Núc Nác

Dược Liệu: Núc Nác

  1. Tên khoa học: Cortex Oroxyli indici
  2. Tên gọi khác: hoàng bá nam, ngúc ngác, mộc hồ điệp
  3. Tính vị, quy kinh: Vị đắng, tính hàn. Quy vào các kinh, bàng quang, tỳ.
  4. Bộ phận dùng: Vỏ thân đã phơi hay sấy khô của cây Núc nác
  5. Đặc điểm sản phẩm: Vỏ cuộn lại thành hình ống hay hình cung. Mặt ngoài màu vàng nâu nhạt, nhăn nheo, có nhiều đường vân dọc, ngang. Mặt trong nhẵn, màu vàng xám hay vàng lục. Mặt bẻ ngang có lớp bần mỏng.
  6. Phân bố vùng miền: Trung Quốc, Việt Nam: Hà Giang,
  7. Thời gian thu hoạch: Thu hái quanh năm

I. THÔNG TIN CHI TIẾT – NÚC NÁC

núc nác
Cây núc nác có quả

1. Mô tả thực vật

Núc nác – Cây nhỡ, cao 5-13m. Thân nhẵn, ít phân cành, vỏ cây màu xám tro, mặt trong màu vàng. Lá xẻ 2-3 lần lông chim, dài tới 1,5m. Hoa màu nâu đỏ sẫm mọc thành chùm dài ở ngọn thân. Đài hình ống, cứng, dày, có 5 khía nông. Tràng hình chuông, phình rộng, có 5 thuỳ họp thành hai môi, 5 nhị, có chỉ nhị có lông ở gốc. Đĩa mật có 5 thuỳ rõ, cao 4-5mm, đường kính 12-14mm. Quả thõng, dài 40-120cm, rộng 5-10cm, các mảnh vỏ hoá gỗ. Hạt dài 4-9cm, rộng 3-4cm, kể cả cánh mỏng bao quanh. Hoa nở về đêm, thụ phấn nhờ dơi. Hoa và quả từng lúc quanh năm. Các quả chín vẫn ở trên cây khá lâu vào mùa khô khi cây rụng hết lá.

2. Phân bố

  • Thế giới: Trung Quốc
  • Việt Nam: Hà Giang

3. Bộ phận dùng

Vỏ thân đã phơi hay sấy khô của cây Núc nác (Oroxylon indicum (L.) Vent.), họ Núc nác (Bignoniaceae)

4. Thu hái, chế biến và bảo quản

  • Thu hái: Thu hái quanh năm, đẽo vỏ trên cây, cạo bỏ lớp bần, thái phiến dài 2 – 5 cm, phơi hay sấy khô.
  • Chế biến: Loại bỏ tạp chất, cạo bỏ lớp bần, rửa sạch, thái phiến chiều dài 2- 5 cm, bề dày 1-3 mm, phơi khô, hoặc sao nhỏ lửa cho đến khi bề mặt dược liệu có màu vàng.
  • Bảo quản: Nơi khô ráo, thoáng mát.

5. Mô tả dược liệu Núc Nác

Vỏ cuộn lại thành hình ống hay hình cung, dày 0,6 – 1,3 cm, dài ngắn không nhất định. Mặt ngoài màu vàng nâu nhạt, nhăn nheo, có nhiều đường vân dọc, ngang.  Mặt trong nhẵn, màu vàng xám hay vàng lục. Mặt bẻ ngang có lớp bần mỏng. Mô mềm vỏ lổn nhổn như có nhiều sạn, trong cùng có lớp sợi dễ tách theo chiều dọc.

6. Thành phần hóa học Núc Nác

Vỏ và hạt chứa một hỗn hợp flavonoid và chất đắng kết tinh là oroxylin. Vỏ chứa baicalein và chrysin. Hạt cũng chứa oroxylin và một chất dầu chứa 80,40% acid oleic, acid palmitic, acid stearic và acid lignoceric.

7. Phân biệt thật giả

…chưa có..

8. Công dụng – Tác dụng

  • Tác dụng: Thanh nhiệt, lợi thấp.
  • Công dụng: Chủ trị: Hoàng đản mẩn ngứa dị ứng, viêm họng, đái buốt, đái đục, đái đỏ do bàng quang thấp nhiệt.

9. Cách dùng và liều dùng

Ngày dùng 2- 3g, dạng thuốc bột hoặc 8 – 16 g dạng thuốc sắc.

10. Lưu ý, kiêng kị 

Người hư hàn gây đau bụng, đầy bụng tiêu chảy không dùng.

11. Một số bài thuốc từ cây Dược liệu: Núc Nác

  • Ngoài da lở ngứa, bệnh tổ đĩa ngứa giữa lòng bàn tay, bệnh giang mai lở loét: Vỏ Núc nác, Khúc khắc, mỗi vị 30g, sắc uống hàng ngày.
  • Chữa đau dạ dày: Dùng vỏ núc nác, sấy khô tán thành bột mịn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 2-3g (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).
  • Chữa kiết lỵ, đau dạ dày ợ hơi, ợ chua: Dùng hạt núc nác phơi khô, tán thành bột mịn, hoặc sắc uống mỗi ngày 8-10g (Trồng hái và dùng cây thuốc).
  • Chữa viêm phế quản, ho lâu ngày: Mộc hồ điệp 10g, đường phèn hay kẹo mạch nha 30g, nước 300ml sắc còn 200ml. Chia 3 lần uống trong ngày (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).
  • Viêm đường tiết niệu, đái buốt ra máu: Vỏ núc nác, rễ Cỏ tranh, Mã đề mỗi thứ một nắm, sắc nước uống.
  • Ho lâu ngày: 5-10g hạt, sắc nước hoặc tán bột uống.
  • Lở do dị ứng sơn: Vỏ Núc nác nấu cao, dùng uống và bôi vào chỗ lở.
  • Chữa viêm khí quản cấp tính, ho gà: Dùng mộc hồ điệp 4g, an nam tử 12g, cát cánh 6g, cam thảo 4g, tang bạch bì (vỏ trắng rễ cây dâu tằm) 12g, khoản đông hoa 12g. Sắc lấy nước, thêm 60g đường phèn vào hòa tan, chia uống nhiều lần trong ngày (Hiện đại thực dụng trung dược). “An nam tử” là tên dùng trong đơn thuốc của vị “bạng đại hải”, tức là hạt “lười ươi” (Sterculia lychnophora Hance.), có mọc ở Biên Hòa, Bà Rịa, Bình Ðịnh, Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Trị…
  • Chữa sỏi thận, sỏi bàng quang: Dùng vỏ núc nác 16g, chi tử (quả dành dành) 20g, mã đề thảo (lá và bông mã đề) 20g, xương bồ 8g, mộc thông 12g, tỳ giải 30g, quế chi 4g, cam thảo đất 20g; Sắc nước, chia 2 lần uống trong ngày vào lúc đói bụng (Thuốc Nam và Châm cứu).

II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU NÚC NÁC

1. Vi phẫu

Lớp bần rất dày, gồm 30 – 40 lớp tế bào hình chữ nhật xếp tương đối đều đặn  theo hướng tiếp tuyến, có nhiều chỗ lớp bần nứt rách rất sâu. Mô mềm vỏ gồm tế bào có thành mỏng, hơi kéo dài theo hướng tiếp tuyến, rải rác có nhiều đám mô cứng. Libe cấp hai rất dày, libe bị các tia tuỷ cắt ra thành từng nhánh. Tế bào libe thành mỏng xếp đều đặn và bị bẹp từng vòng theo hướng tiếp tuyến. Nhiều đám sợi, tế bào thành dày hoá gỗ, rõ rệt, kết tầng trong libe. Tia ruột rộng, từ 3 – 5 dãy tế bào hình chữ nhật, xếp theo hướng xuyên tâm, chạy từ tầng sinh libe-gỗ đến mô mềm và tinh thể calci oxalat hình kim rải rác khắp mô mềm vỏ và libe. Tầng sinh libe-gỗ.

