Đại Phúc Bì

Dược liệu Đại Phúc Bì

  1. Tên khoa học: Pericarpium Arecae catechi.
  2. Tên gọi khác: Đại phúc mao, cau.
  3. Tính vị, quy kinh: Vị cay, tính vi ôn. Vào các kinh tỳ vị, đại trường, tiểu trường.
  4. Bộ phận dùng: Vỏ quả đã bỏ vỏ xanh phơi hay sấy khô của cây Cau
  5. Đặc điểm sản phẩm: Đại phúc bì: Là vỏ quả cau chưa chín, bỏ vỏ ngoài. Vỏ quả cứng hình bầu dục hay hình trứng dài, lõm cong. Phần ngoài màu nâu thẫm đến màu gần đen, có vân nhăn dọc và vân ngang nhô lên. Vỏ quả trong hình vỏ sò, màu nâu tới nâu sẫm, bóng mịn và cứng, chắc. Thể nhẹ, chất rắn, có thể xé theo chiều dọc. Mùi nhẹ, vị hơi se.
  6. Phân bố vùng miền: Được trồng ở khắp nơi trong nước ta, nhất là vùng Thanh Hóa, Nghệ An.
  7. Thời gian thu hoạch: Vào mùa đông đến mùa xuân năm sau.

I. THÔNG TIN CHI TIẾT:

1. Mô tả thực vật:

Cây cau là một cây sống lâu năm, thân mọc thẳng, cao độ 15 – 20m, đường kính 10 – 15cm, thân tròn, không chia cành, không có lá, có nhiều đốt do vết lá cũ rụng, chỉ ở ngọn mới có một chùm lá to, rộng, xẻ lông chim. Lá có bẹ to. Hoa tự mọc thành buồng, ngoài có mo bao bọc, hoa đực ở trên, hoa cái ở dưới. Hoa đực nhỏ  màu trắng ngà, thơm mát. Quả hạch, hình trứng, to gần bằng quả trứng gà, lúc đầu xanh, vỏ bóng nhẵn, khi già biến thành màu vàng đỏ. Quả bì có sợi, hạt có nội nhũ xếp cuốn. Hạt hơi hình nón cụt, đầu tròn, giữa đáy hơi lõm, màu nâu nhạt, vị chát.

Cây cau được trồng ở khắp nơi trong nước ta, nhất là vùng Thanh Hóa, Nghệ An. Trồng bằng quả, sau 5 – 6 năm mới thu hoạch, đó là cau nhà, còn gọi là Gia tân lang, có loại cau tứ thời (Cau bốn mùa), cây thấp đã có quả, ra quả quanh năm.

Cau rừng (Areca oleracea Linn cùng họ) còn gọi là Sơn tân lang, cây bé, hạt nhỏ, nhọn và chắc hơn. Vùng Nghệ An, Thanh Hóa có nhiều. Hiện nay ta thu mua cả hai loại cau nhà và cau rừng.

Dược liệu Đại Phúc Bì
Dược liệu Đại Phúc Bì

2. Phân bố:

  • Việt Nam: Được trồng ở khắp nơi trong nước ta, nhất là vùng Thanh Hóa, Nghệ An.

3. Bộ phận dùng:

Vỏ quả đã bỏ vỏ xanh phơi hay sấy khô.

4. Thu hái, chế biến và bảo quản:

  • Thu hái: Vào mùa đông đến mùa xuân năm sau, hái quả chưa chín, phơi khô sau khi luộc, bổ đôi, bỏ vỏ xanh, lấy cùi thường gọi là đại phúc bì. Vào cuối mùa xuân đến đầu mùa thu, hái quả chín, phơi hoặc sấy khô sau khi luộc, bóc lấy cùi, đập cho xơ, phơi khô, thường gọi là đại phúc mao.
  •  Chế biến: Đại phúc bì loại bỏ tạp chất, rửa sạch, cắt đoạn, làm khô. Đại phúc mao loại bỏ tạp chất, rửa sạch, làm khô.
  •  Bảo quản: Để nơi khô.

5. Mô tả dược liệu Đại phúc bì

Đại phúc bì: Là vỏ quả cau chưa chín, bỏ vỏ ngoài. Vỏ quả cứng hình bầu dục hay hình trứng dài, lõm cong, dài 4 – 7cm, rộng 2 – 3,5cm, vỏ dày 0,2 – 0,5cm. Phần ngoài màu nâu thẫm đến màu gần đen, có vân nhăn dọc và vân ngang nhô lên. Đỉnh có vết sẹo của vòi nhụy, gốc có vết cuống quả và đài hoa. Vỏ quả trong  hình vỏ sò, màu nâu tới nâu sẫm, bóng mịn và cứng, chắc. Thể nhẹ, chất rắn, có thể xé theo chiều dọc. Khi xé dọc có thể thấy sợi vỏ quả giữa. Mùi nhẹ, vị hơi se.

