Dược liệu: Địa Hoàng
- Tên khoa học: Rehmannia glutinosa.
- Tên gọi khác: Can địa hoàng, Sinh địa.
- Tính vị, quy kinh: vị đắng, tính hàn. Quy vào 3 kinh tâm, can, thận.
- Bộ phận dùng: Rễ củ.
- Đặc điểm sản phẩm: Sinh địa hoàng (Địa hoàng tươi) : Củ hình thoi hoặc dải, vỏ ngoài mỏng, mặt ngoài mầu vàng đỏ nhạt. Can địa hoàng (Địa hoàng khô): Củ khô hình dạng không đều hoặc hình thuôn, mặt ngoài mầu nâu đen hoặc xám nâu.
- Phân bố vùng miền: Trung Quốc
- Thời gian thu hoạch: Vụ trồng vào tháng 1-2, thu hoạch tháng 8-9; vụ trồng tháng 7-8, thu hoạch tháng 2-3.
I. THÔNG TIN CHI TIẾT
1. Mô tả thực vật Địa Hoàng
Cây thảo, cao 10-30cm, toàn cây có lông mềm. Lá dày, phiến lá hình trứng ngược, mép có răng cưa không đều, mặt dưới có gân nổi rõ, lá mọc vòng ở gốc.
- Hoa tím sẫm, mọc thành chùm ở ngọn
- Thân rễ mẫm thành củ, lúc đầu mọc thẳng sau mọc ngang.
2. Phân bố:
- Trước 1958 phải nhập từ TQ. Sau đã trồng được ở nhiều nơi trên cả nước.
3. Bộ phận dùng:
- Rễ củ
4. Thành phần hóa học chính:
Nhiều loại iridoid glycoside được tìm thấy, đa phần là catalpol ( 0,11% củ tươi); ngoài ra có rhemaniosid A,B,C,D; 15amino acid và D-glucosamin.
5. Mô tả dược liệu Địa Hoàng
Sinh địa: là tiên địa hoàng sấy khô, vỏ màu xám, ruột màu vàng nâu
- Sinh địa hoàng (Địa hoàng tươi): Hình thoi hoặc dải dài 8 – 24cm, đường kính 2 – 9cm. Vỏ ngoài mỏng, mặt ngoài mầu vàng đỏ nhạt, có vết nhăn dài, cong và có vết tích của mầm. Lỗ vỏ dài nằm ngang, có các vết sẹo không đều. Chất thịt, dễ bẻ, trong vỏ rải rác có các chấm dầu mầu trắng vàng hoặc đỏ cam, phần gỗ mầu trắng vàng với các dãy mạch xếp theo kiểu xuyên tâm. Mùi thơm nhẹ, vị hơi ngọt đắng.
- Can địa hoàng (Địa hoàng khô): Củ khô hình dạng không đều hoặc hình thuôn, khoảng giữa phình to, hai đầu hơi nhỏ, dài 6 – 12cm, đường kính 3 – 6cm. Loại củ nhỏ hình dải hơi dẹt, cong queo hoặc xoắn lại, mặt ngoài mầu nâu đen hoặc xám nâu, nhăn nheo nhiều, có các đường vân lượn cong nằm ngang không đều. Thể nặng, chất tương đối mềm, dai, khó bẻ gãy. Mặt bẻ mầu nâu đen hoặc đen bóng, dính, mùi thơm nhẹ, vị hơi ngọt.
- Sinh địa: vỏ màu xám, ruột màu vàng nâu.
6. Thu hái , chế biến, bảo quản:
- Trồng trọt: nên dùng phương pháp nhân giống sẽ cho nhiều ưu điểm, đất trồng cần tơi xốp.
- Thu hái: hai vụ một năm, tháng 8,9 ( trồng tháng 1,2 ); tháng 2,3 (trồng tháng 7,8 năm trước), đào lấy rễ, loại bỏ thân, lá, rễ con, rửa sạch.
- Chế biến: có thể dùng tươi( địa hoàng tươi) hay sấy rễ củ từ từ cho khô(can địa hoàng, sinh địa) hoặc chế biến những cách đặc biệt khác(thục địa)..
