Hy Thiêm

Dược liệu: Hy Thiêm

  1. Tên khoa học: Siegesbeckia orientalis L.
  2. Tên gọi khác: Cỏ đĩ, cứt lợn, hy kiểm thảo, hy tiên, niêm hồ thái, chó đẻ
  3. Tính vị, quy kinh: Vị đắng cay, tính ấm. Quy vào kinh can và thận
  4. Bộ phận dùng: Thân
  5. Đặc điểm dược liệu: Thân rỗng ở giữa, mặt ngoài thân màu nâu sẫm đến nâu nhạt, có nhiều rãnh dọc song song và nhiều lông ngắn xít nhau.
  6. Phân bố vùng miền: Việt Nam, Trung Quốc
  7. Thời gian thu hoạch: Tháng 4 – 5

I. THÔNG TIN CHI TIẾT:

1.Mô tả thực vật Hy Thiêm

Cây thảo cao 0,5-1m, có nhiều cành có lông. Lá mọc đối, cuống ngắn, phiến lá hình tam giác hay thuôn hình quả trám, đầu lá nhọn, phía cuống cũng thót lại, mép lá có răng cưa, mặt dưới có lông.

Cụm hoa hình đầu nhỏ, màu vàng, cuống có lông và tuyến chất dính. Quả đóng hình trứng.

Quả bế, hình trứng, 4- 5 cạnh màu đen.

hy thiêm
Hy Thiêm

2. Phân bố:

  • Thế giới: Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á, Nhật Bản, châu Úc.
  • Ở Việt Nam: Mọc hoang ở khắp các tỉnh trên cả nước.

3. Bộ phận dùng:

Bộ phận trên mặt đất

4. Thành phần hóa học:

Từ phần trên mặt đất của cây, phân lập được 25 diterpen có cấu trúc ent-pimaran và ent-kauran. Ngoài ra còn có các dẫn chất sesquiterpen lacton nhóm germacranolid (như orientin, orientalid…), nhóm melampolid, các flavonoid.

Khác: tên cứt lợn còn dùng để chỉ một cây khác thuộc họ Cúc( Ageratum conyzoides) nên khi sử dụng cần tránh nhầm lẫn.

5. Mô tả dược liệu Hy Thiêm

Dược liệu: Thân rỗng ở giữa, đường kính 0,2 – 0,5cm. Mặt ngoài thân màu nâu sẫm đến nâu nhạt, có nhiều rãnh dọc song song và nhiều lông ngắn xít nhau. Lá mọc đối, có phiến hình mác rộng, mép khía răng cưa tù, có ba gân chính. Mặt trên lá màu lục sẫm, mặt dưới màu lục nhạt, hai mặt đều có lông. Cụm hoa hình đầu nhỏ, gồm hoa màu vàng hình ống ở giữa, 5 hoa hình lưỡi nhỏ ở phía ngoài. Lá bắc có lông dính.

Cao hy thiêm: Chất lỏng màu đen, vị ngọt đắng, mùi thơm của Thiên niên kiện.( vì trong cao hy thiêm có thiên niên kiện).

6. Phân biệt thật giả:

Vì mang tên “cứt lợn”, nên cây dễ nhầm với cây cứt lợn chính tên-Ageratum conyzoides?.

Một số cây khác cũng được gọi là cứt lợn như: Anisomeles ovata, Lantana camara L.

7. Thu hái và chế biến:        

  • Thu hái: vào tháng 4-5 hay tùy từng địa phương, khi cây sắp ra hoa.
  • Chế biến: Khi trời khô ráo, cắt lấy cây có nhiều lá hoặc mới ra hoa, cắt bỏ gốc và rễ, phơi hoặc sấy đến khô ở 50 – 60 0C. Ngoài ra người ta có thể nấu cao: hy thiêm loại bỏ tạp chất, rửa sạch rồi thái lá dài 10-15 cm, thêm Thiên niên kiện đã xử lí đem nấu cao.
  • Bảo quản: Để nơi khô, mát.

