Dược liệu: Hoàng Nàn
- Tên khoa học: Cortex Strychni wallichiannae.
- Tên gọi khác:
- Tính vị, quy kinh: Vị đắng. Tính hàn, rất độc. Quy kinh can, tỳ.
- Bộ phận dùng: Vỏ thân hoặc vỏ cành đã phơi hay sấy khô của cây Hoàng nàn.
- Đặc điểm sản phẩm: Mảnh vỏ dày, thường có hình lòng máng hay cuộn tròn thành ống. Mặt ngoài có nhiều nốt sần màu nâu xám. Mặt trong màu nâu đen, có nhiều đường vân nhỏ chạy dọc, vỏ giòn, dễ bẻ gẫy, vết bẻ không phẳng, vị rất đắng.
- Phân bố vùng miền: Việt Nam: Hòa Bình, Tuyên Quang, Sơn La, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Thanh Hóa.
- Thời gian thu hoạch: Quanh năm
I. THÔNG TIN CHI TIẾT:
1. Mô tả thực vật Dược liệu Hoàng Nàn
Cây nhỡ mọc leo. Cành mảnh, nhẵn, có những tua cuốn đơn hoặc kép, đầu phình, mọc đối ở những đầu cành non. Thân có vỏ xám với những đám màu vàng đỏ. Lá mọc đối, mép nguyên, dai, có 3 gân nỗi rõ ở mặt dưới. Hoa mọc thành chùy, dạng ngù ở đầu cành, phủ lông màu hồng nâu. Lá bắc nhọn. Hoa không cuống, đài 5 đính liền ở phía dưới thành ống, phía dưới ở mặt trong ống có lông, thùy của tràng nhẵn, hơi gợn sóng ở mặt trong. Nhị 5, dính ở phía dưới của họng ống tràng, vòi nhụy nhẵn, đầu nhụy hình đầu. Quả mọng hình cầu, vỏ quả ngoài cứng, nhiều hạt hình đĩa.
2. Phân bố:
- Thế giới: Trung Quốc.
- Việt Nam: Hòa Bình, Tuyên Quang, Sơn La, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Thanh Hóa
3. Bộ phận dùng:
Vỏ thân hoặc vỏ cành đã phơi hay sấy khô của cây Hoàng nàn.
4. Thu hái, chế biến và bảo quản:
- Thu hái: Thu hoạch vỏ cây hay vỏ cành, phơi hoặc sấy nhẹ đến khi khô kiệt.
- Chế biến: Sau khi thu hoạch vỏ cây, vỏ cành to, phơi khô hay sấy nhẹ tới khô. Trước khi sử dụng cần phải chế biến. Ngâm vị thuốc trong nước lã, hoặc nước vo gạo từ 12 – 24 giờ. Vớt ra, rửa sạch. Cạo bỏ lớp vỏ vàng bên ngoài và vỏ đen bên trong. Tiếp tục ngâm nước vo gạo 3 ngày, 3 đêm. Mỗi ngày thay nước một lần. Rửa sạch. Phơi hoặc sấy khô. Thái phiến nhỏ. Tẩm phiến với dầu vừng hoặc dầu lạc. Sao vàng.
- Bảo quản: Cho vào túi chống ẩm, để nơi khô ráo.
Bảo quản theo chế độ thuốc độc bảng B.
5. Mô tả dược liệu Hoàng Nàn
Mảnh vỏ dày, thường có hình lòng máng hay cuộn tròn thành ống. Mặt ngoài có nhiều nốt sần màu nâu xám. Mặt trong màu nâu đen, có nhiều đường vân nhỏ chạy dọc, vỏ giòn, dễ bẻ gãy, vết bẻ không phẳng, vị rất đắng.
6. Thành phần hóa học:
Alcaloid, trong đó có strychnin và brucin.
7. Công dụng – Tác dụng:
- Tác dụng: Trừ phong hàn thấp tì, chỉ thống, chỉ tả, sát trùng.
- Công dụng: Chủ trị: Đau nhức xương cốt, mình mẩy, đau bụng, nôn, tiêu chảy, dùng trị ghẻ, ngứa.
8. Cách dùng và liều dùng:
Mỗi lần uống tối đa 0,1 g. Ngày 2 – 4 lần. Không quá 0,4g/ngày. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.
10. Lưu ý, kiêng kị:
Không dùng cho phụ nữ có thai, đang cho con bú, trẻ em dưới 5 tuổi.
11. Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Hoàng Nàn
Chữa phong tê thấp, dùng Hoàng nàn 600gr, Hương phụ tử chế 160gr, Thảo quả (sống) bỏ vỏ lấy hạt 20gr, Đại hồi (bỏ hạt) 20gr. Tán bột, uống sau khi ăn nửa giờ 2-3gr với nước hoặc Rượu, nếu có phản ứng giảm lui. Người huyết áp cao không dùng. Sau khi uống thì nằm, dùng để chữa nhức xương đau đầu gối, tê thấp. Có khi uống vào chuyển đau hơn nhưng sau đó lại khỏi (Kinh Nghiệm Dân Gian).
II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU:
1. Mô tả:
Mảnh vỏ dày, thường có hình lòng máng hay cuộn tròn thành ống. Mặt ngoài có nhiều nốt sần màu nâu xám. Mặt trong màu nâu đen, có nhiều đường vân nhỏ chạy dọc, vỏ giòn, dễ bẻ gãy, vết bẻ không phẳng, vị rất đắng.
2. Vi phẫu:
Lớp bần gồm nhiều lớp tế bào hình chữ nhật xếp thành vòng đồng tâm và dãy xuyên tâm, rải rác có chỗ nứt rách và bong ra. Mô mềm vỏ gồm những tế bào thành mỏng, các tế bào phía ngoài thường bị ép bẹt có nhiều tinh thể calci oxalat hình khối, trong mô mềm có vòng mô cứng tạo thành vòng liên tục, gồm các tế bào thành dày hóa gỗ, khoang hẹp. Libe cấp hai phát triển nhiều, bị tia ruột ngăn cách thành từng bó hình nón. Những tia ruột gồm 1-3 dãy tế bào chạy xuyên qua phần libe và phát triển rộng ra có khi đến mô mềm vỏ.
3. Bộ:
Bột màu nâu sẫm, vị rất đắng. Soi dưới kính hiển vi thấy: Những mảnh bần màu vàng nâu gồm các tế bào nhiều cạnh màng dày, mảnh mô mềm thành mỏng ình đa giác hay gần tròn mang tinh thể calci oxalat hình khối. Nhiều tế bào mô cứng thành rất dày, khoang hẹp nhìn thấy rõ các ống trao đổi. Nhiều tinh thể calci oxalat hình khối dài 25 – 35µm, rộng 10 – 24µm.
4. Định tính:
- A.Phản ứng hóa học:
Lấy 1g bột dược liệu thấm ẩm bằng 1ml dung dịch amoniac (TT), thêm 10ml cloroform (TT), lắc trong 5 phút. Lọc lớp cloroform qua giấy lọc có natri sulfat khan (TT). Chia dịch lọc làm hai phần rồi bốc hơi trên cách thủy tới khô.
Hòa tan một phần cắn trong 2 -3 giọt acid sulfuric (TT), thêm vài tinh thể kali dicromat (TT), nghiêng chén sẽ xuất hiện những vệt tím, mất màu nhanh (strichnin).
Thêm vào phần cắn còn lại 2 – 3 giọt acid nitric (TT), sẽ xuất hiện màu đỏ cam (brucin).
- B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4):
Bản mỏng: Silicagel G
Dung môi khai triển: Toluen – aceton – ethanol – amoniac đậm đặc (4: 5: 0,6: 0,4).
Dung dịch thử: Cho 0,5g bột dược liệu vào bình nón nút mài, thêm 5ml hỗn hợp cloroform – ethanol (10 : 1) và 0,5ml amoniac đậm đặc (TT). Đậy nắp và lắc trong 5 phút, để yên trong 1 giờ, thỉnh thoảng lắc đều, lọc, dịch lọc làm dung dịch thử.
Dung dịch đối chiếu: Hòa tan strychnin và brucin chuẩn trong cloroform (TT) để được dung dịch có nồng độ từng chất là 2mg/ml.
Cách tiến hành: Chấm riêng rẽ lên bản mỏng 10mcl mỗi dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Sau khi triển khai, để khô bản mỏng và hiện màu bằng thuốc thử Dragendorff (TT). Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết tương ứng về giá trị Rf và màu sắc với các vết strychnin và brucin trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
5. Định lượng:
Cân chính xác khoảng 2g dược liệu (qua rây số 355) vào bình nón nút mài 250ml. Thêm chính xác 2ml amoniac đậm đặc (TT) và 100ml hồn hợp ether ethylic – cloroform (1 : 1). đậy kín bình, để trong 24 giờ, thỉnh thoảng lắc. để lắng, lọc nhanh lấy 50ml dịch chiết ở trên qua giấy lọc gấp nếp, đặt trong phễu có nắp đậy và tiến hành ở chỗ mát. Dùng lần lượt 20, 20 và 10 ml dung dịch acid hydrocloric 4% (TT) để chiết alcaloid. Gộp các dịch chiết, kiềm hóa bằng dung dịch amoniac đậm đặc (TT) và chiết alcaloid bằng hỗn hợp ether ethylic – cloroform (1 : 1) lần lượt với 50, 30 và 20ml. Gộp dịch chiết và làm bay hơi hết dung môi, cắn còn lại được sấy khô ở 100oC đến khối lượng không đổi, cân cắn. Hàm lượng alcaloid toàn phần (X) trong dược liệu được tính theo công thức sau:
m x 10.000 x 2
X = ——————-
p x (100 – a)
Trong đó:
m : Khối lượng cắn (g)
p: Khối lượng dược liệu đem cân (g).
a: Độ ẩm dược liệu(%)
Hàm lượng alcaloid không ít hơn 2% tính theo dược liệu khô kiệt.
6. Các chỉ tiêu đánh giá khác:
- Độ ẩm: Không quá 12% (Phụ lục 9.6).
- Tro toàn phần: Không quá 17% (Phụ 9.8).
- Tạp chất (Phụ lục 12.11): Không quá 1%.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
- Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
- Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006