Can địa hoàng: sấy nhẹ cho khô.
Sinh địa: đem củ rửa sạch, ngày đầu sấy 34 – 400C, ngày hai trở đi 50 – 600C,hàng ngày đảo đều, khi củ mềm dẻo thịt đen lại là được.
Thục địa: lấy 10kg rửa sạch,để ráo. Lấy 5l nước cho vào 300g bột sa nhân sắc lấy 4l nước. lấy nước sa nhân tẩm sinh địa rồi xếp vào thạp hay thùng men. Cho nước sa nhân còn lại với 100g gừng tươi giã nhỏ và nước sôi cho đủ ngập hết các củ. Đun sôi liên tục trong hai ngày đêm, nước cạn đến đâu phải thêm lại nước cho đủ mức cũ, thỉnh thoảng đảo củ( nấu phải thật đều lửa và thật kỹ nếu không sau này không nấu lại mềm củ được).sau đó nấu cạn còn ½ nước, vớt củ để ráo nước.lấy nước thục còn lại pha thêm ½ lượng rượu 25-30 0C, đem tẩm rồi đồ trong 3h và đem phơi. Làm nhiều lần như vậy tới khi cạn hết nước thục.
- Bảo quản:
Sinh địa hoàng: Vùi trong cát, tránh giá lạnh khô cứng.
Can địa hoàng: Để nơi thoáng, khô, tránh mốc mọt.
7. Công dụng Dược liệu Địa Hoàng
- Sinh địa dùng trong bệnh tiểu đường , thiếu máu, thể trạng dễ bị chảy máu, sốt, lưỡi đỏ , khát.
- Thục địa dùng khi thiếu máu, tim đập nhanh , rối loạn kinh nguyệt, rong kinh, ù tai, râu tóc bạc sớm.
- Sinh địa và thục địa là thuốc bổ chữa suy nhược.
8. Chỉ định và liều dùng:
Ngày dùng 12-24 g dạng thuốc sắc.
9. Kiêng kị:
Do thuốc có nhiều dịch, bản chất của nó là trệ nhờn nên những người tỳ hư, bụng đầy, đại tiện lỏng và dương hư, nhiều đờm thấp nhiệt không nên dùng.[ sách dược cổ truyền]
Các bài thuốc dân gian Dược liệu Địa Hoàng
Trong các đơn thuốc bổ có sinh địa và thục địa:
- Lục vị địa hoàng hoàn chữa đau đầu chóng mặt, cổ khô đau, miệng lưỡi lở loét, tai ù, răng lung lay, lưng đau gối mỏi, di tinh, mộng tinh, mồ hôi trộn, phụ nữ kinh nguyệt không đều, trẻ con gầy yếu.
- Trị ho khan, bệnh lao (bài thuốc kinh ngọc cao: ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 1-2 thìa)
- Chữa gầy yếu, đái đường ( bài thuốc hoàng liên viên : ngày uống 20 viên/ lần, ngày 2-3 lần).
Bài thuốc với Sinh Địa Hoàng
Trị các bệnh cấp tính: sốt cao, khát nước, mồm khô, lưỡi đỏ thẫm để thanh nhiệt, lương huyết, tư âm, giáng hỏa phối hợp với các thuốc khác như: Huyền sâm, Mạch môn, Tê giác như các bài sau:
- Tê giác địa hoàng thang, Thanh dinh thang.
- Sinh địa hoàng 16g, Huyền sâm, Mạch môn mỗi thứ 12g, Quả trám 2 quả (đập vụn), sắc uống chữa viêm họng, đau,sốt, khát nước.
- Tăng dịch thang (Oân bệnh điều biện): Huyền sâm 20g, Mạch môn, Sinh địa mỗi thứ 16g. Trị chứng sốt mất nước táo bón, khát nước, lưỡi khô đỏ, mạch tế sác.
Trị các bệnh sốt phát ban hoặc sốt xuất huyết: (do nhiệt lộng hành sinh ra chảy máu cam, nôn ra máu, tiêu tiểu có máu .) có các bài:
- Sinh địa tươi 40g, sắc uống trị máu cam.
