Nhân Trần

Dược liệu Cây Nhân Trần

  1. Tên khoa học: Adenosma caeruleum R.Br
  2. Tên gọi khác:
  3. Tính vị, quy kinh: Vị đắng, cay, tính hơi hàn. Quy kinh: tỳ, vị, can, đởm
  4. Bộ phận dùng: Thân, lá
  5. Đặc điểm dược liệu: Thân hình trụ, rỗng ruột, màu nâu đen, có lông nhỏ, mịn. Dược liệu có mùi thơm nhẹ, vị cay mát, hơi đắng, hơi ngọt.
  6. Phân bố vùng miền: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang.
  7. Thời gian thu hoạch: Mùa hè

I. THÔNG TIN CHI TIẾT – NHÂN TRẦN

nhân trần
cây nhân trần

1. Mô tả thực vật:

Nhân Trần – Thân thảo cao tới gần 0.3 – 1m, thân tròn tím, đơn hay ít phân nhánh. Thân cứng, phủ đầy lông trắng mịn. Lá phía dưới mọc đối, lá phía trên có khi mọc so le, hình trái xoan nhọn dài 4 -6 cm, rộng 2 – 3 cm đầu tù hoặc hơi nhọn, gốc tròn, mép khía răng đều, hai mặt bên đều có lông, khía tai bèo hay răng cưa; cuống dài  0.5 – 1.2 mm, vỏ lá và thân có mùi thơm, gân lá nổi rõ ở mặt dưới  . Hoa mọc đơn độc ở nách lá thành chùm hay bông có thể dài tới 40-50cm. Đài hình chuông xẻ 5 răng có lông, hình mác, rộng và dài. Tràng màu tía hay lam, dài 10 – 14 mm, chia 2 môi, môi trên hình tam giác, bằng hoặc hơi lõm ở đầu, môi dưới hơi dài hơn, chia 3 thùy đều nhau ( có tài liệu ghi rằng môi dưới xẻ 5 thùy bằng nhau ). Nhị 4, bầu có vòi nhuỵ hơi dãn ra ở đỉnh. Quả nang dài hình trứng có mỏ ngắn, có mỏ ngắn nở thành 4 van. Hạt nhiều, bé, hình trứng, màu vàng. Mùa hoa quả tháng 4 -7

2. Phân bố:

  • Thế giới: Vùng nhiệt đới Đông Nam Á,  Nam Á như Nam Trung Quốc, Ấn Độ, Malaixia, Campuchia, Thái Lan, Srilanca, Châu Đại Dương và một số đảo lớn ( Borneo, Java ) của Indonesia.
  • Việt Nam: Nhân trần  mọc hoang ở những đồi, những ruộng vùng trung du miền Bắc,tập trung ở Phú Thọ, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình. Gần đây cũng tìm thấy ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế

Nhân trần là cây ưa ẩm, ưa sáng, hơi chịu bóng nhất là khi cây còn nhỏ, thường mọc lẫn với những cây bụi nhỏ, cỏ thấp ở ven rừng, nương rẫy cũ hoặc ở đồi

3. Bộ phận dùng

Phần trên mặt đất của cây nhân trần

4. Thu hái, chế biến và bảo quản

  • Thu hái: Có thể gieo trồng bằng hạt vào mùa xuân. Có thể thu hái toàn cây vào mùa hè.
  • Chế biến: Thu khi cây đang ra hoa, rửa sạch, phơi trong râm đến khô hoặc sấy khô. bó thành từng bó  25 – 30 cm, đường kinh 5 -6 cm, trọng lượng 40 – 60 g, gồm chừng 20 cây mang hoa buộc lại thành một bó có khi bó thành từng bó lớn hơn, bảo quản nơi khô mát. Khi dùng rửa sạch, loại bỏ tạp chất bẩn chất từng đoạn 3 – 5 cm phơi và sao cho khô.
  • Bảo quản: Nơi khô ráo thoáng mát, tránh mốc mọt.

5. Mô tả dược liệu

Gồm phần trên mặt đất, thái khúc dài 4 -5 cm. Dược liệu có mùi thơm nhẹ, vị cay mát, hơi đắng, hơi ngọt.

6. Thành phần hóa học chính

  • Tinh dầu với hàm lượng 1% gồm paracymen ( chủ yếu ) pinen limonene, cineol, anethol
  • Acid nhân thơm, coumarin, một số sesquiterpen và flavonoid.

7. Cách Phân biệt thật giả (nếu có).

  • Nhân trần tía ( nhân trần đực ): là một loại cỏ cao 15 – 70 cm  mang nhiều cành ngay từ gốc, thân nhẵn hay hơi có lông. Lá mọc đối có cuống. Phiến lá hình mác dài đầu nhọn, phía cuống hẹp lại, mép hơi khía tai bèo hay có răng cưa. Cụm hoa hình cầu, rất nhiều hoa thường có 2 lá bắc. Hoa nhỏ không cuống,đài có lông với 2 môi, môi trên nguyên, môi dưới xẻ 4, tràng cánh hợp với 2 môi, môi trên xẻ 4, môi dưới nguyên, 4 nhị  2 chiếc dài.
  • Nhân trần tím: thân và cành có màu tím đỏ, cụm hoa thành bông dài mang ở gốc những lá bắc tạo thành tổng bao, những lá bắc phía trên lợp lên nhau, dạng màng, trong suốt, hình tim có chóp nhọn.
  • Nhân trần Trung Quốc: lá xẻ thành thùy rất nhỏ hình sợi trông gần giống cây thanh hao.

