Địa Du

Dược liệu Địa Du

  1. Tên khoa học: Sanguisorba officinalis L.
  2. Tên gọi khác:
  3. Tính vị, quy kinh: Vị đắng, chua, chát, tính hàn. Vào các kinh can, đại trường.
  4. Bộ phận dùng: Rễ phơi hoặc sấy khô của cây Địa du.
  5.  Đặc điểm sản phẩm: Rễ hình thoi hoặc hình trụ không đều, hơi cong queo hoặc vặn, mặt ngoài màu nâu tro, thô, có nếp nhăn dọc, có vân nứt ngang và vết rễ con. Chất cứng, Mặt bẻ tương đối phẳng, vỏ có nhiều sợi dạng bông, từ màu trắng vàng đến màu nâu vàng, gỗ màu vàng hoặc nâu vàng, tia gỗ xếp thành hàng xuyên tâm. Không mùi, vị hơi đắng, săn.
  6. Phân bố vùng miền: Trung Quốc.7. Thời gian thu hoạch: Mùa xuân khi cây sắp nẩy chồi, hoặc mùa thu sau khi cây khô

I. THÔNG TIN CHI TIẾT:

1. Mô tả thực vật:

  • Cây thảo, đa niên mọc hoang ở rừng núi, cao chừng 0,5-1m. Lá có cuống dài, búp lông chim, có từ 3-14 đôi lá chét hình trứng tròn, hoặc hình bầu dục dài, đầu tù. Mép lá có răng cưa thưa.
  • Cụm hoa hình bông, mọc ở ngọn. Hoa màu hồng tím.
  • Quả có lông hình cầu. Sinh ở trong bụi cây nơi sườn núi chỗ ẩm thấp.
Địa Du
Dược liệu Địa Du

2. Phân bố

  • Thế giới: Trung Quốc.
  •  Việt Nam: chưa phổ biến, phải nhập từ Trung Quốc.

3. Bộ phận dùng:

  • Rễ phơi hoặc sấy khô của cây Địa du (Sanguisorba officinalis L.) hay cây Địa du lá dài (Sanguisorba officinalis L. var. longifolia (Bert.) Yu et Li), họ Hoa hồng (Rosaceae).

4. Thu hái, chế biến và bảo quản:

  • Thu hái: Mùa xuân khi cây sắp nẩy chồi, hoặc mùa thu sau khi cây khô, đào lấy rễ, loại bỏ rễ con, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô, hoặc thái phiến rồi  phơi khô.
  • Chế biến:

-Địa du phiến: Rửa sạch rễ Địa du, loại bỏ tạp chất, thân cây còn sót lại, ủ mềm thái lát dày, phơi hoặc sấy khô để dùng.

-Địa du thán sao: Lấy Địa du đã thái lát, sao lửa to đến khi mặt ngoài có màu đen sém và bên trong có màu vàng hay màu nâu. Lấy ra để nguội.

  • Bảo quản: Để nơi khô, thoáng, trong bao bì kín, tránh sâu, mọt

5. Mô tả dược liệu địa du

  • Rễ hình thoi hoặc hình trụ không đều, hơi cong queo hoặc vặn, dài 5 – 25 cm, đường kính 0,5 – 2 cm, mặt ngoài màu nâu tro, màu nâu hoặc tía thẫm, thô, có nếp nhăn dọc, có vân nứt ngang và vết rễ con. Chất cứng,
  • Mặt bẻ tương đối phẳng, vỏ có nhiều sợi dạng bông, từ màu trắng vàng đến màu nâu vàng, gỗ màu vàng hoặc nâu vàng, tia gỗ xếp thành hàng xuyên tâm.
  • Lát cắt  hình tròn hay hình bầu dục không đều, dầy 0,2 – 0,5 cm, mặt cắt màu đỏ tía hoặc nâu. Không mùi, vị hơi đắng, săn.

6. Thành phần hóa học:

  • Tanin, flavonoid, saponin.

7. Công dụng – Tác dụng:

  • Tác dụng: Lương huyết chỉ huyết, giải độc, liễm nhọt.
  • Công dụng: Chủ trị: Đại tiểu tiện ra máu, trĩ ra máu, lỵ ra máu, băng huyết, rong huyết, bỏng nước, bỏng lửa, mụn nhọt thũng độc.

8. Cách dùng và liều dùng:

  • Ngày dùng 9 – 15 g. Dạng thuốc sắc.
  • Dùng ngoài: lượng thích hợp, tán bột Địa du đắp nơi bị đau.

