Dược liệu: Thanh Hao Hoa Vàng
- Tên khoa học: Artemisia annua L.
- Tên gọi khác: thanh hao, thảo cao, ngải hoa vàng, ngải si, ngải hôi, ngải mèo, hoàng hoa cao
- Tính vị, quy kinh: vị cay đắng , tính mát, quy kinh can , đởm
- Bộ phận dùng: lá
- Đặc điểm sản phẩm: Lá màu vàng nâu hoặc nâu sẫm, giòn, dễ vụn nát, mùi thơm hắc đặc biệt, vị đắng. Có thể lẫn một ít cành non hoặc ngọn non.
- Phân bố vùng miền:
– Thế giới: Vùng Đông Âu , Bắc Mỹ, Tây Nam Á, Đông Á : Liên Xô , Nhật Bản, Triều Tiên…
– Việt Nam: các huyện ở Lạng Sơn, Cao Bằng , Quảng Ninh, Bắc Giang - Thời gian thu hoạch: mùa hè
I. THÔNG TIN CHI TIẾT – Thanh Hao Hoa Vàng
1. Mô tả thực vật:
Cây thảo, thân có hình trụ tròn, phần trên thường phân nhánh, đường kính 0,2-0,6 cm, dài 30-80 cm. Mặt ngoài màu vàng lục hoặc vàng nâu, thân có rãnh dọc. Thể chất cứng, dễ bẻ gẫy, vết bẻ ngắn. Lá có 3 thuỳ xẻ sâu dạng lông chim, mọc so le, màu lục sẫm, hai mặt lá đều phủ lông ngắn. Vò lá và cành non có mùi thơm đặc biệt
2. Phân bố:
- Thế giới: Vùng Đông Âu , Bắc Mỹ, Tây Nam Á, Đông Á : Liên Xô , Nhật Bản, Triều Tiên…
- Việt Nam: Các huyện ở Lạng Sơn, Cao Bằng , Quảng Ninh, Bắc Giang
3. Bộ phận dùng:
Lá đã phơi hay sấy khô của cây Thanh cao hoa vàng (Artemisia annua L.), họ Cúc (Asteraceae).
4. Thu hái, chế biến và bảo quản:
- Thu hái: Thu hái vào lúc cây sắp ra hoa, tốt nhất là vào mùa hè, khi cây có nhiều lá, cắt phần trên mặt đất
- Chế biến: phơi khô, lắc hoặc đập cho lá rụng, loại bỏ thân cành, lấy lá phơi đến khô hoặc sấy nhẹ đến khô.
- Bảo quản: Để nơi khô, thoáng, tránh mốc, mọt.
5. Mô tả dược liệu Thanh Hao Hoa Vàng
- Lá màu vàng nâu hoặc nâu sẫm, giòn, dễ vụn nát, mùi thơm hắc đặc biệt, vị đắng. Có thể lẫn một ít cành non hoặc ngọn non.
6. Thành phần hóa học Thanh Hao Hoa Vàng
- Trong lá có chứa 0,4-0,6% tinh dầu (trên lá khô hàm ẩm 12-12,5%). Bằng sắc ký khi kết hợp với khối phổ (GC/MS) đã xác định được 35 cấu tử, trong đó các hợp chất hydrocarbon sesquiterpenic như a – cubeben, b – caryophylen, b – farnesen, cadinen, b – cubeben chiếm vào khoảng 14,75%. Ngoài ra còn có các thành phần monoterpenic như cineol (4,08%) và camphor (23,75%).
- Phần trên mặt đất cây Thanh hao hoa vàng có chứa artemisinin (Qinghaosu) là 1 sesquiterpenlacton không có trong tinh dầu, là chất kết tinh, là thành phần có tác dụng sinh học quan trọng trong lá thanh cao, được chiết xuất bằng dung môi hữu cơ. Ngoài ra còn nhiều thành phần khác như: acid artemisinic, Artemisinol, acid artemisic methylester, Acid epoxyartemisic (Acid epoxyarteanuic), Qinghaosu I (Arteanuin A), Qinghaosu II (Arteanuin B), Artemisilacton (Arteanuin F), Qinghaosu III, Qinghaosu IV, Qinghaosu V (Arteanuin E),
7. Phân biệt thật giả:
..chưa có…
8. Công dụng – Tác dụng Thanh Hao Hoa Vàng
Nhân dân thường dùng Thanh hao để trị sốt, vàng da, đổ máu cam, đi ngoài ra máu, mụn nhọt lở ngứa, ăn không ngon, tiêu hoá kém. Người ta dùng lá của cây này làm nguyên liệu chiết xuất artemisinin làm thuốc chống sốt rét. Từ artemisinin bán tổng hợp ra artesunat, dạng viên nén và thuốc tiêm.
9. Cách dùng và liều dùng:
- Ngày dùng 6-12g, dạng thuốc sắc, hoàn tán.
