Củ Chóc

Dược liệu: Củ Chóc

  1. Tên khoa học: Typhonium trilobatum (L.) Schott.
  2. Tên gọi khác: Chóc, Bán hạ ba thùy.
  3. Tính vị, quy kinh: Vị cay, tính ôn, có độc. Vào 2 kinh tỳ và vị.
  4. Bộ phận dùng: Thân rễ.
  5. Đặc điểm sản phẩm:
  6. Phân bố vùng miền: Trung Quốc, ở Việt Nam phân bố rộng từ đồng bằng đến trung du và miền núi.
  7. Thời gian thu hoạch: Thu hái củ từ tháng 7-12.

I. THÔNG TIN CHI TIẾT:

1. Mô tả thực vật:

Cây thảo cao 30-50cm, có thân củ gần hình cầu, đường kính đến 4cm. Lá hình mũi mác chia làm ba thùy hình trái xoan; cuống lá dài 25-30cm, phình thành bẹ. Cụm hoa là một bông mo, mo có phần ống thuôn dài 2,5cm, và phần phiến hình trái xoan thuôn nhọn, mặt ngoài màu lục, mặt trong màu đỏ bầm, rộng 5-6cm. Trục hoa màu hồng, mang nhiều hoa nhỏ, kéo dài thành một phần hình dùi, phần không sinh sản dài màu đỏ điều. Quả mọng hình trứng. Cây ra hoa đầu mùa hạ.

củ chóc

2. Phân bố:

  • Thế giới: Cây của vùng Ấn Độ-Malaysia mọc hoang trên đất trũng ẩm mát, bờ ao, ven suối, ở vườn, ven đường đi, đặc biệt phong phú trên các vùng đất phù sa bãi sông; gặp nhiều ở vùng đồng bằng.
  • Việt Nam: Cây mọc hoang ở nhiều nơi trong nước ta.

3. Bộ phận dùng:

  • Thân rễ.

4. Thu hái, chế biến và bảo quản:

  • Thu hái: Thu hái củ từ tháng 7-12 rửa sạch, để nguyên hoặc thái miếng mỏng, phơi khô hoặc chế thành Nam tinh.
  • Chế biến: Đào lấy rễ củ, rửa sạch, cắt bỏ rễ con. Đổ thành đống, ủ khoảng 7 – 10 ngày đến khi vỏ ngoài mềm nát, chà sát cho tróc hết lớp vỏ ngoài. Đồ bằng hơi nước đến khi củ chín đều (không còn nhân trắng đục). Thái phiến dày 0,2 – 0,3cm. Phơi (hoặc sấy) đến khi khô kiệt.
  •  Bảo quản: Để nơi khô ráo.

5. Mô tả dược liệu Củ Chóc

Phiến có hình tròn, đường kính thường là 0,5 – 3cm, ít khi đến 4cm; dày 0,1- 0,3cm; màu trắng đục, trắng ngà hay vàng nhạt. Xung quanh phiến còn ít vỏ mỏng và vết tích sẹo của rễ con. Thể chất chắc, khô cứng. Vị nhạt, gây tê lưỡi, ngứa.

dược liệu củ chóc
dược liệu củ chóc

6. Thành phần hóa học:

Tinh bột, saponin, alcaloid.

7. Công dụng – Tác dụng:

  • Tác dụng: Hóa đàm táo thấp, giáng nghịch chỉ nôn, giáng khí chỉ ho.
  • Công dụng: Chữa nôn, buồn nôn, đầy trướng bụng; ho đờm nhiều; trừ thấp trệ ở người béo bệnh.

8. Cách dùng và liều dùng:

  • Dạng thuốc sắc phối hợp với vị thuốc  khác.
  • Ngày dùng 4 – 12 g.
  • Dùng cho phụ nữ có thai phải phối hợp với hoàng cầm, bạch truật.

9. Lưu ý, kiêng kị :

  • Phản Ô đầu. Không phối hợp với Phụ tử.
  • Không nên dùng cho người âm hư, ho khan, khạc máu.
  • Thận trọng khi dùng cho người mang thai.

10. Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Củ Chóc

  • Chữa kinh giản lưng gáy cứng đờ, miệng chảy đờm rãi, hoặc trúng phong méo mồm lệch mắt: Nam tinh, Kinh giớiGừng sống đều 12g sắc uống. Ngoài dùng củ Chóc chuột giã nát hoặc tán bột trộn với nước Gừng đắp vào sau gáy và bên mặt không méo (nếu tê liệt mắt).
  • Chữa hen suyễn: Nam tinh tán bột trộn với mật bò hay mật lợn vừa đủ dính (độ 30%) đặt trên sanh đồng sấy khô, làm viên với hồ, uống mỗi lần 2-3g, ngày uống 3-4 lần với nước Gừng. Khi đang lên cơn thì uống với nước sắc Hẹ và Gừng, mỗi vị 10g.
  • Đinh nhọt và viêm mủ da: Lấy một lượng củ Chóc vừa phải nghiền bột, trộn thêm ít bột Hồng hoàng làm chất bột dẻo để đắp.

Củ Chóc Trị Đau Dạ Dày

  • Đau Vùng Thượng Vị cố định một chỗ, đau từng cơn như kim châm, dùi đâm, có khi đại tiện ra máu: Nguyên nhân do huyết ứ. Phép trị là hoạt huyết, tiêu ứ, trấn thống. Dùng bài Cách hạ trục ứ thang gia giảm gồm: đương quy 12g, xuyên khung 12g, đào nhân 12g, đơn bì 12g, xích thược 8g, ô dược 8g, huyền hồ 8g, cam thảo 6g, hương phụ 10g, chỉ xác 6g. Sắc uống ngày 1 thang. Tác dụng: hành khí, chỉ thống, hoạt huyết, hóa ứ, rất thích hợp chứng đau dạ dày, đau tức ngực do huyết ứ.
  • Đau Vùng Thượng Vị có khi lan sang bên hông sườn, ấn vào đau tăng, có khi ợ hơi ợ chua: Nguyên nhân do can khí phạm vị. Phép trị chủ yếu kiện vị, hóa trệ, bình can, thông ứ. Dùng bài Tiêu giao gia giảm gồm: bạch truật 12g, phục linh 12g, bạch thược 16g, sài hồ 12g, chỉ xác 8g, cam thảo 4g, đại táo 3 quả, bán hạ 8g, đảng sâm 12g, sinh khương 3 lát. Sắc uống ngày 1 thang, đợt uống 3-5 thang hoặc hơn. Tác dụng: sơ can, giải uất, kiện tỳ hóa trệ, dưỡng huyết. Bài này rất thích hợp với người bị chứng đau dạ dày, đau lan hông sườn, có khi người nóng lạnh, đau đầu chóng mặt.
  • Đau Vùng Thượng Vị đau lâm râm, chườm ấm dễ chịu: Nguyên nhân do tỳ vị hư hàn. Phép trị chủ yếu ôn bổ tỳ vị, khử hàn, chỉ thống. Dùng bài Lý trung hoàn gia giảm gồm: đảng sâm 12g, bạch truật 12g, can khương 10g, chích thảo 6g, hương phụ 12g, trần bì 12g, đại táo 3 quả. Sắc uống ngày 1 thang, đợt uống 5-7 ngày hoặc hơn. Có thể tán nhỏ làm hoàn, ngày uống 3 lần, mỗi lần 12g. Tác dụng: ôn trung, khu hàn, bổ ích tỳ, vị… Bài này rất thích hợp chứng vị hàn đau dạ dày, đại tiện lỏng, đầy bụng, nôn mửa, tay chân lạnh.
  • Đau Vùng Thượng Vị kèm đại tiện táo, miệng hôi, miệng khô khát, dùng tay ấn vào bụng đau tăng: nguyên nhân do vị nhiệt. Phép trị là thanh vị nhiệt, lợi hạ… Dùng bài Thanh vị tán gia giảm gồm: sinh địa 20g, đơn bì 16g, đương quy 14g, hoàng liên 10g, thăng ma 12g, uất kim 12g, đại táo 3 quả, cam thảo 6g, nếu táo bón gia đại hoàng 6-8g. Tán bột mịn hoặc sắc uống ngày 1 thang. Tác dụng: dưỡng âm, thanh vị, nhuận táo… Trị chứng đau dạ dày do vị nhiệt ứ thống. Bài này chữa vị nhiệt đau dạ dày, miệng lưỡi lở đau rất hiệu quả.
  • Đau Vùng Thượng Vị nếu nôn, hoặc đại tiện được thì bớt đau: Nguyên nhân do thương thực. Dùng bài Bảo hòa hoàn gia giảm gồm: bán hạ 8g, liên kiều 12g, phục linh 12g, trần bì 12g, hạt củ cải 14g, sơn tra 12g, thần khúc 12g, cam thảo 4g, mạch nha 12g, hương phụ 12g, bạch truật 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Tác dụng; tiêu tích, hòa vị, thanh nhiệt lợi thấp. Bài này rất thích hợp chứng vị thương thực đau dạ dày, ăn vào đau tăng, vốn dùng rượu bia, đồ bổ béo khó tiêu.

