Trắc Bách Diệp

Trắc bách diệp là lá cành phơi hay sấy khô của cây Trắc bá diệp Biota Orientalis (L.) Endi, dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách ” Danh y biệt lục”. Cây Trắc bách diệp còn cho vị thuốc Bá tử nhân. Cây này được trồng khắp nơi ở nước ta để làm cây cảnh và làm thuốc.

Trắc Bách Diệp
Trắc Bách Diệp

Hạt thu hái vào mùa đông, phơi khô rồi xát bỏ vỏ ngoài, lấy nhân phơi hoặc sấy khô để làm thuốc với tên bá tử nhân.

Dược liệu Trắc Bách Diệp

  1. Tên khoa học: Cacumen Platycladi
  2. Tên gọi khác: trắc bá, bá tử
  3. Tính vị, quy kinh: Đắng, chát, lạnh. Vào các kinh phế,can tỳ.
  4. Bộ phận dùng: cành non và lá
  5. Đặc điểm sản phẩm: Dược liệu thường phân thành nhiều nhánh, các cành nhỏ dẹt, phẳng. Các lá hình vẩy nhỏ, xếp đối chéo chữ thập, dính sát vào cành, màu xanh lục thẫm hoặc xanh lục hơi vàng. Chất giòn, dễ gãy. Có mùi thơm nhẹ, vị đắng, chát và hơi cay.
  6. Phân bố vùng miền:
    – Thế giới: chủ yếu ở Bắc Mỹ tới Đông Nam Á
    – Việt Nam: đồng bằng và trung du bắc bộ.
  7. Thời gian thu hoạch: mùa thu, hạ

Chi tiết Dược Liệu Trắc Bách Diệp

Cây thường cao khoảng 6 – 8m, có khi cao đến 20m, phân nhiều nhánh xếp theo những mặt phẳng thẳng đứng. Đường kính thân có khi đến 1m. Lá nhỏ mọc đối, hình vẩy dẹp, lợp lên nhau; lá ở nhánh non và nhánh già có hình dạng khác nhau. Nón cái tròn, ở gốc các cành. Nón quả hình trứng, có 6 – 8 vẩy dày, xếp đối nhau. Vỏ hạt cứng nhẵn, màu nâu sẫm, không có cánh.

Dược Liệu Trắc Bách Diệp
Trắc Bách Diệp

Thành phần chủ yếu:

Thujene, thujone, fenchome, pinene, caryophyllene, aromadendrin, quercetin, myrycetin, hinokiglavone, amentoflavone, tannin, vitamin C.

Tác dụng dược lý:

Theo Y học cổ truyền:

  • Lương huyết chỉ huyết, khu đờm chỉ khái. Chủ trị các chứng thổ huyết, khái huyết, nục huyết, niệu huyết, băng lậu, xuất huyết do chấn thương, chứng ho suyễn đờm nhiều.

Trích đoạn Y văn cổ:

