Dược liệu: Đại Bi
- Tên khoa học: Blumea balsamifera L.
- Tên gọi khác: Băng phiến, mai hoa băng phiến, long não hương, mai hoa nã.
- Tính vị, quy kinh: Vị cay, đắng, tính ôn.
- Bộ phận dùng: Lá.
- Đặc điểm sản phẩm: Lá phiến to dày, có nhiều lông, có mùi thơm hắc.
- Phân bố vùng miền: Ấn Độ, Nam Trung Quốc, đảo Hải Nam, Việt Nam.
- Thời gian thu hoạch: Thu hái lá quanh năm, tốt nhất vào mùa hè.
I. THÔNG TIN CHI TIẾT:
1. Mô tả thực vật
Cây Đại Bi nhỏ, cao 1-2m. Thân có khía rãnh, phân cành ở ngọn. Lá mọc so le, hình bầu dục-mũi mác, gốc bị sẻ quá sâu thành nhiều mảnh rời nhau, đầu thuôn nhọn, mép khía răng, gân lá chằng chịt thành mạng lưới rất rõ ở 2 mặt lá, mặt trên xanh lục thẫm, mặt dưới trắng nhạt.
Cụm hoa gồm nhiều đầu màu vàng, họp thành ngù ở kẽ lá và đầu cành; lá bắc xếp thành nhiều hàng, không đều nhau; trong đầu có nhiều hoa cái ở xung quanh, phần giữa là hoa lưỡng tính; tràng hoa cái hình ống có 3 răng; tràng hoa lưỡng tính gần hình trụ, 5 nhị; bầu hình trụ, hơi có lông. Quả bế.
2. Phân bố:
- Thế giới: Phân bố ở vùng nhiệt đới châu Á, châu Phi và châu Đại Dương. Phân bố rộng rãi ở nhiều nước vùng Nam và Đông Nam Á, gồm Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Lào, Nam Trung Quốc và đảo Hải Nam.
- Việt Nam: ở hầu hết các tỉnh miền núi thấp ( dưới 1000m), trung du và cả ở đồng bằng và nhiều đảo lớn.
3. Bộ phận dùng:
Lá và Mai hoa băng phiến.
4. Thu hái, chế biến và bảo quản:
- Thu hái: Lá phiến to dày thu hái quanh năm nhưng tốt nhất là mùa hè.
- Chế biến: Lá thu hoạch xong được rửa sạch, phơi âm can. Mai hoa băng phiến thu được khi chưng cất lá rồi cho thăng hoa.
- Bảo quản: Nơi thoáng mát, khô ráo, tránh mối mọt.
5. Mô tả cây dược liệu Đại Bi
Lá: Lá mọc so le, hình bầu dục-mũi mác, gốc bị sẻ quá sâu thành nhiều mảnh rời nhau, đầu thuôn nhọn, mép khía răng, gân lá chằng chịt thành mạng lưới rất rõ ở 2 mặt lá, mặt trên xanh lục thẫm, mặt dưới trắng nhạt. Mùi thơm hắc
Mai hoa băng phiến: Ở dạng tinh thể hình phiến trong suốt hoặc nửa trong suốt giống như phiến cánh hoa mai, có mùi thơm nhẹ dễ chịu, vị cay mát, y học hiện đại gọi hoạt chất này là borneol.
6. Thành phần hóa học:
Lá chứa 0,2-1,88% tinh dầu và borneol. Thành phần chính của tinh dầu là d-borneol, l- camphor, cineol, limonen, acid palmitic, acid myristic và các sesquiterpen lacton. Các tác giả đã phân lập từ lá đại bi các blumea lacton A, B, C đều là các sesquiterpen lacton. Theo tài liệu nước ngoài, long não hữu tuyền được kết tinh từ nhựa và tinh dầu đại bi. Nhựa và tinh dầu đại bi còn chứa các chất triterpen, humulen, β-elemen và caryophyllen. Flavonoid: 3,5,3-trihydroxy-7-4-dimethoxy flavon, 3,5,3,4-tetrahydroxy-7-methoxy-flavon…
- Mai hoa băng phiến: Thành phần chính là borneol.
7. Tác dụng – Công dụng Dược liệu Đại Bi
- Lá dùng làm thuốc chữa cảm sốt, cúm, làm ra mồ hôi dưới dạng thuốc xông
- Nước sắc lá đại bi uống chữa đầy bụng, ăn uống khó tiêu, ho nhiều đờm.