II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU:

1. Vi phẫu

Lớp bần gồm nhiều tế bào hình chữ nhật, dài 50 – 80µm, rộng 10 – 15µm. lớp ngoài thường bị bong tróc ra (ở thân rễ chưa chế biến). Mô mềm gồm những tế bào hình cầu, đa giác, thành mỏng, vách méo mó, đường kính 50 – 120µm. Tế bào mô mềm chứa nhiều hạt tinh bột, các bó tinh thể calci oxalat hình kim. Các bó libe-gỗ nằm rải rác trong mô mềm, các bó phía trong thường lớn hơn phía ngoài, thành của các mạch gỗ ít hóa gỗ.

2. Bột:

Màu trắng ngà hay nâu nhạt. Vị nhạt, gây tê lưỡi. Soi kính hiển vi thấy: Nhiều hạt tinh bột tròn, hình chuông, hình bầu dục, hình nhiều cạnh, đứng riêng lẻ hay kép đôi, kép ba, ít khi kép 4 hoặc kép 5 đường kính từ 5 – 25µm, rốn hình vạch hơi cong. tinh thể calci oxalat hình kim riêng lẻ hay hợp thành bó, dài 35 – 40µm. mảnh mạch vòng, mạch xoắn.

3. Định tính:

  • A. Cân 3g bột thô dược liệu, thấm ẩm bằng 3ml dung dịch ammoni hydroxyd 10% (TT), để 30 phút, cho vào bình nón nút mài. Thêm 8ml cloroform (TT), ngâm trong 4 giờ (thỉnh thoảng lắc nhẹ). Gạn, lọc lấy dịch cloroform. Cô cách thủy đến khi còn cắn. Hòa tan cắn trong 5ml dung dịch acid sulfuric 10% (TT). Dùng dung dịch này chia vào 3 ống nghiệm để làm các phản ứng sau:

Ống 1: Thêm 2 giọt thuốc thử Bouchardat (TT), xuất hiện tủa nâu đỏ.

Ống 2: Thêm 2 giọt thuốc thử Mayer (TT), xuất hiện tủa trắng.

Ống 3: Thêm 2 giọt thuốc thử Dragendorff (TT), xuất hiện tủa vàng cam.

  • B. Cân 5g bột thô dược liệu, nghiền với 10ml nước nóng. Thêm 30ml ethanol 75 % (TT), ngâm 12 giờ. Lọc lấy dịch. Cô trên nồi cách thủy đến khi còn khoảng 3ml. Lấy 0,5ml dịch chiết trên vào ống nghiệm, thêm 5 giọt thuốc thử  ninhydrin 0,1% trong aceton (TT), đun sôi nhẹ trong khoảng 2 phút. Dịch thử  dần chuyển màu sang tím hồng, xanh tím.
  • C. Phương pháp sắc ký lớp mỏng:

Bản mỏng: Silicagel G

Dung môi khai triển: n- buthanol – acid acetic – nước ( 4 :1: 5).

Dung dịch thử: Lấy khoảng 10 g bột thô dược liệu, thấm ẩm bằng 3 ml dung dịch ammoni hydroxyd 10% (TT), để 30 phút, cho vào bình nón nút mài. Thêm 8ml cloroform (TT), ngâm trong 4 giờ (thỉnh thoảng lắc nhẹ). Gạn, lọc lấy dịch cloroform. Cô cách thủy đến khi còn khoảng 1ml, dùng làm dịch chấm sắc ký

Dung dịch đối chiếu: Lấy 10g Củ chóc (mẫu chuẩn), tiến hành tương tự như dung dịch thử.

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 20µl mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra, để khô trong không khí ở nhiệt độ phòng, phun dung dịch vanilin 1% trong ethanol 96% (TT), sấy bản mỏng ở 105oC đến khi các vết hiện rõ. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải cho các vết tương tự về màu sắc và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

4. Các chỉ tiêu đánh giá khác:

  • Độ ẩm: Không quá 12 % .
  • Tạp chất: Không quá 1 %.
  • Tỷ lệ vụn nát: Không quá 1%.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
  • Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
  • Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
  • Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
  • Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006

Tham khảo thêm

cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
sam vu diep

Sâm Vũ Điệp

Sâm vũ điệp hay còn gọi tam thất xẻ lá là giống sâm hoang tự nhiên, có tác dụng tốt cho sức khỏe; nâng...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
4
minutes
spot_img