8. Công dụng – Tác dụng Nhân Trần

  • Tác dụng: thanh nhiệt, lợi thấp, khư phong, tiêu thũng, tiêu viêm, chống ngứa.
  • Công dụng:
  1. Hoàng đản cấp tính, dùng chữa da vàng, người vàng, bệnh gan.
  2. Tiểu tiện vàng đục và ít, không thông.
  3. Phụ nữ sau sinh đẻ ăn chậm tiêu làm ăn ngon, chóng lại sức. Ngày dùng 20-30g, dạng thuốc sắc, cao hoặc hoàn tán. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.
  4. Thú y, nhân trần dùng chữa bệnh trâu bò ỉa phân trắng.
  5. Dùng chữa sốt, ra mồ hôi.
  6. Ở Trung Quốc, nhân trần còn chữa phong thấp cốt thống, khí trễ phúc thống, mụn nhọt, mẩn ngứa do ve bọ đốt, dùng phối hợp với các loại thuốc khác chữa bệnh viêm da đồng ruộng do ấu trùng sán vịt.
  7. Làm thuốc cho phụ nữ sau khi sinh đẻ. Nước sắc cây này có tác dụng tiêu, kích thích ăn uống và bổ máu. Cũng dùng kết hợp với quả Dành dành chữa bệnh viêm gan vàng da, một bệnh thường phát triển ở trẻ em.

9. Cách dùng và liều dùng.

Dùng 8 – 20 g/ ngày, dưới dạng thuốc sắc, siro hoặc thuốc.

nhân trần khô
nhân trần khô

10. Một số bài thuốc từ cây Dược liệu

Chữa sốt vàng da ( mắt vàng, đái vàng, miệng khô, tiểu tiện khó )

  • Nhân trần 20g, chi tử 12g, đại hoàng 4g, nước 500 ml, sắc còn 250 ml,chia làm 3 lần, uống trong ngày

Chữa say nắng, nhức đầu, sốt nóng

  • Nhân trần, hành trắng, mỗi vị lượng bằng nhau ( khoảng một nắm ). Sắc nước uống ( nam dược thần hiệu )

Chữa mắt sung đỏ đau

  • Nhân trần, mã đề, mỗi vị một nắm. sắc nước uống

Chữa hoàng đản, ra nhiều mồ hôi, chân tay lạnh, mạch yếu

Nhân trần cao thang 

Nhân trần Trung Quốc 24g, chi tử ( dành dành ) 12g, đại hoàng 4g, nước 800 ml, sắc còn 250 ml chia 3 lần uống trong ngày

II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU 

1. Đặc điểm bột dược liệu

Mảnh biểu bì lá gồm tế bào thành mỏng ngoằn ngoèo, mang lông che chở, riêng mảnh biểu bì dưới có lông tiết và lỗ khí. Lông che chở đa bào một dãy hoặc lông ngắn, hình nón có 1 – 2 tế bào. Lông tiết cũng gồm hai loại, loại đầu đơn bào hình trái xoan hay hình phễu, chân đa bào một dãy và loại đầu đa bào hình cầu (thường là 8 tế bào), chân ngắn đơn bào. Mảnh biểu bì thân gồm tế bào hình chữ nhật thành mỏng, mang lông che chở đa bào hay lông tiết. Tế bào mô cứng hình chữ nhật, thành dày, khoang rộng, quan sát rõ ống trao đổi. Tế bào sợi dài, thành hơi dày, khoang rộng, đứng riêng lẻ hay tập trung thành bó. Mảnh mạch xoắn. Mảnh đài hoa gồm các tế bào thành mỏng, ngoằn ngoèo, rải rác có  mang lông tiết.

2. Định tính

Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).

Bản mỏng: Silica gel G

Dung môi khai triển: Ether dầu hoả – toluen – ethyl acetat (100: 15: 5).

Dung dịch thử: Đun sôi 5 g dược liệu đã được cắt nhỏ với 50 ml nước, cất kéo hơi nước trong bộ cất tinh dầu khoảng 2 giờ, hứng lấy 10 ml dịch chiết. Để nguội, lắc với 2 ml toluen, gạn lấy phần dịch chiết toluen làm dung dịch thử.

Dung dịch đối chiếu: 2 l cineol hoà tan trong 1 ml cloroform.

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 l mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai, lấy bản mỏng ra, để khô ngoài không khí, phun dung dịch vanilin trong ethanol 96% (TT) (chỉ pha trước khi dùng), sấy bản mỏng ở 105 oC trong 5 phút. Sắc ký đồ của dung dịch thử phải có 4 vết chính có màu từ xanh đến xanh tím, trong đó có một vết có cùng màu và giá trị Rvới vết của cineol trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

3.Định lượng

Tiến hành theo phương pháp định lượng tinh dầu trong dược liệu (Phụ lục 12.7). Dùng 40 g dược liệu đã cắt nhỏ. Cất kéo hơi nước với 200 ml nước trong 3 giờ. Hàm lượng tinh dầu không ít hơn 0,35%.

4.Tiêu chuẩn đánh giá khác

  • Độ ẩm: Không quá 13%.
  • Tạp chất: Không quá 1%.
  • Tỷ lệ vụn nát: Qua rây có kích thước mắt rây 4 mm: Không quá 5%.
  • Tro toàn phần: Không quá 10,0% .
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  • Dược điển Việt Nam IV.
  • Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam tập 1.
  • Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam –Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi.

Tham khảo thêm

cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
sam vu diep

Sâm Vũ Điệp

Sâm vũ điệp hay còn gọi tam thất xẻ lá là giống sâm hoang tự nhiên, có tác dụng tốt cho sức khỏe; nâng...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
4
minutes
spot_img