10. Lưu ý, kiêng kị :
..
11. Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Thanh Hao Hoa Vàng
Thanh hao hoa vàng còn được gọi là, thanh cao, thảo cao, ngải si, ngải hôi, ngải đắng. Là loại cây thuộc thảo, gốc hóa gỗ, sống lâu năm. Toàn thân có mùi thơm nhẹ. Lá mọc cách, phiến lá xẻ lông chim 2 lần, thành những dải hẹp, có lông mềm bao phủ. Lá già vàng rồi chết khô, không rụng vì cuống lá rất dai. Mỗi cành nhỏ có 3-7 cụm hoa, mỗi cụm hoa có 25-35 hoa.
Cây thường mọc hoang, người dân thường hái lá non của cây non về luộc hoặc nấu canh ăn thay rau. Bộ phận dùng làm thuốc là lá thanh hao hoa vàng. Thu hoạch vào thời kỳ bắt đầu có nụ là lúc hàm lượng Artemisinin cao nhất là 1,6% trong lá khô, nếu thu lá trên cây còn xanh hàm lượng Artemisinin chỉ có 0,6%. Cây đã nở hoa hàm lượng Artemisinin còn 1%.
- Chữa sốt rét:
Thanh hao hoa vàng tươi 20g, rửa sạch, giã vắt lấy nước, chia ra uống trong ngày hoặc trước khi lên cơn sốt giúp cắt cơn sốt. Hoặc thanh hao hoa vàng khô 12g, tán thành bột, chia ra 2-3 lần uống. Lưu ý, không dùng với nước ấm hoặc nấu vì chất artemisinin (có tác dụng chữa sốt rét) bị phá hoại trong nước đun sôi.
- Trị đau nhức trong xương do nhiệt (nóng trong xương, sốt trong bệnh lao, do cơ thể suy nhược):
Thanh hao hoa vàng, bạch truật, tri mẫu, sơn chi tử nhân, tang bạch bì, miết giáp, hoàng kỳ mỗi vị 10g; hoàng liên 4g, cam thảo, sài hồ, long đởm thảo mỗi vị 7g. Tất cả cho vào ấm đổ 300ml nước, sắc nhỏ lửa chắt lấy nước thuốc, thêm tiếp 200ml nước đun sôi lấy nước cốt, hòa 2 nước thuốc với nhau, chia 3 lần uống trong ngày, 10 ngày một liệu trình.
- Chữa mồ hôi trộm, tiêu hóa kém:
Thanh hao hoa vàng 30g khô, sắc uống ngày 1 tháng, 10 ngày một liệu trình.
- Trị cảm nắng:
Thanh hao hoa vàng, liên kiều, bạch phục linh, bạch biển đậu mỗi vị 10g, dưa hấu tươi 50g, sinh cam thảo, thông thảo mỗi vị 6g, hoạt thạch (tán nhỏ) 12g. Tất cả cho vào ấm đổ 500ml nước, sắc nhỏ lửa còn 350ml, chia 3 lần uống trong ngày, dùng liền 3 – 5 ngày.
- Trị chảy máu cam do nhiệt:
Thanh hao hoa vàng tươi 60g, rửa sạch, giã thêm chút nước, chắt nước thuốc, chia 3 lần uống trong ngày. Dùng liền 10 ngày. Kiêng ăn đồ cay nóng.
Lưu ý: Dùng thuốc sắc không nên sắc lâu, những người dễ tiêu chảy hoặc ra nhiều mồ hôi hạn chế dùng thanh hao hoa vàng. Tốt nhất khi sử dụng nên có sự tư vấn của các thầy thuốc.
II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU:
1. Vi phẫu:
*Phần gân giữa:
- Biểu bì trên và dưới gồm một lớp tế bào xếp đều đặn có tầng cutin mỏng, mang lông che chở và lông tiết. Đám mô dày xếp sát biều bì trên và dưới. Mô mềm vỏ tế bào thành mỏng nhăn nheo. Một số bó libe – gỗ to nằm giữa gân lá gồm: Cung mô cứng úp vào nhau, tế bào mô cứng thành dày hình nhiều cạnh; Cung libe nằm sát cung mô cứng dưới; Bó gỗ hình thoi gồm những mạch gỗ xếp thành dãy nằm giữa cung libe và cung mô cứng trên.
*Phần phiến lá:
- Biểu bì trên và biểu bì dưới gồm một lớp tế bào xếp đều đặn, mang lông che chở và lông tiết. Biểu bì dưới mang lỗ khí. Mô giậu ở cả hai mặt của phiến lá. Trong phần mô khuyết từng quãng có bó libe – gỗ nhỏ.
2. Bột:
- Mảnh biểu bì gồm tế bào thành mỏng mang lỗ khí. Lông che chở hình chữ T, đầu lông đơn bào hình thoi, chân đa bào gồm 2 – 3 tế bào. Một loại lông che chở khác đa bào một dãy, đầu thuôn nhỏ. Lông tiết đầu hai tế bào, chân 1 – 2 dãy tế bào. Mảnh mô mềm. Mảnh mạch vạch, mạch xoắn.
