần 20g; chi tử, lá mua, vỏ núc nác, rau má, lá bồ cu vẽ, vỏ dại, mỗi vị 12g; thanh bì 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
- Phụ nữ nông thôn sau khi đẻ thường lấy cành lá chè vằng phơi khô, nấu nước uống hằng ngày cho khỏe, chóng lại sức, chống thiếu máu, mệt mỏi, kém ăn. Có thể dùng dạng thuốc hãm hay thuốc sắc với liều lượng mỗi ngày là 20 – 30g.
II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU:
1. Đặc điểm bột dược liệu:
Màu lục, vị đắng hơi chát. Soi kính hiển vi thấy: Những mảnh phiến lá có thể thấy các lớp tế bào mô giậu. Mảnh biểu bì tế bào đa giác tương đối đều, có thể mang lỗ khí.
2. Định tính:
- A. Lấy 5g bột thô dược liệu, thêm 50ml ethanol 90% (TT). Lắc đều rồi để yên qua đêm. Lọc rồi cô cách thủy còn khoảng 20ml, lấy 3ml dịch lọc đã cô, thêm 3 giọt acid hydrocloric (TT), thêm một ít bột kẽm (TT), dung dịch sủi bọt và có màu đỏ.
- B. Lấy 2 – 3g bột thô dược liệu, thêm 20ml nước, đun sôi, lọc. Lấy 1 – 2ml dịch lọc đã để nguội, thêm 1 – 2 giọt gelatin 2% (TT), xuất hiện vẩn trắng đục. Tiếp tục lấy 1 – 2 ml dịch lọc trên, thêm 2 giọt dung dịch sắt (III) clorid 9% (TT), xuất hiện màu xanh tím.
3. Tiêu chuẩn đánh giá khác:
- Độ ẩm: Không quá 11 %.
- Tạp chất: Không quá 1%.
- Chất chiết được trong dược liệu: Không ít hơn 15%.
Tiến hành theo phương pháp chiết nóng, dùng ethanol 96% (TT) làm dung môi.