9. Lưu ý, kiêng kị :

  • Không dùng Địa du cho các trường hợp bỏng diện rộng. Dạng thuốc mỡ của cây này có thể gây nhiễm độc sau khi hấp thu toàn thân.

Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Địa Du

Trị các chứng xuất huyết, thuốc có tác dụng lương huyết chỉ huyết

  • Địa du tán: Địa du, Thuyên thảo căn đều 10g, Hoàng cầm 6g, Hoàng liên 3g, Phục linh 10g, Sơn chi 6g sắc uống hoặc làm thuốc tán trị tiêu có máu.
  • Địa du Cam thảo thang: Địa du 15g, Cam thảo 4g, sắc nước uống trị tiêu ra máu.
  • Bạch vân địa tán ( Địa du, Bạch cập, Vân nam, Bạch dược mỗi thứ 1g tán mịn trộn đều), mỗi lần 3g, ngày uống ( nuốt) 3 – 4 lần, đã trị 100 ca xuất huyết tiêu hóa trên, có kết quả 95 ca, không có kết quả 5 ca, tỷ lệ kết quả 95%. Những ca không kết quả có ung thư bao tử 3 ca, lóet hành tá tràng 2 ca ( Báo cáo của Hồng lâm, học báo Trung y học viện Triết giang 1985, 9 (4): 26).

Trị nhổ răng ra máu:

  • Địa du than 2g, Tế tân 1g, Huyết dư than 1g, Băng phiến 0,1g chế thành chất xốp dạng keo để dùng. Đã dùng cho 40 ca chảy máu sau nhổ răng, kết quả tốt (Báo cáo của Lý đức Hoa, Trung thảo dược 1987,18(1):43).

Trị lao phổi ho ra máu:

  • Trương Đạo Thành dùng bài gia vị Địa cam thang trị lao phổi, ho ra máu kết quả tốt. Bài thuốc gồm: Địa du sao 12g, Bạch mao căn 80g, Sanh cam thảo, Bách thảo sương đều 8g, cho nước sắc chia uống nhiều lần trong 1 ngày (Trung y tạp chí 1966, 4:31).

Trị băng lậu:

  • Khương Công Nhiệm báo cáo 1 ca xuất huyết tử cung cơ năng, đã dùng nhiều thuốc Trung tây y không khỏi; cho uống độc vị Địa du 60g sắc với giấm và nước, mỗi thứ một nửa cho uống ngày một thang, 4 ngày sau hết chảy máu. Sau 4 ngày máu cầm, ăn uống khá hơn, dùng tiếp 3 thang thì khỏi. (Tạp chí Trung y Triết giang 1965, 8(3):4).

 Trị bỏng :

  • Dùng Hồng du cao (Địa du, Tử thảo, Đương qui đều 1 lạng, Băng phiến 5 đồng cân, Cam thảo 2 đồng cân), chế thành thuốc đắp ngoài cứ 6 – 7 ngày thay thuốc, có nhiễm khuẩn 2 – 3 ngày thay, ngoài việc chống choáng, dùng trụ sinh lúc có nhiễm khuẩn. Đã dùng thuốc trị 216 ca bỏng, ngoài 1 ca chết do bệnh quá nặng, còn đều khỏi (Trung y tạp chí 1963, 9:21).

 Trị kiết lỵ:

  • Dùng Phiến Địa du (mỗi viên có 0,175) trị chứng lî cấp, người lớn mỗi lần uống 6 viên, ngày 3 lần, trẻ em giảm liều, đã trị 91 ca, có kết quả 95,6%. Dùng cho người lành mang vi khuẩn, mỗi lần uống 6 viên, ngày 3 lần, một liệu trình 7 ngày. Trị 43 ca, sau 1 tuần kiểm tra lại, tỷ lệ chuyển âm tính là 88,37% (Tạp chí Y dược Hồ nam 1978,3:18).

Trị bỏng nước sôi:

  • Dùng rễ Địa du rửa sạch phơi khô, sao thành than tồn tính tán bột mịn, trộn dầu mè thành cao mềm 50%, trực tiếp bôi vào vết bỏng, nhiều lần trong ngày. Kết quả 55 ca bỏng độ II, III sau 5 – 7 ngày khỏi, có tác dụng giảm đau (Tư liệu của Tân y học viện Giang tô, 1970 tr.32).

