Dược liệu: Thiên Ma
- Tên khoa học: Rhizoma Gastrodiae elatae
- Tên gọi khác: Tall gastrodia
- Tính vị, quy kinh: Cay, ấm. Quy vào kinh can.
- Bộ phận dùng: thân rễ
- Đặc điểm sản phẩm: Thân rễ hình bầu dục hoặc dạng thanh mỏng, quăn lại và hơi cong queo. Mặt ngoài màu trắng đến hơi vàng, hoặc nâu hơi vàng, có vân nhăn dọc và nhiều vân vòng tròn ngang, đôi khi là những cuống noãn màu nâu hiện ra rõ rệt. Đỉnh dược liệu có những chồi hình mỏ vẹt, màu nâu đỏ đến nâu sẫm hoặc có những vết của thân; phía dưới có một vết sẹo tròn. Chất cứng rắn như sừng, khó bẻ gãy. Mùi nhẹ, vị hơi ngọt.
- Phân bố vùng miền:
– Thế giới: Trung Quốc
– Việt Nam: Hòa Bình , Lạng Sơn… - Thời gian thu hoạch: mùa đông đến mùa xuân
I. THÔNG TIN CHI TIẾT
1. Mô tả thực vật
Thiên ma là một loài thực vật đặc biệt, kỳ lạ, không có chất diệp lục, toàn thân màu vàng đỏ, rễ thẳng đứng giống hình chân người, lá hình vẩy cá.
2. Phân bố
- Thế giới: Trung Quốc
- Việt Nam: Hòa Bình , Lạng Sơn…
3. Bộ phận dùng
Thân rễ khô của cây Thiên ma (Gastrodia elata BI.), họ Lan (Orchidaceae).
4. Thu hái, chế biến và bảo quản
- Thu hái: Thu hoạch từ mùa đông đến mùa xuân năm sau, rửa sạch ngay, đồ kỹ, trải mỏng, sấy khô ở nhiệt độ thấp.
- Chế biến: Rửa sạch, ủ mềm hay đồ đến mềm, thái lát mỏng, phơi hoặc sấy khô.
- Bảo quản: Nơi thoáng mát, tránh mốc mọt.
5. Mô tả dược liệu Thiên Ma
Thân rễ hình bầu dục hoặc dạng thanh mỏng, quăn lại và hơi cong queo, dài 3 – 15cm, rộng 1,5 – 6cm, dày 0,5 – 2cm. Mặt ngoài màu trắng đến hơi vàng, hoặc nâu hơi vàng, có vân nhăn dọc và nhiều vân vòng tròn ngang của những chồi búp tiềm tang, đôi khi là những cuống noãn màu nâu hiện ra rõ rệt. Đỉnh dược liệu có những chồi hình mỏ vẹt, màu nâu đỏ đến nâu sẫm hoặc có những vết của thân; phía dưới có một vết sẹo tròn. Chất cứng rắn như sừng, khó bẻ gãy, mặt bẻ tương đối phẳng, màu trắng hơi vàng đến màu nâu. Mùi nhẹ, vị hơi ngọt.
6. Thành phần hóa học
- Gastrodin, gastrodioside, vannillyl, alcohol, vanillin, alkaloid, vitamin A.
- Gần đây chứng minh: Thiên ma tố (Gastrodin) là thành phần có hiệu lực chủ yếu và đã chế nhân tạo được.
7. Phân biệt thật giả
..chưa có…
8. Công dụng – Tác dụng Thiên Ma
- Tác dụng: Bình can tức phong
- Công dụng: Chủ trị: Đau đầu, chóng mặt, bán thân bất toại, trẻ em kinh phong, phá thương phong (uốn ván), động kinh.
9. Cách dùng và liều dùng
- Ngày 3 – 9 g, phối hợp trong các bài thuốc.
10. Lưu ý, kiêng kị
- Không dùng cho người âm hư.
11. Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Thiên Ma
- Trị suy nhược thần kinh và đau đầu do mạch máu: Tác giả dùng chất chiết xuất Thiên ma tố trị suy nhược thần kinh 156 ca, đau đầu do mạch máu 72 ca đều có kết quả tốt (Tạp chí thần kinh tinh thần Trung quốc 1986,5:265).
- Trị đau thần kinh: Lý Cung và cộng sự dùng dịch chích Thiên ma 50% chích bắp mỗi lần 2 – 4ml, ngày 2 – 3 lần, 20 ngày là 1 liệu trình. Đã trị các loại bệnh nhân: đau đầu do mạch máu 162 ca, đau dây thần kinh tam thoa 130 ca, đau thần kinh hông 148 ca, viêm đa thần kinh do nhiễm độc 20 ca, điều trị 1 – 2 liệu trình. Tỷ lệ giảm đau 91,36 – 95% (Học báo của Y học viện Cát lâm 1982,1:28).