2. Bột

Màu vàng, vị đắng. Soi kính hiển vi thấy: nhiều sợi dài, màu vàng nhạt, thành dày, thành đôi khi có chỗ lồi đều, khoang rộng, có ống trao đổi rõ và nhiều tinh thể calci oxalt hình kim. Tế bào mô cứng màu vàng, hình nhiều cạnh, thành hơi dày, khoang rộng, ống trao đổi rõ. Rất nhiều tinh thể calci oxalat hình kim, 2 đầu thuôn nhọn hoặc vuông đuờng kính 2 – 4 m nằm rải rác hoặc tập trung thành bó. Mảnh bần gồm tế bào hình nhiều cạnh  thành dày. Mảnh mô mềm hình đa giác, thường chứa tinh thể calci oxalat hình kim.

3. Định tính

Lấy 0,5 g bột thô dược liệu vào ống nghiệm, thêm 5 ml ethanol (TT), lắc. Đun cách thuỷ 5 – 10 phút, lọc. Lấy dịch lọc làm các phản ứng sau:

Lấy 1 ml dịch lọc, thêm 3 giọt acid hydrocloric (TT), thêm một ít bột magnesi (TT), sẽ có màu vàng cam.

Lấy 1 ml dịch lọc, thêm 1 giọt dung dịch sắt (III) clorid 5% (TT), hay dung dịch, sẽ có màu xanh nâu hay xanh đen.

lấy 1 ml dịch lọc, thêm từ từ theo thành ống 5 ml 0,5 ml acid sulfuric (TT), sẽ thấy chia làm 2 lớp, lớp phía dưới có màu nâu, để yên màu nâu càng rõ.

4. Các chỉ tiêu đánh giá khác

Độ ẩm

Không quá 14 % (Phụ lục 9.6, 1 g, 100 oC, 4 giờ).

Tạp chất

Không quá 1% (Phụ lục 12.11).

Chất chiết được trong dược liệu

Không ít hơn 10,0% (Phụ lục 12.10).

Tiến hành theo phương pháp chiết nóng, dùng ethanol 96% (TT) làm dung môi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
  • Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
  • Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
  • Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
  • Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006

Hoàng Bá Nam – Núc Nác chữa bệnh ung thư

Lá, hoa và quả khi còn non có thể làm món xào, luộc hay nộm. Hoa và quả thường thu hoạch vào mùa hè.

  • Trên thế giới, các nhà khoa học cũng đã có nhiều nghiên cứu và xác minh thực nghiệm về tác dụng chữa bệnh của cây núc nác, trong đó nổi bật là điều trị các bệnh như: Dạ dày, viêm gan, dị ứng, viêm phế quản, mụn nhọt, lị và đặc biệt là ung thư.
  • Trong hạt và vỏ cây núc nác có chứa ít nhất 5 loại flavonoid, có tính kháng Histamin tác dụng tốt đối với bệnh dị ứng, mề đay và mẩn ngứa và chất đắng kết tinh Oroxylin, Alcaloid.
  • Hạt núc nác phơi khô sắc uống hoặc tán bột uống có thể giúp điều trị viêm họng cấp và mãn tính, viêm phế quản, ho gà, đau dạ dày, đau mạng sườn…

Với vỏ núc nác thường được đẽo trên vỏ cây còn sống, khi phơi, sấy khô thường gọi là hoàng bá nam có vị đắng ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt táo thấp, tiêu thũng, giải độc. Ngoài ra còn có tác dụng chữa viêm gan vàng da, viêm bàng quang, ỉa chảy, viêm họng, viêm phế quản, hen phế quản, ho khan tiếng, sởi, mề đay…

Dùng vỏ núc nác lượng 9 – 15g sắc hoặc nấu thành cao uống, kết hợp bôi ngoài hoặc rửa giúp điều trị dị ứng, mề đay.

Đặc biệt, hoàng bá nam có hiệu quả rất tốt trong điều trị ung thư. Hoàng bá nam là vị thuốc chính để kết hợp với những vị thuốc nam khác để giải độc cơ thể, cân bằng nội môi, điều chỉnh hệ miễn dịch trong cơ thể để loại bỏ dị vật (khối u, tế bào lạ…) do vỏ núc nác có chứa ít nhất 5 loại flavonoids.