  • Sách Danh y biệt lục: ” chủ thổ huyết, nục huyết, lî huyết, băng trung xích bạch. Làm tăng lực nhẹ người (khinh thân ích khí), giúp con người chịu được với khí hậu lạnh và oi bức ( lãnh nhân nại hàn thử), trừ thấp khí sinh cơ.”
  • Sách Dược tính bản thảo: ” Chỉ niệu huyết, năng trị lãnh phong, lịch tiết đông thống”.
  • Sách Bản thảo hội ngôn: ” Trắc bá diệp là thuốc cầm máu trừ phong thấp. Phàm thổ huyết, nục huyết, băng huyết, tiện huyết, huyết nhiệt chảy ra ở kinh lạc, giã lấy nước là khỏi. Phàm chứng lịch tiết phong chạy khắp người, rất đau không vận động được, sắc nước uống là ổn. Nhiệt thương huyết phần và phong thấp thương kinh mạch, hai chứng này chuyên dùng thuốc này. Nhưng tính vị của thuốc đắng hàn mà táo, nếu bệnh về huyết mà nhiệt cực lộng hành có thể dùng, nếu âm hư phế táo ho mà động huyết, không nên dùng. Nếu bệnh tý mà phong thấp bế trệ thì có thể dùng, nếu can thận lưỡng hư, huyết khô tủy bại thì không dùng.”
  • Sách Cảnh nhạc toàn thư: ” thuốc chuyên về thanh huyết, lương huyết, chỉ thổ huyết, nục huyết, lî huyết, niệu huyết, băng trung xích bạch, khu thấp nhiệt thấp tý, cốt tiết đông thống. Giã nát đắp hỏa đơn, giảm nhiệt độc đau của quai bị và bỏng lửa, nước, giảm đau chứng ho ban…”
  • Sách Dược phẩm hóa nghĩa: ” Trắc bá diệp vị đắng tư âm, sáp liễm huyết, chuyên trị nghịch huyết phần trên. Thêm âm khí rất hậu, nên di tinh, bạch trọc, niệu quản đau sáp, dùng với Ngưu tất rất công hiệu”.

Kết quả nghiên cứu theo dược lý hiện đại:

  1. Tác dụng cầm máu: Nước sắc Trắc bá diệp đối với thời gian chảy máu của chuột nhắt và thời gian đông máu của thỏ đều có tác dụng rút ngắn, thuốc có tác dụng cầm máu, nhưng than Trắc bá diệp tác dụng đông máu kém hơn.
  2. Tác dụng giảm ho: Phần lắng đọng của nước sắc với rượu, dịch chiết xuất cồn có tác dụng giảm ho rõ. Có thể là thuốc tác dụng lên trung khu thần kinh.
  3. Tác dụng long đờm: Dịch chiết xuất cồn của thuốc có tác dụng long đờm.
  4. Tác dụng giảm cơn hen: Cặn lắng nước sắc cồn có tác dụng làm giãn cơ trơn của khí quản cô lập của chuột Hà lan và chuột nhắt. Nhưng trên mô hình chuột Hà lan gây hen bằng Histamin thì lại không có tác dụng rõ rệt.
  5. Tác dụng an thần: Thuốc có tác dụng tăng cường tác dụng gây mê của Pentobarbital sodium, làm giảm rõ rệt sự hoạt động của súc vật thực nghiệm.
  6. Ảnh hưởng đối với hệ tuần hoàn: Nước sắc thuốc lắng cặn bằng cồn chích tĩnh mạch hoặc thụt dạ dầy cho mèo đều có tác dụng hạ áp nhẹ, có tác dụng giãn mạch tai thỏ cô lập.
  7. Tác dụng kháng khuẩn: Thuốc có tác dụng ức chế tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn lî, thương hàn, bạch hầu, liên cầu khuẩn B, trực khuẩn lao, Virút cúm 68-1, virút ban phỏng.
  8. Tác dụng đối với cơ trơn của ruột: Nước sắc thuốc dùng cồn lắng có tác dụng làm giãn cơ trơn đoạn ruột cô lập chuột Hà lan rõ rệt, chống co thắt ruột do Histamin và acetylcholine gây nên.
  9. Độc tính của thuốc: Chích nước sắc thuốc vào bụng chuột nhắt gây nhiễm độc cấp LD50 là 15,2g/kg. Nước sắc thuốc dùng cồn lắng chích vào bụng chuột thì LD50 là 30,5g/kg nói lên độc tính giảm.

Bài Thuốc Với Trắc Bách Diệp

Dùng trị các chứng xuất huyết ( huyết nhiệt vong hành) như: thổ huyết, nục huyết, băng lậu, niệu huyết.

  • Trắc bá tán: Trắc bá diệp (chích giấm) 20g tán bột, mỗi lần 8 -12g, ngày 2 – 3 lần chế nước sôi uống.
  • Than Trắc bá diệp, than Bồ hoàng đều 42g, Bạch thược (sao rượu) 40g, tán bột, mỗi lần 8g, ngày 3 lần, chế nước sôi uống trị băng lậu ( nhiệt).
  • Tứ sinh hoàn ( Hiệu chú phụ nhân lương phương): Sinh Địa hoàng 20g, Sinh Trắc bá diệp 12g, Sinh Ngãi diệp 12g, Sinh Hà diệp 12g, giã nát làm hoàn hoặc sắc uống trị thổ huyết, nục huyết do nhiệt.
  • Bá diệp thang: than Trắc bá 12g, than Can khương 6g, Ngãi diệp lâu năm 6g, sắc nước uống trị thổ huyết lâu không khỏi.

Dùng trị xuất huyết do lóet dạ dày tá tràng:

Nhi đạt Nhân dùng Trắc bá diệp 15g, sắc nước uống trị 50 ca và 50 ca làm lô chứng. Ở lô trị bằng lá Trắc bá, xét nghiệm phân hết máu bình quân 2,8 ngày; lô chứng 4,5 ngày ( tạp chí Nội khoa Trung hoa 1960,8(3):249).

Trị trĩ xuất huyết:

Sao Trắc bá diệp 30g, Kinh giới sao đen 15g, than Địa hoàng 20g, tán bột, cho nước sôi chế 200ml thụt ruột lưu cho đến lúc không nhịn được, ngày 1 lần. Với phương pháp này, Trương pháp Vân đã trị khỏi 8 ca ( Tạp chí bệnh giang môn Trung quốc 1985,4:5).

Dùng trị bệnh ngoài da:

Trần Hữu Thế đã dùng bài: Trắc bá diệp, Địa long đều 20g, Hoàng liên, Địa hoàng đều 25g, Hùng hoàng 15g, Khinh phấn 10g, Tùng hương 6g, tán bột mịn trộn dều với dầu thơm, ngày thay 1 lần trị zona 23 ca, lở chảy máu vàng 17 ca, bình quân 3 – 7 ngày khỏi.

Trị ho gà:

Trắc bá diệp tươi gồm cả nhánh con 30g sắc được 100ml cho mật ong 20ml. Dưới 2 tuổi mỗi lần uống 15 – 20ml, ngày 3 lần, lượng tùy theo tuổi gia giảm. Đã trị 56 ca ho gà trẻ em. Sau uống thuốc 4 – 10 ngày, khỏi 41 ca, tiến bộ rõ 9 ca, không khỏi 6 ca ( Tạp chí Nhi khoa Trung hoa1960,11(2):146).

Trị lao phổi:

Khoa lao Quân y viện giải phóng quân Trung quốc 309 đã dùng Viên Trắc bá diệp và dịch chích Trắc bá diệp trị 153 ca liều mỗi ngày tương đương 120g thuốc sống, liệu trình 3 – 5 tháng, kết quả tổ dùng đơn thuần Trắc bá diệp 119 ca, tỷ lệ vết nám mất 73,95%, tỷ lệ kín hang là 23,33%, BK đờm chuyển thành âm tính là 58,14%, phần lớn các triệu chứng ho, mồ hôi trộm, ho ra máu, mệt mõi được cải thiện rõ rệt. ( Báo Quân y 1976,7:57).

Trị hói tóc:

Trắc bá diệp tươi ( gồm cả quả non) 25 – 35g, xắt nhỏ cho vào 60 – 75% cồn 100ml, 7 ngày sau lọc nước dùng, xát vào chỗ rụng tóc, ngày 3 – 4 lần. Đã trị 160 ca, kết quả tốt 33 ca, có kết quả 91 ca, tỷ lệ kết quả 77,5% ( Tạp chí y học Trung quốc 1973, 53(8):459).