- Dùng ngoài, lá nấu nước ngâm rửa, hoặc lá tươi giã nát đắp tại chỗ chữa lở loét, vết thương sưng đau.
- Ở Trung Quốc: Lá làm thuốc kiện vị, chữa đầy hơi, diệt giun sán.
- Ấn Độ: Chữa mất ngủ, trạng thái tâm thần bị kích thích.
- Philippin: Dùng làm thuốc lợi tiểu chữa các bệnh sỏi thận, phù nề.
- Thái Lan: Lá đại bi thái nhỏ cuộn thành điếu thuốc để hút chữa viêm xoang.
Mai hoa băng phiến: Chữa trúng phong cấm khẩu, đau bụng, đau ngực, ho lâu ngày, đau mắt, đau họng. Có thể được dùng ngoài để chữa bệnh viêm chân răng, thấp khớp, chấn thương tụ máu. Borneol: Làm thuốc chống kiến.
8. Cách dùng và liều dùng Dược liệu Đại Bi
- Chữa đầy bụng, khó tiêu ngày dùng 20-30g lá tươi
- Mai hoa băng phiến: Liều dùng hàng ngày là 0,10 đến 0,20g chia làm nhiều lần uống dưới dạng thuốc bột, hoặc phối hợp với các vị thuốc khác dưới dạng hoàn tán.
9. Lưu ý, kiêng kị (nếu có):
- Không uống mai hoa băng phiến với rượu vì có thể dẫn tới ngộ độc.
Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Đại Bi
- Chữa viêm họng mạn tính, viêm amidan: Mai hoa băng phiến 1g, phèn phi 2.5g, hoàng bá đốt thành than. Tất cả tán bột, mỗi lần dùng 3-4g thổi vào họng.
- Chữa trúng phong cấm khẩu, hôn mê: Mai hoa băng phiến xát mạnh vào chân răng.
- Chữa ho ( theo kinh nghiệm của hợp tác xã thuộc dân tộc Hợp Châu- Chùa Bộc): Lá đại bi 200g, rễ cà gai leo 100g, rễ thủy xương bồ 100g, củ xả 100g, lá chanh 50g. Tất cả phơi khô thái nhỏ, nấu với nước 2 lần để được 700ml dung dịch. Lọc rồi thêm 300ml siro để được một lít cao. Ngày uống 40 ml chia làm 2 lần.
- Chữa bệnh viêm khớp thấp: Đại bi với lá thầu dầu và thạch xương bồ, nấu nước đặc, ngâm rửa.
Một bài thuốc khác với Đại Bi
- Chữa cảm mạo, ho, sốt nóng: dùng 5-12g lá Ðại bi nấu nước uống. Có thể nấu nước xông, dùng riêng hay phối hợp với các loại lá khác có tinh dầu.
- Thấp khớp tạng khớp: dùng rễ Ðại bi, Kê huyết đằng mỗi vị 30g, sắc uống hoặc ngâm rượu uống.
- Ðau bụng kinh: dùng rễ Ðại bi 30g, ích mẫu 15g sắc uống.
- Chữa lòi dom: Lá Ðại bi giã nát với lá Câu đằng, đắp.
- Chữa ghẻ: Lá Ðại bi tươi và lá Hồng Bì dại, mỗi thứ một nắm, rửa sạch, giã nát lấy nước đặc bôi.
- Chữa ho: Lá Ðại bi 200g, lá Chanh 50g, rễ Cà gai leo 100g, rễ thuỷ xương bồ 100g, củ Sả 100g, Trần bì 50g, tất cả phơi khô, cắt nhỏ nấu với nước 2 lần để được 700ml dung dịch, lọc, rồi thêm 300ml xi rô để được 1 lít cao. Ngày uống 40ml, chia làm 2 lần.
- Chữa bị ngất, hôn mê: Mai hoa băng phiến xát vào chân răng.
- Chữa bệnh chân răng thối loét: Mai hoa băng phiến và phèn phi với lượng bằng nhau, rắc vào chỗ đau.
Thông thường ta hay dùng nấu chúng với lá Sả, lá Bưởi, lá Cam làm nước xông cho ra mồ hôi. Người ta giã lá đắp ở thái dương cho đỡ nhức đầu hoặc lá nhét vào lỗ mũi khi bị chảy máu cam.
Nguồn tham khảo thêm:
- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006.
- Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập 1), Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật.