Rau Mùi – một cây rau gia vị rất phổ biến trong các bữa ăn hàng ngày của người Việt. Rau mùi hay còn gọi rau ngò ta, mùi ta, rau thơm, ngổ thơm,… Ngoài công dụng là rau gia vị rau mùi còn là vị thuốc…
Toàn cây dùng làm thuốc. Cây rau mùi ( Coriandrum sativum L.) thuộc họ Hoa tán ( Umbelliferae) . Vị cay tính ấm mùi thơm qui kinh phế vị.
Thành phần chủ yếu:
Quả mùi có tinh dầu (0,3 – 1,0% ), chất béo (13 – 20%), protein (16 – 18%), chất xơ ( 38%). Thành phần chủ yếu của tinh dầu là Linalola quay phải ( 70 -90), còn gọi là Coriandrola. 5% d.pinen, limonex, tecpinen, mycxen, phelandren, một ít geranioa và bocneola. Trong lá thân cũng chứa trên dưới 1% tinh dầu.
Tác dụng dược lý:
Theo Y học cổ truyền thuốc có tác dụng phát tán thấu chẩn ( giúp sởi đâïu chóng mọc), giảm độc làm nhẹ trạng thái nhiễm độc toàn thân ( nhất là đối với bệnh sởi trẻ em), kiện vị tiêu thực.
- Tây y chưa có báo cáo về nghiên cứu rau mùi.
Ứng dụng lâm sàng:
Chữa bệnh sởi trẻ em: Chủ yếu lúc sởi mới mọc, sởi mọc không đều, hoặc sốt kéo dài mà sởi chưa mọc hoặc mọc quá ít, dùng cây rau mùi có tác dụng thúc sởi mọc nhanh và đều, tăng tuần hoàn ngoại vi làm cho độc sởi được phát ra ngoài, trạng thái nhiễm độc được giảm nhẹ.
- Dùng ngoài: Hạt rau mùi tươi ( hoặc cả thân lá) 100 – 150g sắc nước sôi độ 5 phút, giã nát để sắc (không sắc lâu) đem xoa ấn vào tay chân và thân mình trẻ ( theo thứ tự lưng trước bụng sau, trên trước dưới sau) không để trẻ bị lạnh. Hoặc dùng Hạt mùi 80g tán nhỏ trộn với rượu 100ml và nước 100ml đun sôi lọc bỏ bã phun vào người bệnh nhi trừ mặt ( để nước thuốc hơi ấm mà dùng).
- Uống trong: Hạt mùi 12g sắc nuớc uống ấm trong ngày 1 – 2 lần.
Trị rối loạn tiêu hóa bụng đầy đau do thực tích: Dùng bài: Hồ tuy 8g, Đinh hương 4g, Quất bì 4g, Hoàng liên 4g, sắc nước uống.
Kinh nghiệm trị những chứng khác:
- Phụ nữ sau đẻ cạn sữa: Quả mùi 6g, nước 100ml, đun sôi 15 phút chia 2 lần uống trong ngày.
- Trị da mặt có những nốt đen: Quả mùi sắc nước rửa luôn, nốt đen sẽ mất dần.
- Trị lòi dom: Quả mùi đốt hun khói xông hâïu môn.
- Trị lãi kim: Hạt mùi tán mịn trộn với bột trứng gà luộc chín và dầu mè liên tục 3 ngày, mỗi ngày một lần trước lúc ngủ.
- Trị buồn nôn ợ hơi: dùng hạt Hồ tuy, hạt củ cải, mỗi thứ 40g, tán bột mịn trộn lẫn, mỗi lần uống 4 – 8g, ngày 2 lần.
- Phòng bệnh sởi: sắc nước rau mùi cho trẻ uống trong thời gian có tiếp xúc với trẻ mắc bệnh sởi trong 7 – 10 ngày.
Liều lượng thường dùng:
- Uống trong 4 – 8g.
- Dùng ngoài không hạn chế.
Chú ý lúc dùng thuốc: Không dùng thuốc lúc sởi đã mọc đều, thời kỳ toàn phát và hồi phục của bệnh sởi. Không dùng đối với bệnh nhiễm mồ hôi ra nhiều, cơ thể suy nhược, bệnh nhân có lóet dạ dày không dùng uống trong.
Những người không nên ăn rau mùi
Những người bị gan
Do rau mùi chứa một số tinh dầu dễ bay hơi kích hoạt các cơ quan quan trọng nhất trong cơ thể. Ngoài ra, trong rau mùi có các chất oxy hóa mạnh giúp loại bỏ các vấn đề về gan.
Tuy nhiên, điều này chỉ đúng khi bạn ăn rau mùi với số lượng vừa phải, nếu ăn quá nhiều, các thành phần trong rau sẽ làm việc ngược lại, tăng bài tiết mật và cuối cùng là làm tổn hại đến gan.
- Vì vậy những người bị bệnh gan nên hạn chế ăn loại rau này.
Những người bị bệnh dạ dày
Rau mùi được biết đến là một loại thảo dược chữa các vấn đề về tiêu hóa. Nhưng nếu lạm dụng nó, dạ dày có thể gặp rắc rối, kéo theo các hiện tượng rối loạn tiêu hóa khác nhau.
Theo một báo cáo y tế, sử dụng 200ml chiết xuất rau mùi trong vòng 1 tuần liền gây ra các triệu chứng như hình thành khí trong bụng, đau dạ dày, đau bụng, nôn mửa, thậm chí di chuyển không vững.
Không tốt cho phụ nữ mang bầu
Các mẹ đang trong quá trình mang thai không nên ăn nhiều rau mùi vì có thể làm ảnh hưởng tới sức khỏe của các bé.
Một số thành phần có trong rau mùi được biết đến là làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tuyến sinh dục phụ nữ, gây nguy hiểm cho phụ nữ có thai và sức khỏe thai nhi đang phát triển trong bụng mẹ.
Người có cơ địa dễ bị dị ứng
Tinh dầu có nhiều trong lá và hạt rau mùi có tính gây kích ứng da, vì vậy những người tiếp xúc thường xuyên với lá và hạt rau mùi cần chú ý mang găng tay khi tiếp xúc.