8. Công dụng- tác dụng:    

Theo tài liệu cổ, Hy thiêm vị đắng tính hàn, hơi có độc, vào 2 kinh can và thận.

Có tác dụng khử phong thấp, lợi gân cốt. Chữa chân tay tê dại, lưng mỏi, gối đau, phong thấp.

Các diterpen là những chất có tác dụng chính trong điều trị thấp khớp. Một số chất có tác dụng trên tế bào ung thư tử cung người.

Còn dùng giã đắp tại chỗ chữa nhọt độc, ong đốt, rắn cắn.

9. Chỉ định và liều dùng:

Ngày dùng 6-12g dưới dạng thuốc sắc, thuốc viên hay cao mềm. Có thể tăng liều tới 16g một ngày

Viên hy thiêm chữa bán thân bất toại, méo miệng do cảm gió, mất tiếng: là và cành non hái trước khi ra hoa  đem sao vàng tán bột, thêm mật, viên thành hạt to bằng hạt ngô. Uống 3-6g viên/ ngày

Lưu ý: ít khi dùng tươi vì có thể gây nôn mửa.

10. Bài thuốc có Hy Thiêm

Theo các nhà khoa học cây dược liệu Hy Thiêm còn có tên gọi khác là chó đẻ hoa vàng, đang được dùng phổ biến trong y học cổ truyền và công nghiệp dược ở Việt Nam. Trong cây có chứa daturosid (chất này thuỷ phân cho glucose và darutugenol), orientalid và 3,7dimethylquercetin.

Lá Hy Thiêm có tác dụng ức chế rõ rệt giai đoạn viêm cấp tính và ức chế yếu giai đoạn viêm mãn tính thực nghiệm. Độc tính cấp của Hy Thiêm tương đối thấp (77,7g/kg trọng lượng), do đó có thể bào chế các thuốc điều trị bệnh khớp. Hy Thiêm còn có tác dụng dược lý như trừ phong thấp, thông kinh lạc, thanh nhiệt giải độc, lợi gân cốt, giảm đau, đồng thời có tác dụng giảm độc, an thần, hạ huyết, chủ trị chứng phong thấp tê liệt, ung nhọt, thấp chấn, ngứa ngáy, rắn cắn. Theo kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại, thuốc còn có tác dụng kháng viêm, giãn mạch, hạ huyết áp.

  • Hỗ trợ điều trị mất tiếng do cảm gió: Lá và cành non hy thiêm hái trước khi ra hoa, sao vàng, tán bột. Thêm mật vào làm thành viên to bằng hạt ngô. Ngày uống 3-6g với nước đun sôi để nguội. Uống sau bữa ăn, 15 ngày một liệu trình.
  • Chữa mụn nhọt do nóng (chưa vỡ mủ): Hy thiêm, ngũ trảo long, tiểu kế, đại toán mỗi thứ 4g. Giã nát, thêm chén rượu con (30ml) vào, vắt lấy nước uống. Ngoài ra, lấy hy thiêm tươi 1 nắm nhỏ, rửa sạch, giã nát đắp vào chỗ bị thương, ngày 2 lần, 2 giờ thay băng 1 lần. Dùng liền 5 ngày.
  • Hỗ trợ điều trị phong thấp hay lưng gối đau mỏi: Hy thiêm 50g, ngưu tất 20g, thổ phục linh 20g, lá lốt 10g, sao vàng, tán bột ngày 3 lần, mỗi lần 10g. 15 ngày một liệu trình.
  • Chữa cảm mạo, đau nhức đầu: Hy thiêm 12g, tía tô 12g, hành 8g. Tất cả rửa sạch cho vào ấm đổ 550ml nước sắc nhỏ lửa còn 250ml nước, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng liền 5 ngày.
  • Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp: Hy thiêm 8g, ngưu tất 6g, thảo quyết minh 6g, hoàng cầm 6g, trạch tả 6g, chi tử 4g, long đởm thảo 4g. Tất cả cho vào ấm đổ 700ml nước, sắc nhỏ lửa còn 300ml, chia 2 lần uống trong ngày. 10 ngày 1 liệu trình.