- Trị động kinh: Triệu Ông Bình và cộng sự cho bệnh nhân uống viên Vannillin, người lớn bắt đầu 1,5g mỗi ngày chia 3 lần. Sau 4 tuần không khỏi có tăng lên 2 g, nếu 2 tuần sau không kết quả tăng lên đến 2,5g. Trẻ em giảm liều, dùng thuốc 3 – 6 tháng theo dõi 291 ca, tỷ lệ kết quả 73,9% (Tạp chí thần kinh tinh thần Trung hoa 1985,3:139).
Trần Kiến Gia giới thiệu: cũng dùng cách trên đây trị 215 ca, kết quả đối với cơn lớn 76,8%, đối với cơn nhỏ có kết quả 67%, tỷ lệ kết quả chung là 72,5% (Báo Tân dược và lâm sàng 1986,3:147).
Ngọc chân tán: Thiên ma, Phòng phong, Khương hoạt, Chế Bạch phụ tử, Chế Nam tinh, Bạch chỉ lượng bằng nhau tán bột mịn, mỗi lần uống 3 – 6g, ngày 2 – 3 lần, uống với nước sôi hoặc rượu. Bài này trị được uốn ván.
- Trị đau đầu hoa mắt chóng mặt: Thiên ma hoàn: Thiên ma 15g, Xuyên khung 5g, chế thành hoàn, mỗi lần uống 3 – 6g, ngày 3 lần.
- Trị đau khớp, chân tay tê dại: Ngưu tất 10g, Thiên ma 10g, Toàn yết 3g, Nhũ hương 5g, tán bột mịn hồ làm hoàn hoặc sắc uống.
Thiên ma hoàn: Thiên ma, Đỗ trọng, Ngưu tất, Tỳ giải, Phụ tử, Đương qui, Sinh địa đều 10g, Huyền sâm 12g, tán bột mịn luyện mật làm hoàn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 6g. Trị đau khớp do phong hàn thấp.
II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU
1. Bột
Bột màu trắng hơi vàng đến màu nâu hơi vàng. Soi dưới kính hiển vi thấy: tế bào mô mềm, hình bầu dục hoặc đa số có hình nhiều cạnh, đường kính 70 – 180 μm; thành dày 3 – 8 μm, hóa gỗ, có lỗ rõ rệt. Tinh thể calci oxalat hình kim xếp thành bó hay rãi rác, dài 25 – 75 – 93 μm. Khi ngâm trong thuốc thử tinh bột Smith (TT), thấy các tế bào mô mềm chứa polysacarid gelatin hóa không màu và các tế bào chứa hạt nhỏ hình trứng dài, bầu dục dài hoặc gần hình tròn, cho màu nâu hoặc tía hơi nâu với dung dịch iod. Mảnh mạch xoắn, mạch mạng, đường kính 8 – 30 μm.
2. Định tính
A. Lấy 1 g bột dược liệu, thêm 10 ml nước, ngâm trong 4 giờ, thỉnh thoảng lắc đều, lọc. Thêm vào dịch lọc 2 – 4 giọt dung dịch iod (TT), sẽ hiện màu đỏ tím hay màu màu rượu vang đỏ.
B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G 60 F254 dày 0,25 mm.
Dung môi khai triển: Ethyl acetat – methanol – nước (10 : 1 : 1)
Dung dịch thử: Lấy khoảng 1 g bột dược liệu, thêm 5 ml ethyl acetat (TT), lắc siêu âm trong 30 phút, lọc, lấy dịch lọc làm dung dịch thử.
Dung dịch đối chiếu: Lấy khoảng 1 g bột Thiên ma (mẫu chuẩn), chiết như mẫu thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 5 μl dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Sau khi khai triển xong, lấy bản mỏng ra để khô ở nhiệt độ phòng. Sấy bản mỏng ở 110 oC cho đến khi xuất hiện vết. Sắc ký đồ của dung dịch thử phải cho các vết có cùng màu sắc và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
C. Phổ tử ngoại
Lấy 0,2 g bột dược liệu, thêm 10 ml ethanol (TT), đun hồi lưu trong cách thủy khoảng 1 giờ, để nguội, lọc. Cho 1 ml dịch lọc vào bình định mức dung tích 10 ml, thêm ethanol (TT) đến vạch, lắc đều. Đo phổ hấp thụ ánh sáng của dung dịch, phải có cực đại ở khoảng 270 nm (Phụ lục 4.1).
Lấy 1ml dịch lọc trên, cho vào bình định múc 25 ml, thêm ethanol (TT) vừa đủ đến vạch, lắc đều. Phổ hấp thụ ánh sáng của dung dịch này có cực đại ở khoảng 210 – 224 nm (Phụ lục 4.1).
3. Các chỉ tiêu đánh giá khác
Độ ẩm
Không quá 15%.( Phụ lục 9.6).
Tạp chất
Không quá 3% ( Phụ lục 12.11).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
- Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
- Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006