- Tứ sinh hoàn (Phụ nhân lương phương): Sinh địa tươi 24g, Trắc bá diệp tươi 12g, Ngãi diệp tươi 8g, Lá sen tươi 12g, sắc nước uống. Trị sốt , nôn ra máu, chảy máu cam.
- Sinh địa hoàng 16g, Thạch hộc 12g, Mạch môn 12g, sắc uống trị bệnh sốt cấp thời kỳ hồi phục, mồm khô, họng đau, chảy máu răng.
- Trong bệnh sốt có hội chứng chảy máu có kinh nghiệm dùng thuốc như: chảy máu cam, thổ huyết dùng thêm Rễ tranh, Lô căn; tiểu có máu dùng Mộc thông, Xa tiền tử; trĩ ra máu dùng Hoa hòe, Địa du. Nếu chứng chảy máu do dương hư, khí hư thì không dùng Sinh địa.
Trị bệnh ngoài da do huyết nhiệt: như chàm lở, nấm nhiễm trùng, ngứa urticaire dùng Sinh địa phối hợp với Đương qui, Phòng phong, Bạch tật lê, Bạch tiên bì như:
- Tiêu phong tán (Tôn kim giám): gồm Kinh giới, Phòng phong, Đương qui, Sinh địa, Khổ sâm, Thương truật (sao), Thuyền thoái, Hồ ma nhân, Ngưu bàng tử, Tri mẫu, Thạch cao, Cam thảo sống, Mộc thông, có tác dụng thanh nhiệt trừ thấp giảm ngứa tiêu sưng.
Trị bệnh nhiễm thời kỳ hồi phục: bệnh mạn tính sốt kéo dài như lao, bệnh chất tạo keo, viêm đa khớp dạng thấp, ung thư . có hội chứng âm hư nội nhiệt (sốt âm ỉ, da khô, lòng bàn tay, bàn chân nóng, mạch tế sác . thường phối hợp với các loại tư âm thanh nhiệt như: Tri mẫu, Miết giáp, Địa cốt bì, Thanh hao, như các bài:
- Thanh hao miết giáp thang: Thanh hao, Miết giáp, Tri mẫu, Đơn bì, Tế sinh địa.
- Tri bá địa hoàng hoàn: Tri mẫu, Hoàng bá, Sinh địa, Sơn thù, Sơn dược, Đơn bì, Bạch linh, Trạch tả.
- Trị chứng âm hư trong bệnh viêm họng mạn thường dùng thêm Cam thảo, Bạc hà, hạt Lười ươi, Sơn đậu căn. Trị chứng âm hư có tiêu bón, táo bón kéo dài. Dùng Sinh địa 80g sắc uống hoặc gia thêm thịt nạc heo cùng nấu nhừ để ăn.
- Kinh ngọc cao ( Chu đan khê) gồm: Sinh địa 2400g, Bạch linh 480g, Nhân sâm 240g, Mật ong 1200g. Giã Sinh địa vắt nước thêm mật ong nấu sôi, thêm Bạch linh và Nhân sâm đã tán nhỏ cho vào lọ đậy kín đun các thủy 3 ngày 3 đêm để nguội, mỗi lần uống 1 – 2 thìa, ngày 2 – 3 lần.
Trị bệnh tiểu đường: thường phối hợp với các vị thuốc như: Thiên môn, Kỷ tử, Cát căn, Thiên hoa phấn, Sa sâm, Hoàng kỳ :
- Ích vị thang (ôn bệnh điều biện) gồm: Sa sâm, Mạch môn, Sinh địa, Ngọc trúc có tác dụng ích vị sinh tân, giải khát.
- Tăng dịch thang (ôn bệnh điều biện) gồm: Huyền sâm, Mạch môn, Sinh địa có tác dụng sinh tân nhuận táo.
- Hoàng liên viên (Thiên kim phương): Sinh địa 800g, Hoàng liên 600g, giả Sinh địa vắt nước tẩm vào Hoàng liên phơi khô rồi tẩm cho đến hết nước Hoàng liên, thêm mật viên bằng hạt ngô. Mỗi lần uống 20 viên, ngày uống 2 – 3 lần.
