Dược liệu: Thạch Quyết Minh
- Tên khoa học: Concha Haliotidis
- Tên gọi khác: ốc khổng, cửu khổng, cửu khẩu, ốc chín lỗ, bào ngư, cửu khổng bào ngư
- Tính vị, quy kinh: vị mặn, tính bình, không độc, quy kinh gan, thận
- Bộ phận dùng: vỏ bào ngư
- Đặc điểm sản phẩm: hình bầu dục hoặc gần bán cầu, nhìn mặt trong hơi giống cái tai người. Mặt ngoài vỏ màu nâu xám, có một chỗ lồi ở đỉnh với nhiều vân nổi sắp xếp theo đường xoắn ốc từ nhỏ chạy song song với mép vỏ, mặt trong có màu sáng bóng như hạt trai, chất cứng chắc, khó bẻ vỡ.
- Phân bố vùng miền:
– Thế giới: phân bố chủ yếu ở những vùng biển ấm, các đảo, nơi có nhiều mạch đá ngầm và độ sâu từ 2 -12 m như Trung Quốc
– Việt Nam: Đảo Bạch Long Vĩ ( Hải Phòng) , Cô Tô (Quảng Ninh) và các hòn đảo khác thuộc Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Bình Định , Khánh Hòa, Bình Thuận. - Thời gian thu hoạch: Quanh năm
Mô tả dược liệu Thạch Quyết Minh
Thạch Quyết Minh còn gọi là Cửu khổng, Cửu khổng loa, Oác khổng, Bào ngư là vỏ phơi khô của nhiều loại bào ngư có tên khoa học khác nhau như: Haliotis diversicolor Reeve (Cửu khổng bào), Haliotidis gigantea discus Reeve (Bào đại não), Haliotis ovina Gmelin (Dương bào) . thuộc họ Haliotis avinana L. (Nhĩ bào), Haliotis laevigata Donovan (Bạch bào) . thuộc họ Haliotidae, lớp Phúc túc (Gastropoda) ngành Nhuyễn thể (Mollusca). Dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Danh y biệt lục.
Bào ngư là một loại ốc vỏ cứng ở mép có từ 7 đến 13 lỗ (thường có 9 lỗ gọi là Cửu khổng). Bào ngư sống hải đảo hay ven biển có rạn đá ngầm, được khai thác nhiều ở miền Bắc nước ta như vùng các đảo Bạch long vỹ, Cô tô, Cát bà và chân núi Đèo ngang (Quảng bình).
Theo các sách cổ: Thạch Quyết Minh
- Sách Danh y biệt lục: vị mặn bình không độc.
- Sách Thục bản thảo: hàn.
- Sách Nhật hoa tử bản thảo: lương.
- Sách Lôi công bào chế dược tính giải: nhập Can kinh.
- Sách Bản thảo thông huyền: nhập túc quyết âm, thiếu âm kinh.
Thành phần chủ yếu: Thạch Quyết Minh
Calcium carbonat (trên 90%), nhiều loại Amino acid, ít Magnesium, sắt, silicat, phosphat, chlorid.
Tác dụng dược lý:
Thạch Quyết Minh – Theo Y học cổ truyền
- Thuốc có tác dụng: bình can tiềm dương, thanh can minh mục.
- Chủ trị các chứng: can dương thịnh hoặc âm hư dương kháng, can hỏa bốc, can hư mắt mờ.
Trích đoạn Y văn cổ:
- Sách Danh y biệt lục: ” trị mắt có mộng đau, thanh manh (dạng glaucom), uống lâu ích tinh, tăng sức”.
- Sách Bản thảo tùng tân: ” trừ phế can phong nhiệt, nội chướng (mắt có màng che), thanh manh, nhỏ mắt trị mắt đỏ, ngoại chướng (mộng mắt, mộng thịt)”.
- Sách Y học trung trung tham tây lục: ” vị hơi mặn, tính hơi lương, là thuốc chủ yếu lương can, trấn can, can khai khiếu ở mắt cho nên thuốc có tác dụng làm sáng mắt (minh mục). Tán mịn thủy phi làm thuốc đắp ngoài trị mắt ngoại chướng, làm hoàn tán uống trong trị mắt nội chướng. Vì thuốc có tác dụng lương can, trấn can nên trị được đau do hãm sung huyết, chứng huyễn vựng do can khí can hỏa thượng xung”.
Thạch Quyết Minh – Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại
- Thuốc có tác dụng an thần, dùng trị chứng mất ngủ có tác dụng nhất định.
- Thạch quyết minh nung có tác dụng thu liễm, giảm chua, giảm đau, cầm máu.
Ứng dụng lâm sàng:
1.Trị chứng can dương thịnh, hoa mắt chóng mặt:
- Thạch quyết minh, Sinh địa, Mẫu lệ đều 16g, Bạch thược, Nữ trinh tử, Ngưu tất đều 12g, Cúc hoa 8g sắc uống.
- Thạch quyết minh 20g, Đương qui, Bạch thược, Kỷ tử đều 12g, Cúc hoa 10g, Thiên ma, Câu đằng đều 8g, Hạ khô thảo 16g sắc uống.
Món ăn /Bài thuốc có Thạch Quyết Minh
Cháo thạch quyết minh:
Thạch quyết minh (tán bột) 25g, thảo quyết minh (sao vàng) 10g, cúc hoa 15g, gạo tẻ 100g. Dược liệu sắc lấy nước bỏ bã; gạo nấu cháo, khi được cháo, cho nước sắc thuốc vào khuấy đều, thêm 6g đường phèn khuấy tan cho ăn. Dùng cho các trường hợp đau đầu, ù tai hoa mắt chóng mặt, tê bại tay chân, mắt sưng đỏ đau cấp.
Gan lợn hầm thạch quyết minh xương truật:
Thạch quyết minh 30g, xương truật 90g, gan lợn 80g. Thạch quyết minh nung tán mịn; thương truật gọt vỏ ngoài sấy khô tán mịn, cả hai thứ trộn đều, mỗi lần lấy 10g đem nhét vào giữa miếng gan lợn đã rạch mở sẵn. Đặt gan lợn trong nồi chưng cách thủy hầm cho chín. Dùng cho các trường hợp viêm thị thần kinh, mờ mắt, giảm thị lực.
Thạch quyết minh cúc hoa cam thảo ẩm:
Thạch quyết minh 12g, cúc hoa 12g, cam thảo 4g. Cho vào ấm pha trà, hãm bằng nước sôi. Uống ngày 2 ấm, cho nước nhiều lần để thay cho nước uống hàng ngày. Dùng cho các trường hợp viêm kết giác mạc cấp, chói mắt sợ ánh sáng.
Ba ba hầm thạch quyết minh:
Ngoài ra, phần thịt (nhuyễn thể) của bào ngư hoặc cửu khổng bào hay ốc xà cừ chín lỗ là hải sản quý trong nhóm bổ âm thanh nhiệt.
Canh bào ngư:
Bào ngư 50g, sò huyết 20g, sơn tra 10g. Bào ngư xào với hành tỏi tới chín, cho sò huyết, sơn tra và nước vào. Nấu kỹ, ăn 1 lần trong ngày. Bổ khí huyết, hạ huyết áp.
Canh bào ngư củ cải:
Bào ngư 50g (hoặc 25g khô), cải củ 100 – 150g. Cải củ rửa sạch, bổ thái miếng, nấu cùng bào ngư. Cho ăn cách ngày. Chữa bệnh đái tháo đường.
- Kiêng kỵ: Người tỳ vị hư hàn hoặc không thuộc chứng bệnh thực nhiệt cấm dùng.