Đại phúc mao: Là vỏ quả cau chín, bóc vỏ quả ngoài rồi làm cho tơi ra. Đôi khi có hình bầu dục hoặc hình lõm cong. Vỏ quả ngoài có thể mất hoặc còn sót lại. Khối sợi vỏ quả giữa, dài 4 – 7cm, màu trắng ngà hay màu nâu nhạt. Thể nhẹ và xốp, chất mềm dai. Vỏ quả trong hình vỏ sò, màu nâu vàng hoặc màu nâu, mặt trong nhẵn mịn, đôi khi bị gãy dọc. Hơi có mùi, vị nhạt.

6. Thành phần hóa học:

Đại phúc bì có alcaloid giống hạt cau như: arecolin, arecaidin, guvacolin … nhưng với hàm lượng thấp hơn nhiều

7. Công dụng – Tác dụng:

  • Tác dụng: Hạ khí, khoan trung, hành thủy, tiêu thũng.
  •  Công dụng: Chủ trị thấp trở, khí trệ, thượng vị trướng tức, đại tiện không thông, thủy thũng, cước khí phù thũng.

8. Cách dùng và liều dùng:

  • Ngày dùng 4,5 – 9g, dạng thuốc sắc.

9. Lưu ý, kiêng kị :

Bệnh hư không có thấp nhiệt không nên dùng.

Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Đại phúc bì

Hạ khí khoan trung: Dùng khi thấp làm trở ngại ruột, dạ dày, khí trệ trướng đầy.

  • Bài 1: Bột nhất gia giảm chính khí: đại phúc bì, hạnh nhân, thần khúc, mầm mạch mỗi vị 12g; hoắc hương chi 8g, hậu phác 8g, phục linh bì 16g, trần bì 6g, nhân trần 16g. Sắc uống.
  • Bài 2: Hoàng cầm hoạt thạch thang: hoàng cầm, hoạt thạch, phục linh bì, trư linh mỗi vị 12g; đại  phúc bì 8g, thông thảo 6g bạch đậu khấu 6g (cho sau). Sắc uống. Chữa thấp nhiệt nung nấu phát sốt, mình nóng, ra mồ hôi đỡ sốt, sau đó lại sốt, rêu lưỡi vàng nhạt mà trơn, mạch hoãn.

Lợi niệu tiêu sưng: Dùng khi bụng phù to thuỷ thũng, tiểu tiện khó hoặc chân sưng phù.

  • Bài 1: Thuốc sắc ngũ bì: vỏ rễ dâu, vỏ quả cau, vỏ gừng mỗi vị 12g; trần bì 8g, phục linh bì 8g. Sắc uống. Chữa phù thũng, bụng trướng, tiểu tiện không lợi.
  • Bài 2: Ngũ bì tán: tang bạch bì, sinh khương bì, đại phúc bì, địa cốt bì, trần bì liều lượng bằng nhau. Tán bột, mỗi lần dùng 10 – 12g, uống với nước ấm. Tác dụng kiện tỳ, hóa thấp, lý khí tiêu phù. Trị viêm thận, viêm gan cổ trướng, mề đay.
  • Bài 3: Bột đại phúc bì: đại phúc bì, tang bạch bì, cau, lai phục tử, mộc qua mỗi vị 12g; hạt tía tô, kinh giới tuệ, chỉ xác, gừng sống, ô dược, trần bì mỗi vị 8g; trầm hương 2g. Sắc uống. Trị cước khí, chân sưng phù.
  • Bài 4: vỏ quả cau, vỏ quýt, vỏ rễ dâu, vỏ củ gừng mỗi loại 12g. Sắc uống trong ngày. Chữa phù thũng, bụng đầy trướng, khó thở, đái ít.

Kiêng kỵ: Người thể hư, khí nhược mà không có thấp nhiệt cấm dùng.

II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU:

1. Bột:

Màu trắng ngà. Sợi vỏ quả giữa tụ thành bó, nhỏ, dài, đường kính 8 – 15mm, hơi hóa gỗ, các lỗ trao đổi rõ; các tế bào bao quanh bó sợi này chứa bó tinh thể silic, đường kính khoảng 8mm. Tế bào vỏ trong không đều, hình đa giác, hơi tròn hoặc bầu dục, đường kính 48 – 88mm, các lỗ trao đổi  rõ.

2. Độ ẩm:

Không quá 12,0 % (1g, 105oC, 4 giờ).

3. Tạp chất:

Không quá 1 % .

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
  • Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
  • Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
  • Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
  • Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006

Tham khảo thêm

Quả Trám

Quả Trám kho cá, thịt rát ngon & là món quê của miền núi phía Bắc. Ngoài ra Trám còn là vị thuốc quý... Trám...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
5
minutes
cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
spot_img