- Sinh địa hoàng 40g, Sơn dược 40g, Hoàng kỳ 20g, Sơn thù 20g, Tụy heo 12g, sắc nước uống trị tiểu đường.
- Lượng thường dùng: Sinh địa hoàng 12 – 20g, Sinh địa tươi 40 – 120g.
Chú ý lúc dùng thuốc:
- Củ sinh địa mới đào lên là Sinh địa tươi, vùi vào cát ẩm có thể để dành 2 – 3 tháng. Tính chất Sinh địa và Sinh địa tươi cơ bản giống nhau nhưng sinh địa tươi hàn lương hơn nên sinh tân chỉ khát mạnh hơn nhưng tác dụng bổ âm kém hơn.
- Địa hoàng là Sinh địa tươi rửa sạch sao khô, nếu qua bào chế nhiều lần chưng phơi sẽ thành Thục địa có tác dụng bổ âm huyết.
- Không dùng Sinh địa trong các trường hợp: Tỳ hư thấp, tiêu chảy, bụng đầy, dương hư. Trường hợp dương hư ( hư hàn) dùng Thục địa không dùng Sinh địa, trường hợp có sốt dùng Sinh địa không dùng Thục địa. Nếu cần thanh nhiệt mà cơ thể hư thì Sinh – Thục địa cùng dùng như bài Bách hợp cổ kim thang ( y phương tập giải) gồm: Sinh thục địa hoàng, Bối mẫu, Bách hợp, Mạch môn, Huyền sâm, Đương qui, Bạch thược, Cam thảo, Cát cánh có tác dụng dưỡng âm thanh nhiệt nhuận phế hóa đàm. Bài Đương qui lục hoàng thang ( Lam thất bí tàng) gồm: Đương qui, Sinh Thục địa, Hoàng liên, Hoàng cầm, Hoàng bá, Hoàng kỳ có tác dụng tư âm thanh nhiệt cố biểu chỉ hãn.
- Lúc dùng Sinh địa, để làm giảm bớt tính nê trệ của thuốc , bớt ảnh hưởng đến tiêu hóa nên phối hợp với thuốc hành khí tiêu thực như Chỉ xác, Sa nhân, Mộc hương, Trần bì..
II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU:
1. Đặc điểm bột dược liệu:
Can địa hoàng : Bột mầu nâu thẫm. Mảnh bần mầu nâu nhạt, nhìn từ mặt bên gồm các tế bào hình chữ nhật xếp đều đặn, tế bào mô mềm gần tròn, tế bào tiết chứa giọt dầu mầu vàng cam hay đỏ cam, mạch mạng đường kính tới 92μm.
2. Định tính:
- A. Cho 0,5g củ sinh địa cắt nhỏ vào 1 bình nón 50ml, thêm 25ml nước nóng, đun tiếp trên cách thủy trong 30 phút. Lọc lấy 5ml dịch lọc, thêm 1ml thuốc thử Fehling A (TT) và 1ml thuốc thử Fehling B (TT), đun cách thủy trong 30 phút, sẽ thấy xuất hiện tủa màu đỏ gạch.
- B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng
Bản mỏng: Silicagel GF254
Dung môi khai triển: Cloroform – methanol – nước (14 : 6 : 1)
Dung dịch thử: Lấy 2g dược liệu, thêm 20ml methanol (TT), đun hồi lưu cách thủy 1 giờ, lọc lấy dịch lọc và cô còn khoảng 5ml.
Dung dịch đối chiếu: Lấy 2g Địa hoàng( mẫu chuẩn), chiết cùng điều kiện như dung dịch thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên cùng 1 bản mỏng 5μl dung dịch thử và dung dịch đối chiếu.Sau khi triển khai, để khô ở nhiệt độ phòng, phun thử anisaldehyd (TT) và sấy ở 105oC trong 5 – 10 phút. Sắc ký đồ của dung dịch thử phải có vết cùng màu và cùng giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
3. Tiêu chuẩn đánh giá khác:
- Độ ẩm: Không quá 16%
- Tạp chất: Không quá 2%
- Tro toàn phần: Không quá 5%