Một số bài thuốc chữa bệnh từ vỏ cây núc nác:

  • Chữa đau tức hạ sườn phải, da vàng, nước tiểu đỏ (do can khí uất kết):Vỏ cây Núc Nác (Hoàng Bá Nam) 16g, Bạch Thược 12g, Hạt Dành Dành (Chi Tử) 12g, Đan Bì 12g, Nhân Trần 12g, Sài Hồ 16g, Xa Tiền 12g, Cỏ Nhọ Nồi)16g, Rau Má 20g, Cam Thảo đất 16g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.

Vỏ cây Núc Nác 16g, Chó đẻ răng cưa 16g, Cối Xay 16g, Sài Hồ 12g, Đương Quy 16g, Tam Thất 10g, Thanh Bì 12g, Cơm Rượu 16g, Xa Tiền 12g, Rễ Cỏ Tranh 16g, Cam Thảo 12g. Sắc uống ngày một thang chia 2 lần.

  • Chữa đau dạ dày: Vỏ cây Núc Nác, Bồ Hoàng, Ngũ Linh Chi, Ô Tặc Cốt sắc nước uống.
  • Chữa viêm da, dị ứng, mụn nhọt, mẩn ngứa: Vỏ cây Núc Nác sao qua16g, Kim Ngân Hoa 16g, Kinh Giới 16g, Phòng Phong 10g, Hạt Dành Dành 10g, Sài Hồ 16g, Đinh Lăng 16g, Xuyên Khung 10g, Bạch Chỉ 10g, Sài Đất 16g, lá Cơm Rượ16g, Uất Kim 10g, Cam Thảo 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.

Vỏ cây Núc Nác  16g, Lá Đơn Đỏ 14g, Ké Đầu Ngựa 14g, Kim Ngân Hoa 16g, Tô Mộc 10g, Trần Bì 10g, Cúc Hoa 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.

  • Thuốc rửa hoặc bôi tại chỗ: Vỏ cây Núc Nác (Hoàng Bá Nam) 50g, lá Kinh Giới 30g, lá Đinh Lăng 30g. Sắc lấy nước rửa hoặc bôi ngoài da ngày 2 lần.
  • Chữa bệnh sởi cho trẻ em: Vỏ cây Núc Nác 6g, Kinh Giới 6g, Kim Ngân Hoa 4g, Liên Kiều 6g, lá Diếp Cá 5g, Mã Đề 4g, Sài Đất 5g, hoa Hồng Bạch 4g, Huyền Sâm 8g, Sài Hồ 4g, Cam Thảo 2g, Đương Quy 4g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 – 4 lần.
  • Chữa lị: Vỏ cây Núc Nác 20g, Hoàng Liên 12g, Cỏ Sữa 20g, Khổ Sâm 16g, Lá Nhót 20g, Củ Mài 16g, Hạt Sen 16g, Bạch Truật 12g, Chích Cam Thảo 12g, Cỏ Nhọ Nồi sao đen 20g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.

Vỏ cây Núc Nác 16g, Búp Ổi 12g, Đinh Lăng 20g, Khổ Sâm 16g, Rau Sam 20g, Hoa Hòe (sao đen) 16g, Cỏ Sữa 20g, Bạch Truật 12g, Cỏ Ngũ Sắc 16g, Ngũ Gia Bì 16g, Hoàng Đằng 12g, Chích Cam Thảo 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.

  • Chữa vú có cục rắn, đau: Vỏ cây Núc Nác 16g, Hương Nhu 16g, Cát Căn 16g, Trinh Nữ Hoàng Cung 6g, Uất Kim 10g, Táo Nhân (sao đen) 16g, Đinh Lăng 16g, Hòe Hoa (sao vàng) 20g, Đương Quy 12g, Hoàng kỳ 2g, Xuyên Khung 12g, Tam Thất 12g, Huyền Sâm 16g, Xương Bồ 12g, Chích Cam Thảo 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần, dùng trong 20 – 30 ngày 1 liệu trình.

Lưu ý: Người mắc chứng hư hàn gây đau bụng, đầy bụng tiêu chảy cẩn thận khi dùng núc nác.

Tham khảo thêm

cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
sam vu diep

Sâm Vũ Điệp

Sâm vũ điệp hay còn gọi tam thất xẻ lá là giống sâm hoang tự nhiên, có tác dụng tốt cho sức khỏe; nâng...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
4
minutes
spot_img