Nếu mất ngủ, có thể dùng bài sau: Hy thiêm 20g, hoa hòe 20g, cho vào ấm đổ 700ml nước sắc còn 500ml, chia 3 lần uống trong ngày.

Lưu ý: Những người tê đau mà do âm huyết không đủ không dùng được.

 

II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU:

1. Đặc điểm bột dược liệu:

Màu lục xám. Soi kính hiển vi thấy:Lông che chở đa bào thường gãy thành từng đoạn dài 0,5mm hoặc ngắn hơn, 1 tế bào ở giữa bị thắt lại, tế bào ở đầu lông dài và nhọn. Hai loại lông tiết: loại đầu hình cầu đa bào, chân đa bào và loại đầu hình cầu đơn bào, chân đa bào. Mảnh biểu bì dưới có lỗ khí. Mảnh mô mềm thân (tế bào hình chữ nhật), và mô mềm lá (tế bào trong). Hạt phấn hoa hình cầu, màu vàng nhạt, bề mặt có 3 lỗ rãnh, nhiều gai dài, đường kính khoảng 33 – 35mm: Mảnh cánh hoa gồm tế bào màu vàng nhạt, thành mỏng. Mảnh mạch vạch, mạch mạng.

2. Định tính:

A. Lấy 3g dược liệu đã tán nhỏ. Thêm 2ml dung dịch amoniac 10% (TT), trộn cho thấm đều. Thêm 20ml cloroform (TT). Lắc, để yên 4 giờ. Lọc vào bình gạn. Thêm 10ml dung dịch acid sulfuric 10% (TT). Lắc kỹ rồi  để yên cho dung dịch tách thành 2 lớp. Gạn lấy lớp dung dịch acid ở phía trên cho vào 3 ống nghiệm để làm các phản ứng sau:

Ống nghiệm 1: Thêm 1 giọt thuốc thử Mayer (TT) sẽ cho tủa trắng.

Ống nghiệm 2: Thêm 1 giọt thuốc thử Bouchardat (TT) sẽ cho tủa nâu.

Ống nghiệm 3: Thêm 1 giọt dung dịch acid picric 1% (TT), cho tủa vàng.

B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng.

Bản mỏng: Silicagel G

Dung môi triển khai: Toluen – ethyl acetat – aceton – acid formic (15 : 2 : 2 : 1).

Dung dịch thử: Lấy 2g bột dược liệu, thêm 30ml ethyl acetat (TT), lắc siêu âm 30 phút, lọc. Cô dịch lọc trên cách thủy đến cạn. Hòa cắn trong 1ml ethanol 96% (TT) được dung dịch thử.

Dung dịch đối chiếu: Lấy 2g Hy thiêm (mẫu chuẩn) đã nghiền nhỏ, tiến hành chiết như dung dịch thử.

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 20ml mỗi dung dịch trên. Triển khai sắc ký cho đến khi dung môi đi được khoảng 12 – 13cm, lấy bản mỏng ra, để khô ở nhiệt độ phòng, phun dung dịch vanilin 1% trong acid sulfuric đặc (TT), sấy bản mỏng ở 120 0C đến khi hiện rõ các vết.

Trên sắc ký đồ, dung dịch thử phải có các vết cùng màu sắc và giá trị Rf với các vết dung dịch đối chiếu.

3. Tiêu chuẩn đánh giá khác:

  • Độ ẩm: Không quá 12%.
  • Tạp chất: Tạp chất khác: Không quá 1%.
  • Tỷ lệ lá trong dược liệu: Không ít hơn 40%.
  • Tỷ lệ vụn nát: Qua rây có kích thước mắt rây 4mm: Không quá 5%.

Tham khảo thêm

Quả Trám

Quả Trám kho cá, thịt rát ngon & là món quê của miền núi phía Bắc. Ngoài ra Trám còn là vị thuốc quý... Trám...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
5
minutes
cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
spot_img