3. Định tính:
- Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
- Bản mỏng: Silica gel G
- Hệ dung môi: Toluen – ethyl acetat (95 : 5)
*Dung dịch thử:
- Lấy 1 g dược liệu cho vào bình dung tích 100 ml, thêm 30 ml ether dầu hỏa (TT), đun sôi hồi lưu trên cách thủy 5 – 10 phút. Để nguội, lọc lấy dịch chiết, cô cách thủy đến khô. Hòa cắn trong 1 ml cloroform (TT), thêm 9 ml ethanol (TT), lắc đều, lọc, được dung dịch thử.
*Dung dịch đối chiếu:
- Dung dịch 0,1% artemisinin chuẩn trong ethanol (TT)
*Cách tiến hành:
- Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 l mỗi dung dịch trên. Triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được 10 cm, lấy bản mỏng ra, để khô ở nhiệt độ phòng, phun thuốc thử (gồm 0,025 g 4-dimethylaminobenzaldehyd trong 5,0 ml acid acetic (TT) và 5,0 ml acid phosphoric 10% (TT)). Sấy bản mỏng ở 110 oC trong 5 phút.
- Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có một vết màu xanh tím cùng màu sắc và giá trị Rf với vết của dung dịch đối chiếu.
4. Định lượng:
- Phương pháp quang phổ hấp thụ tử ngoại (Phụ lục 4.1), kết hợp phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4)
- Bản mỏng: Silica gel G’
- Hệ dung môi: n-Hexan – ethyl acetat (70 : 30)
- Dung dịch thử: Cân chính xác khoảng 1 g dược liệu, chiết với ether dầu hỏa (TT) trong bình soxhlet dung tích 50 ml trên cách thủy trong 6 giờ. Cất thu hồi dung môi lấy cắn. Hòa tan cắn trong 1 ml cloroform (TT) và cho vào bình định mức 10 ml, tráng cốc đựng cắn bàng ethanol (TT) rồi thêm cùng dung môi đến vạch. Lọc qua giấy lọc, bỏ 0,5 – 1 ml dịch lọc đầu, lấy khoảng 2 ml dịch lọc tiếp theo.
- Dung dịch đối chiếu: Cân chính xác 0,010 g artemisinin chuẩn, hòa tan trong 10 ml ethanol (TT) (pha dùng trong ngày)
- Bản mỏng silica gel G (20 x 20 cm) được chia vạch thành 5 băng, chấm lần lượt mỗi băng 0,1 ml các dung dịch thử (băng 1 và 2) và dung dịch đối chiếu (băng 3 và 4), chấm thành vạch dài 2 cm, rộng 0,3 cm; băng 5: làm mẫu trắng.
- Tiến hành sắc ký, sau khi triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được 18 cm, lấy bản mỏng ra, để khô dung môi ngoài không khí trong 1 giờ. Phun nước cất làm ướt bản mỏng, các vết artemisinin chuẩn sẽ xuất hiện màu trắng đục trên sắc ký đồ. Vạch đường ngang ở phía trên và phía dưới vết artemisinin đã được xác định sao cho cách đều hai mép của vết 0,5 – 0,7 cm. Cạo riêng rẽ các vết của dung dịch thử và dung dịch đối chiếu trên từng băng, cạo thêm mẫu silicagel ở vùng không chứa artemisinin làm mẫu trắng. Cho vào mỗi mẫu bột silicagel cạo được nói trên 1 ml ethanol (TT), lắc kỹ. Thêm 9 ml natri hydroxyd 0,05N, lắc kỹ, cho vào tủ ấm 50 oC trong 30 phút. Lấy ra để nguội 15 phút, lọc lấy dịch lọc trong và đo độ hấp thụ của các dung dịch so với dung dịch mẫu trắng ở bước sóng 292 nm. Kết quả đo của mỗi dung dịch thử và dung dịch đối chiếu là giá trị trung bình của 2 lần nhắc lại.
- Hàm lượng phần trăm artemisinin trong dược liệu khô được tính như sau:
Dt: độ hấp thụ của dung dịch thử
Dc: độ hấp thụ của dung dịch đối chiếu
P: khối lượng dược liệu khô (g)
B: độ ẩm của dược liệu (%)
- Hàm lượng artemisinin phải không được thấp hơn 0,7% tính theo dược liệu khô.
5. Các chỉ tiêu đánh giá khác
Độ ẩm (Phụ lục 9.6)
Không quá 13%.
Tro toàn phần (Phụ lục 9.8)
Không quá 6%
Tạp chất (Phụ lục 12.11)
Không quá 2%
Tỉ lệ cành non và ngọn non (Phụ lục 12.11)
Không quá 10%
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
- Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010 Đỗ Tất Lợi,
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
- Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006