Trị loét cổ tử cung:

  • Dùng Địa hòe hoàn ( Sanh Địa du, Sanh Hoa hòe, Minh phàn, Long cốt) mỗi tối rửa chỗ loét bằng thuốc tím (permanganate potassium) 0,1%, đặt 2 hoàn vào chỗ sâu âm đạo, 2 ngày một lần, 4 lần cho một liệu trình, các liệu trình cách nhau 5 ngày, không đặt thuốc vào thời gian trước và sau hành kinh 5ngày. Đã trị 573 ca, kết quả sau 1 – 3 liệu trình khỏi là 212 ca, tốt là 62 ca, có kết quả 191 ca, không kết quả là 78 ca (Tân trung y 1978, 3:25).

Trị bệnh ngoài da:

  • Địa du sao vàng tán bột mịn, cho vaselin chế thành cao 30% đắp ngoài tại chỗ, trước khi bôi đắp thuốc, tùy bệnh rửa bằng thuốc tím hoặc bằng dầu. Đã dùng trị các loại chàm, viêm da, lở ngoài da, nấm chân 109 ca, khỏi 47 ca, tốt 50 ca, thời gian trị khỏi trung bình là 8,3 ngày. Đối với thấp chẩn chảy nước và thấp chẩn do giản tĩnh mạch 26 ca đều khỏi (Tạp chí Trung hoa bì phụ phoa 1963, 9(5):324).

II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU:

1. Vi phẫu:

  • Lớp bần gồm nhiều hàng tế bào dài xếp theo hướng tiếp tuyến, thường màu vàng nâu. Mô mềm vỏ rộng, tế bào mô mềm tương đối đều, gần tròn hoặc bầu dục. Trong mô mềm có các khoảng gian bào lớn. Tia ruột nhiều, hẹp, thường có một dãy tế bào. Tầng phát sinh libe – gỗ thấy rõ.
  • Rải rác trong mô mềm gỗ có những mạch gỗ to và những đám sợi mô cứng. Trong tế bào mô mềm có hạt tinh bột và tinh thể calci oxalat to, hình cầu gai.

2. Bột:

  • Màu xám, vị hơi đắng. Soi kính hiển vi thấy nhiều hạt tinh bột hình tròn hoặc hình bầu dục, đơn, kép đôi, ít khi kép ba hoặc kép bốn.
  • Mảnh mô mềm có chứa hạt tinh bột, đôi khi thấy cả tinh thể calci oxalat hình cầu gai. Mảnh mạch, mảnh bần màu vàng, tế bào có chiều dài gấp hai đến ba lần chiều rộng. Tinh thể calci oxalat đứng riêng lẻ.

3. Định tính:

  • A. Lấy 2g dược liệu thêm 20ml ethanol (TT), đun hồi lưu trên cách thuỷ khoảng 10 phút, lọc. Nhỏ dung dịch amoniac loãng (TT) vào dịch lọc để điều chỉnh đến pH 8 – 9, lọc. Phần kết tủa để riêng (tủa 1). Lấy dịch lọc, bốc hơi đến khô. Hoà tan cặn trong 10 ml nước, lọc. Lấy 5 ml dịch lọc đem bốc hơi đến khô, thêm 1 ml anhydrid acetic (TT) và 2 giọt acid sulfuric (TT) xuất hiện màu tím đỏ để lâu sẽ biến thành màu nâu.
  • B. Lấy một ít tủa 1, thêm 2 ml nước và 2 giọt dung dịch sắt (III) clorid 5% (TT) sẽ có màu lam sẫm đen.

4. Định lượng:

  • Cân chính xác khoảng 10 g bột dược liệu, qua rây số 355, tiến hành phương pháp định lượng taninoid (Phụ lục 12.6). Hàm lượng taninoid trong dược liệu không được dưới 10,0% tính theo dược liệu khô kiệt.

5. Các chỉ tiêu đánh giá khác:

  • Độ ẩm: Không quá 13% ( Phụ lục 9.6, 1 g, 105 oC, 5 giờ)
  • Tạp chất (Phụ lục 12.11): Rễ màu nâu, đen: Không quá 10%. Tạp chất khác: Không quá 1%
  • Tro toàn phần: Không quá 12% ( Phụ lục 9.8)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  • Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006.
  • Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010.
  • Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006.
  • Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006.

Tham khảo thêm

cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
sam vu diep

Sâm Vũ Điệp

Sâm vũ điệp hay còn gọi tam thất xẻ lá là giống sâm hoang tự nhiên, có tác dụng tốt cho sức khỏe; nâng...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
4
minutes
spot_img