Dược liệu Ô Mai
- Tên khoa học: Fructus Armeniacae praeparatus
- Tên gọi khác: mơ, hạnh, khổ hạnh nhân
- Tính vị, quy kinh: vị chua, tính hàn, quy kinh phế, thận
- Bộ phận dùng: quả mơ
- Đặc điểm sản phẩm: quả mơ chua, già , héo, có vết sần sùi , màu nâu đến đen
- Phân bố vùng miền:
– Thế giới: Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc
– Việt Nam: Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh và một số tỉnh khác ở miền Bắc - Thời gian thu hoạch: tháng 3 – 4
Ô Mai – là một Vị Thuốc trong Đông Y
Ô Mai – phần lớn mọi người biết đến là một thức ăn vặt. Nhưng trong Dược Liệu Đông Y nó là một vị thuốc.
Theo đông y, vị thuốc ô mai được chế biến từ quả mơ (ô là màu đen, mai chính là quả mơ. Ô mai nghĩa là vị thuốc có màu đen, được chế biến từ quả mơ). Để làm thuốc, ô mai được chế biến khá cầu kì, theo y học cổ truyền, gọi là phương pháp cửu chưng cửu sái.
Cụ thể như sau:
- Quả mơ chín vàng được thu hái, đem phơi trong mát đến héo. Sau đó, cho vào vại, ngâm với muối, theo tỉ lệ 1 kg mơ: 300 g muối, sau 3 ngày 3 đêm thì vớt ra, tiếp tục đem phơi trong mát đến khi da quả mơ săn lại, rồi tiếp tục đem ngâm với muối theo cách trên.
- Làm liên tục như vậy 9 lần (9 lần phơi, 9 lần ngâm, tức cửu chưng, cửu sái), tới khi da quả mơ săn chắc, có màu đen và các hạt muối trắng mịn kết tinh trên bề mặt. Khi đó có thể cất ở nơi khô mát, đem dùng dần.
- Khi chế biến thành món ăn, ô mai được gia thêm gừng sao khô và bột cam thảo, tạo nên một hương vị đặc trưng, hấp dẫn. Sự hòa quyện giữa vị chua nhẹ của quả mơ, vị mằn mặn của muối, vị cay nhẹ của gừng, và chút ngòn ngọt của cam thảo, khiến bất cứ ai cũng đều cảm thấy thú vị khi nhâm nhi thưởng thức, thậm chí cả khi vừa nghĩ tới.
Dân gian đã khéo léo chế biến món ăn ngon là ô mai để làm hài lòng người thưởng thức. Đồng thời cũng có thể sử dụng chính món ăn này làm vị thuốc dưỡng họng, trừ ho khi cần thiết.
Bởi vì ô mai có tính mát, vị chua nhẹ, nhanh chóng làm dịu họng, giảm ngứa rát họng, giảm khản tiếng và giảm ho. Muối lại có tác dụng sát trùng hầu họng, tốt đối với chứng viêm họng. Gừng giữ ấm, giúp đề phòng chứng ho do nhiễm lạnh, cảm lạnh.
Còn cam thảo chính là vị thuốc có nhiều công dụng: hóa đờm, giảm ho, và chống viêm (theo y học cổ truyền và các nghiên cứu dược lý cũng đã chứng minh). Thế nên, có 1 gói nhỏ ô mai mang theo người trong những ngày gió lạnh, không chỉ có thêm món ăn ngon, có thể mời bạn bè cùng thưởng thức, vui thêm cuộc chuyện trò, mà còn là vị thuốc dưỡng họng, phòng ngừa ho hiệu quả.
Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam của GS. Đỗ Tất Lợi có viết:
Ô mai, vị chua, tính mát, có tác dụng sinh tân, dưỡng hầu họng, chỉ khái (giảm ho), được dùng chữa trị nhiều chứng ho khác nhau, trong đó có ho lâu ngày, ho do viêm họng, viêm amidan, cổ họng sưng đau…
Với tác dụng sinh tân dịch, ô mai là vị thuốc dùng rất tốt khi cơ thể mắc bệnh lâu ngày, bệnh mãn tính khiến hao tổn tân dịch, người khô háo, mệt mỏi, trong đó, có các chứng ho lâu ngày, ho tái đi tái lại do phế âm hư, miệng họng khô, cổ họng ngứa rát, khản tiếng.
Hải Thượng Lãn Ông quy ô mai vào bổ kim. Mà phế thuộc kim theo ngũ hành nên sử dụng ô mai trong chữa trị các chứng bệnh ở phế là phù hợp với quan điểm biện chứng luận trị của đông y.
Hải Thượng Lãn Ông cũng phân tích “Tạng phế sắc trắng, là bẩm thụ khí của hành Kim, nó như cái tán, cái lọng che chở cho các tạng khác, không thể chịu được bất kì một vật gì làm chướng ngại. Tỳ là gốc sinh đờm, Phế là đồ chứa đờm. Nếu đờm ở Phế nhiều thì khí nghịch lên mà gây thành ho. Phế là chỗ then chốt, cửa ngõ của toàn thân, không chỗ nào quan trọng hơn chỗ đó. Do vậy, bệnh phế khí nghịch, nhiều đờm không thể không tìm cách trị gấp. Ô mai có vị chua tính liễm, có thể thăng, có thể giáng, giúp thuận khí chỉ khái, hóa đờm”.
Điều đó khẳng định vai trò cốt yếu của Ô mai trong các bài thuốc trị ho. Đặc biệt các chứng ho dai dẳng lâu ngày không khỏi.