Đinh Hương

Dược liệu: Đinh Hương

  1. Tên khoa học: Syzygium aromaticum (L.) Merill et L.M. Perry.
  2. Tên gọi khác:
  3. Tính vị, quy kinh: vị cay, tính ôn .Vào các kinh phế, tỳ, vị, thận.
  4. Bộ phận dùng: Nụ hoa đã phơi khô của cây Đinh hương.
  5. Đặc điểm sản phẩm: Nụ hoa giống như một cái đinh, màu nâu sẫm, bao gồm phần bầu dưới của hoa hình trụ, dài 10 – 12mm, đường kính 2 – 3mm và một khối hình cầu có đường kính 4 – 6mm. Khối hình cầu gồm 4 cánh hoa chưa nở, xếp úp vào nhau. Bóc cánh hoa thấy bên trong có nhiều nhị, giữa có một vòi nhụy, thẳng, ngắn.
  6. Phân bố vùng miền: Ấn Độ, đã được trồng ở các tỉnh miền Trung Việt Nam.
  7. Thời gian thu hoạch: Khi cây được 4 – 5 năm có thể thu hoạch. Thu hái khi nụ hoa có màu đỏ sẫm

I. THÔNG TIN CHI TIẾT:

1. Mô tả thực vật Đinh Hương

Đinh Hương cao 12-15m. Lá mọc đối, hình bầu dục nhọn, phiến lá dài. Hoa mọc thành xim nhỏ chi chít và phân nhánh ở đầu cành. Hoa gồm 4 lá đài dày, khi chín có màu đỏ tươi, 4 cánh tràng màu trắng hồng, khi nở thì rụng sớm, rất nhiều nhị. Quả mọng dài, quanh có các lá đài, thường chỉ chứa một hạt.

Đinh Hương

2. Phân bố:

  • Thế giới: Ấn Độ, Indonesia.
  • Việt Nam: Đã được trồng ở các tỉnh miền Trung Việt Nam.

3. Bộ phận dùng:

Nụ hoa đã phơi khô của cây Đinh hương.

4. Thu hái, chế biến và bảo quản:

  • Thu hái: Thu hái khi nụ hoa có màu đỏ sẫm, loại bỏ tạp chất và cắt bỏ phần cuống hoa, phơi hoặc sấy khô.
  • Chế biến: Đóng gói trong bao bì kín, để nơi khô, mát, tránh ánh sáng.
  • Bảo quản: Đóng gói trong bao bì kín, để nơi khô, mát, tránh ánh sáng.

5. Mô tả dược liệu Đinh Hương

Nụ hoa giống như một cái đinh, màu nâu sẫm, bao gồm phần bầu dưới của hoa hình trụ, dài 10 – 12mm, đường kính 2 – 3mm và một khối hình cầu có đường kính 4 – 6mm. Ở phía dưới bầu đôi khi còn sót lại một đoạn cuống hoa ngắn, phía trên có 4 lá đài dày, hình 3 cạnh, xếp chéo chữ thập. Khối hình cầu gồm 4 cánh hoa chưa nở, xếp úp vào nhau. Bóc cánh hoa thấy bên trong có nhiều nhị, giữa có một vòi nhụy, thẳng, ngắn.

Đinh Hương
Đinh Hương

6. Thành phần hóa học:

Đinh hương chứa tinh dầu với hàm lượng 15-20% ở nụ hoa, 5-6% ở cuống hoa và 2-3% ở lá, protein 6%, lipid 20%, carbohydrat 61%, campestrol, stigmasterol, quercetin, kaempferol. Tinh dầu hoa đinh hương là chất lỏng nặng hơn nước, không màu hoặc màu vàng, mùi và vị đặc trưng, có thành phần chính là eugenol với tỷ lệ 80-95%. Chất lượng tinh dầu tốt nhất ở nụ hoa, rồi đến cuống hoa và lá. Quả đinh hương chứa ít tinh dầu, hàm lượng eugenol lại thấp nên không được sử dụng.

7. Công dụng – Tác dụng:

  • Tác dụng: Ôn trung, ôn thận, giáng nghịch.
  • Công dụng: Dùng khi nấc đau bụng, ỉa chảy, nôn mửa, liệt dương.

8. Cách dùng và liều dùng:

Ngày dùng 1 – 4g dưới dạng thuốc sắc, hoặc tán hoặc ngâm rượu (xoa bóp).

9. Lưu ý, kiêng kị:

Không hư hàn không dùng, kỵ uất kim.

10. Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Đinh Hương

  • Trị chàm lở: Dùng Đinh hương gia vào 100ml cồn 75% ngâm 48 giờ, bỏ xác, mỗi ngày bôi vào vùng chàm lở 3 lần.
  • Trị lở đầu vú: Đinh hương 10 – 20 cái (nụ) tán bột mịn. Nếu lở khô trộn dầu (mè hoặc dầu mù u) bôi vào, nếu lở ướt rắc bột vào 2 – 3 lần mỗi ngày.
  • Trị nôn, nấc cụt, trẻ em ợ sữa: Đinh hương thị đế thang: Đinh hương 3g, Tai hồng 10g, Đảng sâm 10g, Sinh khương 10g, sắc nước uống. Đinh hương tán: Đinh hương 3g, Sa nhân 5g, Bạch truật 10g, tán bột mịn mỗi lần uống 2 – 4g, ngày 2 3 lần với 2 – 3 lần với nước ấm. Trị chứng nôn, tiêu chảy do tỳ vị hư hàn.
  • Trị đau do loét dạ dày tá tràng thể hư hàn:
  • Đinh hương chỉ thống tán: Diên hồ sách 10g, Ngũ linh chi 6g, Đương quy 10g, Quất hồng 6g, Đinh hương 4g, tán bột mịn trộn đều. Mỗi lần uống 3 – 6g, ngày 2 – 3 lần với nước sôi ấm.
  • Trường hợp chảy máu không dùng: Đinh hương 30g, bột Long cốt 300g, Mẫu lệ 300g, bột mì 120g, tất cả tán bột mịn trộn đều gói thành bao 6g mỗi bao. Mỗi lần uống 1 bao, ngày uống 2 – 3 lần với nước sôi ấm. Trường hợp loét bao tử ợ chua nhiều uống tốt.
  • Trà Kawa Tăng Cường Ham Muốn: Đun sôi một cốc nước cùng với quế, đinh hương, thảo quả, nghệ tây và lá trà xanh Kashmiri. Nếu thích ngọt, bạn có thể thêm một ít mật ong.

II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU:

1. Vi phẫu:

Mặt cắt ngang bầu hoa có hình elip hoặc tròn, quan sát từ ngoài vào trong thấy: Biểu bì uốn lượn, gồm một lớp tế bào, bên ngoài có tầng cutin dày, rải rác có lỗ khí.Phần mô mềm: Mô mềm ở phía ngoài cấu tạo bởi các tế bào thành mỏng thường bị ép bẹt, có nhiều túi chứa tinh dầu hình trứng xếp thành 2 đến 3 vòng. Mô mềm phía trong cấu tạo bởi các tế bào đa giác, có chứa nhiều bó libe-gỗ, mỗi bó có gỗ ở giữa, libe bao quanh, bên ngoài libe là sợi hoặc các đám sợi. Phần mô khuyết: Các tế bào thành mỏng nối tiếp nhau tạo thành mạng lưới, và những khuyết lớn. Phần trụ giữa: Bên ngoài là một vài hàng tế bào mô mềm có chứa nhiều tinh thể calci oxalat hình cầu gai; bó libe – gỗ là các vòng liên tục, gỗ ở trong, libe ở ngoài, trong cùng là phần mô mềm có chứa nhiều tinh thể calci oxalat hình cầu gai.

2. Bột:

Bột màu nâu sẫm, mùi thơm hắc, vị cay. Soi kính hiển vi thấy: Mảnh mô mềm của bầu hoa có túi chứa tinh dầu hình cầu lớn, đường kính 80-100mcm, mảnh biểu bì có mang lỗ khí, sợi ngắn, thành dày, khoang hẹp đứng riêng lẻ hay họp thành bó 2 – 3 sợi; hạt phấn hoa hình 3 cạnh, màu vàng nhạt, đường kính 15-20mcm; mảnh cánh hoa gồm nhiều tế bào thành mỏng; nhiều tinh thể calci oxalat hình cầu gai nằm trong tế bào hoặc đứng riêng lẻ bên ngoài; mảnh mạch xoắn riêng lẻ hay tập trung thành bó; các tế bào mô cứng.

3. Tính chất khác:

  • Độ ẩm: Không quá 13% (Phụ lục 12.13).
  • Tạp chất (Phụ lục 12.11): Loại Đinh hương đã nở hoa, cuống hoa: Không quá 4%. Loại thứ phẩm: Không quá 2%. Các chất lạ khác: Không quá 0,5%.
  • Tro toàn phần: Không quá 7% (Phụ lục 9.8).
  • Định lượng tinh dầu: Lấy chính xác khoảng 5g dược liệu đã được tán thành bột thô, cho vào bình cầu 250ml, thêm 100ml nước cất. Dùng 0,50 ml xylen (TT); cất trong 4 giờ. Dược liệu phải chứa ít nhất 15% tinh dầu (Phụ lục 12.7).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  • Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
  • Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
  • Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
  • Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006.

Tham khảo thêm

cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
sam vu diep

Sâm Vũ Điệp

Sâm vũ điệp hay còn gọi tam thất xẻ lá là giống sâm hoang tự nhiên, có tác dụng tốt cho sức khỏe; nâng...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
4
minutes
spot_imgspot_img