Trị quai bị:

Dùng Trắc bá diệp 200 – 300g, rửa sạch giã nát gia lòng trắng trứng gà trộn đều đắp vùng đau, mỗi ngày 7 – 8 lần, thường trong 1 ngày là hết phù, đã trị 50 ca, trừ 2 ca nhiễm khuẩn dùng thêm trụ sinh, còn 48 ca chỉ đắp thuốc 1 – 2 ngày là khỏi ( Tăng minh Nhân, Tạp chí Trung y Hà bắc 1985,4:31).

Liều dùng và chú ý:

  • Uống trong, cho vào thuốc thang: 10 – 15g, liều cao có thể dùng 30g. Dùng ngoài tùy bệnh lý. Có thể sắc nước rửa hoặc giã nát đắp.
  • Thuốc dùng tươi có tác dụng lương huyết, thanh nhiệt, cầm máu, cầm ho, hóa đờm tốt hơn, thường dùng cho những trường hợp huyết nhiệt vong hành xuất huyết và ho suyễn đờm nhiều.
  • Đốt cháy dùng cầm máu là chủ yếu, các chứng xuất huyết đều có thể chọn dùng.
  • Thuốc uống lâu, uống nhiều có thể làm váng đầu,buồn nôn, khó chịu vùng bao tử, ăn kém.

Một số bài thuốc có dùng trắc bá diệp và Bá tử nhân:

Chữa rong kinh, băng huyết: trắc bá diệp (sao đen) 12g, ngải cứu 8g, bạc hà 6g, buồng cau điếc 6g. Sắc với 500ml nước còn 200ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.

Ho ra máu, thổ huyết: trắc bá diệp (sao đen) 15g, ngải cứu 15g, gừng khô 6g. Sắc với 650ml còn 200ml. Chia 2,3 lần uống trước bữa ăn.

Trúng phong bất tỉnh, cắn rang, sùi bọt mép, bại liệt nửa người: lá trắc bá (bỏ cành) 20g, củ hành (cả rễ) 12g. Hai vị nghiền nát, sắc với rượu. Uống lúc còn ấm.

Trị rắn cắn: lá trắc bá 100g, củ gấu (hương phụ) 100g. Hai vị rửa sạch, giã nát, chưng nóng với nước để rửa vết thương.

Trị bỏng hoặc vết thương do dao gây ra: giã nát lá trắc bá non (không kể liều lượng), đắp lên chỗ đau.

Trị cao tuổi hoặc phụ nữ sau khi sinh bị táo bón:

Dùng bài thuốc “Ngũ nhân hoàn” (sách Thế y đắc hiệu phương) gồm có: đào nhân 20g, hạnh nhân 12g, bá tử nhân 12g, tùng tử nhân 4g, úc lý nhân 4g, trần bì 8g.

Tất cả tán bột mịn, trộn với mật ong làm viên bằng hạt đậu xanh. Ngày uống 4 – 8g.

Trường hợp táo bón gây bệnh trĩ, tiêu ra máu, có thể thêm hoa hòe (sao đen) 6g, trắc bá diệp (sao đen) 6g, cỏ mực (sao đen) 6g để cầm máu.

Trị sốt cao chảy máu cam, nôn ra máu, họng khô, lưỡi đỏ: lá trắc bá, lá sen, lá ngải cứu, cỏ mực, sinh địa.

Tất cả đều dùng tươi, lượng bằng nhau (12 – 20g) giã nát lấy nước uống, hoặc sắc với 650ml còn 200ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.

Bài thuốc này có tên “Tứ sinh hoàn” (sách Phụ nhân lương phương). Trường hợp xuất huyết do hư hàn không nên dùng.

Lưu ý : phụ nữ có thai hoặc thời kỳ đang cho con bú sữa, không nên dùng trắc bá diệp.

Tham khảo thêm

cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
sam vu diep

Sâm Vũ Điệp

Sâm vũ điệp hay còn gọi tam thất xẻ lá là giống sâm hoang tự nhiên, có tác dụng tốt cho sức khỏe; nâng...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
4
minutes
spot_imgspot_img